Vụ việc doanh nghiệp kinh doanh đa cấp Liên kết Việt gây xôn xao dư luận vừa qua là một đòn giáng mạnh vào niềm tin của khách hàng đối với các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp. Sau Liên Kết Việt, lại có một loạt các công ty kinh doanh đa cấp khác đang được thanh tra, kiểm tra và có lẽ sẽ sớm công khai trong thời gian tới.
Một số thành viên của Liên Kết Việt đã bị bắt và bị khởi tố, chưa biết cuối cùng họ sẽ bị xử lý ra sao nhưng với những thông tin đã được công khai thì rõ ràng LKV đã có quá nhiều hành vi sai phạm có liên quan đến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Và việc công khai các thông tin và diễn biến vụ việc trên các phương tiện thông tin đại chúng là rất cần thiết để cảnh báo và thức tỉnh cho mỗi người dân đang định tham gia và đặt kỳ vọng lớn vào loại hình kinh doanh đa cấp.
Nhưng liệu rằng có phải cứ kinh doanh hay bán hàng đa cấp đều là lừa đảo hay không? Và có phải chúng ta không nên tin vào bất cứ doanh nghiệp hay loại hình kinh doanh đa cấp nào? Có cách nào để nhận diện một doanh nghiệp bán hàng đa cấp hợp pháp hay không hợp pháp? Bài viết này của tôi sẽ phân tích một vài vấn đề pháp lý liên quan đến loại hình kinh doanh đa cấp dành cho những ai đang quan tâm.
Trước tiên phải khẳng định rằng, bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh hoàn toàn hợp pháp và Việt Nam có một hệ thống các văn bản từ trung ương đến các bộ, ngành, địa phương để điều chỉnh hoạt động kinh doanh này. Chỉ cần nhắc đến cụm từ “bán hàng đa cấp” chắc chắn rất nhiều người Việt Nam có thể hình dung và nói ngay được đó là gì. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, “bán hàng đa cấp” được định nghĩa như thế nào, biết được định nghĩa này sẽ phần nào giúp bạn ban đầu hình dung được như thế nào là bán hàng đa cấp hợp pháp
“Bán hàng đa cấp” được quy định tại Khoản 11, Điều 3 Luật cạnh tranh 2004, như sau:
Bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Việc tiếp thị để bán lẻ hàng hóa được thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau;
b) Hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia;
c) Người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị bán hàng của mình và của người tham gia bán hàng đa cấp cấp dưới trong mạng lưới do mình tổ chức và mạng lưới đó được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận.
Như vậy theo quy định thì bán hàng đa cấp là một hình thức “tiếp thị để bán lẻ hàng hóa”, hình thức này là hoàn toàn hợp pháp và chắc cũng không khác nhiều so với hình dung của những người đã nghe và biết đến phương thức này không phải qua quy định của pháp luật.
Ngoài định nghĩa trong luật cạnh tranh, pháp luật Việt Nam còn có một số Nghị định, Thông tư, Quyết định… của Chính phủ, các bộ và UBND quy định và điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp. Hoạt động bán hàng đa cấp mà bạn đang tham gia thực hiện theo cách thức không đúng với quy định của pháp luật rất có thể chính là hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, trá hình với mục đích lừa đảo những người tham gia
Nhưng với số lượng quy định nhiều như vậy và không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để đọc và quen với ngôn ngữ pháp lý của các quy định, thì làm cách nào để nhận biết bán hàng đa cấp bất chính hay hợp pháp. Theo kinh nghiệm và tìm hiểu của tôi, bạn có thể tham khảo những nội dung dưới đây
1. Về quy định của pháp luật, hãy quan tâm tới các quy định sau:
Điều 48 Luật cạnh tranh 2004 về Bán hàng đa cấp bất chính
Cấm doanh nghiệp thực hiện các hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp:
- Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại;
- Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.
Điều 36 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh
Hành vi vi phạm quy định về bán hàng đa cấp
(chỉ trích dẫn những nội dung tôi thấy có thể cần thiết)
Mức phạt | Hành vi vi phạm |
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng | – Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật;
– Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến việc cấp, đổi, thu hồi thẻ thành viên bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; – Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ công bố công khai tại trụ sở và cung cấp cho người có dự định tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp các thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật; – Không thường xuyên giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để bảo đảm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện đúng Quy tắc hoạt động, Chương trình trả thưởng của doanh nghiệp; – Không khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân của người tham gia bán hàng đa cấp để nộp vào ngân sách nhà nước trước khi chi trả hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác cho người tham gia bán hàng đa cấp; – Không quản lý người tham gia bán hàng đa cấp qua hệ thống thẻ thành viên theo quy định của pháp luật; – Không thông báo hoặc thông báo không đúng, không đầy đủ cho người tham gia bán hàng đa cấp những hàng hóa thuộc diện không được doanh nghiệp mua lại trước khi người đó tiến hành mua hàng; – Ký hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp không bằng hình thức văn bản hoặc không bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật. |
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng | – Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ mua lại hàng hóa của người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật;
– Trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trong một năm vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của doanh nghiệp bán hàng đa cấp; – Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ pháp luật quy định khi chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; |
Phạt tiền doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng | – Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
– Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; – Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải trả thêm một khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình; – Hạn chế một cách bất hợp lý quyền phát triển mạng lưới của người tham gia bán hàng đa cấp dưới bất kỳ hình thức nào; – Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; – Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng; – Yêu cầu người tham gia bán hàng đa cấp phải tuyển dụng mới hoặc gia hạn hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với một số lượng nhất định người tham gia bán hàng đa cấp để được quyền hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác; – Yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo liên quan tới các nội dung trong chương trình đào tạo cơ bản phải trả tiền hoặc phí dưới bất kỳ hình thức nào, trừ chi phí hợp lý để mua tài liệu đào tạo; – Ép buộc người tham gia bán hàng đa cấp phải tham gia các hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về các nội dung không thuộc chương trình đào tạo cơ bản của doanh nghiệp; – Yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo về các nội dung không thuộc nội dung cơ bản của chương trình đào tạo phải trả tiền hoặc phí cao hơn mức chi phí hợp lý để thực hiện hoạt động đó; – Thu phí đối với việc cấp, đổi thẻ thành viên cho người tham gia bán hàng đa cấp dưới bất kỳ hình thức nào; – Không cam kết cho người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa và nhận lại khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; – Cản trở người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa theo quy định của pháp luật; – Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, về tính chất, công dụng của hàng hóa, về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; – Duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp; – Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp; |
Hãy để ý xem, liệu mô hình bán hàng đa cấp mà bạn đang hoặc sẽ tham gia có những dấu hiệu vi phạm nào ở trên không, hoặc bạn có đang nghi ngờ có những vi phạm trên hay không. Nếu có, thì rất có thể đó là mô hình đa cấp bất chính hoặc có dấu hiệu lừa đảo.
Về phía Người tham gia bán hàng đa cấp, không phải cứ đăng ký là xong mà người tham gia sẽ được đào tạo một khóa học về bán hàng đa cấp, sau đó được cấp thẻ thành viên.
Ngoài ra, người tham gia bán hàng đa cấp cũng sẽ bị xử phạt nếu vi phạm các quy định trong quá trình hoạt động bán hàng đa cấp, mức vi phạm có thể từ 500.000 đ đến 20.000.000 đ (Trong phạm vi bài viết này tôi không nêu cụ thể, các bạn quan tâm có thể tham khảo Điều 92 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ)
2. Về thực tế, hãy xem những nội dung dưới đây có thể giúp ích cho bạn không
Ai cũng biết rằng, bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh, cũng như bất cứ hình thức kinh doanh nào khác, trước khi bắt đầu bạn nên tìm hiểu kỹ, mục đích trước tiên là để không bị mất tiền oan, thứ hai quan trọng hơn là để kinh doanh lâu dài và hiệu quả. Với mục đích như vậy thì những quy định của pháp luật là chưa đủ, mà bạn cần tìm hiểu rõ và sâu hơn về mô hình kinh doanh đa cấp, chẳng hạn như cách thức tham gia, cách thức tiếp thị, mô hình trả thưởng, đặc biệt là hiện có những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp nào hợp pháp…
Sau khi tìm hiểu, tôi thấy có một trang web có rất nhiều thông tin cơ bản và bổ ích đối với những người đã, đang và có ý định kinh doanh theo hình thức bán hàng đa cấp. Đó là trang web của Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam, trong đó phần Nghiệp vụ có rất nhiều kiến thức có ích, ngoài ra, bạn cũng có thể biết được các thông tin về các khóa đào tạo về bán hàng đa cấp, danh sách những thành viên tham gia khóa đào tạo và được cấp thẻ một cách hợp pháp.
Theo tôi đây là trang web đầy đủ và cơ bản nhất về bán hàng đa cấp mà những ai đang muốn tìm hiểu nên quan tâm.
Một trang web cũng có thể có ích đó là trang của Cục quản lý cạnh tranh, trong đó có phần Trang thông tin quản lý bán hàng đa cấp cũng có nhiều thông tin và kiến thức, đặc biệt có Danh sách Doanh nghiệp bán hàng đa cấp hợp pháp để mọi người có thể nhận diện.
Tuy nhiên dù là Doanh nghiệp có trong danh sách thì đối với những người tham gia, tôi cũng khuyên rằng vẫn cần có một sự cảnh giác và tỉnh táo nhất định, đề phòng trong tương lai nếu không may mô hình đa cấp của doanh nghiệp trở nên không còn hợp pháp nữa.
3. Kết luận
Có thể thấy rằng kinh doanh hay bán hàng đa cấp hoàn toàn không phải một hình thức lừa đảo, mà lỗi chính do những người đã lợi dụng mô hình đó để lừa đảo. Hậu quả của việc làm bất hợp pháp này chính là cứ nghe đến “bán hàng đa cấp” là dường như phần lớn mọi người nghĩ ngay đến “lừa đảo”. Thậm chí một số doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hợp pháp còn tránh nói đến từ này với khách hàng. Đáng buồn (cười) hơn nữa là một số người cứ nghe đến “Thực phẩm chức năng” là nghĩ đến bán hàng đa cấp và suy ra đó cũng là lừa đảo.
Pháp luật Việt Nam cũng không phải là không chặt chẽ hay chưa cụ thể, thậm chí pháp luật đã quy định hẳn một cơ chế giám sát đến tận hoạt động tổ chức hội nghi khách hàng của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp. Nhưng cũng do một bộ phận những người thực thi pháp luật còn quan liêu và chưa tích cực phòng ngừa, ngăn chặn từ đầu. Chỉ khi có hậu quả mới bắt đầu áp dụng các quy định, chế tài để giải quyết.
Nhưng quả thực là mô hình kinh doanh đa cấp là mô hình rất dễ dàng bị lợi dụng và biến tướng. Những người đã tham gia các mô hình đa cấp bất chính, nếu biết mà vẫn cố tình tham gia thì không có gì để nói nhưng nếu không may phát hiện ra mình bị lừa vì ham lợi nhất thời thì nên dừng lại trước khi quá muộn.
Bạn cũng nên hiểu rằng bất cứ cách kinh doanh hay kiếm tiền nào đều phải lao động chăm chỉ trong thời gian dài, cộng thêm với năng lực của bạn, đặc biệt là phải hợp pháp thì mới có được những thành quả tương đối.
Điều quan trọng nhất đó là sản phẩm bạn kinh doanh hay giới thiệu phải thực sự có chất lượng, thực sự tốt, có ích và giá cả hợp lý đối với người tiêu dùng chứ không phải bằng những quảng cáo nói quá, nói sai sự thật về sản phẩm.
Không thể có cách kinh doanh nào hợp pháp mà không cần làm gì, chỉ cần nộp tiền và trong vòng 1 tháng lại có thể kiếm được vài chục hay vài trăm triệu.
Mô hình bán hàng đa cấp cũng vậy thôi, đừng quá hy vọng hay ảo tưởng mà dễ dẫn đến bị lợi dụng. Đừng để đến khi mất tiền, mất nhà thậm chí mất tình thân rồi thì mới ân hận, lúc đó cũng đã muộn rồi.
Cũng mong rằng các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp nghiêm túc sẽ giúp cho “bán hàng đa cấp” sớm lấy lại được “sự hợp pháp” và thiện cảm của mình đối với mọi người, để không còn ai ác cảm với cụm từ “đa cấp” và những người tham gia có thể tự hào đưa thẻ thành viên của mình cho khách hàng mỗi khi làm việc.
Hy vọng bài viết này sẽ phần nào giúp ích cho những ai quan tâm. Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với chúng tôi.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
> Hãy cung cấp địa chỉ email chính xác
> Vui lòng bình luận / đặt câu hỏi bằng tiếng Việt có dấu
> Cố gắng tìm nội dung bạn cần trên Luật NBS trước khi đặt câu hỏi
* Mọi bình luận bằng tiếng Việt không dấu chúng tôi sẽ không phản hồi