Khi bạn nghe tin tức ở đâu đó trên thế giới hay ở Việt Nam có một cuộc đình công, chắc chắn bạn sẽ biết đó là sự việc gì. Việc đình công ở trên thế giới, đặc biệt là những nước tư bản phát triển đó là một việc phổ biến và cũng mang lại khá nhiều lợi ích cho những người lao động.
Còn ở Việt Nam, cũng có những cuộc được gọi là đình công đấy, nhưng phần nhiều lại là những cuộc đình công tự phát và không đúng theo quy định của pháp luật. Những cuộc đình công đó không những không mang lại lợi ích mà còn để lại những hậu quả và thiệt hại cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Vậy như thế nào là một cuộc đình công hợp pháp, và cách thức tổ chức một cuộc đình công hợp pháp ra sao? Bài viết hôm nay tôi sẽ nói về vấn đề này.
Đình công là gì ?
Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
– Khoản 1 Điều 209 Bộ luật Lao động 2012 –
Nếu bạn để ý thì ngay trong khái niệm về đình công cũng đã thể hiện những điều kiện cơ bản để được đình công. Nhưng cụ thể hơn thì hãy xem những nội dung tiếp theo:
Khi nào được đình công ?
Tập thể lao động có quyền bắt đầu tiến hành các thủ tục để đình công khi đáp ứng được 4 điều kiện sau:
1. Có tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
Theo quy định về lao động hiện hành, có 2 loại tranh chấp lao động tập thể, đó là: Tranh chấp lao động tập thể về quyền và Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Chỉ có Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích mới được đình công
- Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là gì?
Đó là tranh chấp lao động phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.
Ví dụ: Yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm so với thỏa thuận trước đây.
2. Đã qua thủ tục hòa giải bởi hòa giải viên lao động và sau đó yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết
Đây là một thủ tục bắt buộc để giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Bài viết này tôi không phân tích sâu về thủ tục này, bởi nó liên quan đến một vấn đề khác và sẽ làm nội dung bài viết dài dòng và không cần thiết. Nhưng về cơ bản, khi tập thể người lao động muốn yêu cầu về lợi ích trong quá trình lao động, mà các bên không tự thương lượng, thỏa thuận và thống nhất được thì sẽ phải qua 2 bước:
- Bước 1: Một hoặc các bên sẽ yêu cầu hòa giải bởi hòa giải viên lao động.
- Bước 2: Trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành theo Bước 1 thì các bên sẽ tiếp tục yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết.
Bạn muốn tổ chức đình công thì buộc phải qua đầy đủ 2 bước này.
3. Đã có biên bản hòa giải của Hội đồng trọng tài lao động
Việc giải quyết ở Hội đồng trọng tài lao động cũng phải tuân theo những trình tự, thủ tục nhất định (Bạn có thể tham khảo Điều 206 – Bộ luật Lao động để biết thêm về thủ tục này). Vậy nên Bạn phải đợi Hội đồng trọng tài lao động giải quyết xong và có kết quả là Biên bản hòa giải của Hội đồng trọng tài lao động. Vậy là bạn đã đáp ứng được thêm một điều kiện nữa để chuẩn bị đình công
4. Đáp ứng điều kiện về thời hạn như sau:
Có đầy đủ 3 điều kiện trên rồi, bạn vẫn chưa được tổ chức đình công ngay lập tức, mà phải đợi đủ thời hạn như sau:
- Sau thời hạn 03 ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành, tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.
- Sau thời hạn 05 ngày kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.
Đó là 4 điều kiện cơ bản để được tổ chức đình công.
Vấn đề tiếp theo cần quan tâm là:
Ai có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công?
Chỉ có 2 chủ thể có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, đó là:
- Ở nơi có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo.
- Ở nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công do Tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo theo đề nghị của người lao động.
Bạn lưu ý nêu cuộc đình công không do 1 trong 2 chủ thể này lãnh đạo, thì đó là cuộc đình công không hợp pháp. Và cũng phải lưu ý chọn chủ thể nào lãnh đạo cho đúng dựa vào quy định trên.
Như vậy, sau khi kiểm tra và thấy đã đáp ứng đủ các yếu tố, điều kiện nêu trên, bạn đã có thể bắt đầu lên phương án tổ chức một cuộc đình công của người lao động.
Trình tự một cuộc đình công
Trình tự tiến hành một cuộc đình công không có gì quá phức tạp, chỉ qua 3 bước sau:
Bước 1. Lấy ý kiến tập thể lao động
Đó là những người sau:
- TH1: Đối với tập thể lao động có tổ chức công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của thành viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở và tổ trưởng các tổ sản xuất.
- TH2: Nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của tổ trưởng các tổ sản xuất hoặc của người lao động.
Việc tổ chức lấy ý kiến có thể thực hiện bằng phiếu hoặc chữ ký.
Nội dung lấy ý kiến để đình công bao gồm:
- Thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công;
- Phạm vi tiến hành đình công;
- Yêu cầu của tập thể lao động;
- Ý kiến của người lao động đồng ý hay không đồng ý đình công.
* Lưu ý: Thời gian, hình thức lấy ý kiến để đình công sẽ do Ban chấp hành công đoàn quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01 ngày. |
Bước 2: Ra quyết định đình công
Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với phương án của Ban chấp hành công đoàn đưa ra thì Ban chấp hành công đoàn ra quyết định đình công bằng văn bản.
Quyết định đình công phải có các nội dung sau đây:
- Kết quả lấy ý kiến đình công;
- Thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công;
- Phạm vi tiến hành đình công;
- Yêu cầu của tập thể lao động;
- Họ tên của người đại diện cho Ban chấp hành công đoàn và địa chỉ liên hệ để giải quyết.
* Lưu ý: Ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, Ban chấp hành công đoàn gửi quyết định đình công cho người sử dụng lao động, đồng thời gửi 01 bản cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, 01 bản cho công đoàn cấp tỉnh. |
Bước 3. Tiến hành đình công
Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động không chấp nhận giải quyết yêu cầu của tập thể lao động thì Ban chấp hành công đoàn tổ chức và lãnh đạo đình công.
Đó là quy trình tổ chức một cuộc đình công hợp pháp. Bộ luật lao động 2012 đã quy định về đình công một rõ ràng hơn và thuận lợi hơn so với bộ luật trước đây, vì vậy đọc quy định bạn có thể thấy nó không quá phức tạp để thực hiện cho đúng.
Theo quan điểm của tôi, yếu tố quan trọng nhất để tổ chức tốt một cuộc đình công, đó là người lãnh đạo cuộc đình công đó. Một người lãnh đạo đình công hiểu biết pháp luật, có năng lực, có tâm, luôn hướng đến lợi ích của người lao động để đưa ra quyết định, được người lao động tin tưởng sẽ là người giúp cho cuộc đình công diễn ra một cách hợp pháp, hòa bình, đạt được lợi ích cho người lao động nhưng vẫn đảm bảo mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Sau khi đã biết và hiểu được quy trình tổ chức một cuộc đình công, nếu bạn có thời gian, hãy tham khảo thêm bài viết: 5 điều cần biết khi tổ chức và tiến hành đình công để có thể tổ chức hoàn thiện một cuộc đình công và dự báo được các tình huống phát sinh cũng như cách giải quyết.
Hy vọng bài viết này sẽ phần nào giúp ích cho những ai đang quan tâm. Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này hoặc liên hệ riêng để được tư vấn.
(Nội dung bài viết có trích dẫn các quy định của Bộ luật lao động về đình công, các bạn có thể dễ dàng tham khảo và tra cứu quy định trên mạng)
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
> Hãy cung cấp địa chỉ email chính xác
> Vui lòng bình luận / đặt câu hỏi bằng tiếng Việt có dấu
> Cố gắng tìm nội dung bạn cần trên Luật NBS trước khi đặt câu hỏi
* Mọi bình luận bằng tiếng Việt không dấu chúng tôi sẽ không phản hồi