Trong bài viết trước tôi đã nói về tiêu chuẩn thế nào là thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vậy thì với rất nhiều tiêu chuẩn đòi hỏi cả hệ thống xét nghiệm như vậy thì căn cứ nào để người tiêu dùng có thể biết được liệu thực phẩm của một cơ sở sản xuất đã đủ điều kiện an toàn theo quy định hay chưa. Đó chính là căn cứ vào Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Gọi tắt là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm).
Trong bài viết này tôi sẽ nói về quy trình cấp Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm để bạn có thể đánh giá xem liệu có Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm thì thực phẩm đã hoàn toàn sạch và an toàn hay chưa.
Đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm:
Việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện đối với từng cơ sở sản xuất, kinh doanh; từng nhà máy sản xuất độc lập tại một địa điểm (gọi tắt là cơ sở), trừ các trường hợp sau:
- Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
- Bán hàng rong;
- Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định.
Như quy định bạn có thể thấy gần như tất cả các cơ sở đều phải cấp Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm trừ 4 đối tượng nêu trên, 4 đối tượng này tuy không phải cấp Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm nhưng sẽ có văn bản quy định riêng.
Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm:
Cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm
- Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Tuy điều kiện để cấp Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm rất ngắn gọn như vậy, nhưng bạn có thể thấy điều kiện số 1 sẽ bao gồm rất nhiều điều kiện khác được quy định trong Luật An toàn thực phẩm. Bạn có thể tham khảo các điều kiện đối với thực phẩm tươi sống tại Đây để thấy được điều kiện về thực phẩm an toàn được quy định khá nhiều và chặt chẽ.
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm:
Gồm có các giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
- Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm:
Với Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm thì thẩm quyền cấp không thuộc về một cơ quan nhà nước, mà tùy từng lĩnh vực sẽ được phân công cho 3 cơ quan sau:
- Bộ Y tế
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Bộ trưởng Bộ Công Thương
Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm:
Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm không phải cấp 1 lần được vĩnh viễn mà chỉ có hiệu lực trong thời gian 03 năm.
Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh.
Thu hồi Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm:
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm, các cơ sở kinh doanh sẽ được kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về các điều kiện về an toàn thực phẩm và sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi không đủ điều kiện theo quy định.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị thu hồi giấy chứng nhận an toàn thực phẩm trong trường hợp:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không hoạt động ngành nghề kinh doanh thực phẩm đã đăng ký.
- Có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển đổi ngành nghề kinh doanh tại cơ sở cũ.
- Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
- Luật An toàn thực phẩm 2010 (có hiệu lực từ 01/7/2011)
- Nghị định 38/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (có hiệu lực từ 11/6/2012)
Như vậy, bạn cũng có thể thấy quy định về Thực phẩm an toàn và cấp Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm của Việt Nam cũng khá chặt chẽ, những quy định mà tôi trích dẫn mới chỉ là quy định trong Luật và Nghị định, để thực hiện trên thực tế sẽ còn có các Thông tư và Quyết định còn chi tiết hơn nữa. Nói vậy để thấy rằng, nếu như Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm được cấp một cách nghiêm túc và đúng quy định thì Việt Nam sẽ khó mà có nạn thực phẩm bẩn!
Tuy nhiên bạn cũng đừng vội mất lòng tin, tôi tin chắc rằng số lượng Giấy chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm được cấp đúng quy định sẽ chiếm đa số và có thể chỉ có một số ít trường hợp cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là chưa đúng quy định. Do đó, với những cơ sở kinh doanh có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết hợp với những thông tin khác về cơ sở đỏ và kinh nghiệm lựa chọn thực phẩm sạch thì bạn có thể yên tâm sử dụng thực phẩm của những cơ sở này.
Bạn có nghĩ rằng các doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nên công khai Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm để khách hàng yên tâm hơn không? Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
> Hãy cung cấp địa chỉ email chính xác
> Vui lòng bình luận / đặt câu hỏi bằng tiếng Việt có dấu
> Cố gắng tìm nội dung bạn cần trên Luật NBS trước khi đặt câu hỏi
* Mọi bình luận bằng tiếng Việt không dấu chúng tôi sẽ không phản hồi