Vấn đề hoãn một phiên toà, trước đây khi đang còn là sinh viên luật, tôi đã được các thầy cô nói đến cũng tương đối nhiều, sau này khi mới đi làm, cũng được nghe các anh chị luật sư kể chyện, được đọc những thông tin và bài viết trên các phương tiện thông tin, nhưng tôi chỉ đọc với tâm lý đọc cho biết chứ không quan tâm nhiều. Chỉ đến khi được thực sự tham gia vào các phiên tòa, tôi mới thực sự thấu hiểu được cảm giác của việc “hoãn phiên tòa”.
Khoảng giữa năm 2014, tôi nhận lời tham gia một vụ kiện hành chính ở một trong những tỉnh khá đông dân của đất nước. Tôi tham gia cùng với một anh luật sư tiền bối, bảo vệ cho người khởi kiện, bắt đầu từ giai đoạn Đơn khởi kiện đã được thụ lý, tạm bỏ qua quá trình người khởi kiện làm các thủ tục để được thụ lý đơn vì việc hoãn phiên tòa chỉ bắt đầu từ quá trình giải quyết vụ kiện ở Tòa án cấp huyện.
Vụ kiện cũng tương đối được quan tâm ở địa bàn huyện vì cũng có nhiều trường hợp tương tự nhưng chưa khởi kiện, vì vậy được rất đông người dân xung quanh quan tâm, cộng thêm việc người khởi kiện thông báo rộng rãi cho anh em, bà con, bạn bè… Tất cả mọi người đều háo hức đợi đến ngày mở phiên tòa.
Sau một quá trình cũng tương đối dài, cuối cùng thì chúng tôi cũng nhận được thông báo ngày mở phiên tòa, trước khi lên đường, anh luật sư tiền bối có nói với tôi: anh nghĩ là hoãn! Tôi cũng không ngạc nhiên lắm vì cũng đã có suy nghĩ vậy rồi, không có nhiều phiên tòa hành chính hay dân sự nào xử được ngay lần đầu tiên. Nhưng tất nhiên dù biết chắc 100% hoãn nhưng luật sư của người khởi kiện vẫn phải đến tham dự bình thường, ngoài việc vì trách nhiệm, thì nếu luật sư vắng mặt cũng là một trong những căn cứ để hoãn phiên tòa. Nói chung là kiểu gì cũng phải đi mới được.
Đến đúng giờ trên thông báo, đến Tòa án tôi thực sự giật mình vì sự đông đúc náo nhiệt ở đây, hôm đó ngoài một vụ hình sự cũng được quan tâm đang xét xử, thì có rất đông người dân đến để xem vụ kiện hành chính mà tôi tham gia, mọi người đứng gần như kín một khoảng sân của Tòa án (do hết phòng xử), bàn tán, bình luận, đưa ra ý kiến rất sôi nổi. Ai cũng mong đợi phán quyết của Tòa án xem như thế nào. Nhưng cuối cùng thì phiên tòa hoãn lần 1 do người bị kiện vắng mặt lần thứ nhất.
Lần thứ 2, tôi lại lên đường với hy vọng (dù không nhiều lắm), phiên tòa sẽ diễn ra suôn sẻ, và đúng là nó đã diễn ra thật. Hôm xử lần 2, người dân đến không đông như lần đầu nhưng cũng ngồi kín phòng xử án khá rộng. Phần mở đầu, thủ tục diễn ra nhanh gọn và suôn sẻ, phần hỏi ban đầu cũng vậy. Nói chung tại phiên tòa, ai cũng thấy người bị kiện khá bị động (có lẽ 1 phần do sức ép của người dân nữa 😛 ). Nhưng cuối cùng sau phần hỏi, phiên tòa lại tiếp tục hoãn lần 2, do Hội đồng xét xử cho rằng thiếu chứng cứ quan trọng trong vụ án.
Lần thứ 3, lên đường với hy vọng nhiều hơn, vì tất cả vấn đề về phía người bị kiện đã được giải quyết và không có lý do hoãn liên quan đến người bị kiện nữa, lần này số người dân đến dự phiên tòa ít hơn hẳn, chỉ còn những người thực sự quan tâm đến vụ kiện. Lần này, thậm chí chưa cần vào đến phần thủ tục và mở đầu, phiên tòa đã bị hoãn lần 3 vì vắng mặt kiểm sát viên.
Bỏ qua các chi tiết cũng như những chuyện “hậu trường”, thì 3 lần hoãn phiên tòa với các lý do trên đều theo đúng quy định của pháp luật. Vậy nên, đến lần 3 mặc dù người dân rất bức xúc và yêu cầu “Luật sư phải làm gì đi chứ!?” nhưng luật sư cũng đành “bó tay” và ngậm ngùi ra về, đợi phiên tòa tiếp theo.
Trước khi tham dự vụ việc trên, không phải tôi chưa từng biết hoãn phiên tòa là như thế nào, nhưng phần lớn những vụ việc đó đều được xét xử ở Hà Nội hoặc gần Hà Nội nên chưa thấy được sự mệt mỏi sau mỗi lần hoãn phiên tòa không như mong muốn. Vụ việc lần đó xét xử ở Tòa án cách Hà Nội vài trăm km, cả đi cả về đã mất gần 1 ngày, vậy nên lúc đó mới thực sự thấu hiểu được nỗi khổ của “hoãn phiên tòa”.
Nhưng thực tế thì không ít lần tôi và các anh chị luật sư đồng nghiệp vì nhiều lý do khác nhau nhưng phần lớn là vì lợi ích khách hàng, cũng đã phải “cố tình” sử dụng quy định hoãn phiên tòa này cho các vụ việc mà mình tham gia.
Vậy nên đã làm luật sư thì ai cũng phải chấp nhận việc đó, coi như là việc đương nhiên và bình thường khi đi tranh tụng thôi.
Nếu quan tâm đến các bài viết của cúng tôi, bạn có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
> Hãy cung cấp địa chỉ email chính xác
> Vui lòng bình luận / đặt câu hỏi bằng tiếng Việt có dấu
> Cố gắng tìm nội dung bạn cần trên Luật NBS trước khi đặt câu hỏi
* Mọi bình luận bằng tiếng Việt không dấu chúng tôi sẽ không phản hồi