Vấn đề hoàn trả chi phí đào tạo là một câu hỏi tư vấn mà chúng tôi nhận được thường xuyên, và tỷ lệ người hỏi là viên chức chiếm đa số. Tuy nhiên, người lao động trong các công ty, doanh nghiệp cũng có thể là đối tượng phải hoàn trả chi phí đào tạo theo quy định.
Việc bồi thường, hoàn trả chi phí đào tạo có sự phân biệt và khác nhau giữa người lao động với viên chức, công chức. Trong bài viết này chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn các quy định liên quan đến việc hoàn trả chi phí đào tạo đối với người lao động trong các công ty, doanh nghiệp mà không phải viên chức và công chức.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
#1. Các hình thức đào tạo
Theo quy định của Bộ luật lao động hiện hành đối với người lao động thì sẽ có 2 hình thức đào tạo đó là:
Hình thức 1: Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc. Thời gian học nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Hình thức 2: Tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc. Thời hạn tập nghề không quá 03 tháng.
Với 2 hình thức nêu trên thì người tham gia cần có các điều kiện sau:
- Đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề.
- Từ đủ 18 tuổi trở lên nếu thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.
Đối với 2 hình thức nêu trên thì người sử dụng lao động có các quyền và nghĩa vụ sau:
- Không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
- Không được thu học phí;
- Phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Hình thức 3: Người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được cử đi đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.
#2. Các loại Hợp đồng đào tạo
Theo quy định của Bộ luật lao động thì có 2 loại Hợp đồng đào tạo, đó là:
(Áp dụng cho Hình thức 1 và Hình thức 2 nêu trên)
Đối với Loại 1 thì Hợp đồng đào tạo phải có các nội dung sau đây:
- a) Tên nghề đào tạo hoặc các kỹ năng nghề đạt được;
- b) Địa điểm đào tạo;
- c) Thời gian hoàn thành khóa học;
- d) Mức học phí và phương thức thanh toán học phí;
- đ) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng;
- e) Thanh lý hợp đồng;
- g) Các thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
- h) Cam kết của người học về thời hạn làm việc cho doanh nghiệp;
- i) Cam kết của doanh nghiệp về việc sử dụng lao động sau khi học xong;
- k) Thỏa thuận về thời gian và mức tiền công cho người học trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp trong thời gian đào tạo.
![]() |
(Áp dụng cho Hình thức 3 nêu trên)
Đối với Loại 2 thì Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- a) Nghề đào tạo;
- b) Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;
- c) Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;
- d) Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
- đ) Trách nhiệm của người sử dụng lao động;
- e) Trách nhiệm của người lao động.
![]() |
#3. Việc hoàn trả Chi phí đào tạo
Trong Bộ luật lao động 2019 (hiện hành) chỉ có Điều 40 nói về nghĩa vụ phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động, đó là khi người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Tham khảo thêm:
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chỉ khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì họ mới phải hoàn trả chi phí đào tạo.
Theo quan điểm của chúng tôi, trường hợp hai bên có ký kết Hợp đồng đào tạo thì cho dù người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng quy định nhưng chưa hoàn thành thời hạn cam kết làm việc sau khi đào tạo thì họ vẫn có thể phải hoàn trả chi phí đào tạo.
Sở dĩ chúng tôi nói “có thể” mà không khẳng định bởi vì việc này sẽ phụ thuộc vào nội dung thỏa thuận cụ thể của các bên trong Hợp đồng đào tạo đã ký kết.
Trường hợp phải bồi thường, hoàn trả chi phí đào tạo thì người lao động sẽ phải thanh toán các khoản sau:
- Các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy;
- Tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành;
- Các chi phí khác hỗ trợ cho người học;
- Tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học;
- Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.
Đó là các chi phí mà người lao động có thể sẽ phải hoàn trả nếu vi phạm trách nhiệm hoàn trả chi phí được quy định trong Hợp đồng đào tạo ký kết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức chi phí này có thể tăng hay giảm tùy thuộc vào sự thương lượng và thỏa thuận đạt được giữa hai bên.
Một số doanh nghiệp còn quy định điều khoản phạt với mức phạt gấp 2, 3 lần chi phí đào tạo nếu người lao động vi phạm cam kết. Việc này có được chấp nhận hay không sẽ phụ thuộc vào nội dung thỏa thuận cụ thể của các bên và thậm chí là phán quyết của tòa án nếu như các bên không thống nhất được cách giải quyết.
Quy định pháp luật áp dụng:
Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với Luật NBS để được tư vấn và giải đáp.
Nếu bạn yêu thích đọc sách, bạn có thể chia sẻ, bình luận những cuốn Sách Hay với chúng tôi tại ĐÂY
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Anh H vào làm việc cho công ty X từ năm 2010 với HĐLĐ không xác định thời hạn.Năm 2013, anh được công ty cử đi học ở Hàn Quốc thời hạn 1 năm (tổng chi phí là 30.000USD) với cam kết sau khi học xong sẽ làm việc cho công ty ít nhất 5 năm.Sau khi học xong trở về nước, anh tiếp tục làm việc cho công ty. Ngày 10/6/2015 anh gửi đơn thông báo cho công ty vs nội dung anh sẽ chấm dứt HĐLĐ vào ngày 10/8/2015. Mặc dù công ty ko đồng ý nhưng ngày 10/8/2015 anh vẫn chấm dứt HĐLĐ. Trước tình trạng đó công ty X muốn anh H phải bồi thường chi phí đào tạo.
Câu hỏi:
Bằng kiến thức đã được học, hãy thực hiện các bước để tư vấn cho anh H.
Soạn thảo thư tư vấn cho anh H
Thưa luật sư tôi có một bài tập tình huống như trên mong luật sư giúp tôi.
Bạn vui lòng đọc kỹ nhé, chúng tôi chỉ giải đáp câu hỏi thực tế, không trả lời bài tập hay tình huống lý thuyết.