Ngày đầu năm mới, nói chuyện khởi nghiệp có lẽ là khá phù hợp. Khởi nghiệp (Startup) là một xu thế đang phát triển của các bạn trẻ (và cả các bạn không trẻ) ở Việt Nam. Có rất nhiều hình thức khởi nghiệp nhưng có lẽ phổ biến nhất và là điều mà các bạn khởi nghiệp nghĩ đến đầu tiên đó là mở công ty hay thành lập doanh nghiệp. Và khi đã quyết định khởi nghiệp bằng việc mở công ty, doanh nghiệp thì điều mà nhiều bạn băn khoăn đó là nên thành lập công ty, doanh nghiệp loại hình nào. Bài viết hôm nay tôi sẽ cung cấp cho các bạn chuẩn bị khởi nghiệp một số tư vấn pháp lý để các bạn có thể tham khảo và quyết định mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo pháp luật về doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là Luật Doanh nghiệp 2014 (có hiệu lực từ /1/7/2015) thì có 4 loại hình doanh nghiệp mà các Startup có thể bắt đầu đó là:
1. Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH), gồm có:
- Công ty TNHH một thành viên
- Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
2. Công ty Cổ phần (CP)
3. Công ty hợp danh
4. Doanh nghiệp tư nhân (DNTN)
Tiếp theo sẽ là bảng so sánh các loại hình doanh nghiệp với các tiêu chí mà các doanh nghiệp khởi nghiệp quan tâm:
TT | Tiêu chí | TNHH | CP | Hợp danh | DNTN | ||
1 TV | 2 TV+ | ||||||
1. | Số lượng thành viên | 01 | Từ 02 đến 50 | >= 03 | TV Hợp danh: >=02
TV góp vốn: Không hạn chế |
01 | |
2. | Loại thành viên | Cá nhân, tổ chức | Cá nhân, tổ chức | Cá nhân
|
Cá nhân | ||
3. | Phạm vi trách nhiệm
|
Trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp | Trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp | Thành viên hợp danh: chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình
Thành viên góp vốn: Trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
|
Chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp | ||
4. | Hạn chế với chức danh quản lý | Không hạn chế | Không hạn chế | Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại | Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.
Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. |
||
5. | Cơ cấu tổ chức | TNHH Một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
MH1: Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên; MH2: Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên. |
Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty |
Lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác:
MH1: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát; |
Không có quy định bắt buộc | Không có quy định bắt buộc | |
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. | MH2: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị.
Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty. |
||||||
6. | Phát hành cổ phần | Không được | Được | Không được | Không được |
Nhìn vào Tiêu chí 3 – Phạm vi trách nhiệm, bạn có thể thấy ngay được ưu điểm của 2 loại hình Công ty CP và Công ty TNHH so với Công ty Hợp danh và DNTN, đó là bạn chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn góp vào Công ty, trong khi nếu như bạn lựa chọn loại hình Công ty hợp danh hoặc DNTN, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình, kể cả tài sản riêng của bạn.
Theo tôi đó là một ưu điểm lớn và quan trọng đối với những bạn mới khởi nghiệp. Bởi vì khi khởi nghiệp, chắc chắn bạn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách thậm chí thất bại. Vậy nên nếu không may lần chưa thành công mà có rủi ro về tài chính, tài sản…mà bạn lựa chọn không đúng loại hình doanh nghiệp khi thành lập thì có thể bạn sẽ phải mất cả tài sản riêng của mình, trong khi bạn đang cần vốn để xây dựng và bắt đầu lại
Chưa kể Tiêu chí 2 – Loại thành viên và Tiêu chí 4 – Hạn chế đối với chức danh quản lý thì bạn có thể thấy Công ty CP và Công ty TNHH ưu việt hơn hẳn 2 loại hình doanh nghiệp còn lại. Bạn thử nghĩ xem bạn sẽ mất nhiều cơ hội hợp tác, thu hút vốn đầu tư như thế nào nếu trong quá trình hoạt động có một doanh nghiệp khác muốn đầu tư, góp vốn vào Công ty của bạn nhưng mô hình doanh nghiệp hiện tại của bạn lại không cho phép việc này.
Như vậy, khi khởi nghiệp (Startup), bạn nên lựa chọn mô hình doanh nghiệp Công ty CP hoặc Công ty TNHH là ưu việt hơn cả
Còn để lựa chọn giữa 2 loại hình Công ty này thì sao? Loại hình nào là tốt nhất? Theo tôi đó chính là mô hình Công ty TNHH. Vì những lý do sau:
1. Số lượng thành viên ban đầu có thể từ 1 đến 50
Trong khi đó Công ty CP tối thiểu phải có 03 cổ đông sáng lập trở lên. Nếu như kế hoạch của bạn chỉ có 2 thành viên khởi nghiệp hoặc tự làm 1 mình thì lựa chọn tối ưu cho bạn là thành lập Công ty TNHH. Bạn không nên cố “rủ” thêm 1 hoặc 2 người nữa cùng làm để thành lập Công ty CP. Còn thì chắc hẳn không có doanh nghiệp khởi nghiệp nào mà ban đầu đã đăng ký tận hơn 50 thành viên sáng lập.
2. Cơ cấu tổ chức và quản lý đơn giản và ít sự ràng buộc hơn so với Công ty CP
Như bạn thấy tại Tiêu chí 5 – Cơ cấu tổ chức, Công ty CP có nhiều yêu cầu cụ thể và nhiều điều kiện bắt buộc hơn, chẳng hạn yêu cầu về Ban kiểm soát, thành viên Hội đồng quản trị. Khi bạn thành lập phải hết sức lưu ý điều này để chuẩn bị nhân sự cũng như việc quản lý doanh nghiệp sau này.
3. Quy định về chuyển nhượng vốn đơn giản, có sự khép kín, mang tính nội bộ nhất định
Nếu như Công ty CP chỉ quy định thời gian hạn chế chuyển nhượng là 03 năm đối với cổ đông sáng lập, sau đó cổ đông sáng lập có thể chuyển nhượng tự do cổ phần của mình, thì đối với Công ty TNHH nếu thành viên muốn chuyển nhượng vốn dù ở bất cứ thời gian nào cũng luôn có những quy định phải ưu tiên chào bán và chuyển nhượng cho thành viên công ty, sau khi thành viên công ty chấp nhận hoặc không mua mới có thể chuyển nhượng cho người khác.
Như vậy với Công ty TNHH, bạn có thể phần nào kiểm soát được thành viên gia nhập Công ty. Hạn chế được tối đa việc có thành viên mình không mong muốn lại nắm giữ một phần vốn lớn, có quyền quyết định trong Công ty. Đặc biệt trong trường hợp không may có mâu thuẫn giữa các thành viên của Công ty thì bạn vẫn có thể giữ lại hoặc quản lý được vốn theo mong muốn.
Ngoài ra, nếu như bạn thành lập Công ty Cổ phần, bạn sẽ phải tuân theo một số quy định mà bạn có thể thấy hơi phức tạp như: Công bố thông tin doanh nghiệp, nộp báo cáo tài chính, đặc biệt là phải tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên. Thủ tục tổ chức Đại hội đồng cổ đông cũng phức tạp hơn Họp Hội đồng thành viên của Công ty TNHH.
Thủ tục thành lập doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) thật ra rất đơn giản, bạn chỉ cần điền theo mẫu, làm theo hướng dẫn, nộp hồ sơ và đợi kết quả. Nếu bạn không muốn mất thời gian tự làm thì chỉ cần bỏ ra khoảng từ 1.500.000đ đến 2.000.000đ thuê dịch vụ là họ sẽ làm từ đầu đến lúc ra Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và con dấu cho bạn. Bạn chỉ việc trả tiền và ngồi đợi lấy kết quả mà thôi. Chính vì vậy mà thực tế có rất nhiều bạn cho rằng mình cứ thành lập được ra doanh nghiệp, công ty cái đã, còn các vấn đề khác tính sau.
Trước đây hồi mới ra trường, tôi cũng từng có thời gian làm đăng ký kinh doanh như vậy, sau này khi đã có nhiều kinh nghiệm hơn và đã lấy thẻ luật sư thì tôi không còn làm nữa, mà chỉ tư vấn chuyên sâu về quản lý nội bộ doanh nghiệp. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng việc tư vấn trước một cách chi tiết cho doanh nghiệp về cơ cấu quản lý là rất quan trọng để họ có thể căn cứ vào thực tế khởi nghiệp của họ để quyết định lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào.
Đây là điều rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp sau này, vì vậy bạn đừng nên xem nhẹ mà hãy cân nhắc kỹ càng nhé.
Sau tất cả những phân tích và lý do trên, lời khuyên của tôi dành cho bạn là:
Khi khởi nghiệp (Startup) bạn nên chọn mô hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn |
Tuy vậy, với mô hình quản lý mở và tương đối linh hoạt của Công ty Cổ phần, thì có thể đến một giai đoạn nào đó, bạn thấy rằng Công ty của mình phù hợp với mô hình Công ty CP hơn. Lúc đó bạn cũng không phải băn khoăn về điều này bởi Luật Doanh nghiệp có quy định cho bạn có thể chuyển đổi loại hình Công ty TNHH thành Công ty CP một cách thuận lợi và đơn giản mà không hề làm xáo trộn hay ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty bạn.
Bạn có phải người đang chuẩn bị khởi nghiệp không? Và có băn khoăn nào trong việc thành lập mô hình công ty khởi nghiệp? Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này hoặc liên hệ riêng để được tư vấn.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Chúc các bạn một năm mới thật nhiều niềm vui, hạnh phúc và thành công!
Em xin chào Luật NBS ạ,
Cho phép em có câu hỏi là ở Việt Nam có được phép thành lập công ty chế tạo và phóng tên lửa vũ trụ tư nhân như là SpaceX của Elon Musk không ạ
Em xin chân thành cảm ơn
Được bạn nhé, mã ngành 3030
Bạn xem cụ thể tại văn bản: Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
Chào bạn. Tôi cũng đang muốn thành lập cty TNHH nhưng TNHH 1 thành viên hay TNHH 2 thành viên sẽ có ưu điểm hơn. Chân thành cảm ơn!
Nếu bạn làm một mình thì bạn thành lập TNHH 1 thành viên sẽ thuận lợi hơn. Còn nếu bạn hợp tác với người khác nữa thì bạn có thể thành lập TNHH 2 thành viên trở lên.
Về cơ bản thì cùng 1 loại hình sẽ có những điểm tương tự nhau và sau này bàn có thể chuyển đổi loại hình bất cứ lúc nào bạn muốn.
Chào Luật sư!
Tôi đang công tác tại Ngân hàng, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, Ngày 23/01/2017 tôi có gửi đơn xin nghỉ việc tại phòng nhân sự nhưng không được xác nhận, và tôi đã đến bưu điện gần nhất gửi đơn cùng ngày 23/01/2017, sau đó tôi có nhận lại giấy báo phát, trong giấy báo phát ghi ngày bên ngân hàng nhận là ngày 24/01/2017. Vậy Luật sư cho tôi hỏi:
1/ Ngày hiệu lực của đơn xin nghỉ việc là ngày 23/01/2017 hay ngày 24/01/2017 ạ?
2/ Nếu ngày hiệu lực là ngày 23/01/2017 thì ngày tôi chính thức nghỉ việc là ngày 09/03/2017 phải không? còn nếu ngày hiệu lực là ngày 24/01/2017 thì ngày tôi chính thức nghỉ việc là ngày 10/03/2017 phải không? Khi nghỉ việc như vậy tôi không cần sự đồng ý của người sử dụng lao động đúng không ạ?
3/ Tôi bắt đầu công tác tại ngân hàng vào tháng 01/2010, vậy khi nghỉ việc tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không ạ? Nếu có tôi cần phải làm gì, và nhận tiền ở đâu ạ?
Rất mong nhận được sự phản hồi sớm!
Chân thành cám ơn!
Chào bạn,
Tôi xin trả lời các câu hỏi của bạn như sau:
1. Thực ra nếu bạn làm đúng quy định của Ngân hàng bạn về việc xin nghỉ, thì dù phòng nhân sự không xác nhận, bạn cũng vẫn được coi là đã nộp đơn xin nghỉ việc ngày 23/01/2017. Tuy nhiên nếu xét về mặt chứng cứ, thì có thể ngày 23/01/2017 bạn không đủ chứng cứ xác thực để chứng minh trong trường hợp Ngân hàng nói không nhận được đơn. Vậy nên phương án an toàn hơn là bạn nên lựa chọn ngày xin nghỉ việc là 24/01/2017 (đã có giấy báo phát).
Lưu ý là bạn cần xem lại quy định của Ngân hàng về quy trình xin nghỉ việc nhé.
2. Nếu ngày hiệu lực là 24/01/2017 thì ngày bạn chính thức đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng là ngày 10/3/2017 như bạn nói. Trường hợp của bạn là đơn phương chấm dứt HĐLĐ không xác định thời hạn nên chỉ cần báo trước 45 ngày và không cần sự đồng ý của người sử dụng lao động. (Nếu NSDLĐ đồng ý thì không còn gọi là đơn phương nữa)
Bạn tham khảo thêm bài viết: Xin nghỉ việc nhưng chưa được chấp nhận – Bạn nên làm gì?
Và lưu ý về cam kết / hợp đồng đào tạo (nếu có) nhé
3. Bạn sẽ được hưởng Trợ cấp thất nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và Ngân hàng nơi bạn đang làm việc có đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho bạn.
Về quy định và điều kiện cũng tương đối dài, vậy nên để cho bạn dễ hiểu, tôi tóm tắt quy định về Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Điều 49 Luật việc làm 2013 (có hiệu lực từ 01/01/2015) như sau:
Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đúng pháp luật.
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp đặc biệt theo quy định.
Theo tôi, bạn vẫn nên đọc các quy định cụ thể bắt đầu từ Điều 41 của Luật việc làm 2013 để biết được chính xác trường hợp của mình. Quy định cũng rất rõ ràng và dễ hiểu.
Nếu bạn thấy rằng đã đủ điều kiện, hoặc thậm chí cũng không chắc chắn lắm về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp của mình, bạn vẫn có thể đến Trung tâm dịch vụ việc làm tại tỉnh/thành phố nơi bạn đang làm việc để yêu cầu họ hướng dẫn các thủ tục và quy định.
Bạn lưu ý là trung tâm dịch vụ việc làm cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập, không phải là các Trung tâm giới thiệu việc làm của tư nhân nhé.
Bạn có thể tham khảo 2 trung tâm như vậy ở Hà Nội theo đường link dưới đây:
– Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội
– Trung tâm dịch vụ việc làm số 2 Hà Nội
Chúc bạn may mắn và thành công!
Thân mến!
không thấy nói đến vốn điều lệ cần khai báo khi thành lập công ty nhỉ 😮
À nếu mà không đăng ký kinh doanh ngành nghề có điều kiện bắt buộc về vốn pháp định như: kinh doanh bất động sản, ngân hàng, kiểm toán… thì doanh nghiệp, công ty được thoải mái đăng ký vốn điều lệ theo khả năng nhé.