Chắc hẳn kiện vượt cấp là từ ngữ không còn xa lạ với nhiều người dân Việt Nam, kể cả những người chưa từng phải đi kiện lần nào. Kiện vượt cấp xảy ra phổ biến hơn đối với các vụ việc, vụ án hành chính, liên quan đến các cơ quan hành chính nhà nước.
Vậy kiện vượt cấp nếu đối chiếu thực tế với các quy định của pháp luật, nên hiểu đó là như thế nào?
Kiện vượt cấp thực ra chính là việc chủ thể khiếu nại chưa đúng người có thẩm quyền giải quyết. “Kiện” nếu xét theo từ ngữ dùng trong các văn bản quy phạm pháp luật, thường được hiểu là việc chủ thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền, thông thường việc khởi kiện ra Tòa án, ngoài việc quy định khá rõ ràng vế thẩm quyền trong Bộ luật Tố tụng dân sự, thì nếu như chủ thể khởi kiện nộp đơn lên Tòa án không đúng thẩm quyền, thì Tòa án sẽ hướng dẫn người khởi kiện ngay khi họ nộp đơn. Thêm vào đó, cũng do tính chất và đặc thù của việc khởi kiện ra Tòa án nên không có nhiều trường hợp được cho là kiện vượt cấp. Vì vậy, kiện vượt cấp có thể gọi một cách chính xác hơn là “khiếu nại vượt cấp”.
Theo quy định tại Luật khiếu nại, tố cáo 2011 thì:
Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại.
Người bị khiếu nại là cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại.
Người giải quyết khiếu nại là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập đến việc khiếu nại của công dân đối với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.
Khiếu nại vượt cấp, sẽ liên quan chủ yếu đến 2 chủ thể, đó là Người khiếu nại và Người giải quyết khiếu nại. Để cho dễ hiểu hơn, tôi sẽ lấy ví dụ:
Ông A và ông B đang có tranh chấp một thửa đất tại quận X, thành phố Y, thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường gọi là sổ đỏ). Khi tranh chấp chưa được 2 bên giải quyết, UBND Quận X đã có Quyết định giao thửa đất đó cho ông B quản lý, sử dụng. Ông A cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm nên đã khiếu nại Quyết định giao đất của UBND Quận X.
Như vậy trong ví dụ trên, ông A chính là Người khiếu nại, UBND Quận X chính là người bị khiếu nại. Còn ai là người giải quyết khiếu nại, đó chính là câu trả lời cho câu hỏi có việc khiếu nại vượt cấp hay không.
Câu trả lời nằm ở Khoản 1 Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 về Trình tự khiếu nại, cụ thể như sau:
Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Như vậy có thể thấy rằng, đối với quyền khởi kiện ra Tòa án, người khiếu nại có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Nhưng thông thường, vì một số lý do khác nhau, người khiếu nại sẽ chưa thực hiện việc khởi kiện ngay từ lần đầu, mà đa số họ sẽ chọn hình thức khiếu nại. Và nếu ngay từ lần đầu, người khiếu nại đã gửi đơn khiếu nại cho Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc cấp trên cao hơn nữa thì đó được coi là khiếu nại vượt cấp hay chính là “kiện vượt cấp” mà mọi người vẫn thường nhắc đến.
Quay trở lại ví dụ trên:
- Người giải quyết khiếu nại lần 1 của ông A chính là: UBND Quận X
- Người giải quyết khiếu nại lần 2 của ông A chính là: UBND thành phố Y
Vậy nên nếu như ông A khiếu nại lần 1 đến Chủ tịch UBND thành phố Y thì đó chính là khiếu nại vượt cấp.
Trường hợp ông A khiếu nại lần 1 đến Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Thủ tướng chính phủ, đó cũng có thể coi là khiếu nại vượt cấp.
Hy vọng bài viết này sẽ phần nào giúp cho các bạn hình dung được về cơ bản như thế nào là “kiện vượt cấp” hoặc “khiếu nại vượt cấp”. Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với chúng tôi.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
- Bạn có thể xem tiếp: Giải pháp khi có ý định kiện vượt cấp
tôi là đảng viên, tôi muốn hỏi luật sư đơn đề nghị được gửi nhiều cấp cùng một thời điểm thì có vi phạm pháp luật không? nếu không vi phạm và có vi phạm thì theo điều lệ nào của đảng, nếu vi phạm thì phải lí luận với thanh tra làm sao để không bị ảnh hưởng?
Chào bạn, nếu theo quy định của pháp luật thì việc bạn nộp đơn nhiều cấp hay vượt cấp cùng thời điểm không vi phạm pháp luật nhé. Còn về quy định của Đảng thì rất xin lỗi bạn là tôi không được biết vì không nằm trong quy định của pháp luật vì vậy tôi cũng chưa bao giờ đọc, nghiên cứu hay tìm hiểu về điều lệ đảng và các quy định của đảng.
Qui chế thi đua 1 trường học có nội dung: “Khiếu kiện vượt cấp thì xét không hoàn thành nhiệm vụ”. Như vậy là phạm hay hợp pháp? Pháp nào? Đã thực hiện 1 số năm. Nhưng sau đó có 1 trường hợp bị thanh tra huyện yêu cầu bãi bỏ và phục hồi thi đua. Nhưng xét cho kỹ thì khiếu nại vượt cấp cũng là hành vi sai. Vậy làm thế nào cho đúng. Phản bác lại thanh tra huyện thế nào? Cảm ơn luật sư trước!!!
Khiếu nại vượt cấp là hành vi không phù hợp với các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo nhưng không phải là hành vi bị pháp luật cấm. Khi một người khiếu nại vượt cấp thì họ sẽ được trả lời và hướng dẫn để về đúng cấp mà không bị phạt hay bị các chế tài nào khác. Do đó đây không được coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Trường hợp này nếu muốn tìm cách giải thích với thành tra huyện thì cần tìm và xem xét trong các tiêu chí như thế nào là hoàn thành nhiệm vụ / không hoàn thành nhiệm vụ để xác định.
Khiếu kiện vs khiếu nại là một hả ls
Khiếu kiện đông người kéo dài là gì ls
Giúp mih vs
Khiếu nại và Khởi kiện là 2 khái niệm và hành vi pháp lý khác nhau bạn nhé. Khiếu kiện chỉ là ngôn ngữ thông dụng trước đây thôi, không có trong định nghĩa của các VBPL có hiệu lực hiện hành.
Vậy nên có thể hiểu khiếu kiện đông người là hành vi nhiều người cùng khiếu nại hoặc khởi kiện một quyết định / hành vi hành chính của một chủ thể nào đó.
Khiếu nại có phải là khiếu kjen ko ls