Phần 1 – Các quy định pháp luật
Bạn còn nhớ vụ chai nước numberone có ruồi hay Tân Hiệp Phát vs anh Vũ Văn Minh không? Tóm tắt một cách ngắn gọn nhất đó là anh Minh đã thấy một chai Numberone (của Tập đoàn Tân Hiệp Phát) có ruồi ở bên trong và yêu cầu Tân Hiệp Phát bồi thường 500 triệu. Vụ án có nhiều tình tiết khá phức tạp và gây nhiều tranh cãi, nếu bạn quan tâm có thể tìm hiểu trên mạng và tôi cũng đã có 2 bài viết liên quan đến vấn đề này
Trong vụ án đó, anh Minh đã bị Tòa sơ thẩm kết án 7 năm tù, tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án và tôi không rõ các luật sư của anh Minh có tiếp tục kiến nghị lên Giám đốc thẩm / Tái thẩm lên Tòa án tối cao hay không. Tuy nhiên, bản án như vậy quả thực là một điều rất đau lòng và đáng tiếc.
Vậy nếu như không may gặp thực phẩm bẩn, thực phẩm có dị vật và một số loại thực phẩm bất thường khác, bạn nên làm như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình một cách hợp pháp và tránh những hậu quả đáng tiếc như trường hợp của anh Minh nói trên? Bài viết hôm nay tôi sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về vấn đề này.
Trước tiên phải nói rằng loại thực phẩm được coi là thực phẩm bẩn rất đa dạng, đó có thể là một chai nước có dị vật, một hộp sữa bị phồng, một miếng thịt có màu lạ, hoặc một gói bánh, kẹo bị mốc… nhưng đều có đặc điểm chung là khi bạn mua về, mở ra hoặc để một thời gian ngắn (chưa hết hạn sử dụng) mới biết và thấy được.
Bất cứ ai gặp phải trường hợp như vậy cũng sẽ rất bực mình, đa số mọi người đều muốn mang đến nơi bán hàng phản ánh và đổi lại hàng. Cách xử lý của những người bán cũng rất đa dạng, họ có thể xin lỗi, đổi lại hàng cho bạn, cũng có thể hoàn tiền cho bạn, thậm chí bồi thường thêm cho bạn một khoản để giữ uy tín và thương hiệu.
Ngoài những cách giải quyết nêu trên, trong một số trường hợp bạn còn có thể nhận được khoản bồi thường tổn thất về tinh thần nữa
Đó là trường hợp bạn mới chỉ nhìn thấy và kịp phát hiện thực phẩm bẩn và may mắn chưa ăn / uống. Còn có những trường hợp thực phẩm bẩn không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng khi ăn vào bạn có thể thấy ngay những triệu trứng thường gọi là ngộ độc thức ăn. Những trường hợp này khó xác định hơn bởi vì trong 1 ngày bạn ăn khá nhiều thứ và bạn chỉ có thể đoán được chứ không khẳng định chắc chắn mình bị ngộ độc là do loại thực phẩm nào.
Khi gặp những trường hợp như vậy, nếu chỉ bị nhẹ như đau bụng, tiêu chảy thì thường mọi người tự chữa bằng cách uống Berberin, sau đó sẽ không ăn và không mua đồ ở quán ăn hay cửa hàng đó nữa. Nếu bị ngộ độc nặng và phải đi bệnh viện thì các bác sỹ sẽ chẩn đoán, xét nghiệm và biết được bạn đã ăn loại thực phẩm nào và nguồn gốc của viêc ngộ độc là do loại thức ăn nào. Khi đó bạn mới có đủ căn cứ để yêu cầu bồi thường.
- Bạn có thể tham khảo một án lệ rất nổi tiếng của thế giới về việc này: Con ốc sên Paisley (Snail in the bottle) hay Donoghue v Stevenson
Vậy bạn nên làm gì khi gặp thực phẩm bẩn nhưng chưa hài lòng với cách giải quyết của người bán và muốn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình?
Để biết mình nên làm gì, trước tiên bạn cần biết các quy định và chế tài xử lý đối với người bán thực phẩm bẩn là như thế nào đã. Các quy định bạn cần quan tâm đó là:
1. Quy định về Xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm
Những quy định này nằm trong Nghị định số 178/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (có hiệu lực từ 31/12/2013)
Có rất nhiều hành vi vi phạm bị xử phạt, vì vậy tôi chỉ trích dẫn ví dụ một vài quy định và hành vi bị xử phạt để bạn tham khảo và hình dung được phần nào về cách điều chỉnh của luật
Trước tiên đó là quy định có thể nói là một số nguyên tắc cơ bản của việc xử phạt an toàn thực phẩm tại Điều 4 Nghị định 178
Điều 4. Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân, tổ chức
1. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất của khung tiền phạt theo quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 5; Khoản 6 Điều 6; Khoản 3 Điều 7; Điểm d và Điểm đ Khoản 5, các điểm b, c và d Khoản 6 Điều 16; Khoản 4 Điều 26 Nghị định này mà vẫn còn thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm (đối với cá nhân vi phạm) hoặc thấp hơn 07 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm (đối với tổ chức vi phạm) thì mức phạt được áp dụng bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với cá nhân hoặc 07 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với tổ chức.
3. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
4. Thẩm quyền xử phạt tiền của các chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.
Mức phạt như trên theo tôi là không cao, trừ một số hành vi vi phạm đặc biệt như nội dung của khoản 2 nêu trên (chẳng hạn tại khoản 6, điều 6 Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại)
Tình trạng thực phẩm bẩn ngày càng tin vi và phức tạp, nhiều cá nhân tổ chức sẵn sàng nộp phạt vì họ cho rằng số tiền phạt vẫn không “thấm vào đâu” so với lợi nhuận mà họ kiếm được từ việc kinh doanh thực phẩm bẩn. Vì vậy nếu muốn hạn chế nạn thực phẩm bẩn, có lẽ trong thời gian tới Chính phủ cần ban hành Nghị định thay thế với mức phạt cao hơn nữa để có hiệu quả và tác dụng ngăn chặn cao hơn.
Tiếp theo là một số mức phạt đối với những hành vi vi phạm khá phổ biến trên thực tế. Bảng dưới đây chỉ là ví dụ một số hành vi vi phạm.
Nếu bạn muốn biết toàn bộ quy định, bạn có thể xem tại Nghị định số 178/2013/NĐ-CP (tải về)
Quy định | Hành vi vi phạm | Mức phạt |
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật tươi sống sử dụng làm thực phẩm
(Điều 17 Nghị định 178) |
Kinh doanh sản phẩm của động vật được tiêm phòng vắc xin chưa đủ thời gian theo quy định;
Kinh doanh sản phẩm của động vật đã được sử dụng thuốc thú y chưa đủ thời gian ngừng thuốc cần thiết theo hướng dẫn của nhà sản xuất. |
Phạt tiền bằng 80% đến 100% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt tối đa không vượt quá 100.000.000 đồng. |
Kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ôi thiu, biến đổi màu sắc, mùi vị
|
Phạt tiền bằng 100% đến 120% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt tối đa không vượt quá 100.000.000 đồng
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm |
|
Kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị đưa thêm tạp chất nhưng chưa ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm. | Phạt tiền bằng 100% đến 120% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt tối đa không vượt quá 100.000.000 đồng | |
Kinh doanh sản phẩm động vật tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc có chất tồn dư quá giới hạn cho phép | Phạt tiền bằng 120% đến 150% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt tối đa không vượt quá 100.000.000 đồng. | |
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến
(Điều 19 Nghị định 178)
|
Không có biện pháp để bảo đảm cho thực phẩm không bị hỏng, mốc, tiếp xúc với côn trùng, động vật, bụi bẩn và các yếu tố gây ô nhiễm khác; Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy thực phẩm bị hỏng, mốc, ô nhiễm
|
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy thực phẩm bị hỏng, mốc, ô nhiễm |
Không có thông tin về xuất xứ và ngày sản xuất của thực phẩm. | Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng | |
Không tuân thủ các điều kiện về bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm theo quy định;
Không bảo đảm và duy trì vệ sinh nơi kinh doanh; Không bảo quản thực phẩm theo đúng hướng dẫn của cá nhân, tổ chức sản xuất. |
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng | |
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chin
(Điều 20, Nghị định 178) |
Bày bán thức ăn ngay, thực phẩm chín không có thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, không có bàn hoặc giá cao hơn mặt đất theo quy định;
Không để riêng thực phẩm sống và thức ăn chín; Sử dụng khu vực chế biến, bảo quản, nơi ăn không bảo đảm vệ sinh hoặc có côn trùng, động vật gây hại; Sử dụng dụng cụ chia, chứa đựng thức ăn và dụng cụ ăn uống không bảo đảm vệ sinh; Không có dụng cụ chứa đựng rác thải, chất thải theo quy định hoặc có nhưng không bảo đảm vệ sinh; không thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày. |
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng |
Sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm; | Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng | |
Kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
|
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp tái phạm Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm |
|
Sử dụng nguyên liệu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn để chế biến thực phẩm
Sử dụng phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, không có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng theo quy định, không bảo đảm an toàn để chế biến thực phẩm Chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn |
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy
|
2. Quy định về xử lý hình sự
Hiện đang trong giai đoạn chuyển giao hiệu lực giữa 02 Bộ luật hình sự 1999 và 2015, vì vậy tôi sẽ trích dẫn quy định ở cả 2 Bộ luật hình sự để các bạn tiện so sánh
Bộ luật hình sự 1999 | Bộ luật hình sự 2015 |
Điều 244. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm
1. Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Điều 317. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm; c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm; d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm: a) Phạm tội có tổ chức; b) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%. đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; e) Phạm tội 02 lần trở lên; g) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Làm chết 02 người; b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Như vậy có thể thấy với hành vi phạm tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thì Bộ luật hình sự 2015 quy định rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ hơn rất nhiều so với Bộ luật hình sự 1999. Qua đó mang tính răn đe cao hơn trước tình trạng vi phạm VSATTP ngày càng nghiêm trọng và gia tăng. Đó là điều cần thiết.
3. Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Đối với Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, có hiệu lực từ 01/7/2011, bạn có thể lưu ý các quy định sau:
Điều 25. Yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
- Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng thì người tiêu dùng, tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch giải quyết.
- Người tiêu dùng, tổ chức xã hội có nghĩa vụ cung cấp thông tin, bằng chứng có liên quan đến hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Điều 30. Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ
1. Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua:
a) Thương lượng;
b) Hòa giải;
c) Trọng tài;
d) Tòa án.
2. Không được thương lượng, hòa giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng.
Điều 31. Thương lượng
- Người tiêu dùng có quyền gửi yêu cầu đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để thương lượng khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Điều 32. Kết quả thương lượng
Kết quả thương lượng thành của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với người tiêu dùng được lập thành văn bản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
4. Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại
Đối với vấn đề bồi thường thiệt hại do vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm thì bạn nên quan tâm đến các quy định sau trong Bộ luật dân sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Điều 590. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khoẻ của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Điều 588. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Đó là các quy định cơ bản của pháp luật mà bạn nên biết trong trường hợp không may gặp thực phẩm bẩn. Nội dung các quy định cũng tương đối dễ hiểu và chi tiết vì vậy tôi nghĩ rằng ai đọc cũng có thể hiểu được. Sau khi đã nắm được các quy định của pháp luật, phần 2 tôi sẽ tư vấn một số cách giải quyết dựa trên các quy định đó. Hãy đón đọc phần 2 nhé 😉
Hy vọng bài viết này sẽ phần nào giúp ích cho những ai quan tâm. Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
ví dụ, vừa rồi tôi có ua một lon thịt hộp đóng sẵn của hãng A, trong siêu thị. Lúc mang về 1 thời gian sau khui hộp thì phát hiện có ruồi ngay trên mặt thịt (có ảnh bằng chứng con ruồi được đóng khuôn khít với phần thịt xay đã thành giò bên dưới), thì tôi phải lưu giữ ảnh và bằng chứng như nào để bằng chứng của tôi được công nhận với tòa. Dù tôi không có í định kiện, hay đòi bồi thường từ bên bán hàng và cung cấp thực phẩm. Xin cảm ơn sự giúp đỡ.
Đặc điểm của vấn đề “thực phẩm bẩn” là sự kịp thời, tức là bạn phải thông báo với nhà sản xuất và áp dụng các biện pháp càng sớm càng tốt ngay khi gặp tình huống đó, các chứng cứ cũng có giá trị khi có tính kịp thời. Vậy nên bạn yêu cầu tư vấn việc chụp ảnh và lưu giữ bằng chứng như thế nào để được tòa công nhận trong khi không có ý định kiện hay đòi bồi thường thì rất tiếc tôi không tư vấn được cho bạn.
Chào chị, chị cho em hỏi về điều 31 thương lượng, tại sao về việc anh Võ Văn Minh với công ty Tân Hiệp Phát lại không phải là thương lượng mà cố ý dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần ạ? Mình dựa vào chi tiết nào để phân biệt cho đúng ạ ?
Em cảm ơn chị nhiều ạ!
Thực ra chị chỉ biết thông tin vụ việc qua các phương tiện truyền thông, không nắm được cụ thể nội dung cũng như hồ sơ vụ việc. Theo như các thông tin đó thì anh Minh đã có những hành động, lời nói có tính chất đe dọa… khiến cho phía Tân Hiệp Pháp cảm thấy lo sợ nên mới phải đưa tiền, có lẽ đó là dấu hiệu cơ bản để tòa xác định yếu tố uy hiếp tinh thần trong trường hợp này.