Phần 2: Cách xử lý và phương án giải quyết
Phần 1 của bài viết này tôi đã cung cấp cho bạn các quy định liên quan khi bạn không may mua phải thực phẩm bẩn và muốn bảo vệ quyền lợi cho mình. Bài viết hôm nay tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho bạn cách xử lý, các bước thực hiện và phương án giải quyết
Khi đọc Phần 1 bạn đã có thể hình dung được cách thức nhà nước xử lý đối với các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm chưa? Sau khi biết được các quy định cần thiết rồi thì sau đây là một số gợi ý về cách giải quyết khi bạn không may gặp phải thực phẩm bẩn và thấy cần thiết phải bảo vệ quyền lợi cho mình:
1. Ngay lập tức niêm phong và cất giữ, bảo quản số thực phẩm bẩn
Ngay khi bạn phát hiện thực phẩm bẩn (thịt có mùi, màu lạ, chai nước có dị vật, hộp sữa bị phồng…v..v..) bạn cần giữ nguyên hiện trạng của số thực phẩm đó, bạn có thể cất vào hộp, túi và dán lại. Ghi lại cụ thể ngày phát hiện, phát hiện như thế nào, hiện tượng và chuyển biến của thực phẩm, điều kiện bảo quản và cất giữ cụ thể.
Mục đích của những việc này là để bạn có căn cứ khi làm việc với nhà cung cấp, nhà sản xuất, các cơ quan chức năng và các đơn vị xét nghiệm (nếu có)
Bạn nên bảo quản số thực phẩm đó trong điều kiện bình thường, không nên thay đổi điều kiện bảo quản nhiều quá so với điều kiện ban đầu, như vậy có thể làm thay đổi hiện tượng và sự chuyển biến của thực phẩm hoặc cũng có thể sẽ làm ảnh hưởng đến tính chính xác của việc xét nghiệm, kiểm định (nếu có)
2. Thu thập và giữ lại các hóa đơn, chứng từ chứng minh
Nếu như bạn mua số thực phẩm đó ở siêu thị, cửa hàng hoặc các đơn vị cung cấp, sản xuất thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng thì bạn nên tìm lại các hóa đơn, phiếu thu, biên lai… nói chung là các chứng từ chứng minh bạn đã mua số thực phẩm đó ở đâu, khi nào. Việc này không có gì khó khăn bởi vì với các đơn vị cung cấp thực phẩm như siêu thị, cửa hàng, công ty..v..v.. thì thường có hóa đơn, chứng từ thể hiện các nội dung khá rõ ràng.
Nếu như bạn mua số thực phẩm đó ở chợ thường thì không có giấy tờ gì cả, nhưng thực tế tôi thấy rằng khi bạn mang số thực phẩm đó ra lại cho người bán hàng ở chợ, thì họ vẫn nhận biết được đó là thực phẩm từ quầy hàng của mình.
Còn nếu như bạn mua số thực phẩm đó dọc đường, của mấy người bán hàng rong, xe thồ… thì bạn không phải làm gì cả, ngay lập tức bỏ số thực phẩm đó và đành phải coi như bài học để rút kinh nghiệm thôi. Nếu muốn bạn có thể mang đi xét nghiệm cũng được.
Như vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm và kể cả khi không an toàn bạn cũng có thể tìm người chịu trách nhiệm, thì tóm lại bạn nên mua những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được sản xuất, bán và cung cấp bởi những đơn vị, công ty uy tín. Hạn chế tối đa mua thực phẩm trôi nổi, không rõ xuất xứ.
Tốt nhất là mua hàng về rồi cũng đừng vứt hóa đơn, biên lai ngay nhé.
3. Thông báo cho đơn vị cung cấp thực phẩm (bằng nhiều phương thức) nhanh nhất có thể
Hai bước trên tuy là đọc có vẻ dài dòng nhưng để làm được chắc bạn chỉ cần 30-60 phút là xong. Sau khi đã xong 2 bước trên, bạn cần ngay lập tức thông báo cho nơi mà bạn mua số thực phẩm nghi là thực phẩm bẩn đó. Bạn nên làm việc này càng sớm càng tốt bởi vì bạn cũng biết thực phẩm dù sạch hay không thì cũng rất nhanh chóng biến đổi hiện trạng không còn như ban đầu. Do đó nếu như bạn thông báo cho nhà cung cấp muộn quá thì họ có thể có căn cứ cho rằng thực phẩm biến đổi là do bạn để quá lâu ở điều kiện không phù hợp, hoặc bạn can thiệp gì đó khiến cho thực phẩm có hiện tượng như vậy (như trường hợp vụ án anh Vũ Văn Minh và Tân Hiệp Phát thì chai nước NumberOne có ruồi được giám định là có dấu hiệu bị mở nắp?!)
Về cách thức thông báo thì nếu như cửa hàng, đơn vị cung cấp ở gần nhà thì bạn có thể ra tận nơi, nếu không bạn cũng có thể gọi điện thoại thông báo, có thể nơi cung cấp hoặc nhà sản xuất sẽ cử nhân viên đến tận nơi để kiểm tra và làm việc với bạn.
Bạn lưu ý rằng dù thực hiện theo cách nào thì bạn cũng nên yêu cầu lập biên bản làm việc giữa các bên, có bao nhiêu người làm việc thì bạn ghi đủ từng đó người và cũng lấy đủ từng đó chữ ký vào biên bản làm việc. Nội dung làm việc thì chỉ cần ghi đúng sự thật và thực tế là được. Bạn nên yêu cầu được giữ bản gốc của Biên bản, nếu không thì cần lập 2 bản gốc. Biên bản có thể viết tay hoặc đánh máy.
Nếu như bên bán hoặc bên cung cấp đề nghị được giữ lại mẫu hoặc số thực phẩm để đi giám định, xét nghiệm thì bạn cũng nên yêu cầu được đi cùng và tham gia vào việc làm thủ tục để đăng ký xét nghiệm. Bạn vẫn có thể giữ số thực phẩm tại nhà và yêu cầu bên bán, bên sản xuất cung cấp cách bảo quản phù hợp. Tất cả những nội dung tại buổi làm việc bạn nên ghi vào biên bản.
4. Thương lượng và thỏa thuận
Đây có thể coi là một trong những bước quan trọng nhất để bảo vệ quyền lợi cho bạn với tư cách là người tiêu dùng.
Khi nhà cung cấp thực phẩm đã xác định được lỗi để xảy ra hiện tượng thực phẩm bẩn là do phía họ (nhiều trường hợp chưa cần xét nghiệm đã có thể biết được), khi đó họ sẽ chủ động đưa ra phương án giải quyết, thông thường sẽ là như sau:
– Xin lỗi và thu hồi số thực phẩm bị lỗi, bị hỏng
– Hoàn tiền cho bạn và đổi cho bạn số thực phẩm tương ứng với chất lượng sạch
– Bồi thường thêm một khoản tiền (có thể có hoặc không)
– Cuối cùng là có thể đề nghị bạn không công bố rộng rãi thông tin về việc này
Có thể bạn sẽ thắc mắc việc thương lượng với nội dung như trên liệu có trái với các quy định của pháp luật? Tôi có thể khẳng định cho bạn yên tâm là không nhé. Việc cho phép các bên thương lượng đã được quy định tại Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Bạn có thể xem phần 1 để đọc cụ thể quy định này)
Nếu như bạn thấy các đề nghị mà nhà cung cấp, kinh doanh thực phẩm đưa ra là thỏa đáng rồi, bạn thấy hài lòng rồi thì bạn chỉ cần chấp nhận thôi, nếu thấy cần thiết thì các bên có thể lập thành văn bản ghi nhận các thỏa thuận đó.
Nhưng nếu các đề nghị mà nhà cung cấp, kinh doanh thực phẩm đưa ra bạn thấy không thỏa đáng và không bảo đảm được quyền lợi của mình, bạn hoàn toàn có thể chủ động đề nghị các yêu cầu của bạn.
Quay lại trường hợp anh Võ Văn Minh với chai NumberOne có ruồi, anh này đã đề nghị Tân Hiệp Phát bồi thường với số tiền là 500 triệu. Khi đó nhiều người cho rằng do anh Minh “tham quá” nên mới bị bắt. Thực ra nếu xét về pháp lý thì không phải như vậy. Vấn đề không phải anh Minh đòi bao nhiêu tiền, mà vấn đề là cách đòi của anh Minh được thực hiện như thế nào thôi.
Vì vậy, bạn yêu cầu được bồi thường bao nhiêu tùy bạn nhưng bạn hãy tham khảo một số lời khuyên sau đây để tránh bị như trường hợp anh Võ Văn Minh:
– Mọi yêu cầu, thỏa thuận, các buổi làm việc giữa các bên đều nên được lập thành văn bản. Văn bản đó có thể là biên bản hay văn bản thỏa thuận tùy vào thực tế nhưng phải là văn bản có sự xác nhận của các bên.
– Có thể ghi âm công khai các cuộc điện thoại hoặc các buổi làm việc giữa các bên. Một đoạn ghi âm công khai mà các bên đều biết có thể sẽ được Tòa án xác định là chứng cứ.
– Tuyệt đối không có những hành động, lời nói mang tính chất đe dọa, uy hiếp để tránh nguy cơ bạn có thể bị cho là phạm tội “cưỡng đoạt tài sản”. Bạn lưu ý mô tả hành vi của tội cưỡng đoạt tài sản trong Bộ luật hình sự như sau: “Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”
Vậy như thế nào được coi là bạn đã uy hiếp tinh thần người khác, lấy ví dụ luôn trong thực tế vụ án Võ Văn Minh vs Tân Hiệp Phát thì anh Minh đã có những hành vi và lời nói sau:
Nếu THP không chấp nhận yêu cầu của anh thì anh sẽ:
– Sẽ tung chai nước ra thị trường,
– Sẽ đưa lên chương trình truyền hình và báo đài
– Sẽ kiện ra ban an toàn vệ sinh thực phẩm,
– Sẽ in tờ rơi phát tán sự việc
…
Tất nhiên còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác để kết luận hành vi đó có phạm tội cưỡng đoạt tài sản hay không, tuy nhiên với những lời nói như trên, bạn hoàn toàn có nguy cơ bị kết luận là đã có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác mà chưa cần biết người khác đó có sợ hay không (tất nhiên khi ra tòa thì 99% người khác sẽ nói là có sợ, mà đúng là có căn cứ để lo sợ) trong khi đó trường hợp này rõ ràng là bạn đang đòi bồi thường một khoản tiền, như vậy là bạn đã có dấu hiệu “nhằm chiếm đoạt tài sản”
Chính vì vậy, không cần mất công, mất thời gian tranh cãi xem như vậy đã phạm tội cưỡng đoạt tài sản hay chưa. Tốt nhất là khi đòi bồi thường bạn không bao giờ nên phát ngôn hay nói những câu tương tự dù bằng văn bản hay lời nói.
Nếu bạn muốn thể hiện ý kiến và quan điểm của bạn đối với nhà cung cấp hay sản xuất thực phẩm, bạn có thể tham khảo câu sau đây:
Nếu mức bồi thường không thỏa đáng, tôi sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng và thực hiện trách nhiệm với xã hội và với những người tiêu dùng khác theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy không nói cụ thể bạn sẽ làm những gì nhưng đọc nội dung như vậy tôi cho rằng người đọc có thể đã hiểu bạn sẽ làm gì nếu không được bồi thường thỏa đáng.
Cuối cùng nếu như đã đạt được kết quả thỏa đáng như mong muốn, thì bạn cũng nên yêu cầu doanh nghiệp, nhà cung cấp thực phẩm cam kết sẽ không để xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn tương tự, coi như thực hiện một phần trách nhiệm với xã hội và với những người tiêu dùng khác và cam kết này sẽ là điều kiện để bạn cam kết không công bố thông tin của vụ việc này.
Và khi bạn đã cam kết với họ như vậy thì bạn cũng nên giữ uy tín với cam kết đó để không làm ảnh hưởng đến uy tín của họ. Chắc hẳn ai cũng biết để sản xuất làm ra một loại thực phẩm phải trải qua rất nhiều quy trình, nhiều khâu và nhiều người nữa. Do vậy chỉ cần 1 sơ xuất nhỏ, không cẩn thận hoặc thậm chí không may bị chính người trong doanh nghiệp đó hại thì cũng có thể cho ra một loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng tới tay người tiêu dùng. Vì vậy khi bạn không may mua phải thực phẩm không đạt chất lượng, thì chưa chắc doanh nghiệp, nhà cung cấp thực phẩm đó đã cố tình sản xuất loại thực phẩm như vậy, có thể chỉ là rủi ro không mong muốn thôi và hãy cho họ cơ hội để tiếp tục kinh doanh tử tế.
5. Thông báo cho các cơ quan chức năng
Bước này chỉ phải thực hiện khi bạn và doanh nghiệp cung cấp thực phẩm không đạt được thỏa thuận khiến 2 bên hài lòng. Khi đó bạn có thể lựa chọn việc thông báo cho một số các cơ quan chức năng về quản lý thực phẩm như:
– Cục an toàn thực phẩm (thuộc Bộ Y tế)
– Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Sở Công thương
– Hội bảo vệ người tiêu dùng – Cục quản lý cạnh tranh (thuộc Bộ công thương)
…
Bạn lưu ý khi thông báo sự việc cần thông báo một cách trung thực, khách quan và đúng sự thật, kèm với các chứng cứ chứng minh (có thể gồm ảnh chụp thực phẩm).
6. Khởi kiện
Việc khởi kiện ra Tòa án sẽ được thực hiện khi bạn không hài lòng với mức bồi thường hoặc các thỏa thuận khác với doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm hoặc bạn đã đạt được thỏa thuận nhưng sau đó doanh nghiệp thực phẩm lại không thực hiện theo thỏa thuận đó. Khi đó bạn có thể nộp đơn khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu tòa án giải quyết, kèm theo đơn khởi kiện đương nhiên cũng phải có các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của bạn.
Thông thường khi yêu cầu bồi thường thiệt hại thì bạn sẽ phải chứng minh được có thiệt hại xảy ra do nguyên nhân từ thực phẩm bẩn, một số loại thiệt hại phổ biến như sau:
– Thiệt hại sức khỏe: Chẳng hạn như đau bụng, nôn mửa, ngộ độc..v..v.. Căn cứ chứng minh thường là các giấy tờ, xác nhận của bệnh viện
– Thiệt hại vật chất: Số tiền bạn bỏ ra để mua số thực phẩm đó, nếu bạn làm đại lý thì thiệt hại về doanh thu do bị giảm uy tín, không bán được hàng..v..v.. Căn cứ chứng minh thường là các hóa đơn, chứng từ kế toán, báo cáo doanh thu..v..v..
– Thiệt hại tinh thần: Có thể là bạn sợ, ám ảnh, mệt mỏi, chán ăn..v..v.. Đây là loại thiệt hại tương đối khó chứng minh và thuyết phục thẩm phán, có lẽ phải cần đến sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý
- Bạn có thể tham khảo một án lệ rất nổi tiếng trên thế giới: Con ốc sên Paisley (hay Donoghue v Stevenson)
7. Tố cáo
Trường hợp đặc biệt này áp dụng khi doanh nghiệp có thực phẩm bấn không phải do vô ý, sơ suất hay rủi ro nhất thời mà là do sự cố tình và có hệ thống sản xuất ra thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn. Khi đó bạn cần phải tố cáo ra cơ quan công an để ngăn chặn kịp thời hành vi này, tránh được việc gây tổn hại cho nhiều người tiêu dùng khác trong tương lai.
Đó là một số gợi ý về phương pháp và cách giải quyết theo quy định của pháp luật khi bạn không may gặp phải hay mua phải thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Mong rằng bạn sẽ không bao giờ gặp phải chuyện này, tuy nhiên nếu không may gặp phải thì bạn có thể tham khảo để áp dụng khi cần thiết.
Hy vọng bài viết này sẽ phần nào giúp ích cho những ai quan tâm. Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
hiện tại e có mot thùng nam ngư đệ nhị bị đóng cặn trắng ..giờ không biết phải làm sao xin duoc tu van .e xin cam ơn
Các phương án mình đã chia sẻ trong bài viết rồi, bạn tham khảo nếu có chỗ nào còn thắc mắc thì đặt câu hỏi ở đây nhé.