Vụ việc ca sỹ Thu Minh và chồng gần đây được báo chí đưa tin là “bị tố quỵt nợ hàng chục tỷ đồng” đang là chủ đề nóng từ trên mạng đến ngoài đời. Tuy nhiên các bạn đừng vội kết luận và “ném đá” bên nào lừa đảo kẻo tội nghiệp cho họ, bạn cũng biết rồi đấy “báo mạng Việt Nam” mà, khi đọc nên tỉnh táo và chắt lọc thông tin thì hơn.
Vậy nên bài viết hôm nay tôi cũng không phân tích nội dung vụ việc, mà thực ra là có căn cứ gì đâu mà phân tích, nếu dựa vào mỗi thông tin đọc trên báo mạng để phân tích và phán xét thì có mà… chết con nhà người ta ?.
Điều tôi muốn nói trong vụ việc này đó là, (lại) theo như thông tin trên báo mạng thì trong Hợp đồng ký kết giữa 2 bên có điều khoản trọng tài, cụ thể là các bên thỏa thuận khi có tranh chấp xảy ra thì sẽ được giải quyết tại Tòa trọng tài Hong Kong và vận dụng pháp luật của Anh Quốc ?
Chưa cần biết điều khoản trọng tài đó cụ thể là như thế nào, cứ coi đó là thông tin xác thực đi, tức là có điều khoản trọng tài trong Hợp đồng. Vậy thì hôm nay tôi sẽ phân tích một khía cạnh của Hợp đồng thương mại của các doanh nghiệp, đó là việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp.
Thông thường khi ký Hợp đồng, các doanh nghiệp chủ yếu quan tâm đến các điều khoản như Điều khoản hàng hóa, dịch vụ, điều khoản giao hàng, cung cấp dịch vụ, điều khoản thanh toán… Đúng, đó là những điều khoản thiết thực cần quan tâm, và cũng là những nội dung dễ xảy ra tranh chấp và vi phạm hợp đồng hơn cả. Khi xảy ra tranh chấp, đương nhiên điều đầu tiên cần căn cứ chính là các nội dung cơ bản đó trong hợp đồng, vậy nên các bên (và cả cộng đồng mạng nữa) bắt đầu lôi các nội dung đó ra để mổ xẻ, phân tích, phán xét.
Thế nhưng, một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định đến nội dung của vụ việc này, thậm chí quyết định đến thắng – thua, chính là việc ai là cơ quan giải quyết tranh chấp?
Thông thường khi một tranh chấp bất kỳ xảy ra, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc kiện ra Tòa án nào. Thế nhưng trong các giao dịch thương mại (bao gồm cả xây dựng, đầu tư, dịch vụ…) giữa các doanh nghiệp thì các bên hoàn toàn có quyền lựa chọn một cơ quan giải quyết tranh chấp khác, đó là trọng tài thương mại.
Và khi đã lựa chọn trọng tài thương mại, thì doanh nghiệp cần phải nhớ kỹ những quy định đầu tiên sau đây:
“Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được.”
– Điều 6, Luật Trọng tài thương mại 2010 –
Và:
“Thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài.”
– Điều 19, Luật Trọng tài thương mại 2010 –
Như vậy nếu đã lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, tức là có thỏa thuận trọng tài giữa các bên, thì khi xảy ra tranh chấp, các bên sẽ không được yêu cầu Tòa án giải quyết nữa, mà buộc phải giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.
Do đó, mỗi chủ doanh nghiệp khi chuẩn bị đặt bút ký vào một Hợp đồng thương mại, ngoài các điều khoản cơ bản, hãy chú ý và coi trọng đến điều khoản giải quyết tranh chấp nữa. Đừng lướt qua hoặc nghĩ rằng “ko quan trọng” để rồi sau này lại phải đau đầu giải quyết hậu quả.
Bạn đọc đoạn trên nghe có vẻ giống như tôi sẽ thiên về phương án lựa chọn giải quyết tranh chấp thương mại bằng Tòa án mà không phải Trọng tài thương mại? Hoàn toàn ngược lại, với quan điểm của một luật sư, tôi cho rằng việc giải quyết tranh chấp thương mại giữa các doanh nghiệp bằng trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết hết sức văn minh và chắc chắn là các doanh nghiệp nên ưu tiên lựa chọn thay cho Tòa án.
Bài viết này tôi không phân tích sâu về thủ tục trọng tài thương mại vì không cần thiết nhưng tôi có thể khẳng định rằng Trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp nhanh, gọn, thủ tục cực kỳ linh hoạt, cách giải quyết mang tính “đàm phán” cao nhưng vẫn rất trung thực, nghiêm túc, đúng trình tự thủ tục quy định, đảm bảo bí mật kinh doanh và bí mật truyền thông, thậm chí sau đó vẫn có thể giữ được mối quan hệ đối tác giữa các bên. Đặc biệt chi phí bạn phải bỏ ra chưa chắc đã cao hơn so với giải quyết tranh chấp bằng tòa án.
Về trọng tài viên, không như thẩm phán sẽ phải do Tòa án phân công xét xử, đối với thủ tục trọng tài, các bên có quyền ngang nhau trong việc lựa chọn trọng tài viên cho bên mình tại phiên họp giải quyết tranh chấp. Các doanh nghiệp cũng có thể yên tâm về trình độ của trọng tài viên, họ thường xuất thân là những luật sư, chuyên gia pháp lý, giảng viên luật nhiều năm kinh nghiệm, cũng có thể chính là những thẩm phán đã từng công tác lâu năm trong ngành tòa án.
Nếu như Tòa án xét xử theo thẩm quyền đã được quy định thì với trọng tài các bên có quyền lựa chọn bất kỳ một trung tâm trọng tài nào trên trái đất này để giải quyết, được chọn bất kỳ luật của nước nào để giải quyết.
Phán quyết của Trọng tài có đầy đủ hiệu lực pháp luật như phán quyết của Tòa án và cũng được yêu cầu các cơ quan thì hành án thực hiện các biện pháp để phán quyết đó được thi hành.
Nhưng tất cả những ưu điểm và lợi ích đó chỉ có thể thực hiện và tận dụng được hiệu quả nếu như mỗi bên trong Hợp đồng đều đã hiểu rõ về trọng tài thương mại. Bởi lẽ:
Chính vì các lựa chọn quá linh hoạt như vậy, nên nếu không để ý, Doanh nghiệp Việt Nam rất có thể rơi vào điều khoản trọng tài bất lợi, chẳng hạn như lựa chọn 1 trung tâm trọng tài cách xa đất nước và áp dụng một luật của nước nào đó mà có thể là không một luật sư nào ở Việt nam có thể giúp đỡ cho họ.
Tất nhiên mọi tranh chấp thương mại thì đầu tiên đều phải dựa vào Hợp đồng nhưng ngoài Hợp đồng còn rất nhiều yếu tố khác áp dụng liên quan đến tranh chấp đó. Thực tế thì luật của các nước rất khác nhau vì nhiều nguyên nhân, do đó với tư duy khi áp dụng luật Việt Nam thì bạn nghĩ là có thể thắng nhưng khi áp dụng luật nước khác thì có thể kết quả lại ngược lại. Nghe thì có vẻ vô lý nhưng tôi cũng chỉ biết nói rằng, thực tế là như vậy, không chỉ trong 1 vài dòng mà giải thích được.
Việc lựa chọn một trung tâm trọng tài nước ngoài, ngoài việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tốn thêm chi phí đi lại, thuê luật sư nước ngoài, phiên dịch khi đi kiện thì có thể doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp thêm khó khăn trong việc lựa chọn trọng tài viên cho mình do không hiểu hết về trọng tài viên nước đó, bởi nếu lựa chọn sai sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả vụ kiện. Quan trọng là khi doanh nghiệp thắng kiện rồi thì về Việt Nam có thể còn phải qua một thủ tục là công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài để được thi hành tại Việt Nam. Khi rơi vào tình huống đó, nhiều khi doanh nghiệp sẽ cảm thấy rằng, ước gì… không chọn trọng tài.
Việc doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn một trung tâm trọng tài ở Việt Nam, áp dụng luật Việt Nam đương nhiên là sẽ thuận lợi hơn và ít tốn kém hơn nhiều nhưng lựa chọn nào cũng vậy thôi, đã gọi là lựa chọn thì ai cũng phải tìm hiểu thật kỹ lựa chọn của mình, chứ không thể chọn bừa được, phải không? Nhất là khi việc lựa chọn ảnh hưởng đến số tiền kinh doanh lên đến hàng chục tỷ đồng và còn hơn thế.
Vậy giải pháp trong trường hợp này là gì, một số ý kiến và quan điểm của tôi như sau:
Với các doanh nghiệp đang chuẩn bị ký hợp đồng hoặc đã ký nhưng chưa có thỏa thuận trọng tài:
- Các bên nên đàm phán để bổ sung một thỏa thuận trọng tài vào Hợp đồng. Trước đó nên đọc Luật trọng tài thương mại 2010 và Nghị định 63/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại để biết tìm hiểu về thỏa thuận trọng tài như thế nào thì có hiệu lực, quy trình và cách thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và còn nhiều nội dung khác liên quan trong 2 VBPL này.
Với các doanh nghiệp đã ký hợp đồng và có thỏa thuận trọng tài nhưng chưa có tranh chấp:
- Rà soát lại Điều khoản trọng tài, cũng nên tìm hiểu các văn bản trên, nếu sau khi tìm hiểu thấy rằng có những điều quá bất lợi và rủi ro thì có thể đàm phán với đối tác sửa lại thỏa thuận trọng tài
Tuy nhiên trong làm ăn kinh doanh, đâu phải doanh nghiệp cứ muốn là được, nhiều khi vì mối làm ăn hoặc đối tác, hợp đồng lớn mà doanh nghiệp chấp nhận chịu thiệt một phần về mình, nếu không hợp đồng cũng sẽ vào tay các doanh nghiệp khác. Vậy nên nếu buộc phải lựa chọn một trung tâm trọng tài nước ngoài, luật nước ngoài để giải quyết tranh chấp, doanh nghiệp có thể tham khảo ý kiến của các luật sư, chuyên gia tư vấn, trọng tài viên và trung tâm trọng tài của Việt Nam, xem với hợp đồng như vậy, thì nên lựa chọn trung tâm trọng tài nào, ở đâu là tốt nhất và đàm phán với đối tác. Sau đó cũng nên tìm hiểu về luật và thủ tục trọng tài của nước đó để biết và phòng tránh rủi ro.
Một điều cũng quan trọng là rà soát lại Hợp đồng, nếu có điều nào còn chưa rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều nghĩa thì các bên cũng có thể đàm phán để sửa đổi cho rõ ràng và cụ thể hơn.
Bạn đừng nghĩ rằng bây giờ 2 bên đang hợp tác rất suôn sẻ và tốt đẹp, đối tác của bạn là một công ty lớn va có uy tín thì lo gì, bao giờ có tranh chấp hẵng hay. Suy nghĩ như vậy thực sự là nguy hiểm và sẽ mang lại nhiều rủi ro và hậu quả không lường được trong kinh doanh. Bây giờ bạn chưa thấy nhưng đến lúc có hậu quả thì sẽ thấy, lúc đó e rằng sự việc không còn trong tầm kiểm soát của bạn nữa. Tôi vẫn nhớ lời dạy của một nữ luật sư, cũng là một sư phụ của tôi trong nghề, đó là: Một luật sư giỏi là phải giúp khách hàng phòng tránh rủi ro từ đầu chứ không phải giải quyết được hậu quả về sau.
Với doanh nghiệp đang tranh chấp hoặc có nguy cơ tranh chấp:
- Ngay lập tức xem điều khoản giải quyết tranh chấp xem là trọng tài hay tòa án, nếu là trọng tài thì cụ thể như thế nào, đối chiếu với các quy định của pháp luật và chuẩn bị hồ sơ cũng như nội dung khởi kiện phù hợp với từng phương án.
Trường hợp đặc biệt nhưng không hiếm:
- Đó là trong Hợp đồng vừa có thỏa thuận trọng tài, vừa có thỏa thuận tòa án, khi đó hãy đọc quy định tại Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài Thương mại (Khoản 4 Điều 2) để biết cách giải quyết. Đối với trường hợp này, là một quy định mở, khi mà doanh nghiệp vẫn băn khoăn giữa lựa chọn Trọng tài và Tòa án, thì đến khi xảy ra tranh chấp, thấy lựa chọn nào có lợi hơn thì doanh nghiệp sẽ chọn. Thực ra đây là giải pháp không hề tồi khi soạn thảo hợp đồng, khi xảy ra tranh chấp nó có thể là cứu cánh cho 1 bên, cũng có thể là thủ tục bất lợi cho một bên khác trong hợp đồng. Tuy vậy, bản thân tôi vẫn không thích lựa chọn giải pháp nước đôi này.
Các doanh nghiệp cũng có thể tham khảo danh sách các trung tâm trọng tài và trọng tài viên tại ĐÂY và tại ĐÂY.
Bài viết này của tôi chỉ là những điều hết sức cơ bản về việc lựa chọn trọng tài hay tòa án, tuy bài viết có khuyến khích để các doanh nghiệp tự tìm hiểu. Nhưng trong vấn đề này, theo quan điểm của tôi, ngoài việc doanh nghiệp tự tìm hiểu, thì để đảm bảo hiệu quả và an toàn hơn cả, doanh nghiệp nên hỏi ý kiến của các luật sư, chuyên gia tư vấn luật hoặc tốt nhất là trọng tài viên của một trung tâm trọng tài ở Việt Nam thì sẽ có những quyết định chính xác hơn.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm, bạn có thể tải về một số văn bản về trọng tài thương mại cơ bản, đó là 3 văn bản sau
- Luật trọng tài thương mại 2010
- Nghị định 63/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại
- Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài Thương mại
Dù sao cũng hy vọng bai viết này sẽ phần nào có ích cho những ai đang quan tâm. Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với chúng tôi.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
trong bóng đá thì trọng tài rút thẻ nhiều khi còn bị cầu thủ đánh :)) còn tòa án thì đến tòa án quốc tế cũng không có hiệu lực với Trung Quốc :((
Thực tế phũ phàng 😛