Ngoại tình và người thứ 3 luôn là vấn đề nhức nhối với mỗi gia đình, và thật đáng lo ngại là việc ngoại tình giờ đây đã không còn hiếm mà đang có xu hướng tăng nhanh trong xã hội hiện đại.
Thông thường khi không may gặp phải vụ việc ngoại tình, thì các cặp vợ chồng thường tự tìm cách giải quyết, chủ yếu là về mặt tình cảm. Người nào không kiềm chế được thì có thể dẫn đến các vụ việc đánh ghen, nhẹ thì bị coi là gây rối trật tự công cộng, nặng thì có thể bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp không ít các trường hợp nhờ luật sư tư vấn giải quyết vấn đề ngoại tình theo quy định của pháp luật. Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải đáp các vấn đề liên quan đến chế tài xử phạt đối với người thứ 3 và hành vi ngoại tình, đồng thời tư vấn hướng giải quyết theo quy định của pháp luật đối với hành vi ngoại tình
MỤC LỤC BÀI VIẾT
Khái niệm Ngoại tình trong quy định của pháp luật
Trước tiên cần khẳng định rằng cụm từ “ngoại tình” không phải là ngôn ngữ pháp lý, đó là ngôn ngữ của đời sống. Đôi khi hành vi ngủ qua đêm với một người phụ nữ / đàn ông khác, không phải vợ / chồng thì cũng được coi là ngoại tình theo cách hiểu thông thường của đời sống xã hội.
Còn theo quy định của pháp luật thì “ngoại tình” có thể được hiểu là: hành vi của một người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
Khái niệm “chung sống như vợ chồng” được giải thích như sau:
Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…
Mục 3.1 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC
Một trong những Nguyên tắc cơ bản đầu tiên của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam là: Hôn nhân một vợ, một chồng (được quy định tại Khoản 1, Điều 2 Luật hôn nhân và gia đình 2014) và hành vi “ngoại tình” là hành vi bị cấm (theo điểm c, khoản 2, Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014).
Do đó có thể định nghĩa hành vi “ngoại tình” là hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Khái niệm trên diễn giải rất dài dòng, vậy nên trong bài viết này chúng tôi vẫn sẽ sử dụng cụm từ “ngoại tình” để ngắn gọn và dễ hiểu cho bạn đọc.
CÁC CHẾ TÀI XỬ PHẠT
Xử phạt hành chính
Hành vi ngoại tình có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm a,b,c Khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, cụ thể như sau:
Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
Trích Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/09/2020
Như vậy bạn có thể thấy quy định có nội dung rất rõ ràng, miêu tả cụ thể hành vi bị xử phạt. Hành vi ngoại tình có thể bị xử phạt hành chính từ 3 triệu – 5 triệu đồng
Xử lý hình sự
Ngoài việc bị phạt tiền, hành vi ngoại tình còn có thể bị coi là tội phạm và bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 (có hiệu lực từ 01/01/2018), cụ thể như sau:
Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Điều 182 Bộ luật hình sự 2015
Quy định về tội “ngoại tình” trong Bộ luật hình sự cũng khá rõ ràng, dễ hiểu tuy nhiên lại không hề dễ áp dụng để xử lý. Điều này sẽ được chúng tôi phân tích ở phần dưới đây:
CÁCH XỬ LÝ HÀNH VI NGOẠI TÌNH
Đây có lẽ là phần sẽ được nhiều người quan tâm nhất, nhưng bạn sẽ không thể hiểu hết nội dung của phần này nếu chưa đọc kỹ các khái niệm, quy định và chế tài mà chúng tôi đã phân tích ở trên.
Khi không may gặp hành vi ngoại tình, mỗi người sẽ có những cách xử lý khác nhau trong nội bộ gia đình. Còn với vai trò của luật sư và trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra các phương án giải quyết theo quy định của pháp luật, để bạn có thể tham khảo và áp dụng khi cần đến.
Theo quan điểm cá nhân, nếu như bạn vẫn thấy được khả năng hàn gắn tình cảm và cho người vợ / chồng của bạn một cơ hội quay về với gia đình thì việc đưa hành vi ngoại tình của vợ / chồng mình ra pháp luật chỉ nên là phương án cuối cùng được tính đến.
Và hãy nghĩ việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các con của bạn. |
Để có thể xử lý hành vi ngoại tình theo quy định một cách hiệu quả, bạn cần thực hiện các bước sau:
1. Cần phải hiểu rõ hành vi vi phạm
Khi bạn đã muốn đưa một hành vi vi phạm ra pháp luật để xử lý, thì bạn cần hiểu rõ hành vi này được pháp luật quy định như thế nào là vi phạm. Vấn đề này, chúng tôi đã giải thích rõ trong phần 1 của bài viết.
Bạn đừng nghĩ rằng khi người vợ / chồng của bạn quan hệ lén lút với người thứ 3 bằng hình thức thỉnh thoảng hẹn gặp nhau ở một nơi nào đó và thực hiện hành vi quan hệ nam nữ, thì đó đã là hành vi ngoại tình theo quy định
Thậm chí, khi người vợ / chồng của bạn cặp bồ công khai với người thứ 3, họ có thể công khai đi chơi, chụp ảnh cho cả thiên hạ biết họ cặp bồ, nhưng vẫn đi về và ở cùng với bạn, thì đó cũng chưa phải là hành vi ngoại tình theo quy định.
Những hành vi trên đúng là ngoại tình theo cách hiểu của đời sống xã hội, nhưng không / chưa phải hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo quan điểm của tôi thì đó là sự vi phạm về đạo đức xã hội.
Để hành vi ngoại tình đủ điều kiện là hành vi vi phạm pháp luật thì bạn cần lưu ý 2 yếu tố quan trọng:
- Đang có vợ / chồng hợp pháp: Có nghĩa là giữa 2 vợ – chồng đang tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp được pháp luật công nhận. Cho dù giữa 2 vợ chồng hiện đang có nhiều mâu thuẫn, bất đồng, thậm chí đang ly thân, không sống chung thì pháp luật vẫn công nhận đó là quan hệ hôn nhân hợp pháp. Thêm vào đó, đến thời điểm này pháp luật Việt Nam chưa công nhận chế định ly thân trong bất kỳ một quy định nào.
Một cặp vợ chồng hợp pháp chỉ được coi là đã chấm dứt quan hệ hôn nhân khi có bản án / quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật. |
- Chung sống như vợ / chồng với người thứ 3: Đây là một khái niệm quan trọng mà bạn cần hiểu rõ để xác định hành vi ngoại tình có vi phạm pháp luật hay không. Khái niệm này được quy định trong văn bản luật và đã được chúng tôi trích dẫn ở phần đầu bài viết này. Việc hiểu được khái niệm “chung sống như vợ, chồng” sẽ giúp bạn thu thập chứng cứ chính xác hơn
Có nhiều người thứ 3 cho rằng: Vợ chồng đang mâu thuẫn, đã ly thân, đã viết đơn ly hôn nên họ có quyền hẹn hò, cặp bồ, chung sống với người thứ 3.
Nếu đang có suy nghĩ như vậy, họ nên biết rằng: Kể cả khi đã nộp đơn ly hôn ra tòa án thì vẫn còn có thủ tục hòa giải tại tòa, và cũng không ít cặp vợ chồng đã đoàn tụ sau khi hòa giải tại tòa. Nhưng nếu trong giai đoạn này xuất hiện người thứ 3 thì việc hòa giải tại tòa án sẽ gặp nhiều khó khăn và gần như là sẽ không thể hòa giải được. Vì vậy, với tư duy theo cách thiếu hiểu biết pháp luật như vậy của “người thứ 3”, có thể sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý bất lợi thậm chí nghiêm trọng cho chính bản thân họ. |
2. Thu thập chứng cứ theo đúng quy định
Khi phát hiện ra chuyện ngoại tình, một số người vợ / chồng đã có những hành vi được coi là “đánh ghen”, nhẹ thì cãi nhau, mắng chửi; vừa thì giật tóc, lột quần áo, đánh, tát; nặng thì gây thương tích, tạt axit.
Hành vi ngoại tình rất đáng lên án và đáng phải chịu hậu quả, những người vợ / chồng bị “phản bội” cũng rất đáng thông cảm, tuy nhiên việc đánh ghen quá mức có thể sẽ trở thành hành vi vi phạm luật, biến những người đáng được thông cảm trở thành người vi phạm pháp luật. Khi đó việc đánh ghen chưa chắc đã mang lại hiệu quả gì mà có thể còn bị xử phạt, thậm chí bị xử lý hình sự.
Vì vậy, nếu bạn đang rất tức giận vì phát hiện người vợ / chồng ngoại tình, và tình cờ đọc được bài viết này, thì chúng tôi cũng mong bạn bình tĩnh cân nhắc phương án “đánh ghen” phù hợp và không vi phạm quy định của pháp luật, tránh để lại hậu quả pháp lý đáng tiếc sau này. |
Nếu bạn đủ bình tĩnh để chưa “phanh phui” mọi chuyện, thì chúng tôi khuyên bạn nên đi thu thập các chứng cứ của việc ngoại tình. Chứng cứ ngoại tình thường khá đa dạng và có thể thu thập bằng nhiều cách như: chụp ảnh, thu thập tin nhắn, quay video, vé máy bay, thông tin đặt phòng khách sạn …v..v.. Tuy nhiên, khi thu thập chứng cứ bạn cần lưu ý những điều sau:
- Cố gắng thu thập chứng cứ đúng quy định, không dùng các phương pháp mà pháp luật cấm
- Chứng cứ xác thực, có thật và có ghi chú rõ ngày tháng năm, địa điểm (đặc biệt là với hình ảnh và video)
- Nội dung chứng cứ cố gắng thể hiện được các hành vi theo mô tả của quy định pháp luật
- Một số loại chứng cứ chỉ được phép cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền (VD tòa án, cơ quan điều tra..) mà không được công khai lên các trang mạng xã hội, trang chia sẻ video …
Nếu bạn biết có nhân chứng chứng kiến, hãy liên hệ với các nhân chứng và xin thông tin của họ. Nhờ họ làm chứng khi cần thiết.
Những chứng cứ “ngoại tình” nêu trên còn có thể mang lại lợi thế cho bạn đối với việc giành Quyền nuôi con khi ly hôn (nếu có)
3. Chứng minh hậu quả đối với người bị hại
Hành vi ngoại tình khi bị phát hiện thì kiểu gì cũng để lại hậu quả với mức độ khác nhau. Quy định của pháp luật cũng căn cứ vào mức độ hậu quả xảy ra để áp dụng chế tài. Bạn có thể thấy rõ nội dung này trong quy định của Điều 182 Bộ luật hình sự 2015, đó là 2 hậu quả sau:
- Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn (Khoản 1)
- Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát (Khoản 2)
Quy định như vậy nhưng việc chứng minh nguyên nhân – hậu quả lại không hề đơn giản.
Chẳng hạn: Bạn cho rằng chính hành vi ngoại tình của vợ / chồng bạn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc ly hôn, nhưng người ngoại tình thì có thể lý luận rằng do vợ chồng mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, không hiểu nhau ..v..v.. mới là nguyên nhân chính dẫn đến việc ly hôn.
Khi đó các chứng cứ, khả năng lập luận, khả năng thuyết phục của bạn và quan điểm của thẩm phán sẽ là những yếu tố quyết định đến vấn đề này.
Đối với hậu quả tự sát thì trong quá trình hành nghề luật sư tôi chưa gặp trường hợp nào và cũng mong rằng sẽ không bao giờ gặp trường hợp như vậy.
4. Đưa vụ việc ra cơ quan pháp luật
Khi bạn đã thu thập được những chứng cứ có giá trị chứng minh hành vi vi phạm, và đã quyết định đưa hành vi ngoại tình ra cơ quan pháp luật để xử lý, thì bạn có thể thực hiện theo 1 trong 2 cách sau:
- Nộp đơn tố cáo kèm chứng cứ ra cơ quan xử lý vi phạm hành chính: Trường hợp này người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính
- Nộp đơn tố cào kèm chứng cứ ra cơ quan công an điều tra: Trường hợp này người vi phạm có thể bị xử lý hình sự
Nơi nộp đơn sẽ là cơ quan có thẩm quyền nơi hành vi vi phạm thường xuyên xảy ra, tức là nơi người ngoại tình và người thứ 3 chung sống như vợ chồng.
Trên đây là toàn bộ các vấn đề pháp lý liên quan đến hành vi ngoại tình mà Luật NBS cung cấp cho bạn, bao gồm các chế tài xử phạt và cách xử lý hành vi ngoại tình. Chúng tôi mong rằng những thông tin và kiến thức pháp luật này sẽ giúp ích cho bạn.
Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này hoặc liên hệ riêng để được tư vấn và giải đáp.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Hà lan anh
Tôi muốn hỏi:tôi và anh ấy quen nhau,qua lại với nhau,trong khi anh ấy li thân(anh ấy nói thế),chúng tôi quen biết gần 10 năm,sau khi lấy chồng tôi và anh ấy đã không qua lại nữa,và giờ anh ấy muốn đòi lại khoản tiền đã từng cho tôi(trên danh nghĩa vay,chỉ có chữ ký của tôi mà không có của anh ấy)
Hiện giờ giấy vay đó có thêm chữ ký của người khác mà anh ấy nói là người làm chứng.
Tôi xin hỏi giải quyết pháp lí như thế nào?
Ngoc Blue
Trường hợp của bạn là quan hệ dân sự, giấy tờ vay tiền có chữ ký của bên vay là có thể đủ căn cứ để xác định. Vì vậy, trường hợp này bạn cần chứng minh được số tiền đó là tặng cho và lý do tại sao tặng cho nhưng bạn lại ký giấy vay tiền, ngoài ra việc người làm chứng có chữ ký trong giấy vay nhưng thực tế không có mặt tại thời điểm đưa tiền cũng là tình tiết bạn cần lưu ý vì có thể có lợi cho bạn nếu như vụ việc được đưa ra tòa án giải quyết.