Đây là nội dung nằm trong phần 1 của Chương III của đề tài SV NCKH năm 2007: Án lệ và Khả năng áp dụng Án lệ ở Việt Nam.
- Phần trước: Khả năng áp dụng án lệ ở Việt Nam
Nền tảng của án lệ chính là những nguyên tắc mà mỗi quốc gia áp dụng cho hệ thống pháp luật nước mình, để đánh giá khả năng áp dụng án lệ tại Việt Nam cần bắt đầu từ những nguyên tắc này. Đối với hệ thống pháp luật Việt Nam ban đầu có thể áp dụng các nguyên tắc sau:
– Nguyên tắc Stare decisis: Hai vụ việc với các tình tiết chính tương tự nhau sẽ phải có kết quả xét xử như nhau. Đây là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất thể hiện được bản chất của án lệ, nguyên tắc này được sử dụng phổ biến trong pháp luật Anh và Mỹ.
– Án lệ sử dụng phải có tính bắt buộc: Đây là nguyên tắc cần thiết với bất kỳ án lệ trong pháp luật của quốc gia nào để đảm bảo án lệ chặt chẽ và hiệu quả không kém gì luật thành văn. Để thực hiện được nguyên tắc này, Việt Nam phải quy định một trình tự, thủ tục hay một quy trình cụ thể của việc công nhận một án lệ là bắt buộc.
– Toà án cấp dưới có nghĩa vụ phải áp dụng án lệ của toà án cấp trên. Vì hệ thống toà án Việt Nam được tổ chức thành các cấp nên cũng có thể áp dụng nguyên tắc này. Ban đầu có thể quy định chỉ có Toà án nhân dân tối cao mới được quyền tạo ra án lệ và các toà án cấp dưới phải tuân thủ, sau này khi số lượng án lệ đã tăng lên và việc áp dụng dần đi vào ổn định thì có thể mở rộng khả năng tạo ra án lệ cho các toà án cấp dưới trực tiếp của Toà án nhân dân tối cao.
- Có thể bạn quan tâm: [Ebook] Tài liệu nghiên cứu Án lệ
– Trong một vụ kiện, các bên có thể viện dẫn nhiều án lệ. Nguyên tắc này cần thiết bởi vì rất ít khi có hai vụ kiện có những tình tiết chính giống hệt nhau mà mỗi phần của vụ việc có thể liên quan đến một án lệ. Vì vậy để đảm bảo việc xét xử được đầy đủ và chính xác, cần viện dẫn nhiều án lệ liên quan nếu có.
– Luật thành văn có giá trị cao hơn án lệ. Nguyên tắc này đối với Việt Nam là rất quan trọng bởi vì dù sao luật thành văn vẫn là nguồn luật quan trọng nhất của pháp luật Việt Nam trong suốt thời gian dài, vì vậy việc duy trì vị trí của luật thành văn là rất cần thiết, Hiến pháp Việt Nam cũng quy định quyền lập pháp được trao cho Quốc hội – cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Việt Nam nên luật thành văn xứng đáng có một vị trí quan trọng. Ngoài ra, nguyên tắc này cũng giúp cho các phán quyết của thẩm phán được đưa ra một cách cẩn trọng hơn.
– Việc áp dụng án lệ phải đảm bảo được tính chắc chắn và ổn định của pháp luật. Nguyên tắc này luôn luôn cần thiết với bất kỳ hệ thống pháp luật của nước nào. Tuy nhiên, do nguyên tắc này mang tính hình thức và khái quát, vì vậy để đưa vào áp dụng trong thực tế, cần phải có những quy định cụ thể gắn liền với nguyên tắc.
Trên đây là những nguyên tắc cơ bản trong sử dụng án lệ mà theo quan điểm riêng của chúng tôi là có khả năng áp dụng ở Việt Nam khi nước ta chính thức sử dụng án lệ. Những nguyên tắc này tham khảo từ hệ thống pháp luật Anh, Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới.
- Phần tiếp theo: Vị trí của Án lệ và Luật thành văn
Đỗ Hữu Thật
có thể cho mình xin vài tài liệu về án lệ của Việt Nam hiện nay được hay không? Mình thấy các tài liệu chính thống về án lệ hàu như rất ít
Ngoc Blue
Mình chỉ có tài liệu cũ hồi còn nghiên cứu đề tài thôi bạn ạ. Bạn có thể tải miễn phí tại Đây
Đỗ Hữu Thật
Cám ơn bạn, tại mình đang học văn bằng 2, đề tài tốt nghiệp của mình là về án lệ, nhưng khi mình tìm tài liệu về nó thì có rất ít các công trình nghiên cứu về án lệ kể từ khi nó được áp dụng vào VN, ngay cả số lượng vụ án áp dụng án lệ cũng khá khiêm tốn.
Cám ơn bạn rất nhiều.
Ngoc Blue
Đúng rồi bạn, hồi mình làm nghiên cứu cũng rất ít tài liệu về án lệ bằng tiếng Việt, các thầy cô hướng dẫn mình tìm tài liệu của nước ngoài. Vậy nên bạn thử hỏi thầy cô hướng dẫn bạn xem sao nhé.