Đa phần mọi người đều cho rằng 7 năm tù đối với anh Minh là quá nặng. Đúng, tôi cũng thấy nặng, nhưng đó là nặng về “tình”. Còn vế lý, tức là theo quy định thì Tại sao lại là 7 năm tù
Bài viết này không nhằm mục đích buộc tội hay gỡ tội, cũng không đứng về phía bên nào, mà chỉ nêu những quan điểm và nhận định của tôi về vụ việc, dựa trên những thông tin đã được cung cấp trên báo chí.
Trước tiên cũng xin tóm tắt một cách sơ lược nhất về vụ án:
Theo đó, anh Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản theo điểm a khoản 4, điều 135 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Võ Trung Hiếu; hai kiểm sát viên là ông Võ Hồng Phương và Võ Hải Phương. Ngoài ra, hai luật sư bào chữa cho bị cáo Minh là LS Nguyễn Tấn Thi và Phạm Hoài Nam (thuộc Đoàn LS TP.HCM).
Trong phiên tòa này, công ty TNHH TM&DV Tân Hiệp Phát là nguyên đơn dân sự. Ngoài ra, có 6 nhân chứng được tòa triệu tập đến tòa để làm chứng trong vụ án này.
Theo cáo trạng, anh Võ Văn Minh và chị ruột là Võ Thị Thảo thuê mặt bằng ở xã An Cư, huyện Cái Bè để bán quán ăn và nước uống, mỗi người bán một tuần. Riêng chị Thảo mua thêm tủ lạnh để bán thêm các loại nước đóng chai. Tuy nhiên, nếu khách có nhu cầu uống nước thì anh Minh sẽ bán hộ cho chị Thảo.
Ngày 3.12.2014, khi bán nước cho khách thì anh Minh phát hiện trong chai Number 1 (chai nhựa, thể tích 350ml, sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát) thấy có con ruồi bên trong chai nước nên đã cất đi.
Ngày 5.12.2014 anh Minh gọi điện cho Công ty Tân Hiệp Phát báo mình đang giữ chai nước Number 1 còn nguyên tem, bên trong có 1 con ruồi. Anh Minh đề nghị công ty phải gặp Minh giải quyết.
Ngay sau đó, công ty đã phân công 3 nhân viên lần lượt đến gặp anhMinh. Ban đầu, anh Minh yêu cầu công ty giao cho anh Minh 1 tỉ đồng thì mới giữ kín bí mật chai nước có con ruồi. Nếu không anh Minh sẽ tung chai nước ra thị trường, đưa lên chương trình truyền hình và báo đài khiến công ty mất thương hiệu, mất uy tín.
Lúc này, đại diện công ty đề xuất gửi tặng anh Minh 2 thùng nước Dr. Thanh và bình đựng đá thay lời cảm ơn và ngỏ ý muốn nhận lại chai nước nhưng anh Minh không đồng ý.
Ngày 16.12.2014, phía đại diện công ty tiếp tục đến gặp anh Minh. Trong buổi làm việc này, phía công ty đề xuất tặng anh Minh 3 thùng nước Dr.Thanh và 1 bình đựng đá để cảm ơn nhưng anh Minh vẫn không đồng ý. Anh Minh dọa kiện ra ban an toàn vệ sinh thực phẩm, in tờ rơi phát tán để làm mất uy tín công ty. Thấy thái độ cương quyết của anh Minh, 2 nhân viên công ty ra về.
Vài ngày sau, anh Minh gọi điện cho công ty hạ xuống 600 triệu đồng mới giữ kín bí mật, nếu không thông tin xuất hiện trên báo đài.
Phía công ty cho anh Minh biết chủ trương của công ty từ trước đến nay không giải quyết sản phẩm bị lỗi bằng tiền nên không đồng ý bồi thường 600 triệu đồng như anh Minh yêu cầu.
Đến ngày 20.1.2015, Công ty Tân Hiệp Phát phân công 3 nhân viên đến gặp anh Minh để giải quyết. Phía công ty cho rằng sản phẩm bị lỗi không phải do lỗi của nhà sản suất, và công ty không giải quyết bằng tiền đối với sản phẩm bị lỗi, mà chỉ giải quyết sản phẩm bị lỗi bằng sản phẩm nên đề nghị anh Minh nhận vài thùng sản phẩm của công ty thay lời cảm ơn.
Anh Minh giảm số tiền xuống còn 500 triệu đồng nhưng các nhân viên không đồng ý.
Do lo sợ ảnh hưởng đến uy tín công ty (theo lời của đại diện Tân Hiệp Phát), giám đốc công ty chấp nhận giao tiền theo yêu cầu của anh Minh. Ngày 27.1.2015, khi anh Minh đang nhận tiền của nhân viên công ty thì bị công an bắt quả tang cùng vật chứng.
(Nguồn: http://thanhnien.vn/thoi-su/ngay-mai-xu-vu-chai-number-one-co-ruoi-647186.html)
Theo kết quả giám định ngày 5.2.2015 của Phân viện khoa học hình sự Bộ Công an đối với chai nước có con ruồi, không phát hiện dấu vết rách, thủng chai nước. Phát hiện dấu vết biến dạng nắp chai nước nhãn hiệu Number 1; phát hiện dấu vết trượt xước lạ bên trong nắp chai; mực nước trong chai thấp hơn mực nước gửi mẫu so sánh; các dị vật bên trong chai nước là ruồi….
Ngày 4.8.2015, Phân viện Khoa học Hình sự Bộ Công an có văn bản giải thích kết luận giám định rằng nắp chai nước Number 1 gửi giám định đã được mở ra khỏi chai nước và đóng nắp chai lại.
Theo cáo buộc, việc ai là người mở chai nước Number 1 rồi bỏ ruồi vào và đóng chai lại nhằm phá hoại uy tín, thương hiệu công ty Tân Hiệp Phát thì chưa rõ.
Cáo trạng nêu, sự đe dọa của Minh làm Ban giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát lo sợ bị ảnh hưởng đến uy tín công ty nên mới chấp nhận giao tiền cho Minh. Hành vi của Minh phạm tội cưỡng đoạt tài sản, với khung hình phạt từ 12-20 năm tù.
Trên đây là nội dung vụ việc được trích dẫn trong bản cáo trạng của Viện kiểm sát (theo nguồn tham khảo nêu trên). Viện kiểm sát là cơ quan có chức năng “buộc tội” vậy nên cáo trạng của Viện kiểm sát luôn có xu hướng “buộc tội”. Vì vậy tôi đã sửa một vài cách diễn đạt cố gắng để vụ việc được tóm tắt một cách khách quan nhất.
Một số vấn đề pháp lý tôi muốn phân tích trong trường hợp này, đó là:
1. Liệu anh Võ Văn Minh có phạm tội cưỡng đoạt tài sản?
Để nhận định điều này, trước tiên tôi xin trích dẫn quy định của Bộ luật hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản “Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.” (Khoản 1, Điều 135 Bộ luật hình sự 1999)
Với quy định này, có thể thấy, anh Minh sẽ được coi là phạm tội cưỡng đoạt tài sản nếu:
– Có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác và
– Nhằm chiếm đoạt tài sản
Trong trường hợp này, yếu tố thứ nhất là yếu tố gây tranh cãi nhiều nhất, đó là
– Anh Minh có thủ đoạn uy hiếp tinh thần đối với Tân Hiệp Phát hay không (chính xác là người có trách nhiệm đối với tài sản của Tân Hiệp Phát, nhưng từ đoạn này trở đi tôi sẽ gọi tắt cho ngắn gọn) hay đây chỉ là cuộc thỏa thuận ngã giá trong 1 giao dịch dân sự, như mọi người vẫn gọi là thuận mua vừa bán
– Tân Hiệp Phát có thực sự là bị uy hiếp tinh thần không, tức là họ có “sợ” đến mức phải đưa 500 triệu khi nghe anh Minh “dọa” hay không?
Đối với câu hỏi Tân Hiệp Phát có thực sự là bị uy hiếp tinh thần không, tôi thấy việc tranh cãi dường như không cần thiết, bởi vì hãy nhìn lại nội dung quy định của Điều 135 nêu trên “Người nào có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”, nếu đọc kỹ lại, có thể thấy rằng chỉ cần người đó có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác thôi là đã đủ điều kiện về hành vi cưỡng đoạt, chứ Điều luật không quy định là “Người nào có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác và làm cho người khác sợ hãi/bị uy hiếp”. Như vậy, chỉ cần người nào có những thủ đoạn được cho là uy hiếp tinh thần người khác thôi, mà chưa cần biết người đó có sợ hay không là đã có thể cho rằng người đó có hành vi cưỡng đoạt theo quy định của Điều 135.
Thủ đoạn uy hiếp tinh thần không có quy định cụ thể hay liệt kê là những thủ đoạn như thế nào, mà thực tế là không thể quy định hay liệt kê được bới vì nó rất đa dạng. Việc kết luận sẽ do Hội đồng xét xử đánh giá qua hồ sơ vụ việc và tại phiên tòa. Đó là quyền hạn của Hội đồng xét xử.
Tất nhiên thủ đoạn uy hiếp tinh thần tôi nói trong trường hợp này là những hành vi có căn cứ để gây nỗi lo lắng, sợ hãi cho người khác, chứ không phải dọa vu vơ kiểu dọa trẻ con hoặc dọa kiểu người khác biết mình không thể làm được hoặc biết mình không bao giờ làm. Ví dụ anh Minh chỉ nói rằng: Nếu không đưa tiền, tôi sẽ không làm đại lý cho Tân Hiệp Phát nữa, thì chắc rằng Thẩm phán khó có thể cho rằng đấy là thủ đoạn uy hiếp tinh thần
Còn theo như lời khai của anh Minh và anh cũng đã thừa nhận tại phiên tòa thì những hành vi của anh đối với Tân Hiệp Phát nếu không chấp nhận yêu cầu đưa tiền của anh, đó là:
– Sẽ tung chai nước ra thị trường,
– Sẽ đưa lên chương trình truyền hình và báo đài
– Sẽ kiện ra ban an toàn vệ sinh thực phẩm,
– Sẽ in tờ rơi phát tán sự việc
Những hành vi này của anh Minh theo quan điểm của tôi là hoàn toàn có đủ căn cứ để tòa án cho rằng đây là thủ đoạn uy hiếp tinh thần.
Một điểm cần lưu ý, đó là tội chiếm đoạt tài sản có cấu thành hình thức, hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc để định tội có nghĩa là chỉ cần anh Minh có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản của Tân Hiệp Phát là tội phạm đã hoàn thành, chứ không cần biết anh Minh đã nhận được tài sản hay chưa
Thêm một điều nữa, đó là việc một người sợ hay không sợ thực ra rất khó chứng minh rõ ràng. Chằng hạn, bên phía Tân Hiệp Phát nói lo sợ vì ảnh hưởng đến uy tín của Công ty, ảnh hưởng đến việc làm của nhiều công nhân, mà việc lo sợ này là có căn cứ để nói, thì cho dù họ giả vờ sợ hay sợ thật thì làm cách nào mà người khác có thể chứng minh rằng Không, họ không sợ đâu, họ giả vờ đấy. Mà lưu ý rằng đây là việc chứng minh trước Tòa án, trước Hội đồng xét xử.
Nếu theo như những thông tin vể vụ việc đã được công khai, thì quan điểm của tôi cho rằng, anh Võ Văn Minh đã thỏa mãn yếu tố có thủ đoạn uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định của Điều 135 Bộ luật hình sự
Khi Tòa án đã kết luận rằng anh Minh có thủ đoạn uy hiếp tinh thần thì được nhiên những việc anh Minh làm không thể cho là giao dịch dân sự nữa. Và như vậy việc anh Minh đòi số tiền lên đến 500 triệu khi không còn là giao dịch dân sự mà có yếu tố uy hiếp tinh thần thì đương nhiên đó là trường hợp “nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản”
2. Hình phạt 7 năm tù có phải là quá nặng?
Đa phần mọi người đều cho rằng 7 năm tù đối với anh Minh là quá nặng. Đúng, tôi cũng thấy nặng, nhưng đó là nặng về “tình”. Còn vế lý, tức là theo quy định thì Tại sao lại là 7 năm tù. Là do quy định như thế này:
Trước hết, tài sản mà Anh Minh có mục đích chiếm đoạt được xác định là số tiền mặt có trị giá: 500.000.000 VNĐ (năm trăm triệu đồng)
Với số tiền như vậy, thật không may anh Minh đã rơi vào Khoản 4 Điều 135 Tội cưỡng đoạt tài sản
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Do bị vào Khoản 4 nêu trên nên khung hình phạt rất nặng: Từ mười hai năm đến hai mươi năm tù, đồng nghĩa với việc hình phạt thấp nhất mà tòa án sẽ phải tuyên là 12 năm tù
Tuy nhiên, luật pháp luôn có những tình tiết giảm nhẹ với mục đích nhân đạo và khoan hồng để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự 1999. Tôi tin chắc anh Minh có hơn 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1 Điều 46 này. Và để giải thích về hình phạt 7 năm tù thì đó là quy định tại Điều 47 Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật
Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.
Áp dụng đối với trường hợp của anh Minh, quy định này có nghĩa là Tòa án được áp dụng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của Khoản 4 Điều 135 nêu trên, tức là dưới 12 năm tù nhưng phải trong khung hình phạt của Khoản 3 Điều 135 tức là từ bảy năm đến mười lăm năm
Cụ thể trong trường hợp của anh Minh, Tòa án không được phép ra phán quyết thấp hơn 7 năm tù nếu không phán quyết này của Tòa án cấp sơ thẩm có thể sẽ bị hủy do trái quy định của pháp luật.
Như vậy, đối chiếu vụ việc của anh Võ Văn Minh và Tân Hiệp Phát với những quy định hiện hành thì mức hình phạt thấp nhất mà Tòa án có thể phán quyết cho anh Minh là 7 năm tù, không thể có mức hình phạt thấp hơn.
Đến đây, tôi nghĩ chắc mọi người cũng đã hiểu được về lý do của mức án 7 năm tù mà chắc hẳn đa phần mọi người đều cho là quá nặng
Về thủ tục tố tụng, thông tin trên báo có nói rằng luật sư của anh Minh cho rằng cơ quan điều tra đã vi phạm một số thủ tục tố tụng, tôi cho rằng vấn đề luật sư của anh Minh đưa ra là rất hợp lý, còn độ chính xác của thông tin thì tôi không nắm được nên không thể nói thêm về vấn đề này. Tuy nhiên việc vi phạm thủ tục tố tụng dẫn đến việc hủy bản án hay sửa bản án sơ thẩm hoặc may mắn hơn là đình chỉ vụ án (tức là anh Minh không phải chịu trách nhiệm hình sự) trong vụ việc này tôi cho rằng rất khó. Tất nhiên tôi vẫn rất mong Luật sư của anh Minh sẽ làm được việc này theo đúng quy định.
Xem tiếp Phần 2: Quan điểm về cách giải quyết vụ án chai nước Tân Hiệp Phát – Võ Văn Minh
Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
> Hãy cung cấp địa chỉ email chính xác
> Vui lòng bình luận / đặt câu hỏi bằng tiếng Việt có dấu
> Cố gắng tìm nội dung bạn cần trên Luật NBS trước khi đặt câu hỏi
* Mọi bình luận bằng tiếng Việt không dấu chúng tôi sẽ không phản hồi