Khi nghe tin tức về một tội phạm đã gây ra một tội ác rất nghiêm trọng và tàn ác, bạn có bao giờ cảm thấy bức xúc khi tội phạm đó không bị tử hình hoặc được giảm hình phạt do ở một độ tuổi nào đó không? Bài viết hôm nay tôi sẽ cung cấp cho bạn các thông tin và quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự và các quy định liên quan đến độ tuổi trong pháp luật hình sự.
Tuy rằng hiện nay Bộ luật hình sự 2015 chưa có hiệu lực (và sẽ có hiệu lực vào 01/01/2018) nhưng những quy định có lợi cho người phạm tội đã được áp dụng từ 01/7/2016. Vì vậy tôi sẽ trích dẫn quy định của cả 2 Bộ luật hình sự 1999 và 2015 để bạn có thể so sánh và đánh giá.
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Bộ luật hình sự 1999 (Điều 12) |
Bộ luật hình sự 2015 (Điều 12) |
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
|
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật hình sự có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây: a) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); b) Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản); c) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy); d) Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép); đ) Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản); e) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).
|
Như vậy, bạn có thể thấy Bộ luật hình sự 2015 quy định chi tiết, cụ thể và rõ ràng hơn Bộ luật hình sự 1999.
Để có thể hiểu hết các quy định về độ tuổi của bộ luật hình sự, bạn cần phải phân biệt về mức độ nghiêm trọng của tội phạm, theo quy định là phân loại tội phạm. Quy định về phân loại tội phạm tại 2 Bộ luật hình sự không khác nhau nhưng Bộ luật hình sự 2015 quy định rõ ràng hơn
Phân loại tội phạm
STT |
Loại tội phạm (4 loại) |
Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội |
1. | Ít nghiêm trọng | không lớn
mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm |
2. | Nghiêm trọng | lớn
mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù; |
3. | Rất nghiêm trọng | rất lớn
mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù |
4. | Đặc biệt nghiêm trọng | đặc biệt lớn
mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. |
(Căn cứ Điều 9 – BLHS 2015)
Ví dụ 1: A 15 tuổi phạm tội cố ý gây thương tích, tỷ lệ thương tật 12% và rơi vào khoản 1, Điều 104 Bộ luật hình sự 1999, khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
Theo quy định về phân loại thì đây là Tội phạm ít nghiêm trọng và theo Bộ luật hình sự 1999 thì A không phải chịu trách nhiệm hình sự, còn theo Bộ luật hình sự 2015 thì A phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp này, áp dụng quy định tại Bộ luật hình sự 1999
Ví dụ 2: B 15 tuổi phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và rơi vào khoản 3, Điều 123 Bộ luật hình sự 1999, mức cao nhất của khung hình phạt là 10 năm. Do đó theo quy định thì đây là loại tội phạm rất nghiêm trọng.
và theo Bộ luật hình sự 1999 thì B phải chịu trách nhiệm hình sự, còn theo Bộ luật hình sự 2015 thì B không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp này, áp dụng quy định tại Bộ luật hình sự 2015 do có lợi hơn cho người phạm tội B.
Người chưa thành niên (BLHS 1999) và Người dưới 18 tuổi (BLHS 2015)
Không chỉ quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Bộ luật hình sự còn quy định một chương riêng áp dụng cho người chưa thành niên phạm tội. Người chưa thành niên theo quy định là người chưa đủ 18 tuổi. Có một số quy định đáng chú ý áp dụng cho đối tượng đặc biệt này ở 2 Bộ luật hình sự như sau:
Bộ luật hình sự 1999 |
Bộ luật hình sự 2015 |
1. Không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình
2. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục 3. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp: a) Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; b) Đưa vào trường giáo dưỡng. 4. Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng. Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội. Án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. (Điều 69, BLHS 1999) 5. Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị phạt tù có thời hạn theo quy định sau đây: a) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định; b) Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định. (Điều 74, BLHS 1999) |
1. Không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình
2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục: a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật hình sự; b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội giết người); Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này; c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án. 3. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. (Điều 91, BLHS 2015) 4. Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau: a) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định; b) Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định. (Điều 101, BLHS 2015) |
Ngoài ra ở cả 2 bộ luật còn một số quy định khác mang tính chất răn đe, giáo dục và nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội, quy định khá dài nên tôi không trích dẫn tại đây và nếu bạn có đọc thì sẽ thấy rằng quy định tại Bộ luật hình sự 2015 cụ thể, chi tiết và rõ ràng hơn rất nhiều so với Bộ luật hình sự 1999
Người già, người cao tuổi
Nếu như BLHS 1999 chỉ quy định một cách chung chung là người già, người quá già yếu..v..v.., thì BLHS 2015 đã quy định mức tuổi cụ thể để được coi là người già hay người cao tuổi phạm tội.
- Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
- Không áp dụng hình phạt tử hình đối người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
- Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án đủ 75 tuổi trở lên.
Như vậy, nếu xét về độ tuổi trong quy định của bộ luật hình sự thì bạn có thể nhớ theo các mốc sau đây: 14-16-18-70-75 |
Khi gặp các trường hợp phạm tội ở độ tuổi cần lưu ý như vậy thì ngoài các quy định thông thường trong Bộ luật hình sự, bạn sẽ cần phải quan tâm đến những quy định đặc thù về độ tuổi để có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc hình phạt đối với người phạm tội.
Luật pháp ở quốc gia nào cũng vậy, luôn quy định những mức hình phạt nhẹ hơn, khoan hồng hơn đối với những lứa tuổi đặc biệt. Kết quả đó dựa trên cả quá trình nghiên cứu về tâm sinh lý và các yếu tố khác tác động đến hành vi phạm tội. Đó cũng được coi là chính sách nhân đạo và nhân văn của luật pháp dành cho người phạm tội ở độ tuổi đặc biệt. Đó là một điều tôi cho rằng rất hợp lý. Vì vậy, có thể một lúc nào đó hay ở đâu đó bạn có nghe đến những hành vi phạm tội mà bạn chỉ muốn áp dụng hình phạt tử hình với tội phạm đó ngay lập tức, nhưng tội phạm đó lại được hưởng quy định riêng dành cho độ tuổi của họ, thì bạn cũng đừng vội cho rằng pháp luật không công bằng, mà hãy nghĩ rằng đó chỉ là những trường hợp cá biệt của hành vi phạm tội ở độ tuổi đó. Còn rất nhiều người phạm tội khác ở lứa tuổi đặc biệt cũng đang cần và đáng được áp dụng những quy định riêng như vậy. Và đó mới là cuộc sống!
chị viết bài về quyền tài phán hình sự quốc gia ven biển đi :3
Hơi khó vì liên quan đến các văn bản pháp luật quốc tế, đợi mình đọc thêm quy định về vấn đề này đã nhé. Trong lúc đợi thì bạn đọc tạm bài Ranh giới và chủ quyền quốc gia trên biển xem sao 😛