Như vậy, sau nhiều năm mong đợi, cuối cùng Việt Nam đã có những án lệ chính thức đầu tiên được áp dụng từ 01/06/2016. Hy vọng rằng việc áp dụng án lệ tại Việt Nam ngày càng phát triển một cách tích cực và các án lệ Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện, góp phần xét xử các vụ án một cách nhanh chóng, khách quan và công bằng.
Dưới đây là danh mục và tóm tắt những nội dung cơ bản của các Án lệ Việt Nam đã ban hành. Danh mục án lệ sẽ được Luật NBS cập nhật thường xuyên.
Các án lệ đều được chúng tôi lấy từ nguồn: Tòa án nhân dân tối cao
Cho đến ngày 01/11/2023 Việt Nam đã có 70 án lệ có hiệu lực.
07 ÁN LỆ VIỆT NAM ♦ ĐỢT 12
Áp dụng từ 01/11/2023
Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua vào ngày 18 tháng 8 năm 2023 và được công bố theo Quyết định số 364/QĐ-CA ngày 01 tháng 10 năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Quyết định giám đốc thẩm số 15/2022/HS-GĐT ngày 04/10/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án hình sự “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Trần Văn N và đồng phạm.
* Án lệ này do Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao đề xuất.
♦ Tình huống án lệ 1:
Bị cáo lên kế hoạch, chuẩn bị các công cụ, phương tiện phạm tội để bắt cóc bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản.
♦ Giải pháp pháp lý 1:
Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Tòa án phải căn cứ vào giá trị tài sản bị cáo định chiếm đoạt để định khung hình phạt.
♦ Tình huống án lệ 2:
Trong số các bị cáo có bị cáo là người cầm đầu, khởi xướng, trực tiếp rủ các bị cáo khác tham gia việc bắt giữ bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản, lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác; giữa các bị cáo có sự cấu kết chặt chẽ, thực hiện hành vi nhất quán theo sự chỉ đạo của bị cáo cầm đầu.
♦ Giải pháp pháp lý 2:
Trường hợp này, các bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với tình tiết định khung tăng nặng “có tổ chức” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
♣ Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
“Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”; “Định khung hình phạt”; “Có tổ chức”.
Bản án hình sự sơ thẩm số 42/2018/HSST ngày 03/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu về vụ án “Mua bán người” đối với các bị cáo Dương Văn S, Phạm Hồng K, Dương Thị T1, Trần Ích C.
* Án lệ này do Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao đề xuất.
♦ Tình huống án lệ:
Bị cáo thông qua trung gian đưa ra lời đề nghị với bị hại về một công việc nên bị hại nhận lời. Sau đó, bị cáo chuyển giao bị hại cho người khác, buộc làm công việc trái ý muốn của bị hại nhằm mục đích kiếm lời.
♦ Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Tòa án phải căn cứ vào giá trị tài sản bị cáo định chiếm đoạt để định khung hình phạt.
♣ Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
♣ Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.
“Tội mua bán người”; “Chuyển giao người với mục đích kiếm lời”.
Bản án hình sự phúc thẩm số 86/2022/HS-PT ngày 17/02/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án “Mua bán người” đối với các bị cáo Trịnh Thị H và Đặng Thị C.
* Án lệ này do Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao đề xuất.
♦ Tình huống án lệ:
Bị cáo có hành vi lừa gạt, hứa hẹn về lợi ích với bị hại làm cho bị hại tin tưởng và tự nguyện theo bị cáo ra nước ngoài, sau đó bị cáo giao bị hại cho người khác để nhận tiền.
♦ Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải xác định tội danh của bị cáo là tội “Mua bán người” mà không phải tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
♣ Điều 150 và Điều 349 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
♣ Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.
“Tội mua bán người”; “Lừa gạt”; “Lấy chồng nước ngoài”.
Quyết định giám đốc thẩm số 40/2021/DS-GĐT ngày 23/6/2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án dân sự “Tranh chấp chia tài sản chung” giữa nguyên đơn là cụ Nguyễn Thị Đ với bị đơn là anh Phạm Ngọc H; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 06 người.
* Án lệ này do Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao đề xuất.
♦ Tình huống án lệ:
Trong vụ án chia tài sản chung là quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, một bên là người cao tuổi đã tạo lập, quản lý và sử dụng nhà đất ổn định, lâu dài, có nguyện vọng nhận nhà đất và thanh toán giá trị phần tài sản của người còn lại cho người đó. Nhà đất không thể chia được bằng hiện vật.
♦ Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải quyết định giao nhà đất cho người cao tuổi và người cao tuổi phải thanh toán giá trị phần tài sản của người còn lại cho người đó.
♣ Điều 209 và Điều 219 Bộ luật Dân sự năm 2015.
“Người cao tuổi”; “Chia tài sản chung”; “Thanh toán giá trị”.
Quyết định giám đốc thẩm số 06/2019/DS-GĐT ngày 18/3/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế, đòi công sức đóng góp nuôi dưỡng, trông nom, bảo quản nhà, đất và đòi nhà, đất” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Túy H với bị đơn là bà Lý Lan H1; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 06 người.
* Án lệ này do GS.TS. Đỗ Văn Đại, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất.
♦ Tình huống án lệ:
Người để lại di sản là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất chết trước ngày Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực pháp luật. Tranh chấp về chia thừa kế tài sản được Tòa án giải quyết tại thời điểm Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực pháp luật.
♦ Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án áp dụng Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014 để giải quyết.
Trường hợp có người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì người thừa kế được nhận di sản bằng hiện vật là nhà ở khi đủ điều kiện nhận nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2014 và di sản có thể phân chia bằng hiện vật.
♣ Điểm d khoản 1 Điều 169; Điều 186 Luật Đất đai năm 2013;
♣ Khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014.
“Người Việt Nam định cư ở nước ngoài”; “Điều kiện nhận nhà ở”, “Luật áp dụng”.
Quyết định số 755/2018/QĐ-PQTT ngày 12/6/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc dân sự “Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài”; người yêu cầu là bà Đỗ Thị Mai T, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH R.
* Án lệ này do GS.TS. Đỗ Văn Đại, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất.
♦ Tình huống án lệ:
Người lao động và người sử dụng lao động ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh về việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động không được làm công việc tương tự hoặc công việc cạnh tranh với người sử dụng lao động trong thời hạn nhất định, nếu có tranh chấp sẽ giải quyết bằng Trọng tài thương mại.
♦ Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải xác định tranh chấp về thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh giữa hai bên là thỏa thuận độc lập với hợp đồng lao động, thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại.
♣ Khoản 2 Điều 2, Điều 13 và khoản 4 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại năm 2010;
♣ Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015;
♣ Điều 6 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại.
“Thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh”; “Thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại”; “Thẩm quyền của Trọng tài thương mại”.
Quyết định giám đốc thẩm số 06/2022/LĐ-GĐT ngày 26/9/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án lao động “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” giữa nguyên đơn là ông Vương Quốc A với bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn K Việt Nam.
* Án lệ này do Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao đề xuất.
♦ Tình huống án lệ:
Người lao động và người sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn. Trong thời hạn hợp đồng, người lao động trúng cử Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn cơ sở nhưng việc ứng cử và trúng cử là không hợp lệ. Hết thời hạn hợp đồng, người sử dụng lao động ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
♦ Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải xác định người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động là đúng.
♣ Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012 (tương ứng với Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019); Điều 192 Bộ luật Lao động năm 2012;
♣ Điều 25 Luật Công đoàn năm 2012.
“Hợp đồng lao động”; “Chấm dứt hợp đồng lao động”; “Cán bộ công đoàn”.
07 ÁN LỆ VIỆT NAM ♦ ĐỢT 11
Áp dụng từ 27/03/2023
Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua vào các ngày 01, 02, 03 tháng 02 năm 2023 và được công bố theo Quyết định số 39/QĐ-CA ngày 24 tháng 02 năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Bản án hình sự phúc thẩm số 590/2020/HS-PT ngày 18/12/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Cướp giật tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Thành Quốc B.
* Án lệ này do PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng – Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất.
♦ Tình huống án lệ:
Bị cáo dùng thủ đoạn gian dối để người quản lý tài sản chuyển giao tài sản cho bị cáo, sau đó lợi dụng sơ hở để nhanh chóng tẩu thoát.
♦ Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp giật tài sản”.
♣ Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
“Cướp giật tài sản”; “Thủ đoạn gian dối để tiếp cận tài sản”.
Bản án hình sự sơ thẩm số 179/2018/HSST ngày 14/9/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh về vụ án “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” đối với bị cáo Hoàng Đình Q.
* Án lệ này do Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao đề xuất
♦ Tình huống án lệ:
Bị cáo có hành vi vận chuyển 05 cá thể hổ và 01 bộ phận không thể tách rời sự sống của cá thể hổ thứ 06.
♦ Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
♣ Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
♣ Điều 4 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự.
“Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”; “Bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống”; “Điểm c khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự”.
Bản án phúc thẩm số 50/2020/HS-PT ngày 10/12/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái về vụ án “Giết người” đối với các bị cáo Triệu Văn M, Đặng Văn T.
*Án lệ này do Toà án nhân dân tỉnh Yên Bái đề xuất.
♦ Tình huống án lệ:
Bị cáo dùng hung khí nguy hiểm tấn công bị hại. Bị hại điều khiển xe mô tô bỏ chạy, bị cáo tiếp tục truy đuổi làm bị hại lo sợ phải tăng tốc bỏ chạy. Khi bị hại bị tai nạn thì bị cáo mới dừng việc truy đuổi. Bị hại tử vong trên đường đi cấp cứu.
♦ Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” với lỗi cố ý gián tiếp.
♣ Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
“Giết người”; “Lỗi cố ý gián tiếp”; “Điều khiển xe mô tô bỏ chạy”; “Bị hại bị tai nạn”.
Quyết định giám đốc thẩm số 239/2022/DS-GĐT ngày 05/9/2022 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp trả thưởng tiền xổ số kiến thiết” giữa nguyên đơn là ông Thái Hữu T với bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xổ số kiến thiết A.
* Án lệ này do Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Toà án nhân dân tối cao đề xuất.
♦ Tình huống án lệ:
Thể lệ tham gia dự thưởng của công ty xổ số kiến thiết xác định thời hạn trả thưởng đối với vé số trúng thưởng được tính theo ngày.
♦ Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải xác định ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 147 Bộ luật Dân sự năm 2015; ngày cuối cùng của thời hạn trả thưởng được xác định theo quy định tại Điều 148 Bộ luật Dân sự năm 2015.
♣ Khoản 2 Điều 147, khoản 1, 5 và 6 Điều 148 Bộ luật Dân sự năm 2015;
♣ Khoản 1 Điều 30 Thông tư số 75/2013/TT-BTC ngày 4 tháng 6 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về hoạt động kinh doanh xổ số.
“Tranh chấp trả thưởng xổ số”; “Kinh doanh xổ số”; “Thời hạn trả thưởng”.
Quyết định sơ thẩm số 87/2019/QĐST-HNGĐ ngày 24/4/2019 của Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai về việc “Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi”, người yêu cầu là ông Trần Công T, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Thanh H và chị Trần Thị Thảo T1.
* Án lệ này do GS. TS. Đỗ Văn Đại và ThS. Lê Thị Mận – Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất.
♦ Tình huống án lệ:
Cha đẻ, mẹ đẻ và cha nuôi, mẹ nuôi thống nhất giao lại con nuôi chưa thành niên cho cha đẻ, mẹ đẻ tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng; con nuôi có nguyện vọng được về sống với cha đẻ, mẹ đẻ và cha nuôi, mẹ nuôi có yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
♦ Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải chấp nhận yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
♣ Các điều 25, 26 và 27 Luật Nuôi con nuôi năm 2010;
♣ Điều 78 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
“Chấm dứt việc nuôi con nuôi”; “Con nuôi chưa thành niên”; “Tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi”.
Bản án phúc thẩm số 07/2018/HN-PT ngày 22/3/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước về vụ án hôn nhân và gia đình “Xác định cha cho con, cấp dưỡng nuôi con” giữa nguyên đơn là chị Lê Thị D với bị đơn là anh Trịnh Vinh C.
* Án lệ này do GS. TS. Đỗ Văn Đại, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất.
♦ Tình huống án lệ:
Sau khi người con được sinh ra, người mẹ khởi kiện yêu cầu xác định bị đơn là cha đẻ của người con và yêu cầu bị đơn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên. Tòa án xác định bị đơn là cha đẻ của người con và có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
♦ Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải xác định thời gian cấp dưỡng cho con chưa thành niên được tính kể từ khi người con được sinh ra.
♣ Khoản 24 Điều 3, Điều 107, Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
“Xác định cha cho con”; “Cấp dưỡng cho con chưa thành niên”; “Thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng”.
Quyết định giám đốc thẩm số 04/2018/HC-GĐT ngày 23/10/2018 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về vụ án hành chính “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về việc cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự đô thị và yêu cầu đòi bồi thường do hành vi cưỡng chế gây ra” giữa người khởi kiện là ông Lê Hữu T, bà Lê Thị Ngọc L với người bị kiện là Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường A.
* Án lệ này do Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề xuất.
♦ Tình huống án lệ:
Người khởi kiện khiếu kiện quyết định hành chính và hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính nhưng chỉ có hành vi hành chính còn thời hiệu khởi kiện.
♦ Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải giải quyết yêu cầu khởi kiện đối với hành vi hành chính và có quyền xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính có liên quan đến hành vi hành chính bị khiếu kiện.
♣ Điều 6, Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
“Thời hiệu khởi kiện”; “Xem xét quyết định hành chính có liên quan”.
>> Trang kế tiếp: 13 ÁN LỆ VIỆT NAM – ĐỢT 8,9,10 >>