Sau khi gây ra tai nạn giao thông cho bị hại, bị cáo dừng xe xuống kiểm tra thấy bị hại nằm dưới gầm xe ô tô, không xác định được bị hại còn sống hay đã chết, bị cáo tiếp tục điều khiển xe chèn lên người bị hại. Hậu quả là bị hại chết.
Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”.
Áp dụng từ 15/04/2020 Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 05 tháng 02 năm 2020 và được công bố theo Quyết định số 50/QĐ-CA ngày 25 tháng 02 năm 2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Bản án phúc thẩm số 280/2019/HSPT ngày 16-5-2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án “Giết người” đối với bị cáo Phan Đình Q, sinh năm 1980.
*Án lệ này do Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đề xuất.
Đoạn 2, 3,4, 5 phần “Nhận định của Tòa án”.
- Tình huống án lệ:
Sau khi gây ra tai nạn giao thông cho bị hại, bị cáo dừng xe xuống kiểm tra thấy bị hại nằm dưới gầm xe ô tô, không xác định được bị hại còn sống hay đã chết, bị cáo tiếp tục điều khiển xe chèn lên người bị hại. Hậu quả là bị hại chết.
- Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”.
Các điều 93, 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 (tương ứng với các điều 123, 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).
“Tai nạn giao thông”; “điều khiển xe chèn lên người bị hại”; “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”; “Giết người”.
(Những nội dung dưới đây khá dài, vui lòng click để xem)
“[2] Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy: Trong khi đang điều khiển xe ô tô phát hiện có việc va chạm, xảy ra tai nạn giao thông thì Q đã dừng xe lại để xuống kiểm tra, Khi Q nhìn thấy có một nạn nhân (sau này biết đó là em Hoàng Đức P) đang nằm ở phía trước hàng bánh phía sau xe ô tô về phía bên phải thì Q đã lên xe, điều khiển cho xe ô tô đi thẳng, nên hàng bánh sau xe ô tô của Q đã đè lên đầu, làm em P chết ngay tại chỗ.
[3] Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, như lời khai của người làm chứng gồm: bà Dương Thị H, anh Nguyễn Xuân H, chị Phạm Thị T, anh Hoàng Khánh C; cũng như Sơ đồ hiện trường, Biên bản khám nghiệm tử thi, Kết luận giám định pháp y và đặc biệt là căn cứ vào chính lời khai của bị cáo Q ở giai đoạn ban đầu điều tra vụ án thì thấy: Trong quá trình điều tra vụ án của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Anh, cũng như tại phiên tòa của Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh và tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh thì bị cáo đã khai: “Khi xuống kiểm tra thì tôi không chắc chắn nạn nhân đang nằm dưới gầm xe ô tô là còn sống, hay đã chết, vì thực tế lúc đó tôi cũng chưa có căn cứ để xác định được là nạn nhân đã chết, hay còn sống” (Bút lục 75); bị cáo Q còn khai là mặc dù lúc đó bị cáo nhận thức được cho xe tiến lên, hay lùi lại thì cũng đều là rất nguy hiểm, vì nếu lùi xe thì thế nào bánh trước cũng sẽ tiếp tục đè lên người nạn nhân (Bút lục 64, 65, 69).
[4] Lời khai của bị cáo Phan Đình Q còn thể hiện: Khi xuống kiểm tra tôi thấy nạn nhân nằm sát về phía trước của hàng bánh sau xe ô tô, bánh xe ô tô chưa đè hẳn lên đầu người đó, bị cáo mới chỉ nhìn thấy nạn nhân đó nằm bất động về phía trước bánh xe ô tô ở hàng bánh sau phía bên phải (Bút lục 61, 68, 85, 354, 356). Ngoài ra, bị cáo Q còn có nhiều lời khai khác: Mặc dù bị cáo nhận thức được lúc đó cho xe ô tô lùi lại, hay tiến lên thì cũng đều đè qua người nạn nhân và tôi nhận thức được như vậy, nhưng tôi vẫn chấp nhận cứ cho xe đè qua người nạn nhân (Bút lục 58, 61, 64, 65, 69).
[5] Như vậy, mặc dù bị cáo Q kháng cáo cho rằng: Hành vi phạm tội của bị cáo không phạm tội “Giết người ” nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm có đủ căn cứ để khẳng định: Bị cáo Q đã có hành vi phạm tội “Giết người ” như quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh là hoàn toàn có căn cứ pháp luật. Việc bị cáo Q luôn thay đổi lời khai và không nhận đã phạm tội “Giết người ” là chỉ để trốn tránh trách nhiệm hình sự trước pháp luật về tội nặng hơn tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ ” mà thôi; do đó, Tòa án cấp phúc thẩm không có căn cứ pháp luật để chấp nhận nội dung kháng cáo của bị cáo, mà cần phải giữ nguyên tội danh “Giết người” đối với bị cáo như quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm khẳng định: bị cáo Q không bị kết án sai tội danh như nội dung đơn kháng cáo của bị cáo và lời khai của bị cáo tại phiên tòa, cũng như bào chữa của luật sư cho bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.”
Có thể bạn quan tâm:
Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp.
Nếu bạn yêu thích đọc sách, bạn có thể chia sẻ, bình luận những cuốn Sách Hay với chúng tôi tại ĐÂY
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
> Hãy cung cấp địa chỉ email chính xác
> Vui lòng bình luận / đặt câu hỏi bằng tiếng Việt có dấu
> Cố gắng tìm nội dung bạn cần trên Luật NBS trước khi đặt câu hỏi
* Mọi bình luận bằng tiếng Việt không dấu chúng tôi sẽ không phản hồi