Bạn đã có lần nào cảm thấy khổ sở vì thủ tục hành chính có giấy tờ liên quan đến sổ hộ khẩu chưa? Và chắc hẳn bạn cũng biết thông tin Việt Nam sắp bỏ sổ hộ khẩu.
Vậy bạn nên hiểu thông tin bỏ sổ hộ khẩu như thế nào cho đúng quy định? Sau khi bỏ sổ hộ khẩu, bạn sẽ cần làm thủ tục như thế nào?
Trong bài viết này, Luật NBS sẽ cung cấp cho bạn các thông tin và tư vấn theo quy định và thực tế để bạn có thể tránh được những phiền hà về thủ tục có thể xảy ra trong giai đoạn chuyển giao này
Bỏ sổ hộ khẩu có nghĩa là gì?
Các thông tin về cư trú trước đây ghi nhận trong sổ hộ khẩu giấy sẽ được chuyển thành cơ sở dữ liệu điện tử, tích hợp vào Căn cước công dân gắn chip. Do đó khi bạn đi làm các thủ tục hành chính cần đến sổ hộ khẩu, bạn chỉ cần cung cấp Căn cước công dân để các cơ quan, tổ chức quét mã QR là được.
Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy thực sự là bước tiến lớn rất tích cực đối với quản lý hành chính tại Việt Nam, giúp giảm thiểu rất nhiều những khó khăn, phiền hà cho người dân khi làm các thủ tục hành chính và được đông đảo người dân ủng hộ.
Tuy nhiên, đó là về quy định, thực tế thì lộ trình để hiện thực hóa việc này vẫn còn tương đối dài, khi mới chỉ có một số tỉnh, thành phố đã làm Căn cước công dân gắn chip và có cơ sở dữ liệu điện tử
Khi nào chính thức bỏ sổ hộ khẩu?
Đó là khi việc cấp Căn cước công dân gắn chip và nhập cơ sở dữ liệu về cư trú đã hoàn thành và đồng bộ trên toàn quốc và liên thông giữa các cơ quan, đơn vị làm thủ tục.
Còn từ ngày 01/7/2021 (là ngày Luật cư trú 2020 có hiệu lực) thì bạn lưu ý rằng:
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật cư trú 2020 cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
(Quy định tại Khoản 3, Điều 38 Luật cư trú 2020)
Như vậy, bạn có thể hiểu rằng đến hết ngày 31/12/2022 thì cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ hoàn thành và khi đó sổ hộ khẩu giấy có thể chính thức bỏ hoàn toàn.
Giấy tờ nào sẽ thay thế sổ hộ khẩu?
Từ 01/7/2021, khi bạn thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu giấy thì cơ quan có thẩm quyền sẽ thu hồi và không cấp lại sổ hộ khẩu giấy cho bạn nữa, mà họ sẽ cập nhật thông tin lên hệ thống cơ sở dữ liệu về cư trú
Như vậy đến thời điểm này chắc hẳn có nhiều người đã không còn sổ hộ khẩu giấy nữa.
Về nguyên tắc thì Căn cước công dân gắn chip chính là giấy tờ sẽ thay thế sổ hộ khẩu giấy. Nhưng đó là về phía cơ quan quản lý cư trú, còn đối các cơ quan khác (chẳng hạn như các văn phòng công chứng) thì dữ liệu chưa đồng bộ và chưa được tiếp cận nên các cơ quan đó sẽ chưa thể căn cứ vào Căn cước công dân để thay cho sổ hộ khẩu giấy của bạn
Vậy trường hợp bạn đã bị thu hồi hoặc mất sổ hộ khẩu thì bạn nên làm thế nào? Bạn có thể tham khảo một số tư vấn dưới đây của chúng tôi:
Bạn nên làm gì trong giai đoạn chuyển tiếp?
Có thể coi thời điểm từ nay đến hết ngày 31/12/2022 là giai đoạn chuyển tiếp giữa sổ hộ khẩu giấy và dữ liệu cư trú, do đó có thể bạn sẽ gặp phải tình huống một cơ quan nào đó yêu cầu phải cung cấp sổ hộ khẩu giấy nhưng bạn lại không còn nữa.
Vì vậy, bạn hãy làm 1 số việc sau:
- Photo và sao y một số bản hộ khẩu trước khi bị thu hồi: Khi bạn làm thủ tục liên quan đến cư trú mà bị thu hồi sổ hộ khẩu giấy thì trước đó bạn nên photo lại 01 bản, sao y một vài bản ngay trước khi làm thủ tục. Bởi vì có những cơ quan, đơn vị họ chỉ cần bản để đối chiếu thông tin mà không cần xem bản chính.
- Lưu giữ các giấy tờ có thông tin hộ khẩu: Mục đích tương tự như việc photo hay sao y nêu trên
- Lấy xác nhận cư trú ngay khi làm thủ tục thay đổi thông tin cư trú hoặc bị thu hộ khẩu: Khi bạn đi làm các thủ tục thay đổi thông tin về cư trú tại cơ quan công an, bạn hãy đề nghị họ cấp luôn cho bạn một bản xác nhận cư trú để thay cho sổ hộ khẩu giấy đã bị thu hồi. bạn sẽ cần khi đi làm các thủ tục liên quan đến nhà đất, sổ đỏ.
Hiện nay mẫu giấy xác nhận cư trú không có quy định thống nhất về nội dung và thời hạn vì vậy đến thời điểm bạn cần làm thủ tục có thể giấy xác nhận này đã hết hạn. Khi đó bạn cần phải đến cơ quan công an đề nghị cấp lại. Đây là điều khá bất tiện nhưng đành phải chấp nhận trong giai đoạn chuyển tiếp này. |
Đó là một số cách tạm thời để hạn chế những khó khăn và bất tiện trong giai đoạn chuyển tiếp của việc bỏ sổ hộ khẩu. Khi bạn đến làm thủ tục tại một cơ quan, mà cơ quan đó yêu cầu cung cấp sổ hộ khẩu thì bạn có thể làm các việc sau:
- Cung cấp căn cước công dân nếu thông tin trên căn cước đúng với địa chỉ cư trú của bạn
- Nếu CCCD không được chấp nhận thì bạn thông báo sổ hộ khẩu đã thu hồi và đề nghị cơ quan đó hướng dẫn giấy tờ thay thế.
- Nếu đó là các giấy tờ mà bạn đã lưu trữ theo một số cách ở trên thì bạn có thể cung cấp luôn, nếu không thì cần tùy theo yêu cầu của mỗi cơ quan để lấy giấy tờ phù hợp.
Như vậy bạn cần hiểu đúng về việc bỏ sổ hộ khẩu, các quy định về lộ trình thực hiện việc này để hạn chế được những rắc rối về thù tục khi đã không còn sổ hộ khẩu giấy
Tham khảo thêm:
- Các bước làm thủ tục chuyển hộ khẩu, nhập hộ khẩu
- Thủ tục Tách hộ khẩu, xóa hộ khẩu & tạm trú, tạm vắng
Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Nguyễn
2 năm rồi vẫn chưa thấy nhúc nhíc
Ngoc Blue
Thôi chịu khó đợi vậy
Standa Thành
Mình đã thay hộ khẩu bằng hộ khẩu tại Hà Nội khi mà chủ trương thay thế đã có vậy mà đến nay đã 4 năm mọi thứ vẫn như cũ. Mình nghĩ chắc 10 năm nữa mới có biến chuyển thực sự.Còn bây giờ mới chỉ là bước chuẩn bị tinh thần.
Ngoc Blue
Lúc đầu mình cũng thấy háo hức lắm nhưng đến giờ thì mình cũng nghĩ như bạn vậy 🙂