CÔNG TRÌNH DỰ THI
GIẢI THƯỞNG “SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC”
NĂM 2007
TÊN CÔNG TRÌNH : ÁN LỆ VÀ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG ÁN LỆ Ở VIỆT NAM
THUỘC NHÓM NGÀNH : XH2b
TÓM TẮT CÔNG TRÌNH
Công trình nghiên cứu khoa học này có nội dung chính là tìm hiểu và so sánh án lệ trong hệ thống pháp luật Anh và Mỹ, nghiên cứu án lệ trong thực tiễn xét xử ở Việt Nam. Qua đó rút ra sự cần thiết của việc chính thức áp dụng án lệ, đánh giá khả năng áp dụng án lệ tại Việt Nam và đề xuất một số biện pháp để đưa án lệ vào áp dụng ở Việt Nam.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Ở Việt Nam khi nói đến pháp luật, chúng ta thường nghĩ ngay đến các bộ luật, nghị định…với những điều khoản quy định một vấn đề cụ thể ở các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội, đó chính là luật thành văn. Với những người trong ngành luật, việc ghi nhớ những quy phạm pháp luật là điều tất yếu, nhưng đối với những người bình thường khác, khi cần đến pháp luật thì chỉ nghĩ đến việc đọc các văn bản thôi là họ đã thấy rất khó khăn, thậm chí đọc rồi cũng chưa chắc đã hiểu hết. Tuy nhiên, một điều thú vị là mặc dù không nhớ được những quy định trong các văn bản pháp luật nhưng khi có những vụ việc cụ thể xảy ra gắn với những quy định ấy thì họ lại nhớ rất lâu và lần sau khi gặp phải những tình huống tương tự, họ có thể nói ngay được là mình cần phải cư xử như thế nào cho phù hợp với pháp luật. Và nếu như cách tư duy này được toà án áp dụng để xét xử thì đó được gọi là án lệ.
- Có thể bạn quan tâm: [Ebook] Tài liệu nghiên cứu Án lệ
Trên thế giới có hai truyền thống pháp luật lớn, đa phần các nước trên thế giới đều thuộc vào một trong hai truyền thống pháp luật này, đó là Common Law và Civil Law. Về nguyên tắc, để phân biệt giữa một nước thuộc truyền thống Common Law hay Civil Law, người ta dựa vào việc nước đó coi trọng án lệ hay luật thành văn bởi vì luật thành văn là nguồn luật quan trọng nhất trong truyền thống Civil Law, nó cũng quan trọng như là án lệ đối với Common Law vậy. Nhưng thực tế thì án lệ không có gì xa lạ với các nước thuộc truyền thống Civil Law, sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của án lệ đối với các nước này khiến cho cách phân biệt như trên dần dần mất đi ý nghĩa và sự chính xác.
Việt Nam là một quốc gia theo truyền thống pháp luật xã hội chủ nghĩa nhưng pháp luật Việt Nam cũng có phần giống với pháp luật của các nước trong truyền thống Civil Law. Luật thành văn là nguồn luật cơ bản và quan trọng nhất, tuy nhiên án lệ lại không được thừa nhận là nguồn luật chính thức. Sở dĩ án lệ chưa được công nhận là do ở nước ta hiện nay còn tồn tại nhiều quan điểm trái ngược nhau về việc có nên đưa án lệ vào áp dụng hay không. Những năm gần đây ngày càng có nhiều quan điểm ủng hộ việc áp dụng án lệ tại Việt Nam, điều này được thể hiện qua các bài viết, bài nghiên cứu của các tác giả hoạt động trong ngành luật(1). Tuy nhiên cũng không ít quan điểm phản đối việc áp dụng án lệ, họ đã nêu lên những nhược điểm của việc áp dụng án lệ, thậm chí có tác giả còn cho rằng việc áp dụng án lệ sẽ làm mất đi bản chất của pháp luật xã hội chủ nghĩa.(2)
Ở một khía cạnh nào đó thì án lệ vẫn còn là một vấn đề mới mẻ nhất là đối với những sinh viên luật ở Việt Nam bởi vì chưa có một giáo trình luật chính thức nào của các trường đại học ở nước ta giải quyết một cách có hệ thống về án lệ, nếu có nói đến thì đó chỉ là những mục nhỏ nằm rải rác trong các giáo trình của các môn học về luật khác. Ngoài ra án lệ cũng là một vấn đề còn có nhiều quan điểm và gây nhiều tranh cãi hiện nay. Chính vì vậy công trình khoa học này được làm với mục đích tìm hiểu về án lệ và thông qua việc tìm hiểu chúng tôi cũng hy vọng góp một phần công sức để đưa án lệ áp dụng vào Việt Nam một cách có hiệu quả nhất.
Trong phạm vi bài nghiên cứu này, chúng tôi nghiên cứu và tìm hiểu án lệ trong hệ thống pháp luật Anh và Mỹ, đó là hai quốc gia đi đầu và điển hình cho việc sử dụng án lệ. Đối với Việt Nam khi nói đến áp dụng án lệ, chúng tôi muốn đề cập đến việc sử dụng án lệ trong hoạt động xét xử.
Nội dung của đề tài nghiên cứu này sẽ phần nào trả lời cho các câu hỏi như :
Án lệ là gì và nó được áp dụng như thế nào trong hệ thống pháp luật Anh và Mỹ ?
Liệu án lệ có khả năng áp dụng ở Việt Nam hay không ?
Bằng cách nào để án lệ được sử dụng có hiệu quả trong quá trình xét xử tại Việt Nam ?
Bài viết này có sử dụng các phương pháp nghiên cứu phân tích, tổng hợp và phương pháp so sánh để tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trong việc xây dựng và áp dụng án lệ ở Anh, Mỹ và Việt Nam, lý giải nguyên nhân của sự khác biệt từ đó có thể tìm ra được những giải pháp hợp lý để áp dụng vào Việt Nam.
Chú thích:
(1)Xem: Nguyễn Đức Mai, Về vấn đề án lệ ở nước ta hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 3, 1998; Nguyễn Linh Giang, Án lệ trong hệ thống pháp luật một số nước trên thế giới, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật Số 12, 2005; Triệu Quang Khánh, Việc sử dụng án lệ trong hệ thống pháp luật dân sự, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 7 (79), 2006; Lưu Tiến Dũng, Vai trò của án lệ ở các nước theo hệ thống pháp luật án lệ (Common Law) và các nước theo hệ thống dân luật (Civil Law), Tạp chí Toà án nhân dân, Số 1, 2006; Lê Công Định, Tính minh bạch trong hoạt động của toà án, Đặc san nghề luật, Trường đào tạo các chức danh tư pháp, Số 7, 2004; Lê Công Định, Vai trò xây dựng án lệ của toà án, Bản tin đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, Số 8, Ngày 26/7/2003.
(2)Xem: Sống và làm việc theo pháp luật, http://amthuc.com/vhvn/index.php?vh=det&post=145&ct=2&sb=36&show=36&scon= ; Trường đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật, NXB Tư pháp, 2004, tr. 354,355.
- Phần tiếp theo: Khái niệm án lệ
> Hãy cung cấp địa chỉ email chính xác
> Vui lòng bình luận / đặt câu hỏi bằng tiếng Việt có dấu
> Cố gắng tìm nội dung bạn cần trên Luật NBS trước khi đặt câu hỏi
* Mọi bình luận bằng tiếng Việt không dấu chúng tôi sẽ không phản hồi