Đây là phần 1 trong Chương I của đề tài SV NCKH năm 2007: Án lệ và Khả năng áp dụng Án lệ ở Việt Nam.
- Phần trước: Tóm tắt đề tài và Đặt vấn đề
CHƯƠNG I
ÁN LỆ VÀ VIỆC ÁP DỤNG ÁN LỆ TRONG TRUYỀN THỐNG PHÁP LUẬT ANH – MỸ
1. Khái niệm án lệ
a) Án lệ trong truyền thống pháp luật Anh – Mỹ
Trước khi định nghĩa án lệ chúng ta hãy cùng xem xét một vụ kiện, đó là vụ Donoghue kiện Stevenson. Đây là một vụ kiện mà phán quyết trong đó đã trở thành một trong những án lệ nổi tiếng nhất trong truyền thống Common Law. Các sự kiện trong vụ án đều diễn ra ở Paisley, Scotland nhưng được tuyên án và xét xử tại Anh. Án lệ này không chỉ được công nhận và sử dụng tại Anh và Scotland mà còn được rất nhiều nước trong hệ thống pháp luật Common Law sử dụng như một án lệ có giá trị bắt buộc.
Tình huống dẫn đến vụ kiện đó như sau: Vào buổi tối chủ nhật ngày 26 tháng 8 năm 1928, bà May Donoghue đi tàu điện từ Glasgow đến Paisley (Scotland) hết 30 phút. Sau đó bà ấy và một người bạn đến quán cà phê Wellmeadow ở Paisley. Sau khi vào quán, bạn của May gọi đồ uống và trả tiền cho chủ quán là Francis Minghella, trong đó có một chai bia gừng (a bottle of ginger beer). Chủ quán đã rót một phần của chai bia váo cốc bao gồm cả kem. Bà May đã uống một phần và bạn của bà ấy đã rót nốt phần còn lại vào cốc của May. Khi làm như vậy thì có một con ốc sên trong tình trạng thối rữa rơi từ chai bia gừng vào cốc. Bà May sau đó bị đau bụng và bác sĩ chẩn đoán bà ấy bị viêm dạ dày và ruột (gastro-enteritis)
- Có thể bạn quan tâm: [Ebook] Tài liệu nghiên cứu Án lệ
Ngày 9 tháng 4 năm 1929, Donoghue đã kiện David Stevenson, nhà sản xuất nước uống có ga ở Paisley. Bà May yêu cầu được bồi thường thiệt hại vì cho rằng bệnh viêm dạ dày và ruột cũng như là sự chấn động về tinh thần mà bà ấy phải chịu đựng là do sự không cẩn thận của nhà sản xuất trong việc làm ra loại bia này.
Vụ kiện sau khi được xét xử tại các cấp toà sơ thẩm và phúc thẩm, nguyên đơn đã kháng cáo lên Uỷ ban phúc thẩm Thượng nghị viện (House of Lords). Vào ngày 20 tháng 5 năm 1932, thẩm phán Lord Atkin, một thẩm phán của Uỷ ban phúc thẩm thượng nghị viện đã tuyên bố trong phán quyết của mình: “…bạn phải cẩn thận một cách hợp lý để tránh những hành động hoặc những điều thiếu sót mà bạn có thể dự kiến được là những hành động đó có thể gây tổn hại đến người hàng xóm của bạn. Vậy thì theo luật, ai là người hàng xóm của tôi ? (Who, then, in law, is my neighbour ?). Câu trả lời là : đó là những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi hành động của tôi mà tôi đã đoán biết được nó sẽ ảnh hưởng đến họ khi tôi hành động”. Vì vậy David Stevenson luôn phải nghĩ đến khách hàng của anh ta khi anh ta sản xuất ra chai bia gừng. Lord Atkin còn khẳng định rằng một nhà sản xuất khi đưa sản phẩm đến với khách hàng dưới một hình thức nhất định có nghĩa vụ cẩn trọng một cách hợp lý đối với khách hàng của mình trong quá trình sản xuất ra sản phẩm.
Phán quyết của Lord Atkin trong vụ kiện này đã trở thành một trong những án lệ nổi tiếng nhất thế giới bởi vì nó đưa ra một khái niệm mới về “người hàng xóm” làm thay đổi các quy định của luật về khách hàng từ trước cho đến năm 1932 và được viện dẫn cho rất nhiều vụ việc tương tự về sau. Án lệ này còn được gọi là án lệ “con ốc sên Paisley (Paisley snail)” hay “con ốc sên trong chai (snail in the bottle)”.(3)
Có nhiều định nghĩa khác nhau về án lệ
– Theo nghĩa rộng, án lệ là một hệ thống các nguyên tắc bất thành văn đã được công nhận và hình thành thông qua các quyết định của toà án.
– Theo nghĩa hẹp, án lệ là cách thức sử dụng các nguyên tắc có sẵn như là những căn cứ áp dụng để quyết định các vụ việc sẽ xảy ra trong tương lai.(4)
– Định nghĩa theo cách mô tả: “án lệ là tập hợp những tiền lệ xét xử đã được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước tuyển chọn từ những bản án đã được xét xử trong thực tiễn, đúc kết làm thành mẫu để người xét xử sau tham khảo, noi theo”(5)
Những định nghĩa này có nội dung tương tự nhau, chỉ khác nhau về cách diễn đạt và cũng đã nêu lên những điểm cơ bản và cốt lõi nhất về án lệ. Những định nghĩa đó theo chúng tôi đều đúng. Tuy nhiên có thể đưa ra định nghĩa chung về án lệ như sau: “Án lệ là hệ thống các quy phạm và nguyên tắc được hình thành và áp dụng bởi các thẩm phán trong quá trình xét xử và đưa ra phán quyết ”
Án lệ xuất hiện từ thời La Mã cổ đại, vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, do đòi hỏi cần có sự điều chỉnh pháp luật cho phù hợp với những biến đổi ngày càng đa dạng, phong phú của xã hội lúc bấy giờ. Án lệ thời đó là các sắc dụ, các phán quyết của các pháp quan (Edict magistratum), đặc biệt là của các quan toà. Theo thời gian, án lệ dần dần được các quốc gia thừa nhận và sử dụng như một nguồn luật. Ý tưởng của việc coi án lệ là một nguồn luật cơ bản là ở chỗ: Các tranh chấp tương tự cần đạt đến các kết quả pháp lý tương tự.(6)
Chú thích:
(3)Dịch từ nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Donoghue_v._Stevenson và http://www.scottishlawreports.org.uk/Resources/keycases/dvs/donoghue-v-stevenson-report.html
(4)Xem: Triệu Quang Khánh, Việc sử dụng án lệ trong hệ thống pháp luật dân sự, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 7(79), 2006.
(5)Xem: Nguyễn Linh Giang, Án lệ trong hệ thống pháp luật một số nước trên thế giới, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 12, 2005.
(6)Xem: Nguyễn Đức Mai, Về vấn đề án lệ ở nước ta hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 3, 1998; Trường đại học Luật Hà Nội, Tập bài giảng luật so sánh, Hà Nội, 2003.
- Phần tiếp theo: Đặc điểm của án lệ
Hoàng Thơm
em đang làm một bài nghiên cứu về Án lệ trên Thế giới và ở Việt Nam ạ! chị có thể gợi ý cho em một số tài liệu được không ạ!
Mail của em: hoangthomqhl123@gmail.com
Em cám ơn chị ạ!
Ngoc Blue
Em có thể tham khảo một số tài liệu:
1. Giáo trình luật so sánh của trường Đại học Luật Hà Nội
2. Luật so sánh của Giáo sư Michael Bogdan
3. Một số trang Law reports như: The Scottish Council of Law Reporting, UK Law Reports & Case Law Search để tham khảo các án lệ các nước
4. Các án lệ của Việt Nam 😀
Chị chỉ biết các tài liệu bằng tiếng Việt và tiếng Anh thôi. Em làm nghiên cứu Án lệ trên thế giới thì chủ đề cũng khá rộng nên nếu em có thể đọc được các tài liệu bằng các thứ tiếng khác nữa thì có lẽ sẽ có nhiều nguồn tham khảo hơn.