Ngày 9 tháng 4 năm 1929, May Donoghue đã kiện David Stevenson, nhà sản xuất nước uống có ga ở Paisley. Bà May yêu cầu được bồi thường thiệt hại vì cho rằng bệnh viêm dạ dày và ruột cũng như là sự chấn động về tinh thần mà bà ấy phải chịu đựng là do sự không cẩn thận của nhà sản xuất trong việc làm ra loại bia này.
Cách tiếp cận ưa thích của tôi, cũng là cách làm cho tôi thấy dễ hiểu nhất đối với một vấn đề, chính là việc tiếp cận từ tình huống thực tế. Với việc tìm hiểu về Án lệ cũng vậy (và nó có vẻ càng phù hợp khi đó là án lệ), trước khi tìm hiểu về định nghĩa một cách khoa học, thế nào là Án lệ, tôi nghĩ là nên bắt đầu từ một Án lệ thực sự.
Khi tôi làm đề tài NCKH án lệ vẫn chưa chính thức được công nhận ở VIệt Nam. Vì vậy, theo lời khuyên và tư vấn của cô giáo, tôi đã tìm hiểu một trong những án lệ nổi tiếng nhất trong truyền thống Common Law (bạn có thể tìm hiểu khái niệm cơ bản về Common Law tại Đề tài NCKH về Án lệ của tôi).
Án lệ này xuất phát từ một vụ kiện nổi tiếng, đó là vụ Donoghue kiện Stevenson
Tình huống dẫn đến vụ kiện đó như sau: Vào buổi tối chủ nhật ngày 26 tháng 8 năm 1928, bà May Donoghue đi tàu điện từ Glasgow đến Paisley (Scotland) hết 30 phút. Sau đó bà ấy và một người bạn đến quán cà phê Wellmeadow ở Paisley. Sau khi vào quán, bạn của May gọi đồ uống và trả tiền cho chủ quán là Francis Minghella, trong đó có một chai bia gừng (a bottle of ginger beer). Chủ quán đã rót một phần của chai bia váo cốc bao gồm cả kem. Bà May đã uống một phần và bạn của bà ấy đã rót nốt phần còn lại vào cốc của May. Khi làm như vậy thì có một con ốc sên trong tình trạng thối rữa rơi từ chai bia gừng vào cốc. Bà May sau đó bị đau bụng và bác sĩ chẩn đoán bà ấy bị viêm dạ dày và ruột (gastro-enteritis)
Ngày 9 tháng 4 năm 1929, May Donoghue đã kiện David Stevenson, nhà sản xuất nước uống có ga ở Paisley. Bà May yêu cầu được bồi thường thiệt hại vì cho rằng bệnh viêm dạ dày và ruột cũng như là sự chấn động về tinh thần mà bà ấy phải chịu đựng là do sự không cẩn thận của nhà sản xuất trong việc làm ra loại bia này.
Vụ kiện sau khi được xét xử tại các cấp toà sơ thẩm và phúc thẩm, nguyên đơn đã kháng cáo lên Uỷ ban phúc thẩm Thượng nghị viện (House of Lords). Vào ngày 20 tháng 5 năm 1932, thẩm phán [Lord] Atkin, một thẩm phán của Uỷ ban phúc thẩm thượng nghị viện đã tuyên bố trong phán quyết của mình: “…bạn phải cẩn thận một cách hợp lý để tránh những hành động hoặc những điều thiếu sót mà bạn có thể dự kiến được là những hành động đó có thể gây tổn hại đến người hàng xóm của bạn. Vậy thì theo luật, ai là người hàng xóm của tôi ? (Who, then, in law, is my neighbour ?). Câu trả lời là : đó là những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi hành động của tôi mà tôi đã đoán biết được nó sẽ ảnh hưởng đến họ khi tôi hành động”. Vì vậy David Stevenson luôn phải nghĩ đến khách hàng của anh ta khi anh ta sản xuất ra chai bia gừng. Lord Atkin còn khẳng định rằng một nhà sản xuất khi đưa sản phẩm đến với khách hàng dưới một hình thức nhất định có nghĩa vụ cẩn trọng một cách hợp lý đối với khách hàng của mình trong quá trình sản xuất ra sản phẩm.
Phán quyết của Lord Atkin trong vụ kiện này đã trở thành một trong những án lệ nổi tiếng nhất thế giới bởi vì nó đưa ra một khái niệm mới về “người hàng xóm” làm thay đổi các quy định của luật về khách hàng từ trước cho đến năm 1932 và được viện dẫn cho rất nhiều vụ việc tương tự về sau. Án lệ này còn được gọi là án lệ “con ốc sên Paisley (Paisley snail)” hay “con ốc sên trong chai (snail in the bottle)”.
(Nội dung trên tôi đã dịch từ 2 nguồn: Wikipedia và Scottish Council of Law Reporting)
Nếu như chỉ đọc nội dung trên, sẽ không hình dung được thế nào là án lệ, vì một trong những yếu tố cơ bản nhất là chưa thấy sự áp dụng tương tự cho các vụ việc về sau.
Tại sao phán quyết đó lại được coi là án lệ và là một án lệ nổi tiếng? Sự viện dẫn tương tự trong những vụ việc về sau như thế nào? Bạn có thể đọc tiếp Phần 2 tại Đây
Thực sự là lúc làm đề tài, việc viện dẫn tương tự cũng là câu hỏi lớn đối với tôi, việc đưa ra vụ kiện này vào đề tài chỉ với mục đích tiếp cận khái niệm án lệ, vì vậy sau đó tôi đã không tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về quá trình phát triển và áp dụng của án lệ này, mặc dù tài liệu rất nhiều và đầy đủ, cũng một phần vì lười biếng và ngại dịch tài liệu bằng tiếng Anh. Đó là một điều đáng tiếc.
Vì vậy tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về vụ kiện và án lệ này, ít nhất là sẽ có 1 sự so sánh và viện dẫn trong một vụ việc tương tự có áp dụng án lệ này.
Hy vọng bài viết này sẽ phần nào giúp ích cho những ai quan tâm. Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với chúng tôi.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
> Hãy cung cấp địa chỉ email chính xác
> Vui lòng bình luận / đặt câu hỏi bằng tiếng Việt có dấu
> Cố gắng tìm nội dung bạn cần trên Luật NBS trước khi đặt câu hỏi
* Mọi bình luận bằng tiếng Việt không dấu chúng tôi sẽ không phản hồi