Cho dù bạn chưa từng có việc gì liên quan đến tòa án thì chắc hẳn bạn cũng đã từng nghe nói đến việc “hoãn phiên tòa”. Đây là trường hợp không hiếm trong tố tụng dân sự. Đó là “nỗi khổ” của nhiều đương sự nhưng cũng có thể là mục đích của các đương sự khác.
Bài viết này, Luật NBS sẽ phân tích về số lần có thể hoãn một phiên tòa sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Hoãn phiên tòa được hiểu là việc Tòa án không tiến hành xét xử vụ án theo như thời gian đã ghi trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử vì một số lý do theo quy định nhằm đảm bảo việc xét xử được khách quan, công bằng. Việc hoãn này được giới hạn trong một thời gian nhất định, sau khoảng thời gian đó Tòa án sẽ tiếp tục xét xử theo quy định.
Các lý do được hoãn phiên tòa
Một phiên tòa dân sự sơ thẩm có thể được hoãn vì những lý do sau:
- 1. Phải thay đổi một trong những người sau: Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án (chắc chắn hoãn)
- 2. Phải thay đổi Kiểm sát viên (chắc chắn hoãn)
- 3. Phải thay đổi người giám định, người phiên dịch (chắc chắn hoãn)
- 4. Đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt lần thứ 1 không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt (chắc chắn hoãn)
- 5. Đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt lần thứ 2 vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt (có thể hoãn)
- 6. Người làm chứng vắng mặt gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện vụ án (chắc chắn hoãn)
- 7. Người giám định vắng mặt (có thể hoãn)
- 8. Người phiên dịch vắng mặt mà không có người khác thay thế (chắc chắn hoãn)
- 9. Có người đề nghị hoãn phiên tòa (có thể hoãn)
Như vậy về lý thuyết quy định thì một phiên tòa có thể bị hoãn đến 9 lần mà vẫn chưa phải số lần tối đa. Đó là về mặt lý thuyết thôi, bởi vì thực tế rất hiếm khi có những vụ án dân sự nào mà trước mỗi lần xét xử lại có 1 người vắng mặt khác nhau hoặc xảy ra 1 lý do hoãn khác nhau theo đúng quy định như vậy.
Các trường hợp “có thể hoãn” sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào đánh giá và quyết định của Hội đồng xét xử, mà thực tế có lẽ sẽ dựa chủ yếu vào ý kiến đánh giá của các thẩm phán tham gia xét xử.
Theo kinh nghiệm thực tế của chúng tôi thì số lần hoãn nhiều nhất đối với 1 vụ án dân sự mà chúng tôi thường gặp đó là 3 lần, rất hiếm gặp vụ án dân sự bị hoãn quá 3 lần. Lý do thường rơi vào trường hợp 4 và 5 nêu trên.
Thời hạn hoãn
Việc hoãn phiên tòa được quy định có thời hạn là không quá 01 tháng kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa (Đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn là không quá 15 ngày)
Tuy nhiên, trường hợp sau khi hoãn mà Tòa án không thể mở lại phiên tòa đúng thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa đã ghi trong quyết định thì Tòa án phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.
Quy định này có nghĩa là vì một số nguyên nhân khách quan mà thời hạn hoãn phiên tòa có thể kéo dài hơn 1 tháng. Tuy nhiên tòa án sẽ phải ấn định lại thời gian và địa điểm ngay trong văn bản thông báo.
Như vậy thì về lý thuyết một vụ án dân sự sơ thẩm có thể bị kéo dài thêm khoảng 09 tháng chỉ vì bị hoãn. Thực tế thì có thể kéo dài thêm từ 01 – 03 tháng.
Quyết định hoãn phiên tòa
Tòa án mặc dù có thể đã thông báo việc hoãn công khai tại phiên tòa những vẫn phải ban hành Quyết định hoãn phiên tòa gửi đến các đương sự và những người có liên quan.
Quyết định hoãn phiên tòa phải có các nội dung chính sau đây:
- a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
- b) Tên Tòa án và họ, tên những người tiến hành tố tụng;
- c) Vụ án được đưa ra xét xử;
- d) Lý do của việc hoãn phiên tòa;
- đ) Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.
Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên và thông báo công khai tại phiên tòa; đối với người vắng mặt thì Tòa án gửi ngay cho họ quyết định đó, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Thực tế ngoài việc hoãn xét xử hoàn toàn có lý do chính đáng và khách quan, thì có nhiều trường hợp, những người có liên quan muốn hoãn vì muốn kéo dài vụ án hoặc vì mục đích khác. Và hiện tại, quy định của pháp luật cho phép đương sụ có thể áp dụng để có được một số lần hoãn phiên tòa một cách hợp pháp.
Đối với một số đương sự thì việc bị hoãn xét xử đã gây ra rất nhiều sự khó chịu và bức xúc. Nhưng thực tế thì có nhiều trường hợp tòa án hoàn toàn không muốn hoãn nhưng cũng phải “bó tay” vì quy định pháp luật cho phép như vậy, và đôi khi các luật sư để có thời gian bảo vệ tốt hơn cho khách hàng của mình mà cũng phải sử dụng đến “thủ thuật” để tạm hoãn việc xét xử của tòa án một cách hợp pháp.
Mặc dù vậy, quan điểm của tôi cho rằng quy định về hoãn phiên tòa trong Bộ luật tố tụng dân sự hiện nay cũng đã khá là hợp lý. Vậy nên khi bạn đã quyết định phải tham gia tố tụng, “kiện cáo” thì cũng nên xác định và chuẩn bị tinh thần cho điều này.
Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với Luật NBS để được tư vấn và giải đáp.
Nếu bạn yêu thích đọc sách, bạn có thể chia sẻ, bình luận những cuốn Sách Hay với chúng tôi tại ĐÂY
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Tuyền
Chào luật sư, nhờ luật sư giải đáp giúp em. Trường hợp có đương sự vắng mặt vì lý do chính đáng trở ngại khách, Hội đồng xét xử hoãn phiên hòa giải. Vậy HĐXX sẽ mở phiên hòa giải lần 3 hay sao ạ?
Ngoc Blue
Bạn chưa nói rõ đã hòa giải mấy lần, tuy nhiên nếu hoãn phiên hòa giải vì đường sự vắng mặt có lý do chính đáng thì tòa sẽ phải tổ chức phiên hòa giải khác tiếp theo nhé.
Giang
Xin chào Luật sư, trong vụ án dân sự sơ thẩm, nguyên đơn đề nghị hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe. Lân 2 vẫn yêu cầu hoãn vì ly do sức khỏe.
Trong trừông hợp này, bị đơn có quyền yêu cầu Thẩm phán tiếp tục xét xử họăc yêu cầu giám định sức khỏe của nguyên đơn không ạ?
Em cảm ơn!
Ngoc Blue
Khi xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe thì cần có giấy tờ chứng minh bạn nhé, chẳng hạn xác nhận của bệnh viện. Trường hợp bạn nghi ngờ có sự gian lận để hoãn phiên tòa thì có thể yêu cầu tòa án xác minh. Bạn có thể kiến nghị tiếp tục xét xử còn việc tiếp tục xét xử hay không sẽ do tòa án quyết định bạn nhé.
Yến
Chào Luật sư, rất cám ơn bài viết của Luật sư. Em có một thắc mắc muốn hỏi: Việc không quy định cụ thể số lần hoãn phiên Toà là bao nhiêu nhằm mục đích gì và quy định như vậy sẽ có những mặt thuận lợi, hạn chế nào?
Xin cảm ơn Luật sư.
Ngoc Blue
Việc không quy định số lần hoãn phiên tòa nhằm mục đích gì mình đã trả lời ở trên nhé, đó là suy đoán của mình, còn mục đích thật sự có lẽ phải hỏi các nhà làm luật. Mục đích đó cũng tạo sự thuận lợi cho phía Tòa án khi xét xử sẽ không bị vi phạm về thủ tục tố tụng. Còn hạn chế lớn nhất chính là dẫn đến việc vụ án có thể bị kéo dài do hoãn nhiều lần.
Kim Khuyên
Xin chào Luật sư, em là sinh viên trường Đại học Luật TP HCM, luật sư cho em hỏi : Tại sao luật hành chính lại không quy định về số lần hoãn phiên toà ạ?
Ngoc Blue
Không chỉ luật hành chính mà các quy định về tố tụng ở Việt Nam đều không quy định vế số lần hoãn phiên tòa tối đa. Theo suy đoán của mình là do có nhiều đương sự khi vắng mặt thì buộc phải hoãn phiên tòa nên nếu quy định số lần tối đa như vậy sẽ không đảm bảo được sự có mặt đầy đủ của các đương sự, từ đó dẫn đến việc giải quyết vụ án sẽ không đảm bảo sự khách quan.
Nguyễn thiết Tâm
Chào luật sư, người bị kiện luôn cứ vắng mặt thì tòa án sẽ xử thế nào ạ, thank
Ngoc Blue
Người bị kiện được quyền vắng mặt lần 1 không cần lý do, từ lần thứ 2 nếu có lý do chính đáng thì sẽ hoãn phiên tòa, nếu không có lý do chính đáng và đủ điều kiện thì tòa sẽ xét xử vắng mặt.