Lập vi bằng là một trong những hình thức không còn mới trong quy định của pháp luật Việt Nam, nhưng có vẻ như vẫn còn khá xa lạ và mới mẻ đối với nhiều người. Khi nói đến “công chứng” thì chắn hẳn đa số mọi người đều hiểu và hình dung được ngay công việc cần làm. Tuy nhiên khi nói đến lập vi bằng tại Văn phòng thừa phát lại thì khá nhiều khách hàng của Luật NBS còn chưa hiểu rõ.
Bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn cụ thể hơn về việc lập vi bằng và các quy định có liên quan để bạn có thể hiểu thêm về hình thức này.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
#1. Vi bằng là gì?
Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật
Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp sau:
* Các trường hợp không được lập vi bằng *
- 1. Các trường hợp làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của thừa phát lại, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lai; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
- 2. Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng bao gồm: Xâm phạm mục tiêu về an ninh, quốc phòng; làm lộ bí mật nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước; vi phạm quy định ra, vào, đi lại trong khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự; vi phạm quy định về bảo vệ bí mật, bảo vệ công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự.
- 3. Vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội.
- 4. Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.
- 5. Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
- 6. Ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng.
- 7. Ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ.
- 8. Ghi nhận sự kiện, hành vi không do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.
- 9. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy theo quy định thì bạn có thể hiểu cơ bản là những việc mà bạn có thể lập vi bằng có phạm vi rất rộng, chỉ cần đó là những sự kiện, hành vi có thật và không thuộc các trường hợp “không được” nêu trên là bạn đã có thể yêu cầu thừa phát lại trực tiếp chứng kiến và lập vi bằng.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn biết nên lập vi bằng trong trường hợp nào thì bạn cần xem tiếp các nội dung dưới đây:
#2. Giá trị pháp lý của Vi bằng
Đây là một trong những yếu tố cần được quan tâm nhất khi muốn lập vi bằng. Giá trị pháp lý của vi bằng được thể hiện bởi những nội dung quy định như sau:
- Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
-
Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
-
Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.
Như vậy một trong những giá trị quan trọng của vi bằng đó là nguồn chứng cứ tại tòa án. Phần lớn những người muốn lập vi bằng đều có mục đích là muốn có chứng cứ xác thực nếu không may xảy ra tranh chấp, đồng thời cũng có căn cứ chắc chắn để các bên cùng có ý thức trách nhiệm thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình.
Do đó, việc lập vi bằng đương nhiên sẽ có căn cứ chắc chắn, và trong một số tình huống cụ thể thì sẽ có giá trị pháp lý cao hơn rất nhiều so với việc bạn mời một người làm chứng là cá nhân khác.
Có khá nhiều khách hàng của chúng tôi cũng đề nghị luật sư làm chứng cho những giao dịch của họ, tuy nhiên chúng tôi đều tư vấn cho các khách hàng chuyển sang lập vi bằng. Đơn giản bởi vì việc lập vi bằng và giá trị pháp lý của vi bằng đã được quy định cụ thể trong luật, còn việc làm chứng của luật sư thì giá trị chứng cứ theo quy định cũng sẽ tương tự như bạn mời một cá nhân khác mà thôi.
#3. Các trường hợp nên lập vi bằng
Bạn nên cân nhắc lựa chọn phương án lập vi bằng trong một số trường hợp sau:
1. Giao dịch không thể công chứng, chứng thực:
Văn bản công chứng có thể nói là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong mọi giao dịch quan trọng liên quan đến tài sản giá trị lớn. Vì vậy, mặc dù giao dịch đó có thể không bắt buộc công chứng nhưng bạn vẫn nên công chứng mà không nên lập vi bằng hoặc làm các hình thức khác.
Nếu như giao dịch hay sự kiện mà không đủ điều kiện để công chứng thì bạn có thể lựa chọn hình thức lập vi bằng. Nói như vậy không có nghĩa là vi bằng thay thế được văn bản công chứng, và chắc chắn nội dung vi bằng cũng không thể giống như văn bản công chứng. Tuy nhiên, thừa phát lại có thể lập được cho bạn sự ghi nhận một sự kiện có liên quan nhất đến giao dịch mà bạn đang thực hiện, và vẫn phải đúng quy định của pháp luật thì vi bằng mới có giá trị pháp lý.
2. Giao dịch / sự kiện liên quan đến tài sản có giá trị lớn:
Nội dung này có lẽ không cần phân tích nhiều. Khi giao dịch liên quan đến tài sản có giá trị lớn, các bên tham gia giao dịch thường cần có một bên thứ 3 làm chứng đủ điều kiện đảm bảo giá trị pháp lý. Khi mà giao dịch đó không thể công chứng thì vi bằng được coi là một lựa chọn tối ưu.
Giá trị tài sản bao nhiêu là lớn thì tùy quan điểm và khả năng tài chính của mỗi người. Chẳng hạn có những người mà đối với họ 100 triệu là số tiền lớn, nhưng có những người thì 1 tỷ vẫn không phải là giá trị lớn.
- Tham khảo thêm: Mua bán đất viết tay và Các giải pháp hạn chế rủi ro
3. Giao dịch / sự kiện có khả năng xảy ra tranh chấp:
Về lý thuyết thì bất cứ giao dịch nào có liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ thì đều có rủi ro xảy ra tranh chấp. Rủi ro đó là nhiều hay ít thì sẽ phụ thuộc vào sự kiện, giao dịch cụ thể, uy tín của các bên và sự chặt chẽ của văn bản, hợp đồng liên quan đến giao dịch đó.
Rủi ro này nếu bạn không thể tự đánh giá được thì có thể nhờ tư vấn của luật sư hoặc những người có chuyên môn về pháp luật trong lĩnh vực đó.
Khi xảy ra tranh chấp mà các bên không tự thỏa thuận giải quyết được thì sự việc có thể sẽ phải giải quyết tại tòa án, khi đó tính xác thực của chứng cứ là rất quan trọng có tính chất quyết định đối với kết quả của vụ việc. Vì vậy, vi bằng thường sẽ được tòa án coi là một chứng cứ có tính chất xác thực cao.
4. Một trong các bên tham gia giao dịch / sự kiện muốn phải có bên thứ 3 chứng kiến:
Vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các bên. Có thể tài sản của giao dịch đó có giá trị không lớn, mức độ rủi ro thấp nhưng một hoặc tất cả các bên đều muốn phải có bên thứ 3 chứng kiến, làm chứng. Đó là một yêu cầu hoàn toàn hợp lý và chính đáng mà không cần phải giải thích lý do cụ thể. Khi đó, vi bằng được coi là một “bên thứ 3” có giá trị pháp lý cao hơn các cá nhân thông thường khác để làm chứng.
Tóm lại thì phạm vi sự kiện giao dịch có thể lập vi bằng là khá rộng, chúng tôi cũng không thể liệt kê được hết các trường hợp cụ thể. Vậy nên sau khi đọc các phân tích và lý do trên và bạn vẫn chưa thể quyết định được là có nên lập vi bằng hay không, thì bạn có thể tham vấn ý kiến của luật sư hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực này. Bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí theo số hotline dưới đây: |
* Lập vi bằng liên quan đến giao dịch nhà đất *
Vi bằng liên quan đến các giao dịch nhà đất có thể nói là loại vi bằng phổ biến và có nhu cầu cao nhất trong tất cả các loại sự kiện hay giao dịch được lập vi bằng, đặc biệt là đối với nhà đất chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu (sổ đỏ)
Trước khi bạn quyết định có nên lập vi bằng liên quan đến các giao dịch nhà đất hay không, thì bạn cần biết rằng:
- Vi bằng không thay thế được văn bản công chứng
- Vi bằng không thể sử dụng để đi làm thủ tục sang tên nhà đất
Vấn đề tại sao phải lập vi bằng liên quan đến giao dịch nhà đất thì cũng không nằm ngoài các lý do mà chúng tôi đã phân tích ở trên. Tuy nhiên việc lập vi bằng giao dịch nhà đất không có nghĩa là vi bằng được ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Việc vi bằng ghi nhận như vậy là hành vi bị cấm đối với thừa phát lại.
Vậy vi bằng liên quan đến giao dịch nhà đất sẽ được ghi nhận những nội dung gì? Theo như kinh nghiệm thực tiễn của chúng tôi thì vi bằng này sẽ có thể ghi nhận đồng thời các sự kiện, hành vi sau:
- Sự kiện giao nhận tiền giữa các bên: Việc giao nhận tiền này liên quan đến giao dịch nhà đất nhưng vi bằng sẽ chỉ ghi nhận việc giao nhận tiền giữa các bên, không ghi nhận mục đích mua bán hay chuyển quyền sử dụng, sở hữu nhà đất;
- Sự kiện giao nhận văn bản, giấy tờ liên quan đến nhà đất: Tương tự như giao nhận tiền, vi bằng sẽ ghi nhận nội dung các bên đã giao nhận những giấy tờ gì đúng như thực tế sự việc diễn ra, nhưng không với mục đích chuyển quyền sử dụng, sở hữu nhà đất;
- Sự kiện giao nhận văn bản thỏa thuận giữa các bên liên quan đến giao dịch nhà đất: trong văn bản thỏa thuận đó sẽ có các nội dung, điều khoản thỏa thuận của các bên, tuy nhiên thừa phát lại sẽ không ghi nhận những nội dung, điều khoản này trong vi bằng mà chỉ ghi nhận sự kiện các bên giao nhận một văn bản thỏa thuận, toàn bộ nội dung văn bản sẽ do các bên tự chịu trách nhiệm.
Trên đây là những phân tích và tư vấn cơ bản liên quan đến việc lập vi bằng, bạn có thể tham khảo thêm các quy định liên quan tại văn bản pháp luật dưới đây:
Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với Luật NBS để được tư vấn và giải đáp.
Nếu bạn yêu thích đọc sách, bạn có thể chia sẻ, bình luận những cuốn Sách Hay với chúng tôi tại ĐÂY
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
đồng
tôi là người đồng bào dân tộc thiểu số Tôi có một miếng đất 2 hecta [2000m2] đất rừng tự khai phá ở vùng tây nguyên.hiện tại trồng cà phê nhưng không chăm sóc được nên đã chết hết và có mọc nhiều , tôi muốn bán nó giờ tôi phải làm giấy tờ gì Để hợp thức hóa và bán miềnǵ đất này. Cảm ơn
Ngoc Blue
Cần phải xem thông tin cụ thể trên sổ đỏ mới xác định được bạn nhé