Kiện một người nào đó ra tòa chưa bao giờ là một việc dễ dàng đối với bất kỳ ai, kể cả các luật sư. Thế nhưng có khá nhiều khách hàng của tôi đã tự mình làm thủ tục nộp đơn khởi kiện ra tòa, sau đó trong quá trình tòa án giải quyết có những vướng mắc thì họ mới nhờ luật sư tư vấn.
Vì đã tư vấn cho nhiều khách hàng bị vướng mắc khi tự nộp đơn khởi kiện nên trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bạn một số bước cơ bản khi nộp đơn khởi kiện một vụ án dân sự ra tòa án.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
Bước 1: Xác định loại tranh chấp
Tranh chấp liên quan đến các vấn đề dân sự là vô cùng nhiều và đa dạng. Bạn có thể dễ dàng nhận biết được bạn đang có tranh chấp với người khác, và tranh chấp đó là tranh chấp dân sự. Nhưng để làm được thủ tục khởi kiện ra tòa thì bạn cần xác định được về cơ bản đó là tranh chấp loại gì.
Theo quy định thì tranh chấp liên quan đến dân sự sẽ gồm các loại sau:
Để xác định đúng loại tranh chấp cũng không đơn giản. Chẳng hạn Bên A và Bên B ký Hợp đồng mua bán nhà đất, sau đó phát sinh tranh chấp thì bạn cần xác định tranh chấp đó là tranh chấp liên quan đến đất đai hay tranh chấp liên quan đến Hợp đồng.
Hoặc cũng là tranh chấp về đất đai nhưng giữa những người thừa kế với nhau, thì bạn cần xác định đó là tranh chấp liên quan đến đất đai hay tranh chấp liên quan đến quyền thừa kế.
Ngoài ra có những vụ án sẽ là tranh chấp hỗn hợp của các loại tranh chấp khác nhau, khi đó bạn cần xác định phần nào của vụ án sẽ là tranh chấp loại gì.
Bạn có thể tham khảo các quy định trên để xác định loại tranh chấp. Nếu như bạn thấy khó để tự xác định thì bạn có thể nhờ luật sư tư vấn cho bạn.
Việc xác định đúng loại tranh chấp sẽ rất có ích trong việc xác định yêu cầu khởi kiện.
Bước 2: Xác định yêu cầu khởi kiện
Bước này rất quan trọng vì nó sẽ góp phần quyết định bạn có thắng kiện không và phải nộp bao nhiêu tiền án phí.
Xác định yêu cầu khởi kiện bạn có thể nghĩ đơn giản là bạn muốn yêu cầu gì thì ghi vào đơn kiện như vậy. Nhưng thực tế thì không đơn giản như bạn nghĩ.
Theo quy định thì “Tòa án chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện”. Quy định này nếu phân tích kỹ về chuyên môn thì khá phức tạp, nhưng bạn có thể hiểu một cách cơ bản là: Bạn yêu cầu gì thì tòa án sẽ chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu đó, không giải quyết các nội dung khác.
Như vậy, trong đơn khởi kiện nếu bạn xác định yêu cầu không đầy đủ thì có thể bạn sẽ bị thiệt mất một số quyền và lợi ích khi tòa tuyên án. Thậm chí sau đó bạn có thể còn phải khởi kiện tiếp một vụ án khác.
Tất nhiên bạn sẽ có quyền sửa đổi, bổ sung yêu cầu trong quá trình tòa án giải quyết, nhưng đến một giai đoạn tố tụng nhất định thì có thể việc sửa đổi bổ sung yêu cầu của bạn sẽ không được chấp nhận do quy định của pháp luật.
Còn nếu như bạn cho quá nhiều yêu cầu trong đơn kiện với suy nghĩ là “thà kiện nhầm còn hơn bỏ sót” thì có thể xảy ra tình trạng là cuối cùng bạn phải nộp nhiều án phí hơn số án phí mà bạn đáng phải nộp, bởi vì với những yêu cầu của nguyên đơn không được tòa án chấp nhận thì nguyên đơn sẽ phải nộp án phí theo quy định
Bạn hãy tham khảo các bài viết về Án phí của Luật NBS:
- Khởi kiện phải nộp bao nhiêu tiền án phí dân sự?
- Ai phải nộp án phí, lệ phí tòa án?
- Những trường hợp không phải nộp án phí, được miễn giảm án phí
Một vấn đề khó nữa trong việc xác định yêu cầu khởi kiện, đó là cùng 1 vụ việc, có thể xảy ra trường hợp yêu cầu này được chấp nhận, yêu cầu khác bị bác bỏ, mặc dù nếu được chấp nhận thì sẽ cho ra cùng 1 kết quả và đạt được cùng 1 mục đích.
Tất nhiên không phải tranh chấp nào việc xác định yêu cầu khởi kiện cũng phức tạp như vậy, có những tranh chấp xác định khá đơn giản như yêu cầu đơn phương ly hôn, yêu cầu quyền nuôi con ..v..v..
Tuy nhiên có những tranh chấp mà việc xác định yêu cầu khởi kiện khá phức tạp với chính các luật sư, thậm chí cả thẩm phán khi xét xử, thường gặp là các tranh chấp về đất đai, thừa kế, hợp đồng ..v..v..
Tóm lại, trước khi nộp đơn kiện, bạn cần xác định ĐÚNG VÀ ĐỦ yêu cầu khởi kiện mà bạn sẽ ghi trong đơn để nộp cho tòa án.
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện
Sau khi xác định được yêu cầu khởi kiện, bạn cần chuẩn bị các chứng cứ chứng minh yêu cầu của bạn là có căn cứ xác thực. Các chứng cứ này sẽ nộp kèm đơn khởi kiện và được gọi là hồ sơ khởi kiện.
Khi bắt đầu nộp hồ sơ khởi kiện, bạn chưa nhất thiết phải có đầy đủ toàn bộ chứng cứ ngay. Bởi vì có những chứng cứ phải có thời gian mới có thể thu thập được, hoặc có những chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc bạn mới nghĩ ra là phải thu thập. Nội dung này đã được quy định cụ thể như sau:
Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
– Khoản 5, Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 –
Chưa có đầy đủ nhưng ít nhất bạn phải có những chứng cứ giấy tờ cơ bản để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của bạn là có căn cứ. Chẳng hạn, nếu bạn đòi tiền cho vay thì bạn cần có chứng cứ / giấy tờ chứng minh bạn đã cho vay, bạn đòi quyền thừa kế thì bạn cần có giấy tờ chứng minh tài sản thừa kế và chứng minh tư cách người thừa kế ..v..v..
Chứng cứ thế nào gọi là xác thực thì trước tiên và quan trọng đó phải là chứng cứ có thật (không tự tạo, không giả mạo). Chẳng hạn Sổ đỏ hay hợp đồng của bạn có thể là bản photo, bản chụp nhưng đó phải đúng là photo / chụp từ bản gốc. Tòa án chưa yêu cầu bạn phải có bản chính ngay khi nộp đơn kiện. Bạn có thể bổ sung hồ sơ sau nếu như tòa yêu cầu.
Các vấn đề khác liên quan đến đánh giá chứng cứ như hình thức văn bản, nội dung văn bản sẽ được tòa án xem xét sau khi bạn đã nộp đơn khởi kiện.
Sau khi đã chuẩn bị được chứng cứ cơ bản thì bạn có thể xem xét đến việc mời những ai làm người làm chứng cho yêu cầu của bạn. Người làm chứng đương nhiên cũng phải đảm bảo tính chính xác và trung thực và quan trọng là họ phải đồng ý làm chứng cho bạn khi bạn khởi kiện.
Nếu như bạn yêu cầu một việc mà bạn không có bất kỳ chứng cứ hay người làm chứng nào chứng minh thì bạn nên xem xét lại việc có nên đưa yêu cầu đó vào đơn khởi kiện hay không.
Các luật sư thường sẽ không tư duy theo các bước như trên, họ đã có chuyên môn và kinh nghiệm nên sẽ đề nghị bạn cung cấp thông tin vụ việc và xem hồ sơ của bạn trước tiên. Sau đó luật sư sẽ xác định cho bạn các vấn đề còn lại dựa trên hồ sơ và nội dung vụ việc bạn cung cấp cho họ.
Vì vậy nếu bạn định thuê luật sư từ đầu và trọn gói thì bạn chỉ cần chuẩn bị hồ sơ và cách trình bày vụ việc với luật sư sao cho đúng, đầy đủ và dễ hiểu nhất. |
Bước 4: Soạn thảo đơn khởi kiện
Thường thì các tòa án sẽ có mẫu đơn khởi kiện, bạn có thể đến tòa án lấy mẫu hoặc tra cứu mẫu trên mạng cũng được nhưng phải có đầy đủ các nội dung chính sau:
- a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
- d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
- đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
- e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
- i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Đơn khởi kiện có thể đánh máy hoặc viết tay nhưng chúng tôi khuyên bạn nên đánh máy.
Để viết đơn khởi kiện thì phần khó nhất sẽ là nội dung vụ việc và lập luận căn cứ. Lời khuyên của chúng tôi cho bạn nếu bạn muốn tự viết đơn kiện đó là: viết đúng sự thật một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất có thể.
Bước 5: Nộp đơn khởi kiện
Theo quy định thì có 3 cách để bạn nộp đơn kiện, đó là:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Trong 3 cách trên thì chúng tôi chưa từng áp dụng cách thứ 3, cách mà chúng tôi thường làm đó là Cách 2: Gửi đơn kiện và hồ sơ đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính, chủ yếu là hình thức chuyển phát nhanh.
Việc nộp đơn qua dịch vụ bưu chính rất tiện lợi và nhiều ưu điểm, đó là:
- Không phải đi xa, bạn có thể đến đơn vị chuyển phát nhanh gần nhà bạn nhất để gửi.
- Được xác nhận ngày gửi đơn là ngày ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi, vì vậy biên lai / phiếu chuyển phát được coi là căn cứ của việc bạn nộp đơn kiện.
Lưu ý khi bạn gửi đơn kiện bằng dịch vụ bưu chính đó là bạn phải ghi chính xác địa chỉ người khởi kiện và số điện thoại để tòa án liên lạc được với bạn.
Đó là toàn bộ các bước cơ bản để bạn có thể tự nộp đơn kiện ra tòa. Sau khi nộp đơn thành công, vấn đề còn lại là bạn chờ trả lời của tòa án để làm các bước tiếp theo.
Việc bạn tự khởi kiện ra tòa mà không cần luật sư tư vấn là rất giỏi rồi, tuy nhiên qua việc tư vấn cho các khách hàng đã tự làm thủ tục khởi kiện thì tôi khuyên bạn không nên tự làm việc này hoàn toàn. Bạn có thể chưa muốn thuê luật sư ngay từ khi bắt đầu khởi kiện, nhưng bạn nên hỏi ý kiến tư vấn của luật sư trong quá trình chuẩn bị để nộp đơn kiện ra tòa.
Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với Luật NBS để được tư vấn và giải đáp.
Nếu bạn yêu thích đọc sách, bạn có thể chia sẻ, bình luận những cuốn Sách Hay với chúng tôi tại ĐÂY
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
> Hãy cung cấp địa chỉ email chính xác
> Vui lòng bình luận / đặt câu hỏi bằng tiếng Việt có dấu
> Cố gắng tìm nội dung bạn cần trên Luật NBS trước khi đặt câu hỏi
* Mọi bình luận bằng tiếng Việt không dấu chúng tôi sẽ không phản hồi