Bạn được cấp học bổng và chi phí đào tạo từ ngân sách nhà nước. Sau khi tốt nghiệp, bạn không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy bạn sẽ phải bồi hoàn chi phí đào tạo và học bổng cho nhà nước theo quy định nào?
Trong bài viết này, Luật NBS sẽ cung cấp cho bạn các quy định về việc bồi hoàn chi phí đào tạo và học bổng nhà nước.
Trước khi vào nội dung chính, chúng tôi cần gửi đến bạn lưu ý sau:
Các quy định và hướng dẫn trong bài viết này không áp dụng cho người học là cán bộ, công chức, viên chức và người học theo chế độ cử tuyển. |
Việc bồi hoàn chi phí đào tạo trong bài viết này cũng không liên quan đến việc bồi thường, hoàn trả chi phí đào tạo đối với người lao động đang làm việc cho các công ty, doanh nghiệp. Nếu bạn quan tâm đến vấn đề này, mời bạn đọc bài viết sau đây của chúng tôi:
MỤC LỤC BÀI VIẾT
- #1. Đối tượng và điều kiện bồi hoàn chi phí đào tạo, học bổng nhà nước
- #2. Thời gian làm việc cam kết
- #3. Chi phí bồi hoàn và cách tính
- #4. Trình tự thủ tục bồi hoàn chi phí đào tạo
- Bước 1: Thành lập Hội đồng xét chi phí bồi hoàn
- Bước 2: Họp Hội đồng và ban hành văn bản kiến nghị
- Bước 3: Quyết định việc bồi hoàn
- Bước 4: Thực hiện việc bồi hoàn
- Đối với người học:
- Đối với cơ quan có thẩm quyền:
#1. Đối tượng và điều kiện bồi hoàn chi phí đào tạo, học bổng nhà nước
Việc bồi hoàn chi phí đào tạo, học bổng được áp dụng với những người sau:
Đối tượng áp dụng | Điều kiện áp dụng | Người cam kết và bồi hoàn | |
1. | Người học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi học tập ở nước ngoài theo các chương trình giáo dục cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được hưởng học bổng và chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả chương trình giáo dục theo Hiệp định ký kết với nhà nước Việt Nam) | TH 1: Không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày người học được công nhận tốt nghiệp.
Trường hợp sau khi tốt nghiệp, nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tiếp tục học tập, thì thời hạn 12 tháng tính từ ngày được công nhận tốt nghiệp khóa học tiếp theo. TH 2: Chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định mà tự ý bỏ việc. |
Người học và gia đình người học ở Việt Nam (gồm: bố, mẹ đẻ hoặc chồng, vợ hoặc người đại diện hợp pháp khác của người học) |
2. | Người học được tham gia chương trình đào tạo ở trong nước theo các Đề án đặt hàng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt | Người học |
Như vậy trước khi đi học thì bạn thường sẽ phải ký một cam kết với cơ quan nhà nước về việc chấp hành các quy định sau khi học xong, bao gồm cả việc bồi hoàn chi phí đào tạo.
Trường hợp bạn được đi học ở nước ngoài thì gia đình bạn (những người nêu trên) cũng sẽ phải ký cam kết và thực hiện việc bồi hoàn nếu như bạn không trở về nước theo cam kết.
- Tham khảo thêm: Cán bộ, công chức, viên chức đền bù chi phí đào tạo khi nào?
#2. Thời gian làm việc cam kết
Tùy theo trình độ học mà thời gian phải chấp hành theo sự điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ khác nhau, quy định cụ thể như sau:
Trình độ học | Thời gian chấp hành điều động |
Theo học trình độ cao đẳng, đại học | Gấp 2 (hai) lần thời gian được hưởng chi phí đào tạo. |
Theo học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ | Gấp 3 (ba) lần thời gian được hưởng chi phí đào tạo. |
Như vậy nếu chưa chấp hành đủ thời gian nêu trên thì người học có thể sẽ bị coi là vi phạm cam kết và phải bồi hoàn chi phí đào tạo, học bổng
#3. Chi phí bồi hoàn và cách tính
Để hiểu được công thức tính theo quy định thì bạn cần biết các khái niệm sau:
a. Chi phí bồi hoàn (S) bao gồm:
- Học phí;
- Học bổng;
- Các khoản chi phí khác phục vụ cho khóa học đã được ngân sách nhà nước cấp.
b. Chi phí đào tạo được cấp (F) bao gồm:
- Học phí;
- Học bổng;
- Sinh hoạt phí;
- Các khoản chi phí khác đã được ngân sách nhà nước cấp cho người học theo chế độ quy định.
Cách tính chi phí bồi hoàn:
Chi phí bồi hoàn được tính theo các mức khác nhau tùy vào việc chấp hành của người học sau khi tốt nghiệp, cụ thể như sau:
- Trường hợp người học không chấp hành sự điều động của cơ quan nhà nước có thảm quyền thì người học phải bồi hoàn 100% chi phí đào tạo được cấp từ ngân sách nhà nước, công thức là:
S = F
- Trường hợp người học tự ý bỏ việc khi chưa chấp hành đủ thời gian quy định thì chi phí bồi hoàn được tính theo công thức sau:
S = (F / T1) x (T1 – T2)
Trong đó:
- S là chi phí bồi hoàn;
- F là chi phí đào tạo được cấp;
- T1 là thời gian làm việc theo sự điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được tính bằng số tháng làm tròn;
- T2 là thời gian đã làm việc sau khi được điều động được tính bằng số tháng làm tròn.
Thời gian làm việc chỉ được tính tròn tháng nếu số ngày làm việc trong tháng từ 15 ngày trở lên |
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi đào tạo đại học trong thời gian 48 tháng, chi phí đào tạo được cấp từ ngân sách nhà nước là 60 triệu đồng. Thời gian phải chấp hành sự điều động làm việc sau khi hoàn thành khóa học của anh A là 96 tháng. Sau khi tốt nghiệp, anh A đã chấp hành sự điều động làm việc được 47 tháng 16 ngày, sau đó anh A tự ý bỏ việc. Theo nguyên tắc làm tròn tháng, thời gian anh A đã chấp hành sự điều động làm việc được làm tròn thành 48 tháng.
Chi phí mà anh A phải bồi hoàn là:
S = (60.000.000 đ / 96 tháng) x (96 tháng – 48 tháng) = 30.000.000 đ
#4. Trình tự thủ tục bồi hoàn chi phí đào tạo
Bước 1: Thành lập Hội đồng xét chi phí bồi hoàn
Hội đồng xét chi phí bồi hoàn (bài viết này gọi tắt là “Hội đồng”) có chức năng tư vấn giúp thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bồi hoàn trong việc tính và kiến nghị mức chi phí bồi hoàn.
Hội đồng này sẽ được thành lập đối với 2 trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày ra quyết định điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người học không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thẩm quyền thành lập: Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi học và cấp chi phí đào tạo từ ngân sách nhà nước.
- Trường hợp 2: Trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày người học tự ý bỏ việc hoặc có đơn xin thôi việc mà chưa chấp hành đủ thời gian làm việc theo quy định.
Thẩm quyền thành lập: Thủ trưởng cơ quan quản lý người lao động.
THÀNH PHẦN HỘI ĐỒNG | |
Trường hợp 1: | Trường hợp 2: |
a) Thủ trưởng cơ quan hoặc cấp phó là Chủ tịch Hội đồng;
b) Người phụ trách công tác đào tạo của cơ quan là Thư ký Hội đồng; c) Người phụ trách công tác tài chính, kế toán của cơ quan là thành viên Hội đồng. |
a) Thủ trưởng cơ quan quản lý người lao động hoặc cấp phó là Chủ tịch Hội đồng;
b) Người phụ trách công tác tổ chức, nhân sự của cơ quan quản lý người lao động là Thư ký Hội đồng; c) Người phụ trách công tác tài chính, kế toán của cơ quan quản lý người lao động là thành viên Hội đồng; d) Người quản lý trực tiếp người lao động là thành viên Hội đồng; đ) Đại diện tổ chức công đoàn của cơ quan quản lý người lao động là thành viên Hội đồng. |
Bước 2: Họp Hội đồng và ban hành văn bản kiến nghị
Nguyên tắc làm việc của Hội đồng:
- 1. Hội đồng chỉ tiến hành họp khi có đầy đủ các thành phần Hội đồng tham dự.
- 2. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc công khai, dân chủ và biểu quyết theo hình thức bỏ phiếu kín theo nguyên tắc đa số.
- 3. Cuộc họp của Hội đồng phải được ghi thành biên bản để Hội đồng xem xét, thông qua. Biên bản cuộc họp phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng và Thư ký Hội đồng.
- 4. Hội đồng chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Trình tự họp Hội đồng:
1. Công việc cần chuẩn bị:
- Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm tổ chức cuộc họp xét chi phí bồi hoàn;
- Thư ký Hội đồng có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đến cuộc họp xét chi phí bồi hoàn.
2. Tổ chức cuộc họp Hội đồng theo trình tự cơ bản sau:
- Thư ký Hội đồng đọc quyết định thành lập Hội đồng;
- Chủ tịch Hội đồng nêu nhiệm vụ và chương trình làm việc của Hội đồng;
- Thư ký Hội đồng đọc các quy định liên quan đến việc xét chi phí bồi hoàn;
- Người phụ trách công tác tài chính, kế toán của cơ quan báo cáo các khoản chi phí cho khóa học và thông báo trường hợp đang được xét bồi hoàn thuộc trường hợp nào trong các trường hợp phải bồi hoàn;
- Người phụ trách trực tiếp người lao động báo cáo về thời gian chấp hành sự điều động tại cơ quan (nếu có);
- Người đại diện tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi cho người lao động (nếu có);
- Hội đồng thảo luận và bỏ phiếu kín về trường hợp bồi hoàn và chi phí bồi hoàn;
- Chủ tịch Hội đồng công bố kết quả bỏ phiếu kín, thông qua biên bản cuộc họp. Chủ tịch hội đồng và Thư ký cuộc họp ký vào biên bản cuộc họp.
3. Lập văn bản Kiến nghị về chi phí bồi hoàn của Hội đồng và gửi đến thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bồi hoàn chậm nhất 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc họp.
Bước 3: Quyết định việc bồi hoàn
Thẩm quyền quyết định việc bồi hoàn chi phí đào tạo
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi học và cấp chi phí đào tạo từ ngân sách nhà nước quyết định việc bồi hoàn chi phí đào tạo đối với người học vi phạm thuộc Trường hợp 1:
- Thủ trưởng cơ quan quản lý người lao động quyết định việc bồi hoàn chi phí đào tạo đối với người học vi phạm thuộc Trường hợp 2:
Trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền ra quyết định việc bồi hoàn chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được kiến nghị. |
Bước 4: Thực hiện việc bồi hoàn
Việc thực hiện bồi hoàn được quy định như sau:
Đối với người học:
- 1. Trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày nhận được quyết định chi phí bồi hoàn của cơ quan có thẩm quyền, người học hoặc gia đình người học có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn vào ngân sách nhà nước qua kho bạc nhà nước.
- 2. Người học có trách nhiệm gửi bản sao chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước của người học đến cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bồi hoàn để theo dõi, báo cáo.
- 3. Trường hợp người học hoặc gia đình người học ở Việt Nam chậm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn theo thời hạn thì phải chịu lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định đối với khoản tiền chậm bồi hoàn.
Nếu Ngân hàng Nhà nước không quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn thì người học hoặc gia đình người học ở Việt Nam phải chịu lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Viettinbank) tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn.
- 4. Trường hợp người học hoặc gia đình người học ở Việt Nam không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì có thể bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bồi hoàn khởi kiện theo quy định pháp luật.
Đối với cơ quan có thẩm quyền:
- 1. Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bồi hoàn chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn và tính lãi suất đối với khoản tiền chậm bồi hoàn theo quy định
- 2. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bồi hoàn là cơ quan quản lý người lao động thì cơ quan quản lý người lao động phải gửi báo cáo về việc nộp trả khoản tiền bồi hoàn vào ngân sách nhà nước cho cơ quan có thẩm quyền cử đi học để theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả đào tạo.
- 3. Khoản thu từ bồi hoàn chi phí đào tạo được hạch toán vào tiểu mục 4902 – thu hồi khoản chi năm trước.
- 4. Trường hợp người học hoặc gia đình người học ở Việt Nam không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bồi hoàn có quyền khởi kiện theo quy định pháp luật.
Như vậy nếu không có thêm tình huống phát sinh thì quy trình bồi hoàn chi phí đào tạo về cơ bản sẽ được hoàn thành trong vòng 128 ngày làm việc.
Quy đình về bồi hoàn chi phí đào tạo và học bổng tương đối rõ ràng nên chúng tôi cho rằng nếu như các bên liên quan cùng làm minh bạch, cụ thể ngay từ giai đoạn đầu phổ biến quy định và ký cam kết làm việc thì việc giữ chân người học sau khi tốt nghiệp cũng như là việc bồi hoàn (nếu có) cũng sẽ được làm một cách nhanh chóng, thuận lợi và tránh được việc tranh chấp.
Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với Luật NBS để được tư vấn và giải đáp.
Nếu bạn yêu thích đọc sách, bạn có thể chia sẻ, bình luận những cuốn Sách Hay với chúng tôi tại ĐÂY
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Thu Hà
học bổng cũng phải hoàn à, nghe lạ ta
Công Nghị Chu
Chào Luật Sư!
Tôi có một câu hỏi này muốn hỏi về việc bồi hoàn kinh phí đào tạo đối với Giảng viên được cử đi học NCS ở nước ngoài theo diện học bổng HĐ.
Tôi là Giảng viên hợp đồng tại trường đại học, tôi được cử đi học theo diện học bổng hiệp đinh, khi đi học tôi có ký cam kết về công tác bằng 2 lần thời gian học nếu không sẽ phải bồi hoàn kinh phí cho nhà nước. Hiện tại tôi về làm việc được 2.5 năm, do Công việc bố trí giảng dậy cho tôi chỉ khoảng 50 giờ (Theo nghĩa vụ thì cần 270 giờ 1 năm) còn lại tôi phải làm công tác khác như coi thi và tuyển sinh để có thể bù lại số giờ đó nên tôi muốn xin nghỉ việc thì phòng TCHC nói là cần phải đền bù kinh phí đào tạo (Kinh phí này là nhà nước cấp và trường chỉ cho mỗi tháng khoảng hơn 1 triệu). Thời gian tôi về là năm 2021 và hợp đồng với trường tôi đã hết trước đó khoảng năm 2017 nhưng phòng TCHC quên chưa ký hợp đồng mới và Phụ lục hợp đồng về việc thực hiện cam kết thời gian công tác như trên. Luật sư có thể cho tôi biết trường hợp của tôi thì có cách nào để không phải đền bù kinh phí nếu như tôi nghỉ việc không ạ?
Luật sư Ngọc Blue
Trường hợp này bạn cần xem kỹ lại các điều khoản, nội dung trong các văn bản liên quan mà bạn đã ký, chẳng hạn như HĐ lao động, Cam kết đào tạo, quy chế của chương trình đào tạo, quy chế giảng dạy của trường ..v..v.. thì mới có thể xác định được việc đền bù chi phí đào tạo như thế nào. Còn với những thông tin mà bạn đưa ra trong câu hỏi thì rất tiếc tôi không có phương án nào khác để trả lời câu hỏi của bạn, ngoại trừ việc bạn nghỉ do trường của bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng với bạn.