Vấn đề đền bù chi phí đào tạo đối được quy định chung đối với cán bộ, công chức và viên chức. Tuy nhiên, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi tư vấn nhất từ các khách hàng là viên chức.
Khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan đến việc viên chức đền bù chi phí đào tạo, chúng tôi thấy rằng quy định khá đơn giản và rõ ràng. Nhưng qua câu hỏi của các khách hàng, chúng tôi thấy rằng việc thực hiện các quy định về đền bù chi phí đào tạo với viên chức phức tạp hơn rất nhiều.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn các quy định cơ bản và phân tích vấn đề liên quan đến viên chức đền bù chi phí đào tạo.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
Trên trang web Luật NBS của chúng tôi, bạn có thể thấy có những bài viết liên quan đến chi phí đào tạo, và thấy rằng lúc thì chúng tôi dùng từ đền bù, lúc lại dùng từ bồi hoàn hay hoàn trả. Bạn có thể sẽ thấy điều này hơi lộn xộn và khó nhớ. Nhưng thực ra đó là những từ được dùng trong các văn bản pháp luật quy định do cơ quan nhà nước ban hành. Cụ thể như sau:
- Đối với người lao động sẽ là: Hoàn trả chi phí đào tạo
- Đối với người được nhà nước tài trợ đi học sẽ là: Bồi hoàn chi phí đào tạo
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ là: Đền bù chi phí đào tạo
Mặc dù cách dùng thuật ngữ pháp lý, công thức tính chi phí đào tạo và quy định có khác nhau, nhưng bản chất thì bạn chỉ cần hiểu đơn giản là bạn phải trả lại tiền chi phí đào tạo cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Vì vậy, nếu bạn không nhớ chính xác cách dùng từ thì cũng không sao cả. Bạn xác định đúng đối tượng và quy định pháp luật áp dụng là được.
Và đối tượng ở trong bài viết này của chúng tôi là: Cán bộ, công chức và viên chức.
#1. Điều kiện được đi đào tạo & Thời gian phải cam kết
Quy định của pháp luật xem xét đối tượng và điều kiện đào tạo dựa trên trình độ đào tạo
Đào tạo sau đại học sẽ chia thành 2 đối tượng với các điều kiện sau:
Cán bộ, công chức | Viên chức |
a) Có thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ;
b) Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; c) Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo; d) Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm. |
a) Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có);
b) Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo; c) Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm. |
Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, ngoài các quy định nêu trên còn phải đáp ứng yêu cầu khác của chương trình hợp tác. |
#2. Điều kiện đền bù chi phí đào tạo
Cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo theo các hình thức nêu trên phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp 1: Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo.
- Trường hợp 2: Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.
- Trường hợp 3: Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết theo quy định.
Bạn lưu ý là chỉ cần thuộc một trong các trường hợp nêu trên là bạn đã có thể phải đền bù chi phí đào tạo.
Xem thêm:
#3. Chi phí đền bù và cách tính
Chi phí đền bù bao gồm:
- Học phí
- Tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu có).
Cách tính chi phí đền bù:
a) Đối với trường hợp quy định tại Trường hợp 1 và Trường hợp 2 cán bộ, công chức, viên chức phải trả 100% chi phí đền bù;
b) Đối với các trường hợp quy định tại Trường hợp 3, chi phí đền bù được tính theo công thức sau:
S = F / T1 x (T1 – T2)
Trong đó:
- S là chi phí đền bù;
- F là tổng chi phí do cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học chi trả theo thực tế cho 01 người tham gia khóa học;
- T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;
- T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.
S = 30 triệu đồng / 48 tháng x (48 tháng – 24 tháng) = 15 triệu đồng
Nếu như với người lao động, bạn có thể thương lượng để giảm chi phí đào tạo phải hoàn trả, thì đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ có quy định giảm chi phí đền bù phải được áp dụng:
Điều kiện được giảm chi phí đền bù Mỗi năm công tác của cán bộ, công chức, viên chức (không tính thời gian tập sự và thời gian công tác sau khi được đào tạo) được tính giảm 1% chi phí đền bù. Trường hợp là nữ hoặc là người dân tộc thiểu số thì mỗi năm công tác được tính giảm tối đa 1,5% chi phí đến bù. |
#4. Trình tự thủ tục đền bù chi phí đào tạo
Nguyên tắc làm việc của Hội đồng
- Hội đồng xét đền bù tư vấn giúp Người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức hoặc cơ quan, đơn vị được phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức xem xét các trường hợp phải đền bù chi phí và kiến nghị chi phí đền bù đào tạo đối với cán bộ, công chức, viên chức.
- Hội đồng làm việc theo nguyên tắc công khai, dân chủ và biểu quyết theo đa số.
- Hội đồng chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Quy trình Thành lập Hội đồng xét đền bù
Người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức hoặc cơ quan, đơn vị được phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức thành lập Hội đồng xét đền bù.
Hội đồng xét đền bù bao gồm các thành viên:
- 01 đại diện lãnh đạo Vụ (Ban, Phòng) Tổ chức cán bộ, Sở Nội vụ hoặc cơ quan, đơn vị được phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức làm Chủ tịch Hội đồng;
- 01 công chức, viên chức phụ trách đào tạo, bồi dưỡng của Vụ (Ban, Phòng) Tổ chức cán bộ, Sở Nội vụ hoặc cơ quan, đơn vị được phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức là Thư ký Hội đồng;
- 01 đại diện tổ chức công đoàn của đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức;
- 01 đại diện bộ phận tài chính – kế toán của cơ quan chi trả các khoản chi phí cho khóa học;
- 01 đại diện lãnh đạo đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.
- Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm tổ chức cuộc họp xét đền bù. Cuộc họp của Hội đồng chỉ được tiến hành khi có đầy đủ các thành viên.
- Kinh phí tổ chức cuộc họp của Hội đồng xét đền bù lấy từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Trình tự cuộc họp:
- a) Thư ký Hội đồng công bố quyết định thành lập Hội đồng;
- b) Chủ tịch Hội đồng nêu nhiệm vụ và chương trình làm việc của Hội đồng;
- c) Thư ký Hội đồng đọc các quy định liên quan đến đền bù chi phí đào tạo;
- d) Đại diện lãnh đạo đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức báo cáo về quá trình công tác của cán bộ, công chức, viên chức;
- đ) Đại diện bộ phận tài chính – kế toán của cơ quan chi trả báo cáo các khoản chi phí cho khóa học và xác định trường hợp phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định tại Điều 7 Nghị định này;
- e) Hội đồng thảo luận về trường hợp đền bù và chi phí đền bù.
Hội đồng lập văn bản kiến nghị chi phí đền bù và gửi đến Người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức hoặc các cơ quan, đơn vị được phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức chậm nhất 3 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc họp. |
Ban hành Quyết định đền bù
Căn cứ kiến nghị của Hội đồng xét đền bù, Người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức hoặc cơ quan, đơn vị được phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức ban hành quyết định đền bù chi phí đào tạo.
Nộp Chi phí đền bù
- Chậm nhất trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đền bù chi phí đào tạo của cơ quan có thẩm quyền, đối tượng phải đền bù chi phí đào tạo có trách nhiệm nộp trả đầy đủ chi phí đền bù.
- Chi phí đền bù được nộp cho cơ quan, đơn vị đã chi trả cho khóa học.
Trong trường hợp không thống nhất việc đền bù chi phí đào tạo, các bên liên quan có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật. |
#5. Thực tế áp dụng
Quy định thì rõ ràng, nhưng thực tế áp dụng lại không đơn giản như vậy. Trong quá trình tư vấn, chúng tôi nhận được khá nhiều câu hỏi của các viên chức băn khoăn về cách tính chi phí đền bù. Bởi vì mỗi viên chức sẽ đi học theo những chương trình đào tạo khác nhau, do đó ngoài quy định của pháp luật thì còn phải áp dụng theo chính sách của chương trình đào tạo mà viên chức đó tham gia, hoặc là theo đề án, chính sách của từng địa phương, cơ quan khi cử viên chức đi đào tạo.
Đối với những quy định, chính sách đặt thù của từng chương trình đào tạo thì chúng tôi không nắm rõ, chình vì vậy với những trường hợp đã đi đào tạo về và có thắc mắc thì thường chúng tôi sẽ không tư vấn được triệt để cho bạn mà chỉ tư vấn được những nội dung theo quy định của pháp luật như trên.
Tuy nhiên với viên chức chuẩn bị đi học thì bạn nên đọc kỹ quy định, chính sách của chương trình đào tạo mà bạn sẽ tham gia, đặc biệt bạn cần đọc kỹ nội dung văn bản cam kết làm việc và các giấy tờ mà bạn sẽ ký trước khi đi đào tạo.
Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với Luật NBS để được tư vấn và giải đáp.
Nếu bạn yêu thích đọc sách, bạn có thể chia sẻ, bình luận những cuốn Sách Hay với chúng tôi tại ĐÂY
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
> Hãy cung cấp địa chỉ email chính xác
> Vui lòng bình luận / đặt câu hỏi bằng tiếng Việt có dấu
> Cố gắng tìm nội dung bạn cần trên Luật NBS trước khi đặt câu hỏi
* Mọi bình luận bằng tiếng Việt không dấu chúng tôi sẽ không phản hồi