Án phí dân sự có thể coi là loại án phí có số tiền phải nộp cao nhất và có cách tính phức tạp nhất trong số các loại án phí, đặc biệt là các vụ án dân sự có giá ngạch (hiểu cơ bản là tranh chấp các tài sản có giá trị). Chính vì vậy đây cũng là loại án phí được nhiều người quan tâm về cách tính.
Trong bài viết này, Luật NBS sẽ cung cấp cho bạn cách tính số tiền án phí dân sự đối với các loại vụ án / việc dân sự.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
- Các khái niệm cần phân biệt
- ÁN PHÍ DÂN SỰ (APDS)
- A. Án phí dân sự sơ thẩm
- APDS sơ thẩm không có giá ngạch
- APDS sơ thẩm có giá ngạch
- 1. Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch
- 2. Tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch
- 3. Tranh chấp về lao động có giá ngạch
- B. Án phí dân sự phúc thẩm
- TẠM ỨNG ÁN PHÍ DÂN SỰ
- * Cách xác định giá trị tài sản tính án phí *
- LỆ PHÍ TÒA ÁN
- A. Lệ phí giải quyết việc dân sự
- B. Lệ phí Tòa án khác
- C. Tạm ứng lệ phí tòa án
Các khái niệm cần phân biệt
Trước tiên, bạn cần phân biệt “tạm ứng án phí” và “án phí” bởi vì người nộp 2 loại này có thể là 2 chủ thể khác nhau.
Hiểu một cách cơ bản nhất thì người khởi kiện sẽ phải nộp tạm ứng án phí khi đơn kiện của họ được tòa án thụ lý. Nhưng chưa chắc người khởi kiện là người phải nộp toàn bộ án phí, thậm chí họ có thể còn được hoàn lại toàn bộ số tiền tạm ứng án phí đã nộp. Điều này sẽ phụ thuộc vào phán quyết cuối cùng của tòa án đối với vụ việc.
- Bạn có thể đọc chi tiết về vấn đề này tại bài viết: Ai phải nộp án phí, lệ phí tòa án?
Vấn đề thứ 2, bạn cần phân biệt giữa “vụ án dân sự” và “việc dân sự”. Vấn đề này bạn có thể đọc chi tiết tại bài viết: Cách xác định nộp đơn kiện ở Tòa án nào?
- Nếu là “vụ án dân sự” thì bạn sẽ phải nộp “án phí”
- Nếu là “việc dân sự” thì bạn sẽ phải nộp “lệ phí tòa án”
Sau khi đã hiểu được cơ bản các khái niệm trên, bạn có thể tính được số tiền án phí / tạm ứng án phí dân sự phải nộp theo các quy định dưới đây:
ÁN PHÍ DÂN SỰ (APDS)
Án phí dân sự có 2 loại là APDS sơ thẩm và APDS phúc thẩm:
A. Án phí dân sự sơ thẩm
APDS sơ thẩm gồm 2 loại là có giá ngạch và không có giá ngạch như sau:
APDS sơ thẩm không có giá ngạch
STT |
Tên án phí |
Mức thu |
1. | Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch | 300.000 đồng |
2. | Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại không có giá ngạch | 3.000.000 đồng |
APDS sơ thẩm có giá ngạch
Cách tính sẽ tùy thuộc vào giá trị tài sản tranh chấp và loại tranh chấp, cụ thể như sau:
1. Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch
STT |
Giá trị tài sản tranh chấp |
Mức thu |
1. | Từ 6.000.000 đồng trở xuống | 300.000 đồng |
2. | Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng | 5% giá trị tài sản có tranh chấp |
3. | Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng | 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng |
4. | Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng | 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng |
5. | Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng | 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng |
6. | Từ trên 4.000.000.000 đồng | 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng. |
2. Tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch
STT |
Giá trị tài sản tranh chấp |
Mức thu |
1. | Từ 60.000.000 đồng trở xuống | 3.000.000 đồng |
2. | Từ trên 60.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng | 5% của giá trị tranh chấp |
3. | Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng | 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng |
4. | Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng | 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng |
5. | Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng | 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng |
6. | Từ trên 4.000.000.000 đồng | 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng |
3. Tranh chấp về lao động có giá ngạch
STT |
Giá trị tài sản tranh chấp |
Mức thu |
1. | Từ 6.000.000 đồng trở xuống | 300.000 đồng |
2. | Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng | 3% giá trị tranh chấp, nhưng không thấp hơn 300.000 đồng |
3. | Từ trên 400.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng | 12.000.000 đồng + 2% của phần giá trị có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng |
4. | Từ trên 2.000.000.000 đồng | 44.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng |
B. Án phí dân sự phúc thẩm
1. | Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động | 300.000 đồng |
2. | Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại | 2.000.000 đồng |
Ngoài án phí dân sự, còn có án phí hình sự và án phí hành chính
Đối với án phí hình sự, mời bạn xem bài viết: Án phí hình sự và những quy định cần biết
Án phí hành chính được tính như sau:
1 | Án phí hành chính sơ thẩm | 300.000 đồng |
2 | Án phí hành chính phúc thẩm | 300.000 đồng |
TẠM ỨNG ÁN PHÍ DÂN SỰ
Khi nộp hồ sơ khởi kiện và được thụ lý, người khởi kiện chỉ phải nộp tạm ứng án phí mà chưa cần nộp toàn bộ án phí. Số tiền tạm ứng án phí này có thể được hoàn trả cho người khởi kiện tùy thuộc vào phán quyết cuối cùng của tòa án.
Mức nộp tạm ứng án phí được tính như sau:
STT |
Loại tạm ứng |
Mức nộp |
1. | Tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch | = Mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch |
2. | Tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch | = 50% Mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch
Tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch |
3. | Tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm | = Mức án phí dân sự phúc thẩm |
Như vậy đối chiếu với bảng án phí ở trên, bạn có thể tính được số tiền tạm ứng án phí mà người khởi kiện phải nộp khi đơn kiện của họ được thụ lý.
Đối với vụ án hành chính, do án phí thấp nên số tiền tạm ứng án phí được quy định như sau:
1. | Tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm | = Mức án phí hành chính sơ thẩm |
2. | Tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm | = Mức án phí hành chính phúc thẩm |
Đối với vụ án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và vụ án hành chính được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì mức án phí bằng 50% mức án phí quy định nêu trên. |
- Về thời hạn nộp án phí, mời bạn xem tại bài viết: Thời hạn nộp án phí và Nơi nộp án phí, lệ phí tòa án
* Cách xác định giá trị tài sản tính án phí *
Một điều quan trọng mà chắc hẳn người khởi kiện rất quan tâm đó là giá trị tài sản dùng để tính án phí sẽ căn cứ vào đâu. Theo quy định thì Giá tài sản làm cơ sở thu tạm ứng án phí được ưu tiên áp dụng theo thứ tự như sau:
- a) Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
- b) Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp;
- c) Giá trên tài liệu gửi kèm hồ sơ giải quyết vụ án;
- d) Giá thị trường tại thời điểm và địa điểm xác định giá tài sản;
- e) Trường hợp không thể căn cứ vào a -> b -> c -> d nêu trên để xác định giá trị tài sản tranh chấp thì Tòa án gửi văn bản đề nghị cơ quan tài chính cùng cấp có ý kiến về việc xác định giá tài sản. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tài chính phải có ý kiến trả lời về việc xác định giá trị tài sản. Hết thời hạn này mà Tòa án không nhận được văn bản trả lời của cơ quan tài chính cùng cấp thì Tòa án ấn định mức tạm ứng án phí.
Trường hợp một trong các cơ sở quy định tại a, b, c, d nêu trên đã xác định được giá trị tài sản để tính tiền tạm ứng án phí thì không xem xét đến các cơ sở tiếp theo. |
LỆ PHÍ TÒA ÁN
Lệ phí tòa án có 2 loại như sau:
A. Lệ phí giải quyết việc dân sự
STT |
Tên lệ phí |
Mức thu |
1 | Lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động | 300.000 đồng |
2 | Lệ phí phúc thẩm giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động | 300.000 đồng |
B. Lệ phí Tòa án khác
STT |
Tên lệ phí |
Mức thu |
1 | Lệ phí yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; phán quyết của trọng tài nước ngoài | |
a | Lệ phí công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; phán quyết của Trọng tài nước ngoài | 3.000.000 đồng |
b | Lệ phí kháng cáo quyết định của Tòa án về việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài; phán quyết của Trọng tài nước ngoài | 300.000 đồng |
2 | Lệ phí giải quyết yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại | |
a | Lệ phí yêu cầu Tòa án chỉ định, thay đổi trọng tài viên | 300.000 đồng |
b | Lệ phí yêu cầu Tòa án xem xét lại phán quyết của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài, về thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp của Hội đồng trọng tài; đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc | 500.000 đồng |
c | Lệ phí yêu cầu Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến trọng tài; yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng | 800.000 đồng |
d | Lệ phí kháng cáo quyết định của Tòa án liên quan đến trọng tài | 500.000 đồng |
3 | Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản | 1.500.000 đồng |
4 | Lệ phí xét tính hợp pháp của cuộc đình công | 1.500.000 đồng |
5 | Lệ phí bắt giữ tàu biển | 8.000.000 đồng |
6 | Lệ phí bắt giữ tàu bay | 8.000.000 đồng |
7 | Lệ phí thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam | 1.000.000 đồng |
8 | Lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài | 200.000 đồng |
9 | Lệ phí cấp bản sao giấy tờ, sao chụp tài liệu tại Tòa án | 1.500 đồng/trang A4 |
C. Tạm ứng lệ phí tòa án
Cũng như án phí thì lệ phí tòa án cũng có quy định mức tạm ứng như sau:
1. | Tạm ứng lệ phí sơ thẩm giải quyết việc dân sự | = Mức lệ phí sơ thẩm giải quyết việc dân sự. |
2. | Tạm ứng lệ phí phúc thẩm giải quyết việc dân sự | = Mức lệ phí phúc thẩm giải quyết việc dân sự. |
Tuy nhiên, không phải trường hợp khởi kiện nào cũng phải nộp án phí, lệ phí tòa án. Án phí và lệ phí tòa án cũng được miễn giảm trong một số trường hợp, bạn có thể xem tại bài viết sau đây của Luật NBS: Những trường hợp không phải nộp án phí, được miễn giảm án phí
Hiện nay một số trang web đã có công cụ tính án phí, bạn có thể tham khảo những công cụ tính án phí tại các trang sau:
Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với Luật NBS để được tư vấn và giải đáp.
Nếu bạn yêu thích đọc sách, bạn có thể chia sẻ, bình luận những cuốn Sách Hay với chúng tôi tại ĐÂY
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Nguyễn kim thư
Chào chị! Chị cho tôi hỏi: – tôi có tham gia đầu tư trên sàn điện tử vintrate, mà người hướng dẫn và CSKH là ghi Vingroup. Tôi đóng tổng cộng là 40tr và lên sàn theo hướng dẫn của họ được 200tr, nhưng khi rút tiền thì họ ko chịu xác nhận chuyển khoảng cho tôi theo như tôi lựa chọn là chuyển thường, mà họ bắt phải đóng 10% là 20tr để chuyển nhanh, nếu không họ đóng băng tài khoản của tôi. Vậy này tôi muốn thưa kiện thì tôi thưa kiện cá nhân mà tôi chuyển tiền hay sao chị, và lệ phí tôi phải đóng là 5% của 40tr hay trên 200tr ( trên sàn chứng khoáng đã xác nhận rút tiền mà vẫn chưa rút được). Tôi xin cảm ơn, vì nếu 200tr thì số tiền đóng là quá lớn.
Link bài viết gốc: Khởi kiện phải nộp bao nhiêu tiền án phí? – Luật NBS (https://luatnbs.com/khoi-kien-phai-nop-bao-nhieu-tien-an-phi/)
Luật sư Ngọc Blue
Trường hợp này phải căn cứ vào thỏa thuận ban đầu giữa bạn và sàn điện tử trước khi bạn tham gia đầu tư, thỏa thuận này có thể là hợp đồng bằng văn bản / hợp đồng điện tử hoặc các giấy tờ bạn ký kết trước khi tham gia.
Nếu không có các giấy tờ trên thì bạn cần xem lại thể lệ, chính sách của sàn điện tử đó, khi bạn đã đồng ý tham gia tức là bạn đã chấp nhận các quy định của sàn điện tử, trong đó bao gồm cả quy định về hình thức thanh toán.
Chính vì vậy bạn cần xem lại các nội dung trên thì mới có thể xác định được cách giải quyết như thế nào.
Nguyễn Thanh Nam
Chào luật sư!
Mình đang gặp một việc cụ thể như sau.
Mình đang kí học lái xe qua một người là giáo viên ,sau 6 tháng thì mình ko được thi và giáo viên nhận hồ sơ mình báo chuyển trung tâm đào tạo khác ,mình đồng ý và 1 tuần sau mình báo rút hồ sơ và yêu cầu trả lại tiền.
Giáo viên xác nhận rút hồ sơ cho mình và tới nay gần 1 tháng chưa trả mình tiền.
Nếu muốn kiện thì tiến hành như nào và mức phí là bao nhiêu (Mình đã đưa cho giáo viên 13 triệu)
Luật sư Ngọc Blue
Chào bạn,
Nếu bạn muốn khởi kiện, trước tiên bạn cần thu thập các chứng cứ (tốt nhất là bằng văn bản) để chứng minh nội dung vụ việc như bạn nói, sau đó bạn cấn xác định bạn sẽ đòi tiền cá nhân giáo viên hay trung tâm đào tạo, việc xác định căn cứ vào hồ sơ, chứng cứ bạn có. Khi đã xác định được người bị kiện, bạn làm đơn kiện và nộp kèm chứng cứ đến tòa án nơi người bị kiện cư trú hoặc có trụ sở. Đó là các bước cơ bản nhất để nộp đơn kiện lên tòa án. Để xác định cụ thể thì cần căn cứ vào hồ sơ của bạn.
Án phí như trong bài viết đã hướng dẫn, trường hợp của bạn là 5% giá trị số tiền tranh chấp, nếu được tòa án thụ lý, bạn có thể sẽ phải nộp tạm ứng án phí bằng 50% số án phí nêu trên.
Phương Linh
Bị lừa đảo cướp tiền qua mạng (337k) thì khởi kiện mất bao nhiêu tiền?
Thật sự số tiền đó vô cùng quan trọng và trên mạng có rất nhiều đối tượng lợi dụng đi scam tiền, những đối tượng này sẽ chỉ scam 1 người khoảng dưới 800k và lừa rất nhiều người
Luật sư Ngọc Blue
Nếu như bạn bị lừa đảo thì bạn có thể làm đơn tố cáo ra cơ quan công an để được giải quyết. Còn nếu là tranh chấp dân sự thì với số tiền này bạn có thể sẽ phải nộp án phí là 300.000 VNĐ khi đơn khởi kiện của bạn được tòa án thụ lý
Nguyễn Thị Thúy Ngọc
Em có việc muốn tư vấn luật sư ah. Khu đất em đang ở bị chính quyền địa phương thông báo là lất làm dự án. theo như trình tự của luật đất đai năm 2013 thì các bước đó bên chính quyền không làm đúng, và theo như các văn bản mà bên chính quyền gửi cho người dân chúng em thì có một số văn bản sai nguyên tắc là không dấu ráp lai các văn bản, văn bản kí nhưng không đóng dấu người đứng đâu của cơ quan chính quyền, và các văn bản gửi cho chúng em không đầy đủ. Vậy xin hỏi giờ chúng em khởi kiện ra tòa thì chi phí hết bao nhiêu?, kiện về mặt thủ tục hành chính thì như thế nào?
Luật sư Ngọc Blue
Vấn đề bạn hỏi thì cần đánh giá việc không làm đúng của chính quyền địa phương như bạn nói có ảnh hưởng thế nào đến quyền lợi của nhà bạn. Chẳng hạn như các văn bản của cơ quan nhà nước nhưng không đóng dấu thì có thể văn bản đó chưa có hiệu lực, văn bản chưa đủ dấu giáp lai theo quy định thì bạn có thể yêu cầu cơ quan đó đóng dấu giáp lai, văn bản chưa đầy đủ thì bạn đề nghị cung cấp đầy đủ.
Nếu các văn bản và thủ tục chỉ không đúng về hình thức cơ bản như trên thì việc bạn khởi kiện sẽ khá tốn cả về thời gian và tài sản mà có thể chỉ đem lại kết quả là tòa án yêu cầu cơ quan nhà nước hoàn thiện về hình thức.
Việc khởi kiện chỉ nên thực hiện khi trình tự, thủ tục hoặc nội dung các văn bản liên quan đến việc thu hồi hay bồi thường do cơ quan nhà nước ban hành trái quy định dẫn đến thiệt hại cho quyền lợi của bạn và thiệt hại này khi ra tòa bạn phải có căn cứ để chứng minh trước tòa.
Với thông tin bạn cung cấp thì trước tiên bạn nên làm văn bản đề nghị cơ quan nhà nước làm đúng trình tự thủ tục và cung cấp đầy đủ văn bản cho bạn, sau đó nếu họ vẫn không thực hiện thì bạn có thể làm đơn khiếu nại theo thủ tục hành chính để buộc họ thực hiện đúng.