Đây là nội dung nằm trong phần 1 của Chương III của đề tài SV NCKH năm 2007: Án lệ và Khả năng áp dụng Án lệ ở Việt Nam.
- Phần trước: Nguyên tắc của án lệ nên áp dụng ở Việt Nam
Nhiều quan điểm cho rằng án lệ và luật thành văn là hai sự trái ngược, luật thành văn bị cạnh tranh và phủ nhận bởi án lệ còn án lệ thì bị phá vỡ bởi luật thành văn, tuy nhiên quan điểm như vậy là phiến diện. Tại sao chúng ta không nghĩ rằng luật thành văn và án lệ tồn tại trong một mối quan hệ thống nhất, bổ sung và hỗ trợ cho nhau, cái này giúp cho cái kia ngày càng phát triển và tiến bộ, tất cả cùng hướng tới mục đích chung là hoàn thiện hệ thống pháp luật, đem lại sự công bằng cho xã hội? Thực tiễn cũng đã chứng minh nhận định trên khi mà các quốc gia vốn đi theo truyền thống luật thành văn đang ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của án lệ và án lệ ngày càng phát huy vai trò tích cực ở các quốc gia này không kém gì luật thành văn. Trong khi đó các quốc gia thường xuyên áp dụng án lệ thì vẫn luôn tôn trọng hiệu lực của luật thành văn, họ có quy định khi án lệ mâu thuẫn với luật thành văn thì luật thành văn được ưu tiên áp dụng. Ngoài ra luật thành văn ở các quốc gia này cũng giúp giảm bớt sự tuỳ tiện và lạm quyền của thẩm phán. Một dấu hiệu nữa cũng có thể coi là sự hỗ trợ giữa luật thành văn và án lệ đó là sự “luật hoá” một án lệ, một án lệ được sử dụng lâu dài và hiệu quả hoàn toàn có thể trở thành một điều luật. Đồng thời việc giải thích hợp lý một quy phạm pháp luật đa nghĩa nhưng chỉ theo một nghĩa trong thời gian dài cũng được coi là án lệ và đó chính là sự bổ sung lẫn nhau giữa luật thành văn và án lệ.
Hệ thống toà án Việt Nam được tổ chức theo các cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm; ngoài ra còn có giám đốc thẩm và tái thẩm, vì vậy cũng phù hợp với việc sử dụng án lệ. Tuy hệ thống toà án Việt Nam không hoàn toàn giống so với hệ thống toà án của các nước Common Law nhưng thiết nghĩ vấn đề đặt ra là cần đưa án lệ vào sử dụng sao cho phù hợp với cơ cấu hệ thống toà án chứ không phải là cần sửa đổi hệ thống toà án cho giống với các nước khác để áp dụng án lệ.
- Có thể bạn quan tâm: [Ebook] Tài liệu nghiên cứu Án lệ
Hệ thống pháp luật Việt Nam là hệ thống pháp luật thành văn, có phần giống với các nước theo truyền thống Civil Law. Tại các nước này, luật thành văn tuy là nguồn luật quan trọng và phổ biến nhất nhưng án lệ vẫn được coi là một nguồn luật chính thức và trên thực tế đang ngày càng chứng tỏ vai trò của mình. Chẳng hạn Điều 4 Bộ luật dân sự Pháp có quy định: “nếu thẩm phán từ chối đưa ra phán quyết khi dựa trên cơ sở pháp luật không quy định về vấn đề đó, quy định không rõ ràng hoặc không đầy đủ, thì bản thân anh ta có thể bị kiện vì lý do phủ nhận công lý. Do vậy, anh ta phải đưa ra được một phán quyết” Để đưa ra phán quyết có tính thuyết phục, thẩm phán Pháp cần phải sử dụng các nguồn pháp luật khác. Tại điều 5 Bộ luật dân sự Pháp quy định rõ hơn rằng: “những phán quyết mang tính bắt buộc để đặt thành những nguyên tắc chung là những án lệ có tính chất quyết định”.
Điều 1 Bộ luật dân sự Thuỵ Sỹ cũng quy định: “Trong trường hợp không có luật thành văn, hoặc luật tục tương tự thì thẩm phán có quyền quyết định tuân theo những nguyên tắc mà anh ta đã đặt ra và nếu anh ta tự hành động như nhà lập pháp thì anh ta phải chứng minh bằng những nguyên tắc luật pháp đã được công nhận và các án lệ”.(16) Còn nhiều quốc gia khác trong truyền thống Civil Law cũng coi án lệ là nguồn luật thậm chí là một nguồn luật có vị trí ngày càng quan trọng.
Đối với Việt Nam, pháp luật hiện tại không coi án lệ là một nguồn luật tuy nhiên trong quá khứ đã có lúc án lệ được thừa nhận trong một thời gian dài và đã phát huy hiệu quả. Như vậy, án lệ cũng không phải là một khái niệm quá mới mẻ và xa lạ ở Việt Nam. Hiện tại những báo cáo tổng kết, những hướng dẫn xét xử của Toà án nhân dân tối cao cũng có thể coi là dấu hiệu ban đầu của việc sử dụng án lệ tại Việt Nam. Những hướng dẫn này là kết quả thu được từ kinh nghiệm xét xử được Toà án nhân dân tối cao nghiên cứu và hệ thống hoá thành các quy định để hướng dẫn toà án cấp dưới trong công tác xét xử. Những báo cáo đó đã phần nào làm rõ và dễ hiểu hơn những quy phạm pháp luật, làm cho các quy phạm pháp luật gắn liền với thực tế. Toà án nhân dân tối cao cũng đang ngày càng hoàn thiện những hướng dẫn đó để tăng tính hiệu quả và có thể phát huy hơn nữa vai trò của các hướng dẫn trên thực tế. Toà án nhân dân tối cao cũng đã xuất bản hai tập “Quyết định giám đốc thẩm” bao gồm các quyết định dân sự và hình sự. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy những quyết định đó hoàn toàn có khả năng phát triển thành án lệ để áp dụng chính thức tại Việt Nam.
Chú thích:
(16)Xem: Triệu Quang Khánh, đd, tr. 7
- Phần tiếp theo: Đề xuất nâng cao khả năng áp dụng án lệ ở Việt Nam (đang cập nhật)
> Hãy cung cấp địa chỉ email chính xác
> Vui lòng bình luận / đặt câu hỏi bằng tiếng Việt có dấu
> Cố gắng tìm nội dung bạn cần trên Luật NBS trước khi đặt câu hỏi
* Mọi bình luận bằng tiếng Việt không dấu chúng tôi sẽ không phản hồi