Bất cứ người dân nào khi đã khiếu nại vượt cấp đều mong muốn vụ việc của mình được giải quyết nhanh chóng, đúng quy định, mong được nghe những lời giải thích hợp tình, hợp lý từ phía cơ quan nhà nước hay ít ra là vụ việc của mình được những lãnh đạo cao nhất của đất nước biết đến. Tuy nhiên liệu việc khiếu nại vượt cấp có thực sự đáp ứng được những mong muốn trên của người khiếu nại hay không?
Bài viết này không có mục đích hướng dẫn bạn khiếu nại vượt cấp, bởi vì đó là việc làm không đúng quy định, nhưng chúng tôi mong muốn thông qua bài viết giúp cho bạn hiểu được rõ hơn thế nào là khiếu nại vượt cấp và sau đó tự có quyết định của riêng bạn.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
Thế nào là “khiếu nại vượt cấp”
Khiếu nại vượt cấp thực ra là một khái niệm mà chúng tôi nghĩ rằng ai đọc lên cũng đã hiểu, bởi vì bản thân cụm từ “khiếu nại vượt cấp” cũng đã bao hàm đầy đủ ý nghĩa của nó rồi. Tuy nhiên nếu bạn muốn hiểu cụ thể hơn theo quy định của pháp luật thì trước tiên bạn cần biết các khái niệm sau:
- Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
- Người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại.
- Người bị khiếu nại là cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại.
- Người giải quyết khiếu nại là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Ngoài các khái niệm trên, khiếu nại vượt cấp còn liên quan chủ yếu đến một quy định nữa, đó là “Trình tự khiếu nại”, cụ thể như sau:
Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Đọc quy định luật khá là phức tạp, vì vậy chúng tôi có thể giải thích đơn giản hơn như thế này:
Khiếu nai vượt cấp là việc người khiếu nại nộp đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn cơ quan mà họ phải nộp đơn theo quy dịnh. |
Đó chính là khiếu nại vượt cấp
Nguyên nhân của việc khiếu nại vượt cấp
Theo kinh nghiệm thực tế của chúng tôi, việc khiếu nại vượt cấp có một số nguyên nhân sau:
- Người giải quyết khiếu nại không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định, không triệt để, không khách quan, không minh bạch.
- Thái độ tiếp công dân của người giải quyết khiếu nại không đúng mực, không tôn trọng người khiếu nại
- Vụ việc có thể đã được giải quyết đúng theo quy định của pháp luật nhưng vì cho rằng đã làm đúng quy định nên người giải quyết khiếu nại không giải thích cụ thể để người khiếu nại hiểu rõ.
- Người khiếu nại khi không được đáp ứng yêu cầu thì cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm hoặc muốn yêu cầu những quyền lợi cao hơn những quyền lợi mình được hưởng
- Việc giải quyết khiếu nại có thể có lý, đúng quy định nhưng đôi khi quá cứng nhắc, chưa có tình, chưa áp dụng những tập quán truyền thống và lâu đời của địa phương.
Đó là một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc khiếu nại vượt cấp. Tất nhiên là trong thực tế sẽ còn nhiều nguyên nhân khác nữa dẫn đến tình trạng này.
Hiệu quả và cách xử lý khiếu nại vượt cấp
Trước tiên, phải khẳng định rằng:
Khiếu nại vượt cấp là hành vi thực hiện không đúng trình tự theo quy định của pháp luật, không nộp đơn đúng cơ quan có thẩm quyền – nhưng không phải là hành vi bị cấm, cũng không phải là hành vi vi phạm pháp luật. |
Do đó, bạn có thể khiếu nại vượt cấp, nhưng liệu việc này có đạt được mục đích và hiệu quả như bạn mong muốn hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào cách giải quyết của cơ quan tiếp nhận đơn của bạn.
Khi nhận được đơn khiếu nại vượt cấp (tức là không đúng thẩm quyền) thì quy trình xử lý của cơ quan nhận được đơn về cơ bản sẽ như sau:
- Kiểm tra nội dung khiếu nại, xác định thẩm quyền xử lý là của cơ quan nào theo quy định
- Chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền và/hoặc hướng dẫn người nộp đơn chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền
Quy trình xử lý đơn khiếu nại vượt cấp như trên là đúng quy định. Vì vậy, nếu mục đích của người nộp đơn vượt cấp là mong muốn những vị lãnh đạo cấp cao đọc và biết được thì điều này thường sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn.
Một vấn đề nữa mà người nộp đơn khiếu nại vượt cấp cần lưu ý đó là: Thời gian kể từ lúc nộp đơn đến lúc nhận được văn bản trả lời hướng dẫn chuyển đơn, không phải chỉ vài ngày mà có thể lên đến 30 – 45 ngày. Như vậy người khiếu nại vượt cấp có thể sẽ mất đến 30 – 45 ngày chờ đợi chỉ để nhận được kết quả là văn bản hướng dẫn đơn về đúng thẩm quyền.
Tuy nhiên thì vấn đề này đang dần được cải thiện một cách tích cực kể từ khi Luật tiếp công dân 2013 có hiệu lực từ ngày 01/7/2014. Công dân có thể được cán bộ, công chức của cơ quan mà họ định nộp đơn trả lời và hướng dẫn trực tiếp để công dân nộp đơn đúng nơi cần nộp theo quy định.
Theo quan điểm của tôi thì quy trình giải quyết khiếu nại vượt cấp như vậy là phù hợp đối với việc quản lý nhà nước. Nếu như không giải quyết khiếu nại theo trình tự như vậy, thì sự tồn tại của bộ máy quản lý nhà nước cấp địa phương sẽ trở nên vô nghĩa, và riêng việc xử lý đơn thôi cũng có thể khiến cho những người đứng đầu các cơ quan nhà nước ở trung ương không còn thời gian đi làm các công việc khác.
Một số giải pháp cho người khiếu nại
Sau khi đọc những nội dung nêu trên, mà bạn vẫn muốn và quyết định khiếu nại vượt cấp, thì chúng tôi cũng đưa ra một số lời khuyên và giải pháp để bạn tham khảo như sau:
- Gửi đơn đến đồng thời nhiều cơ quan, trong đó phải có cơ quan đúng thẩm quyền theo quy định: Cách làm này cũng đã được nhiều người khiếu nại áp dụng, làm như vậy vừa đạt được mong muốn “vượt cấp” của mình, lại vừa đảm bảo vụ việc của bạn vẫn được giải quyết theo đúng quy định
- Theo dõi lịch tiếp dân của cơ quan mà bạn định nộp đơn, liên hệ đăng ký và tham gia các buổi tiếp dân để trình báy vụ việc của mình
- Liên hệ với các cơ quan truyền thông, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình để trình bày vụ việc của bạn. Cách làm này thường sẽ có hiệu quả với những vụ việc có ảnh hướng trên một địa bàn lớn, ảnh hưởng đến nhiều người dân, liên quan đến chủ trương, chính sách của nhà nước. Đối với những vụ việc khiếu nại nhỏ, đơn lẻ cũng có thể có tác dụng nhất định.
Thực ra nếu nói về các vụ việc hành chính, để giải quyết được hiệu quả, chúng tôi đánh giá cao vai trò của các cơ quan truyền thông, đó là nơi phản ánh được vụ việc đến với những người cần đến một cách nhanh chóng và hiệu quả |
- Đến thời điểm thích hợp, nên khởi kiện ra tòa án. Thời điểm nào là thích hợp thì chúng tôi cũng khuyên bạn nên tham khảo ý kiến của các luật sư, chuyên gia về luật.
Lưu ý: việc khiếu nại hành chính và khởi kiện ra Tòa hành chính không bao giờ được thực hiện đồng thời. Bạn chỉ được lựa chọn 1 trong 2 mà thôi. |
Đó là một số vấn đề pháp lý liên quan đến khiếu nại vượt cấp mà Luật NBS muốn chia sẻ với bạn. Mong rằng bài viết này cũng góp phần nào đó giúp bạn có thể lựa chọn phương án cho vụ việc của bạn.
Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với Luật NBS để được tư vấn và giải đáp.
Nếu bạn yêu thích đọc sách, bạn có thể chia sẻ, bình luận những cuốn Sách Hay với chúng tôi tại ĐÂY
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Nông Văn Lương
Tôi nguyên là chỉ huy trưởng quân sự xã sau sát nhập tôi bị buộc nghỉ việc theo nghị định 108-NĐ/CP. Tôi không đồng ý với quyết định này của UBND huyện nên có viết đơn kiến nghị vượt cấp gửi sở nội vụ tỉnh. Sau đó sở nội vụ có chuyển đơn của tôi về UBND huyện. Cho rằng tôi đã viết đơn vượt cấp là vi phạm điều đảng viên không được làm nên UBND huyện đề nghị xử lí vi phạm đối với tôi. Xin hỏi luật sư việc làm này là đúng hay sai.
Ngoc Blue
Việc kiện vượt cấp không vi phạm pháp luật bạn nhé. Còn quy định của đảng viên thì tôi rất tiếc là không biết nên không giúp được cho bạn.
Thuận
Thưa luật sư tôi là giáo viên, là đảng viên trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, ông giám đốc trung tâm tôi có tham ô một khoảng đất lưu không của tập thể, nay đã có người xây tường bao nhưng tôi không có bằng chứng, lại không được xem trích lục và phụ lục của trung tâm chỉ được nhân dân phản ánh vì trong khoảng đất lưu không đó có 2 mét đường đi của nhân dân. Tức là toàn bộ đường đi của nhân dân và cổng chính đi vào, ra cũ của trung tâm và khoản đất lưu không được nằm gọn trong tường bao đã được người nào đó xây.
Tôi có làm đơn tường trình gửi trực tiếp ông bí thư trung tâm xác minh làm rõ, nhưng ông giám đốc đề nghị ông bí thư kính chuyển lên cấp trên giải quyết, vì không đủ thẩm quyền.
Trong thời gian ông bí thư hoàn thiện hồ sơ kính chuyển thì tôi có làm 2 lá đơn đề nghị, 1 lá đơn tôi gửi trực tiếp bà chủ tịch huyện, 1 lá đơn tôi gửi trực tiếp giám đốc sở tài nguyên tỉnh.
Khi tôi gửi xong đơn thì tôi được nghe ông bí thư trung tâm thông báo việc hồ sơ kính chuyển được xuống kiểm tra huyện ủy gạt đi không nhận và gợi ý với ông bí thư trung tâm là xem xét giải quyết đối với đảng viên này vì đã gửi đơn nhiều cấp.
Vậy tôi muốn hỏi luật sư việc làm của tôi là đúng hay sai, nếu sai thì phải lí luận cách nào để không bị ảnh hưởng? người vi phạm lại không bị kỉ luật mà người minh bạch theo chủ trương của đảng lại bị kỉ luật
Đỗ Thị Kim Liên
Trưởng phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế tham mưu cho Giám đốc sở trong thời gian chờ thầu mới, nhập thuốc cho các cơ sở y tế trong tỉnh giá cao hơn so với giá trần của các tỉnh khác.BHXH xuất toán do chênh lệch giá hơn 7 tỉ rưỡi (chỉ tính riêng 2 bệnh viện lớn).Giám đốc sở đã nghỉ hưu.Giám đốc BV kể cả phó Giám đốc sở tại chức” các cấp liên quan đều biết nhưng giờ không biết giải quyết bằng cách nào nên 2 BV ĐÀNH PHẢI TRẢ NỢ DẦN VẬY” Đó là tiền của toàn thể nhân viên chúng tôi.Chúng tôi đã chịu quá nhiều áp lực.Lỗi không phải chúng tôi gây ra , sao chúng tôi phải chịu? Tôi muốn khiếu kiện . Kiện ở đâu và kiện cấp nào mới đúng?
Ngoc Blue
Trước khi khiếu kiện bạn cần chuẩn bị một số vấn đề cơ bản sau:
– Ai sẽ là người nộp đơn
– Quyết định hay văn bản về việc nhập thuốc của Sở y tế
– Các căn cứ chứng minh việc nhập thuốc đó là sai quy định và giá cao hơn giá trần của các tỉnh khác, gây thiệt hại đến bệnh viện và ảnh hưởng đến nhân viên của bệnh viện
Sau khi chuẩn bị xong các vấn đề cơ bản, bạn có thể nộp đơn khiếu nại lần 1 là đến Giám đốc Sở y tế. Tuy Giám đốc cũ người đã ký quyết định này đã nghỉ hưu nhưng trách nhiệm vẫn thuộc về Sở Y tế và bạn khiếu nại Quyết định hành chính chứ không phải là khiếu nại Giám đốc sở.
Sau đó, bạn có thể gửi đơn khiếu nại lần 2 lên Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Bạn cũng có thể đồng thời gửi đơn đến thanh tra của Bộ Y tế để báo cáo về sự việc này.
Tran Thung
Trong một cơ quan, chẳng hạn như bệnh viện, nhân viên y tế của khoa đó cảm thấy hành vi, thái độ sai trái của cán bộ hoặc nhân viên khác không đúng vì ngại không chia sẻ hoặc không dám phản ánh trực tiếp trong khoa mà báo cáo lên Ban giám đốc.. hành vi báo cáo đó có cho là báo cáo vượt cấp ? và nếu quy định của Bv cho là vượt cấp thì đúng luật viên chức không ?
nếu bị kỷ luật có được khiếu kiện không ? xin cảm ơn
Ngoc Blue
Việc báo cáo như vậy bạn có thể coi là báo cáo vượt cấp hiểu theo nghĩa thông thường, còn trong luật viên chức hay các quy định liên quan không cấm việc này. Đồng thời luật cũng không can thiệp sâu và quy chế của từng đơn vị, vậy nên trường hợp này bạn cần xem lại quy chế của bệnh viện, tôi chắc rằng sẽ không có quy định gọi là “báo cáo vượt cấp” nhưng có thể sẽ có những quy định liên quan.
Riêng về kỷ luật viên chức thì đã có riêng Nghị định 27/2012/NĐ-CP của chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức. Các đơn vị quản lý viên chức đều phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định này. Ngoài ra việc xử lý kỷ luật viên chức là đúng hay sai còn phải tùy từng trường hợp cụ thể mới có thể xác định được.
Chẳng hạn, bạn báo cáo vượt cấp thì không bị kỷ luật, nhưng nếu như không may bị cho rằng đó là “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp” thì lại vi phạm Điều 19 Luật viên chức. Vậy nên tất cả các báo cáo đều nên lập thành văn bản, không nên chỉ nói miệng để hạn chế rủi ro này và có thể dễ dàng khiếu kiện hơn nếu muốn.
Phạm Xuân Cao
Thưa luật sư. Tôi hiện đang làm bảo vệ tại 1 nhà máy Nhiệt Điện tại Quảng Ninh. Do kiến thức làm việc tại cơ quan nhà nước k có nên tôi rất bỡ ngỡ về thủ tục hành chính. Gần đây tôi có thấy 1 biên bản do phó phòng Tổ chức hành chính trực tiếp quản lý lập vắng mặng tôi, trong đó có 1 vi phạm mà tôi thấy xử lý k thỏa đáng, có phần không công khai mịn bạch và k đúng về tôi. Trong họp giao ban hàng tuần tôi đã có ý kiến và đối chất nhưng k đc tl thỏa đáng. Liệu trong trường hợp này tôi có nên báo cáo vượt cấp hay k? Và phải làm như thế nào để quyền lợi của tôi đc thỏa mãn. Do là vấn đề nhỏ hơn tiêu đề bài viết. Mong luật sư tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn.
Ngoc Blue
Chào anh, thực ra với trường hợp của anh thì anh cần lưu ý nhiều hơn đến các quy định về luật lao động. Chẳng hạn như anh xem lại trong Hợp đồng lao động, nội quy lao động của riêng Nhà máy xem quy định như thế nào về trường hợp của anh, cụ thể là quy định như thế nào về việc vi phạm đó và về thủ tục lập biên bản, tham khảo thêm quy định của bộ luật lao động.
Nếu thấy không thỏa đáng, theo tôi trước tiên anh nên làm một văn bản, có thể là Đơn đề nghị / kiến nghị về việc này, anh nhớ nêu càng cụ thể càng tốt, và nếu có thể nên trích dẫn một số quy định trong nội quy, hợp đồng (nếu có), nếu không anh có thể làm đơn bình thường cũng được.
Trường hợp của anh có thể nộp đơn “vượt cấp” lên đơn vị chủ quản hoặc phòng / sở lao động tại địa phương, pháp luật không hề cấm việc này. Tuy nhiên, anh hỏi có nên hay không thì theo tôi là chưa nên, vì một số lý do sau:
1. Thứ nhất là anh mới có ý kiến và đối chất với họ, tức là tất cả mới chỉ bằng lời nói nên có thể phía nhà máy họ chưa cho đấy là việc cần lưu ý, hoặc cũng có thể họ chưa hiểu được hết quan điểm của anh, vì vậy anh nên làm văn bản và gửi cho họ. Tác dụng của văn bản ngoài việc nêu được kiến nghị của mình một cách cụ thể và chặt chẽ hơn, thì dù họ trả lời hay không văn bản đó còn là căn cứ để anh khiếu nại lên cấp cao hơn sau này.
2. Nếu như họ trả lời, anh sẽ biết được về cơ bản quan điểm của họ là như thế nào, căn cứ vào đâu. Dựa vào đó anh có thể chuẩn bị những căn cứ, chứng cứ khác để đáp lại.
3. Dù sao mình cũng đang là người lao động làm việc trong nhà máy, và vẫn còn ý định làm việc lâu dài, vậy nên theo tôi trước tiên anh cố gắng giải quyết ở nhà máy trước đã. Nếu họ vẫn cố tình vi phạm gây ảnh hưởng quyền lợi của anh thì lúc đó mới nên nộp đơn lên các cơ quan quản lý cấp trên của họ.
Đó là một vài ý kiến của tôi, hy vọng có thể giúp được phần nào đó cho anh 🙂