Tiếp tục mục (a) phần 1 trong Chương I của đề tài SV NCKH năm 2007: Án lệ và Khả năng áp dụng Án lệ ở Việt Nam.
- Phần trước: Khái niệm án lệ
Án lệ xuất hiện từ thời La Mã cổ đại, vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, do đòi hỏi cần có sự điều chỉnh pháp luật cho phù hợp với những biến đổi ngày càng đa dạng, phong phú của xã hội lúc bấy giờ. Án lệ thời đó là các sắc dụ, các phán quyết của các pháp quan (Edict magistratum), đặc biệt là của các quan toà. Theo thời gian, án lệ dần dần được các quốc gia thừa nhận và sử dụng như một nguồn luật. Ý tưởng của việc coi án lệ là một nguồn luật cơ bản là ở chỗ: Các tranh chấp tương tự cần đạt đến các kết quả pháp lý tương tự.(6)
Đặc điểm của án lệ:
Đặc điểm của án lệ được xác định bởi các phương pháp được sử dụng để tạo ra án lệ và văn hoá pháp lý đặc biệt với những đòi hỏi, nguyên tắc án lệ.
Án lệ có những đặc điểm sau:
– Thứ nhất, án lệ có mối quan hệ mật thiết với thẩm phán vì án lệ do thẩm phán sáng tạo ra và để giải quyết các vụ việc cụ thể. Tuy nhiên không phải bản án của thẩm phán của bất cứ cấp toà án nào cũng được coi là án lệ mà nó phải được thông qua một số trình tự thủ tục nhất định tuỳ theo quy định của mỗi quốc gia. Vì án lệ do thẩm phán sáng tạo ra nên nhiều nơi và nhiều lĩnh vực quy định án lệ có giá trị thấp hơn luật thành văn để tránh sự lạm quyền của thẩm phán.Tuy án lệ luôn gắn với một vụ việc cụ thể nhưng nó phải có tính khái quát cao để có thể đảm bảo việc xét xử cho các vụ việc tương tự.
- Có thể bạn quan tâm: [Ebook] Tài liệu nghiên cứu Án lệ
– Thứ hai, án lệ phải có tính nhắc lại, điều này thể hiện ở việc khi một bản án được công nhận là án lệ thì nó sẽ đuợc lấy làm khuôn mẫu cho các vụ việc có tính chất tương tự và sẽ còn được sử dụng nhiều lần nữa. Ví dụ như án lệ “con ốc sên Paisley” ở trên có thể được áp dụng với truờng hợp vật thể lạ trong chai sữa hoặc nước ngọt, những sự việc này thì không chỉ năm 1932 mới có mà hiện nay vẫn xảy ra vì thế mà án lệ đó có từ năm 1932 nhưng vẫn có giá trị cho đến hôm nay và sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài nữa. Nó được sử dụng không chỉ trong phạm vi các quốc gia thuộc khối thịnh vượng mà còn được công nhận tại một số nước khác có sử dụng án lệ. Điều đó thể hiện tính nhắc lại của án lệ này.
– Thứ ba, án lệ có tính bắt buộc, có nghĩa là nếu một bản án được đem ra sử dụng cho một vụ việc có tính chất tương tự nhưng chỉ để tham khảo thì không được coi là án lệ mà bản án đó phải là khuôn mẫu buộc các thẩm phán phải áp dụng đối với các vụ án tương tự sau này. Sự bắt buộc này cũng giống như việc tại Việt Nam các thẩm phán buộc phải dẫn ra các quy phạm pháp luật thành văn để xét xử.(7)
Để hiểu thêm về khía cạnh văn hoá pháp lý tạo nên đặc điểm của án lệ, có thể xem xét hai vụ án sau:
Năm 1987, Toà phúc thẩm của Anh (Court of Appeal) xử vụ bà Attia kiện Công ty cung cấp gas Anh (British Gas). Theo truyền thống xét xử của Anh, Toà phúc thẩm khi xử vụ này đã dựa trên quyết định của vụ MacLoughlin kiện O’Brian do Uỷ ban phúc thẩm Thượng nghị viện (House of Lords) xét xử. Nội dung hai vụ kiện như sau:
Vụ Attia kiện công ty cung cấp gas Anh: Attia gọi người của công ty đến lắp hệ thống sưởi ấm cho nhà bà, nhưng trong lúc làm việc, do sơ ý họ đã để lửa bén vào gác xép. Khi đội cứu hoả đến, lửa đã lan khắp nhà và 4 tiếng sau, ngọn lửa thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà cùng tài sản trong đó. Bà Attia đệ đơn lên toà với hai khoản kiện: đòi bồi thường thiệt hại ngôi nhà cũng như tài sản và đòi bồi thường thiệt hại do bị sốc về tinh thần khi phải chứng kiến ngôi nhà của mình bị thiêu rụi. Công ty cung cấp gas đồng ý bồi thường thiệt hại về tài sản, nhưng từ chối bồi thường cho cú sốc tinh thần. Toà sơ thẩm cũng đồng ý với lập luận của bị đơn và bác khoản kiện thứ hai của bà. Bà Attia kiện tiếp lên Toà phúc thẩm của Anh. Toà này đã chấp thuận khoản kiện và buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại tinh thần cho bà Attia.
Vụ MacLoughlin kiện O’Brian: O’Brian là tài xế xe tải, do sơ ý đã đụng phải chiếc xe do ông MacLoughlin lái chở ba người con. Kết cục là ông MacLoughlin và hai người con bị thương nặng, người con thứ ba chết ngay. Bà MacLoughlin lúc ấy đang ở nhà cách đó hai dặm, được một người đi mô tô đến báo và chở bà đến bệnh viện. Bà MacLoughlin đã kiện O’Brian phải bồi thường thiệt hại tinh thần do bà bị sốc khi nghe tin dữ, sau đó càng sốc hơn khi thấy tình cảnh chồng và hai đứa con khác bị thương nặng đang đau đớn, kêu la và một đứa con đã chết. Toà sơ thẩm và Toà phúc thẩm đều bác đơn kiện của bà, nhưng Uỷ ban phúc thẩm Thượng nghị viện đã chấp thuận, buộc bị đơn phải bồi thường cho bà.
Điều đáng nói ở đây là, có vẻ như hai vụ kiện này khác nhau khá xa: một bên là bị sốc do chứng kiến những người thân thiết nhất trong gia đình bị mất đi và bị thương nặng; một bên là bị sốc do chứng kiến ngôi nhà bị thiêu rụi. Thế nhưng Toà phúc thẩm lại lấy vụ Attia làm cơ sở để xử vụ MacLoughlin. Tại sao?
Câu trả lời nằm ở hai chữ “house” và “home”. Cả hai đều có nghĩa là nhà. Nhưng khi mô tả về sự việc ngôi nhà bị cháy, Tòa phúc thẩm dùng từ “house”, có thể dịch là ngôi nhà. Còn khi nói về mối liên hệ giữa bà Attia và ngôi nhà của bà, Tòa lại dùng từ “home”, có thể dịch là tổ ấm. Trong tiếng Anh, house (ngôi nhà) để chỉ gạch, ngói, gỗ là những thứ vật chất đã dựng nên nền, tường, mái để con người chui ra chui vào tránh mưa tránh nắng, tránh thú dữ…Còn khi nói đến home (tổ ấm), từ xa xưa người Anh đã nghĩ đến cái gì đấy khác, lớn lao hơn, thiêng liêng hơn. “Home” là bầu không khí bên lò sưởi ấm áp, là sự an toàn, sự nghỉ ngơi, tình yêu, tụ họp, tiếng cười, nơi gìn giữ kỷ vật , gia sản cha ông…Chỉ vài câu ngạn ngữ phổ biến sau cũng đủ nói lên nhiều điều: “Home follows the family” (Tổ ấm do gia đình mang lại), “Home is where the heart is” (Tố ấm là nơi trú ngụ của con tim), “Love makes a house a home” (Tình yêu biến ngôi nhà thành tổ ấm), “There s no place like home” (Không đâu bằng nhà mình), “An Englishman’s home is his castle” (Đối với người Anh nhà là pháo đài), “everybody wants to go home” (Ai cũng muốn về nhà), Give a dog a home” (Cho người ta tổ ấm trú ngụ), “Home sweet Home” (Nhà, ôi ngôi nhà thân thương). Bởi vậy, khi chứng kiến tổ ấm bị thiêu rụi trong ngọn lửa, bà Attia cảm thấy như bà đang bị mất đi cái gì đấy thân thương, yêu quí nhất, như mất đi người thân của mình, mà mình thì bất lực không có cách gì cứu được. Đấy là lý do tại sao tòa phúc thẩm lại dựa vào quyết định của Uỷ ban phúc thẩm Thượng nghị viện để xử vụ kiện này.
Thấy gì qua câu chuyện này? Trước hết đó là chuyện văn hoá với pháp luật. Để hiểu pháp luật, nhiều khi phải vận dụng cả những vùng tri thức khác, trong trường hợp này là văn hóa Anh quốc nói chung và văn hóa pháp lý Anh quốc nói riêng. Cách thẩm phán dùng văn hóa để xét xử thật đáng suy ngẫm. Những thẩm phán trong vụ Attia là những nhà ngôn ngữ tinh tế – cách họ dùng “house” và “home” đủ để nói lên điều đó. Nhưng để là nhà ngôn ngữ tinh tế đến mức ấy, họ có một vốn văn hóa thật dày, thật minh triết, Và họ đã biết cách vận dụng cái vốn ấy một cách thật uyển chuyển vào xét xử, chứ không chỉ máy móc dựa trên luật án lệ (case law) về bồi thường (torts) và về tài sản (property). Đây chính là thẩm quyền và cách sáng tạo pháp luật của thẩm phán Anh quốc, cũng như ở các nước khác theo hệ thống pháp luật Anh – Mỹ.(8)
Chú thích:
(6)Xem: Nguyễn Đức Mai, Về vấn đề án lệ ở nước ta hiện nay, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 3, 1998; Trường đại học Luật Hà Nội, Tập bài giảng luật so sánh, Hà Nội, 2003.
(7)Xem: Nguyễn Linh Giang, đd, tr. 7
(8)Xem: Nguyên Lâm, “HOUSE HAY HOME” – Tầm minh triết của pháp luật, Báo điện tử Tổ Quốc (http://www.toquoc.gov.vn/vietnam/viewNew.asp?newsId=11606&topicId=60)
- Phần tiếp theo: Khái niệm Án lệ trong pháp luật quốc tế
> Hãy cung cấp địa chỉ email chính xác
> Vui lòng bình luận / đặt câu hỏi bằng tiếng Việt có dấu
> Cố gắng tìm nội dung bạn cần trên Luật NBS trước khi đặt câu hỏi
* Mọi bình luận bằng tiếng Việt không dấu chúng tôi sẽ không phản hồi