Liệu để được pháp luật công nhận một người là mất năng lực hành vi dân sự, có cần thiết phải qua Tòa án? Theo quan điểm của tôi là không cần thiết.
Trong các quan hệ pháp luật dân sự, chắc hẳn một số người đã gặp trường hợp có liên quan đến những người được pháp luật gọi là “mất năng lực hành vi dân sự”. Chẳng hạn như trong quá trình làm công việc liên quan đến công chứng, tôi gặp một số trường hợp người phải ký vào văn bản công chứng là người mất năng lực hành vi dân sự. Nếu không có xác nhận hay một hình thức tương tự liên quan đến những người này thì không thể công chứng theo quy định. Thông thường, nhiều khách hàng khi đến công chứng có người thân, người nhà như vậy, họ thường gọi những người như vậy là “người bị tâm thần”, “người không biết gì cả” , “bị thần kinh” hay “đầu óc có vấn đề”… Họ hiểu đơn giản như vậy và cũng mặc định cho rằng công chứng viên cũng đương nhiên có quyền công nhận nhưng người như vậy là “người mất năng lực hành vi dân sự”.
Vậy theo quy định của pháp luật, người mất năng lực hành vi dân sự là gì, trước tiên hãy cùng tìm hiểu qua về khái niệm pháp lý để hình dung được phần nào những nội dung tôi muốn nói trong bài viết này
Theo Điều 17 Bộ luật dân sự 2005 thì Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Cũng theo quy định trong Bộ luật này thì:
Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (trừ trường hợp bị mất hoặc hạn chế).
Người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự
(Nhưng nội dung trên có thể tham khảo thêm tại Điều 18, 19, 20, 21 Bộ luật dân sự 2005. Tôi không trích dẫn đầy đủ bởi vì các nội dung còn lại không phục vụ cho mục đích của bài viết này)
Vậy như thế nào được pháp luật coi là người mất năng lực hành vi dân sự, khái niệm này được quy định tại Điều 22 Bộ luật dân sự 2005, như sau: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.”
Theo suy nghĩ thông thường trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người có thể mặc nhiên coi rằng, những người tôi nêu ví dụ ở phần đầu và trong định nghĩa nên trên đó là người mất năng lực hành vi dân sự. Cá nhận tôi cho rằng đó là suy nghĩ và cách tư duy phần nào đó khá hợp lý. Vì vậy vấn đề chính tôi muốn đề cập trong bài này là việc pháp luật Việt Nam công nhận thế nào là một người là người mất năng lực hành vi dân sự
Nếu như đọc phần trích dẫn Điều 22 nêu trên, người đọc có thể hình dung phần nào quy trình thủ tục để được pháp luật công nhận là người mất năng lực hành vi dân sự.
Tôi xin tóm tắt ngắn gọn như sau: Để được pháp luật công nhận một người là người mất năng lực hành vi dân sự, trước tiên và cũng là điều kiện bắt buộc là người có liên quan phải nộp Đơn yêu cầu lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự. Kèm theo đơn yêu cầu là kết luận của cơ quan chuyên môn hoặc các chứng cứ khác chứng minh người đó bị tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi.
Tòa án sau khi thụ lý đơn sẽ làm các thủ tục và trong một số trường hợp có thể yêu cầu trưng cầu giám định về sức khỏe, bệnh tật của người đang bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Sau khi đánh giá hồ sơ, các tài liệu, chứng cứ, kết luận giám định (nếu có) và thực tế, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hoặc không công nhận người mất năng lực hành vi dân sự.
Thời hạn để hoàn thành thủ tục nêu trên (tức là người yêu cầu nhận được quyết định công nhận hoặc không công nhận) có thể lên đến 45 ngày hoặc hơn.
Như vậy một người chưa được coi là mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật khi chưa có quyết định công nhận của Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Vấn đề tôi muốn nói ở đây đó là, liệu để được pháp luật công nhận một người là mất năng lực hành vi dân sự, có cần thiết phải qua Tòa án? Theo quan điểm của tôi là không cần, vì những lý do sau:
– Việc xác định một người có mất năng lực hành vi dân sự hay không, Tòa án không thể tự xác định mà bắt buộc phải có giấy tờ của một tổ chức giám định có chức năng giám định tâm thần, có thể là Bệnh viện hoặc một tổ chức giám định y khoa. Và tôi chắc rằng đó sẽ là căn cứ chính và chủ yếu để Tòa án ra quyết định.
– Một người khi đã có chứng nhận của một bệnh viện hoặc tổ chức giám định y khoa (trước khi Tòa án trưng cầu giám định) nhưng những người có liên quan lại vẫn phải đợi để Tòa án công nhận dường như là một thủ tục thừa, rườm rà và gây phiền toái cũng như làm mất thời gian của người dân. Trong khi có thể người dân đang rất cần thực hiện giao dịch dân sự có liên quan đến người mất năng lực hành vi dân sự.
Như tôi đã từng gặp trường hợp một người có Giấy chứng nhận khuyết tật, trong đó ghi: Tâm thần nhưng công chứng viên vẫn không thể công chứng vì chưa có quyết định công nhận mất NLHV của Tòa án.
Giải pháp mà tôi đưa ra trong trường hợp này, đó là:
– Pháp luật có thể quy định những tổ chức y khoa có chức năng cấp Giấy chứng nhận về năng lực hành vi dân sự và những tổ chức này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình (để tránh việc người dân lợi dụng móc nối hoặc thỏa thuận với tổ chức y khoa để tạo chứng cứ giả). Chỉ cần có kết luận nêu trên, coi như người đó đã được coi là người mất năng lực hành vi dân sự, bất cứ cơ quan, tổ chức nào có liên quan nếu như nhận được kết luận đó là đã đủ điều kiện để thực hiện các giao dịch mà không cần qua sự công nhận của Tòa án.
– Nếu như tổ chức y khoa được chỉ định làm sai thì đã có những quy định pháp luật khác kèm với những chế tài để điều chỉnh về vấn đề này.
– Việc chỉ định người đại diện vẫn áp dụng theo quy định tại Bộ luật dân sự, lúc này thẩm quyền sẽ chỉ còn thuộc về UBND hoặc có thể mở rộng cho các tổ chức công chứng
Nội dung trên cũng tương tự đối với trường hợp bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (Đó là Người nghiện ma tuý, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự – Điều 23 Bộ luật dân sự 2005)
Bộ luật dân sự 2005 sẽ hết hiệu lực vào ngày 01/01/2017 và được thay thế bằng Bộ luật dân sự 2015, quy định về người mất năng lực hành vi dân sự có sửa đổi, bổ sung nhưng về cơ bản vẫn phải có quyết định của Tòa án.
- Các bạn có thể xem bài viết Thủ tục công nhận người mất năng lực hành vi dân sự để biết về việc thực hiện thủ tục này theo các quy định mới nhất.
Hy vọng bài viết này sẽ phần nào giúp ích cho những ai quan tâm. Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với chúng tôi.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Trường hợp mất năng lực hành vi dân sự dẫn đến những hậu quả pháp lý gì?
Tùy vào hành vi của người đó và mục đích xác định.
Chào luật sư . Tôi đang có một vụ án . Chanh chấp hợp đồng tặng tài sản nhà và đất. Và tăng 8 năm cóUBND phường tại thời điểm năm 2008 chứng thực . Sau 8 năm gd bên tăng đi làm bản giám định tâm thần đòi lại và hủy hợp đồng tặng cho tôi . Trong khi 8 năm quá kg có tòa án nào ra quyết định hạn chế hành vị dân sự của người tặng . Nay toa án dựa vào bản giám định sau 8 năm huy hợp đồng của tôi vô hiệu . Nay tôi rất mong đc sự chợ giúp luật sư đòi lại công bằng cho mẹ con tôi
Vụ việc của bạn phải được đánh giá dựa trên toàn bộ hồ sơ vụ việc mới có thể biết được. Tuy nhiên tôi có thể giải thích cho bạn lý do 8 năm không có tòa án nào ra quyết định tuyên về năng lực hành vi dân sự bởi vì chưa có đơn yêu cầu của bất cứ người nào có liên quan. Tòa án chỉ ra quyết định khi có yêu cầu của người có liên quan gửi lên Tòa án bạn nhé.
Trường hợp người con (Tôi) ủy quyền giấy chủ quyền nhà (10 năm) có công chứng cho Cha ruột (năm 2007) toàn quyền quyết định căn nhà để đinh cư nước ngoài.
Đến năm 2014 Cha Tôi bị bệnh (ung thư cuống họng) nặng (bác sỳ chê).
+ Ngày 01/04/2014 Chị ruột Tôi (có 2 quốc tịch Mỹ và VN) về VN ra công chứng cùng ngày sang tên Tôi & Cha Tôi (trong hợp đồng công chứng) qua tên Chị Tôi. Khoảng 1 năm sau Tôi mới biết sư việc trên và cũng không Ai cho Tôi biết đã công chứng giấy CQN qua tên Chị Tôi.
+ Ngày 03/04/2014 Cha Tôi mất (Tôi nghĩ không có giấy khám sức khỏe và công chứng “tại nhà” vội vàng khi sức khỏe Cha Tôi rất yếu).
+ Ngày 05/04/2014 Tôi từ Mỹ về đến VN chịu tang Cha.
P/S: Cũng năm 2007 Tôi có làm di chúc (có công chứng cho người Chị khác trong gia đình). Tôi thật sự không muốn cho người Chị (đã chiếm đoạt) đã sang tên.
Căn nhà trên là do Cha Mẹ Cho Tôi năm 2000 đã làm thủ tục sang tên hợp lệ.
Mong mọi người cho Tôi ý kiến.
Thành thật cám ơn!
Phúc,
Không biết nội dung cụ thể của Hợp đồng ủy quyền giữa anh và cha anh ra sao nhưng thông thường, khi anh đã làm Hợp đồng ủy quyền có công chứng cho cha anh được toàn quyền quyết định căn nhà, điều đó có nghĩa là cha anh có quyền được chuyển nhượng, tặng cho bất cứ ai mà không phải hỏi ý kiến của anh.
Vì vậy có lẽ là cha anh sau đó đã làm hợp đồng tặng cho (có công chứng) cho con gái ông (tức là chị của anh) dựa vào Hợp đồng ủy quyền đó. Sau đó chị anh đã đi làm thủ tục sang tên chị anh. Việc sang tên như vậy về mặt giấy tờ thủ tục là đúng quy định của pháp luật
Thực ra vụ việc của anh là một vấn đề pháp lý tương đối phức tạp và cần có những hồ sơ, giấy tờ cụ thể để làm căn cứ. Vậy nên, bây giờ nếu anh không muốn căn nhà tiếp tục thuộc về người chị đã sang tên, anh cần kiểm tra lại một số vấn đề sau:
1. Xem kỹ lại nội dung của Hợp đồng ủy quyền
2. Khi anh đi công chứng Hợp đồng ủy quyền, anh có hiểu rõ về nội dung hợp đồng đó không? Công chứng viên đã giải thích cụ thể cho anh về việc ủy quyền như vậy là cha anh đã có toàn quyền mà không cần hỏi ý kiến của anh chưa?
3. Khi ký hợp đồng tặng cho sang cho chị anh, thời điểm đó cha anh có đầy đủ năng lực hành vi dân sự hay không, có bị ai ép buộc hay khôn (Anh lưu ý là người bệnh ung thư không có nghĩa là mất năng lực hành vi dân sự, nhiều người vẫn rất minh mẫn, tỉnh táo)
4. Di chúc anh lập là trước hay sau khi lập Hợp đồng ủy quyền?
Anh xem lại các vấn đề đó để biết được liệu có khả năng Hợp đồng ủy quyền của anh cho Cha anh có thể bị vô hiệu hay không? Nếu Hợp đồng ủy quyền bị vô hiệu thì những giao dịch sau đó cũng sẽ có khả năng vô hiệu, bao gồm cả việc sang tên cho chị anh.
Chào Chị Ngọc Bleu!
Cám ơn Chị đã giải thích rõ ràng. Nhưng Tôi có cảm giác có hành vi gian dối trong hợp đồng công chứng.
Hiện tại Toà Án TP HCM đã nhận đơn khởi kiện của Tôi.
E-Mail: thienphuc666@yahoo.com
Hy vọng sớm nhận được E-Mail của Chị.
Và sẻ gởi nhưng thông tin cho Chị.
Thanks!
Chào anh, nếu như anh cần tư vấn riêng, anh có thể cung cấp thông tin cho tôi tại phần Liên hệ tư vấn. Sau khi nhận được, tôi sẽ gửi email tư vấn trực tiếp và bảo mật thông tin cho anh.
Trân trọng!
những điều kiện cấu thành của vi phạm pháp luật
Chưa hiểu ý của bạn?
Chào chị. Ngày xưa ông nội cho cha tôi nhà đất có sổ riêng,chú tôi sổ riêng.trong lúc ba tôi bệnh nặng nằm liệt giường.jo ba tôi mất,sổ đỏ nhà tôi thì bị mất luôn( chú tôi lấy) (nhà tôi bị mất sổ đỏ từ lúc ba tôi bệnh nặng đến khi qua đời).jo tôi đi làm lại sổ.địa chính bảo là toàn bộ nhà đất cả cha tôi,jo chú tôi đứng tên hết.tôi qua gặp chú tôi hỏi thì chú tôi nói k biết và luôn tránh né.gặp địa chính thì cũng vậy,cứ ngâm hồ sơ và tránh né k giải quyết( tôi nghi họ có thông đồng với nhau,vì chú tôi làm công an xã) bây jo tôi phải làm sao để lấy lại nhà đất của cha tôi. Trường hợp trong lúc cha tôi bệnh nặng,chú tôi làm hợp đồng kêu ba tôi chuyển qua cho chú tôi.vậy có đủ năng lực hành vi dân sự hay k. Còn nếu lúc đó cha tôi đủ năng lực hành vi dân sự thì tôi còn cách nào để lấy lại nhà đất của cha tôi hay k. Xin cảm on
Tất cả các thông tin bạn cung cấp thì tôi thấy rằng chỉ mới là suy đoán của bạn, do đó tôi cũng không thể tư vấn chỉ dựa trên các thông tin bạn cung cấp. Trường hợp này bạn cần có căn cứ để chứng minh có dấu hiệu của việc lừa dối khi lập hợp đồng hoặc trong quá trình sang tên sổ đỏ từ cha bạn sang chú bạn. Khi có căn cứ thì bạn mới có thể thực hiện việc khiếu nại hoặc khởi kiến để bảo vệ quyền lợi của mình.