Đây là nội dung nằm trong tiểu mục (a), mục 2.2 của phần (2) Án lệ trong hệ thống pháp luật Anh và Mỹ trong Chương I của đề tài SV NCKH năm 2007: Án lệ và Khả năng áp dụng Án lệ ở Việt Nam.
- Phần trước: So sánh án lệ Anh và Mỹ
2.2 Nguyên tắc áp dụng án lệ trong truyền thống pháp luật Anh – Mỹ
a)Khái quát chung về nguyên tắc áp dụng án lệ
Án lệ cũng như các nguồn luật khác, có cơ chế hình thành riêng. Thông thường để hình thành một án lệ trước hết phải có bản án, không phải toàn bộ bản án đó được coi là án lệ mà chỉ có một phần trong đó và không phải bản án nào cũng trở thành án lệ.
Nguyên tắc áp dụng án lệ là những nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt quá trình sử dụng án lệ vào việc xét xử.
Để hiểu được án lệ thì ngoài khái niệm và đặc điểm của án lệ cũng cần tìm hiểu về các nguyên tắc áp dụng án lệ bởi vì các nguyên tắc này giúp chúng ta biết án lệ được áp dụng trong hoạt động xét xử như thế nào.
Nhìn chung, các quốc gia sử dụng án lệ trên thế giới áp dụng một số nguyên tắc như sau:
– Án lệ phải tồn tại từ lâu và phù hợp với nội dung vụ việc đang xem xét. Án lệ càng tồn tại lâu càng chứng tỏ giá trị của mình, đó là những án lệ có khả năng thích ứng với sự thay đổi của các điều kiện, hoàn cảnh thực tế và đương nhiên là án lệ phải phù hợp với nội dung vụ việc đang xem xét thì mới đạt được hiệu quả trong việc xét xử. Ví dụ như án lệ “Donoghue v Stevenson [1932]” có từ năm 1932 cho đến nay là 75 năm vẫn được áp dụng để xét xử và án lệ này sẽ còn tiếp tục được áp dụng.
- Có thể bạn quan tâm: [Ebook] Tài liệu nghiên cứu Án lệ
-Toà án cấp dưới có nghĩa vụ phải áp dụng án lệ của toà án cấp trên. Nguyên tắc này đặt ra nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa các cấp của toà án và thể hiện sự tôn trọng đối với phán quyết của toà án cấp trên.
-Khi vấn đề cần giải quyết đã có luật thành văn thì luật thành văn có giá trị cao hơn án lệ, tuy nhiên trong trường hợp các quy định trong luật thành văn không rõ ràng thì án lệ được coi là một trong những cơ sở quan trọng để giải thích luật thành văn. Có thể nói, đây là một biện pháp để hạn chế sự tuỳ tiện và lạm quyền của thẩm phán trong quá trình xét xử. Các thẩm phán không chỉ tìm hiểu án lệ khi xét xử mà còn phải biết tình huống đó đã có quy phạm pháp luật thành văn nào điều chỉnh chưa.
-Toà án không áp dụng án lệ chỉ trong trường hợp chỉ ra được tình tiết khác biệt cơ bản giữa án lệ và vụ án đang xét xử. Như đã phân tích thì án lệ được sử dụng để xét xử những vụ việc có tình tiết tương tự trong tương lai nên nếu có một sự khác biệt cơ bản giữa án lệ và vụ án đang xét xử thì đương nhiên toà án sẽ không áp dụng án lệ đó nữa. Tuy nhiên nguyên tắc này phụ thuộc khá nhiều vào ý chí chủ quan của thẩm phán bởi vì khái niệm tình tiết khác biệt cơ bản thì không một quy phạm nào có thể định nghĩa được chính xác. Để coi một tình tiết khác nhau là cơ bản hay không còn phụ thuộc vào khả năng lập luận và thuyết phục của các luật sư tại phiên toà.
-Nhiều khi án lệ được coi có giá trị như luật thành văn, đặc biệt là đối với những vụ án liên quan đến giải thích hiến pháp. Ví dụ như ở Hoa Kỳ không có văn bản pháp luật nào quy định quyền nạo thai của phụ nữ nhưng án lệ của toà án tối cao khẳng định rằng việc cấm nạo thai là vi phạm quyền tự do cá nhân mà hiến pháp quy định, từ đó tất cả mọi người đều thừa nhận việc nạo thai là hợp pháp.
– Việc áp dụng án lệ phải bảo đảm được tính chắc chắn và sự ổn định của một hệ thống pháp luật. Qua quá trình xét xử thì số lượng án lệ ngày càng tăng lên, sẽ có rất nhiều án lệ mà nhiều khi các thẩm phán không thể biết hết được, điều này có thể dẫn đến những sự thiếu chính xác thậm chí mâu thuẫn trong xét xử. Nếu hiện tượng này diễn ra nhiều lần sẽ làm cho hệ thống pháp luật mất đi tính ổn định và chắc chắn. Vì vậy khi áp dụng án lệ đòi hỏi các thẩm phán phải thận trọng và suy xét kỹ lưỡng.
– Án lệ có thể bị phủ nhận bởi cơ quan lập pháp.Cơ quan lập pháp có thể thông qua luật thành văn điều chỉnh mối quan hệ được giải quyết bởi án lệ, tuy nhiên ở những nước toà án có chức năng xem xét tính hợp hiến của luật pháp thì toà án có thể ra phán quyết về việc luật thành văn đó không phù hợp với hiến pháp.(11)
Trên đây là một số nguyên tắc chính, ngoài ra do những đặc thù về vị trí địa lý, kinh tế, chính trị… mà ở mỗi quốc gia lại tồn tại những nguyên tắc áp dụng riêng, phù hợp với hoàn cảnh của mỗi quốc gia và ý chí của giai cấp thống trị. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài này, chúng tôi chỉ xem xét các nguyên tắc áp dụng án lệ đặc thù trong hai hệ thống pháp luật Anh và Mỹ
Chú thích:
(11)Xem: Lưu Tiến Dũng, đd, tr. 21
- Phần tiếp theo: Nguyên tắc áp dụng án lệ tại Anh
> Hãy cung cấp địa chỉ email chính xác
> Vui lòng bình luận / đặt câu hỏi bằng tiếng Việt có dấu
> Cố gắng tìm nội dung bạn cần trên Luật NBS trước khi đặt câu hỏi
* Mọi bình luận bằng tiếng Việt không dấu chúng tôi sẽ không phản hồi