Đây là nội dung nằm trong tiểu mục (b), mục 2.2 của phần (2) Án lệ trong hệ thống pháp luật Anh và Mỹ trong Chương I của đề tài SV NCKH năm 2007: Án lệ và Khả năng áp dụng Án lệ ở Việt Nam.
- Phần trước: Nguyên tắc chung áp dụng án lệ
b)Nguyên tắc áp dụng án lệ tại Anh:
Nguyên tắc quan trọng nhất là nguyên tắc Stare decisis.
Khi nghiên cứu án lệ không thể không tìm hiểu nguyên tắc này. Nguyên tắc Stare decisis có thể được tóm tắt một cách đơn giản như sau: Hai vụ việc với các tình tiết chính tương tự như nhau sẽ được xét xử như nhau. Ban đầu nguyên tắc này không chính thức bắt buộc nhưng dần dần vào khoảng giữa thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 nguyên tắc này chính thức bắt buộc áp dụng. Sở dĩ nguyên tắc này được sử dụng và được coi trọng bởi vì khi các quy định pháp luật thành văn không tồn tại, nguyên tắc này là điều kiện tiên quyết đối với bất cứ hệ thống pháp luật nào muốn duy trì tính có thể dự báo trước ở một mức độ nhất định và sự tôn trọng các quy định của pháp luật.
Nguyên tắc Stare decisis ngày nay vẫn là nguyên tắc xương sống của pháp luật Anh, mặc dù điều đó chưa bao giờ được quy định trong luật nhưng được xây dựng dựa trên hoạt động của các toà án và toà án có thể quyết định sửa đổi nguyên tắc này.
Điều quan trọng trong nguyên tắc này là việc xác định thế nào là “tình tiết chính tương tự nhau”. Điều này phụ thuộc khá nhiều vào việc giải thích án lệ của các thẩm phán. Chẳng hạn trong hai vụ việc, hai nguyên đơn có tên giống nhau thì ai cũng biết đây chắc chắn không phải là hai tình tiết tương tự. Còn với những tình tiết phức tạp hơn thì hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của thẩm phán và một phần chịu sự tác động bởi lập luận của các luật sư tại phiên toà. Ví dụ như trong vụ Donoghue kiện Stevenson, phán quyết của thẩm phán Lord Atkin đã tạo ra một án lệ, giả sử như sau đó có một người khác cũng uống một chai bia gừng nhưng trong chai bia đó lại có một cái đinh thay vì con ốc sên thì liệu có được áp dụng phán quyết của vụ Donoghue kiện Stevenson hay không. Luật sư của nhà sản xuất chắc chắn sẽ cố gắng thuyết phục thẩm phán rằng con ốc sên hoàn toàn khác với cái đinh. Trong tình huống đó sự giải thích của thẩm phán đóng một vai trò rất quan trọng để giải quyết vụ việc.
- Có thể bạn quan tâm: [Ebook] Tài liệu nghiên cứu Án lệ
Ranh giới cơ bản khi giải thích án lệ của Anh là sự khác nhau giữa Ratio decidendi và Obiter dicta. Ratio decidendi và Obiter dicta là hai bộ phận trong phần lập luận của một bản án của toà án. Chỉ có những bản án được coi là có tính bắt buộc mới tạo thành án lệ và có giá trị pháp lý. Trong một bản án thì chỉ có phần lập luận mới được coi là án lệ, còn phần phán quyết không được coi là án lệ vì chỉ liên quan đến từng trường hợp cụ thể. Các bên tham gia phiên toà có thể viện dẫn rất nhiều án lệ. Trong vụ Donoghue kiện Stevenson có 32 án lệ dã được viện dẫn trong phán quyết.
Ratio decidendi là lý do để quyết định, đây là nội dung bắt buộc trong quá trình suy luận dẫn tới quyết định của toà án. Lý do để quyết định của các toà án cấp trên là bắt buộc đối với các toà án cấp dưới trên cơ sở học thuyết tiền lệ của luật án lệ. Ratio decidendi có tính chất bắt buộc vì nó là quy định pháp luật mà toà án dựa vào đó để đưa ra phán quyết cho vụ việc nghĩa là quy định pháp luật cần thiết cho việc đưa ra quyết định. Trong vụ Donoghue kiện Stevenson, Ratio decidendi là đoạn “…bạn phải cẩn thận một cách hợp lý để tránh những hành động hoặc những điều thiếu sót mà bạn có thể dự kiến được là những hành động đó có thể gây tổn hại đến người hàng xóm của bạn. Vậy thì theo luật, ai là người hàng xóm của tôi ? (Who, then, in law, is my neighbour ?). Câu trả lời là : đó là những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi hành động của tôi mà tôi đã đoán biết được nó sẽ ảnh hưởng đến họ khi tôi hành động.”
Obiter dicta là lời nhận xét bình luận của thẩm phán không có giá trị bắt buộc. Obiter dicta chỉ là tuyên cáo không chi phối đối với quyết định và vì thế không có tính bắt buộc đối với các vụ việc trong tương lai. Nguyên nhân khiến Obiter dicta không có tính bắt buộc trước hết là vì nó được đưa ra mà không có sự kiểm nghiệm và xem xét hậu quả thực tế từ phía thẩm phán.
Đôi khi thì việc phân định giữa Ratio decidendi và Obiter dicta thật dễ dàng khi mà thẩm phán chỉ rõ ràng tuyên bố nào của ông ta là “obiter”, chẳng hạn bằng cách nói: “tôi muốn bổ sung rằng đã có thể tuyên bố là bị đơn có tội nếu vụ việc có những diễn biến thế này…“. Mục đích của câu tuyên bố được coi là “obiter“ có thể là vị thẩm phán muốn giải thích và minh hoạ lập luận của ông ta bằng các ví dụ khác nhau hoặc phân biệt các vấn đề nảy sinh trong vụ việc này với các vấn đề tương tự khác. Tuy nhiên trong đa số các trường hợp các thẩm phán không ý thức được mình đã tạo ra Obiter dicta và như vậy việc chỉ ra ranh giới giữa Ratio decidendi và Obiter dicta được tiến hành bởi các thẩm phán của các vụ việc sau đó, các luật sư thực hành, các nhà nghiên cứu luật, các sinh viên luật và các đối tượng khác.
Tuy nhiên Ratio decidendi của phán quyết được đưa ra không phải có giá trị một cách vĩnh cửu. Một số quyết định trước đây một thời được coi là những án lệ quan trọng nhưng khi mà vị thẩm phán chỉ ra sự khác biệt giữa án lệ đó với vụ việc ông ta xem xét, thậm chí chỉ bằng một chi tiết khác biệt cũng làm cho án lệ đó mất giá trị mà không cần có một toà án nào tuyên bố rõ ràng. Đây là một biểu hiện của nguyên tắc “Toà án không áp dụng án lệ chỉ trong trường hợp chỉ ra được sự khác biệt cơ bản giữa án lệ và vụ án đang xét xử”. Hoặc một số bản án chứa đựng những vấn đề đã quá lạc hậu chẳng hạn như những quan điểm về trọng nam khinh nữ sẽ bị huỷ bỏ tư cách án lệ.(12)
Ngoài nguyên tắc Stare decisis là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất trong việc áp dụng án lệ ở Anh, ở Anh còn có một vài nguyên tắc khác như:
– Từ năm 1966, Uỷ ban phúc thẩm thượng nghị viện (Viện nguyên lão, Thượng nghị viện, House of Lords) có quyền không tuân theo các phán quyết trước đây của mình nhưng bản án của họ khi đã là án lệ thì có giá trị bắt buộc với mọi toà án.
– Toà phúc thẩm Anh: Có hai toà chuyên trách, toà phúc thẩm dân sự không chấp nhận việc xem xét lại những phán quyết trước đây để ra những phán quyết mới phủ nhận án lệ, toà phúc thẩm hình sự sẵn sàng không chấp nhận những phán quyết trước đây nếu thấy rằng những phán quyết đó đã giải thích sai hoặc áp dụng không đúng luật pháp
– Toà án tối cao Anh: Thẩm phán Toà án tối cao Anh không chịu ràng buộc bởi những phán quyết trước đây của mình, nhưng trên thực tế họ thường tuân thủ phán quyết trong quá khứ của chính mình.
– Bản án do một thẩm phán duy nhất của Toà án tối cao tuyên sau khi xét xử mang tính bắt buộc với toà án cấp dưới, đồng thời có giá trị tham khảo đối với các toà án khác.
Chú thích:
(12)Xem: Michael Bogdan, Luật so sánh, Hà Nội, 2002
- Phần tiếp theo: Nguyên tắc áp dụng án lệ tại Mỹ
Lam Nguyễn
Chào chị,
Chị có thể giải thích vì sao nguyên tắc Stare decisis này không được áp dụng một cách triệt để ở Anh trước thế kỷ XIX được không ạ?
Em cảm ơn!
Ngoc Blue
Câu hỏi của em có lẽ chị trả lời sẽ không chính xác vì lâu rồi chị không nghiên cứu về lý thuyết, em nên tham khảo giáo trình hoặc các thầy cô sẽ hiệu quả hơn nhé
Lam Nguyễn
Em cảm ơn ạ. Em đã tìm được câu trả lời 🙂
Trang Mai
bạn ơi cho mình hỏi là tại sao ở anh tòa hình sự trung ương hay còn gọi là tòa vương miện nhà vua lại thì phán quyết của họ không là án lệ và không có giá trị bắt buộc
Ngoc Blue
Câu hỏi vừa hay vừa khó 😛 . Mình tìm thấy trong cuốn Luật so sánh của Michael Bogdan, tác giả có giải thích theo quan điểm của ông rằng: Có lẽ các bản án của Tòa hình sự trung ương (Crown Court) không được xem là án lệ bởi vì chúng không được xuất bản một cách có hệ thống.
Ngoài lý do trên thì theo suy nghĩ của mình, do đặc thù thẩm phán của Crown Court họ làm việc trên khắp nước Anh và rất đa dạng bao gồm cả Thẩm phán của Tòa án cấp cao, Thẩm phán quản hạt (Circuit Judges) và thẩm phán không chuyên (Recoders), do vậy nếu như một phán quyết của Crown Court do Circuit Judges hay Recoders xử thì sẽ không thể là án lệ và có giá trị bắt buộc với Tòa án cấp thấp hơn khi mà thẩm phán của họ là thẩm phán chuyên trách về mặt nguyên tắc thì có trình độ cao hơn.
Ngoài ra mình nghĩ sự đa dạng đó cũng một phần là lý do mà các bản án của Crown Court khó có thể được xuất bản một cách có hệ thống.
Với kiến thức và hiểu biết của mình thì chỉ có thể trả lời câu hỏi của bạn như vậy thôi 🙂