Xác nhận tình trạng hôn nhân (TTHN) là một loại giấy tờ rất quan trọng trong cuộc đời mỗi người Việt Nam. Tờ giấy A4 này không chỉ bắt buộc phải có khi bạn đăng ký kết hôn, mà còn là giấy tờ bạn phải có khi đi làm một số thủ tục hành chính quan trọng khác.
Khi thủ tục hành chính online xuất hiện thì việc xác nhận tình trạng hôn nhân đã thuận lợi và dễ dàng hơn khá nhiều cho người dân. Tuy nhiên, thực tế thì không phải ai cũng lấy được tờ xác nhận này một cách thuận lợi.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích và hướng dẫn bạn các giải pháp liên quan đến việc xác nhận tình trạng hôn nhân.
Xác nhận tình trạng hôn nhân là gì?
Đó chỉ đơn giản là một văn bản của UBND cấp xã, phường trong đó xác nhận bạn hiện đang độc thân, đã kết hôn, đã ly hôn hay có tình trạng hôn nhân nào khác
Mục đích của xác nhận TTHN
Xác nhận tình trạng hôn nhân được dùng vào những mục đích khá quan trọng trong cuộc đời bạn, chẳng hạn như:
- Xác nhận bạn hiện đang độc thân để làm thủ tục đăng ký kết hôn
- Xác nhận một tài sản được hình thành trước, trong hay sau thời kỳ hôn nhân, từ đó xác định tài sản đó là tài sản riêng của bạn hay tài sản chung vợ chồng
Đó là 2 mục đích quan trọng và phổ biến nhất của giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Tham khảo thêm:
- Hướng dẫn chi tiết các bước làm thủ tục sang tên sổ đỏ
- Các bước làm thủ tục thừa kế nhà đất đã có sổ đỏ
Các loại xác nhận tình trạng hôn nhân
Ngoài mục đích xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn, có một số loại xác nhận tình trạng hôn nhân thường gặp với mục đích khác như sau:
XN độc thân từ lúc đủ tuổi kết hôn đến một thời điểm nhất định
Bạn cần lấy xác nhận này trong một số trường hợp sau:
Trường hợp 1: Bạn đang độc thân, chưa từng kết hôn và đang muốn mua / bán nhà đất tại Hà Nội.
Như vậy bạn cần lấy xác nhận để được đứng tên một mình trong Hợp đồng mua bán và sang tên sổ đỏ sau khi mua
Một số địa phương khác ngoài Hà Nội vẫn cho phép bên mua đứng tên một mình mà không cần xác nhận tình trạng hôn nhân |
Trường hợp 2: Bạn đang đứng tên 1 mình trên sổ đỏ của nhà đất và đang muốn bán nhà đất đó. Lúc mua nhà đất bạn độc thân và chưa từng kết hôn, lúc bán nhà đất bạn đã có vợ/chồng rồi nhưng không nhập tài sản đó vào tài sản chung.
Như vậy, bạn cần lấy xác nhận để chứng minh nhà đất đó là tài sản riêng của bạn và được một mình ký Hợp đồng bán nhà đất đó
XN từ khi vợ/chồng mất đến nay chưa đăng ký kết hôn với ai
Trường hợp 3: Bạn đã từng kết hôn, nhưng vợ/chồng bạn đã mất, sau đó một thời gian bạn đi mua nhà, đất hoặc làm thủ tục khai nhận thừa kế nhà đất
XN từ khi ly hôn đến nay chưa đăng ký kết hôn với ai
Trường hợp 4: Bạn đã ly hôn, sau khi ly hôn bạn chưa kết hôn với ai khác và đi mua nhà, đất.
Trường hợp 5: Bạn đã ly hôn và thỏa thuận chia nhà đất là của riêng bạn, sau khi chia tài sản thì bạn làm các thủ tục sang tên sổ đỏ đứng tên 1 mình bạn, sau đó bạn chưa kết hôn với ai khác hoặc đã kết hôn nhưng không nhập vào tài sản chung của vợ/chồng mới. Và bạn muốn bán nhà, đất trên sổ đỏ đó.
Xác nhận TTHN của người đã chết
Trường hợp 6: Ông A và Bà B là vợ chồng, cùng đứng tên trên sổ đỏ, hai người đều đã mất, ông A mất trước bà B. Người thừa kế của ông A và bà B làm thủ tục thừa kế nhà đất của 2 ông bà. Khi đó bạn cần xác nhận tình trạng hôn nhân của bà B
Đó là một số loại xác nhận tình trạng hôn nhân thường gặp, thực tế bạn có thể gặp những trường hợp khác đặc biệt và ít phổ biến hơn.
Những nội dung xác nhận chúng tôi nêu trên về câu chữ cụ thể sẽ không chính xác tuyệt đối, tùy từng cơ quan xác nhận sẽ có những thay đổi về câu từ. Tuy nhiên, nội dung cơ bản vẫn là như vậy.
Hình thức thực hiện và hồ sơ cần có
Hiện tại ở Việt Nam có 2 hình thức xác nhận TTHN như sau:
Xác nhận TTHN online
Tại Hà Nội, hầu hết UBND các phường / xã đều đã thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến (online) vì vậy bạn chỉ cần vào trang web Cổng dịch vụ công trực tuyến và làm theo hướng dẫn. Lưu ý chọn Cơ quan giải quyết hồ sơ là: UBND xã, phường nơi bạn đang đăng ký hộ khẩu thường trú
Nhiều UBND phường, xã hiện nay còn từ chối công dân đến làm trực tiếp mà yêu cầu phải đăng ký online mới tiếp nhận hồ sơ
Xác nhận TTHN trực tiếp
Đối với các UBND xã, phường chưa thực hiện theo thủ tục trực tuyến, thì bạn vẫn cần đến trực tiếp bộ phận 1 cửa (hoặc bộ phận tư pháp) của UBND xã, phường nơi bạn đang đăng ký hộ khẩu thường trú để viết tờ khai và nộp hồ sơ theo hướng dẫn.
Nếu không có hộ khẩu thường trú ở bất kỳ đâu, bạn sẽ lấy xác nhận tại nơi bạn đăng ký tạm trú.
Các giấy tờ cần có khi xác nhận TTHN:
- Căn cước công dân / Chứng minh nhân dân / Hộ chiếu (bắt buộc)
- Hộ khẩu / Giấy tờ chứng minh nơi cư trú (bắt buộc trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc)
- Quyết định / Bản án ly hôn (tùy trường hợp)
- Giấy chứng tử (tùy trường hợp)
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng được cấp (tùy trường hợp)
- Giấy đăng ký kết hôn (tùy trường hợp)
- Giấy ủy quyền (tùy trường hợp)
Khó khăn thường gặp khi xác nhận tình trạng hôn nhân
Khó khăn 1: Không lấy được đủ giấy tờ
Trường hợp này thường xảy ra đối với những trường hợp cần có thêm các giấy tờ như Quyết định / Bản án ly hôn, Giấy chứng tử … nhưng lại không còn lưu giữ vì nhiều lý do. Vì vậy, khi làm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân, bạn cần đến tòa án để lấy trích lục bản án / quyết định ly hôn hoặc đến UBND để lấy trích lục khai tử.
Đây là những thủ tục mà nhiều người cảm thấy khó khăn khi đi làm.
- Việc lấy bản sao, trích lục bản án / quyết định của tòa án không khó khăn như bạn nghĩ, bạn chỉ cần mang CMND / CCCD để chứng minh bạn là đương sự trong vụ việc do tòa án xét xử thì tòa án đó sẽ hướng dẫn và cấp bản sao cho bạn.
- Việc lấy trích lục giấy chứng tử hoặc các giấy tờ khác cũng tương tự, bạn chỉ cần đến cơ quan mà trước đây đã cấp bản gốc cho bạn, làm theo hướng dẫn của họ để lấy được giấy tờ.
- Nếu không thể tự đi làm thủ tục, bạn có thể ủy quyền cho người khác đi lấy giấy tờ cho bạn
Khó khăn 2: Cư trú nhiều nơi
Bạn sẽ lấy được xác nhận TTHN một cách rất thuận lợi nếu như từ lúc đủ tuồi đăng ký kết hôn đến thời điểm cần xác nhận, bạn chỉ cư trú và đăng ký hộ khẩu tại 1 phường / xã duy nhất.
Khó khăn chủ yếu gặp phải khi bạn cư trú ở từ 2 xã / phường khác nhau trở lên, hoặc cư trú tại nước ngoài.
Ví dụ: Năm 2010 bạn đủ tuổi kết hôn theo quy định, từ lúc đủ tuổi kết hôn năm 2010 đến 2014, bạn cư trú ở phường A, từ năm 2014 đến năm 2018 bạn cư trú ở phường B, từ năm 2018 đến thời điểm cần xác nhận, bạn cư trú ở nước ngoài. Danh sách này có thể dài hơn và các phường này có thể cùng hoặc khác Quận, cùng hoặc khác Thành phố…
Việc xác nhận tình trạng hôn nhân khi người yêu cầu từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau được quy định tại Khoản 4, 5 Điều 22 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch như sau:
4. Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp xã được yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương.
5. Ngay trong ngày nhận được văn bản trả lời, nếu thấy đủ cơ sở, Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người yêu cầu theo quy định tại Khoản 3 Điều này.
Trích Khoản 4, 5 Điều 22 Nghị định 123/2015/NĐ-CP
Như vậy theo quy định trên, bạn sẽ phải làm các bước sau:
- Tự đi lấy xác nhận TTHN tại các UBND phường, xã nơi mà bạn đã từng cư trú
- Nếu không thể lấy được (tức là không chứng minh được TTHN), thì bạn cần báo cho UBND xã / phường để UBND xã, phường kiểm tra, xác minh hồ sơ của bạn
- Làm cam kết / cam đoan về tình trạng hôn nhân nếu không có kết quả xác minh
Nhiều người sẽ gặp khó khăn khi phải quay về UBND xã, phường nơi mình cư trú trước đây để lấy xác nhận TTHN vì rất nhiều lý do như đi xa, không còn giấy tờ hồ sơ để lấy xác nhận. Chúng tôi cũng cho rằng việc lấy xác nhận TTHN ở những nơi cư trú cũ đúng là khá khó khăn đối với người dân.
Giải pháp đối với trường hợp này có ngay trong quy định nêu trên:
- Bạn cần phải trình bày rõ ràng với cán bộ tư pháp – hộ tịch ở UBND phường, xã bạn đang cư trú về lý do bạn không lấy được xác nhận tình trạng hôn nhân ở những nơi cư trú trước đây, đồng thời đề nghị UBND tiến hành kiểm tra, xác minh cho bạn
- Trường họp UBND xã, phường không thể xác minh, bạn có thể đề nghị được cam đoan về TTHN của bản thân. Việc cam đoan này cũng có thể áp dụng với trường hợp có thời gian cư trú ở nước ngoài.
- Nếu như bạn đang cần xác nhận để làm các thủ tục tại Văn phòng công chứng (VPCC), bạn có thể đề nghị chính VPCC đó xác minh TTHN cho bạn.
- Tham khảo thêm: Lưu ý khi xác nhận tại UBND xã / phường
Việc cư trú nhiều nơi đối với một người dân không phải trường hợp hiếm hoi mà rất bình thường và phổ biến. Đối với những trường hợp cư trú nhiều nơi như vậy, theo quan điểm của chúng tôi không nên bắt người dân tự đi xác nhận khắp nơi, mà nên để cho các cơ quan nhà nước xác nhận thông tin với nhau, bởi vì một số lý do sau:
- Việc xác minh giữa các UBND nói riêng và các CQNN nói chung với nhau sẽ dễ dàng, thuận lợi và nhanh chóng hơn nhiều so với việc người dân đến UBND lấy xác nhận.
- Người dân sẽ không phải đi lại nhiều lần mà không được việc, dễ gây tình trạng bức xúc bởi vì không phải ai cũng đủ kiên nhẫn hiểu hết được những lời giải thích theo quy định của pháp luật
- Dù sao đó cũng thể hiện trách nhiệm của một cơ quan quản lý nhà nước.
Hiện nay, với việc cấp CCCD gắn chíp thì nhà nước đang hoàn thiện hệ thống cổng thông tin điện tử liên thông giữa các cơ quan. Hy vọng trong tương lai gần thì mọi người dân sẽ không cần phải đi nhiều “cửa” để lấy xác nhận TTHN nữa. |
Đó là toàn bộ những nội dung cơ bản về xác nhận tình trạng hôn nhân mà chúng tôi chia sẻ và hướng dẫn cho bạn dựa trên các quy định của pháp luật và thực tế. Nếu có thắc mắc hoặc câu hỏi cần giải đáp, bạn có thể gửi bình luận dưới đây hoặc liên hệ riêng với chúng tôi để được tư vấn.
Bạn cũng có thể đăng ký “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Vân
Em chào luật sư.luật sư cho em hỏi.
Em đã lập gia đình và đã ly thân .em đã bỏ đi ngay 3 năm.nhưng chưa có gởi đơn ly hôn.nây em muốn biết lạp gia đình mới .luật sư cho em hỏi làm sao để biết đc ck cữ của em đã đơn phương ly hôn chưa ạ? Vì em ko liên lạc được .và nhà ck cũ em cũng dọn đi nơi khác.rm ko thể tìm ra
Luật sư Ngọc Blue
Bạn nên liên hệ UBND cấp xã nơi chồng bạn cư trú lần gần nhất mà bạn biết để hỏi thông tin nhé
Anh Minh
Ba mẹ tôi bị mất đky kết hôn bản chính nên lên ub quận xin trích lục sao y thì đc báo và xác nhận của ub quận về mất bộ kết hôn. Khi côg chứg mua bán nhà đất, côg chứng viên yêu cầu phải làm đky lại kết hôn cho ba mẹ thì mới côg chứg mua bán đc. Do ba tôi đã lớn tuổi và thần kinh ko ổn định nên tôi ko thể nào làm đky kết hôn cho ba mẹ lại đc như yêu cầu của côg chứg viên. Vậy, xin cho hỏi: tôi phải làm thế nào để có thể đc thực hiện đủ giấy tờ côg chứg viên yêu cầu? (Tôi đc ub phường tư vấn và có trích lục thêm các tờ khai gđ, hộ khẩu các thời kì trước nhằm cm ba mẹ tôi thực sự là có đky kết hôn…). Rất mog đc chỉ dẫn cách để tôi hoàn thiện thủ tục. Xin chào và cảm tạ…
Ngoc Blue
Thực ra tùy văn phòng công chứng chấp nhận giấy tờ nào của bạn. Thực tế có vpcc đồng ý hộ khẩu thay đkkh, có vp đồng ý xác nhận vợ chồng, cũng có vpcc yêu cầu phải có đúng trích lục hoặc giấy kết hôn mới được, không có nguyên tắc áp dụng chung. Vậy nên nếu bạn dự định làm ở vpcc nào thì bạn đề nghị công chứng viên đó hướng dẫn giấy tờ thay thế đăng ký kết hôn. Còn nếu họ vẫn yêu cầu phải có thì bạn có thể đi hỏi vpcc khác.
Tôi hướng dẫn bạn 1 cách phổ biến và dễ được đa số vpcc chấp nhận đó là bạn làm Đơn xác nhận ba mẹ bạn là vợ chồng và nhờ UBND phường xác nhận, căn cứ vào các giấy tờ mà ub phường đã tư vấn. Bạn lưu ý là việc chấp nhận đơn này hay không vẫn phụ thuộc vào công chứng viên nhé.
Ngoc Blue
Thực tế có phương họ vẫn có thể xác nhận tình trạng hôn nhân của mẹ bạn là đã đăng ký kết hôn hoặc có chồng là ông A. Đấy là 1 cách linh hoạt để tạo điều kiện cho người dân nên tùy thuộc vào UBND phường bạn nhé.
Ngoài ra Luật hôn nhân và gia đình chỉ không cho đăng ký kết hôn với người mất năng lực hành vi, còn theo thông tin bạn cung cấp thì tôi thấy rằng ba bạn không thuộc trường hợp này nên vẫn có thể đăng ký kết hôn nhé.
Nếu có câu hỏi nào thêm, bạn vui lòng gửi vào mục bình luận ở dưới bài viết, bạn gửi trả lời mail báo tự động thì sẽ không nhận được phản hồi nữa nhé. Cảm ơn bạn.
Minh
Cảm ơn chia sẻ hữu ích của tác giả