Khi nói đến thủ tục hành chính tại Việt Nam, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến cơ chế xin cho, sau đó là tâm lý e ngại và khó chịu, thậm chí chán nản khi phải làm các thủ tục hành chính.
Nhưng bất cứ công dân nào rồi cũng sẽ phải trải qua ít nhất vài lần làm các thủ tục hành chính. Vì vậy, nếu bạn cứ giữ mãi suy nghĩ về cơ chế xin cho thì bạn sẽ không thể nào thoải mái khi đi làm thủ tục hành chính được
Bài viết hôm nay, Luật NBS muốn thuyết phục bạn hãy bỏ suy nghĩ về cơ chế xin cho, thay vào đó là thực hiện quyền yêu cầu và đề nghị.
Đây không phải bài viết để tư vấn các biện pháp pháp lý hay cách làm thủ tục hành chính. Bài viết này chỉ là những chia sẻ của chúng tôi với hy vọng giúp bạn có được sự thoải mái hơn khi đi làm các thủ tục hành chính
Cơ chế xin cho tại Việt Nam
Chắc hẳn bạn đã từng ít nhất 1 lần nghe về cơ chế xin cho, đó có thể coi là một trong những tàn dư của thời bao cấp mà nhà nước và chính phủ Việt Nam đang cố gắng từng ngày để có thể xóa bỏ. Cơ chế xin cho mà như vậy mang tầm vĩ mô, còn cơ chế xin cho mà tôi đề cập trong bài viết này chỉ gói gọn trong vấn đề về thủ tục hành chính.
Khi bạn chuẩn bị đi làm một thủ tục hành chính nào đó, chẳng hạn như thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), hoặc đi lấy một loại xác nhận nào đó, chẳng hạn như xác nhận tình trạng hôn nhân… thì tôi đảm bảo rằng hầu hết đều sẽ nghĩ/nói là đi “xin” những giấy tờ đó. Bản thân chúng tôi khi tư vấn pháp luật cũng vậy, thường xuyên dùng từ “xin” để tư vấn cho khách hàng làm thủ tục hành chính, đó đã thành một thói quen mà ngay cả luật sư cũng coi là bình thường
Nói vậy để thấy rằng việc “xin” giấy tờ, xin xác nhận đã ăn sâu vào suy nghĩ của mỗi người Việt Nam chúng ta, đến nỗi nó như là một điều đương nhiên, một phản xạ có điều kiện khi bạn chuẩn bị đi làm một thủ tục hành chính nào đó.
Từ những giấy tờ đơn giản nhất như sơ yếu lý lịch cho đến những giấy tờ phức tạp hơn như giấy phép xây dựng, sổ đỏ, bạn cũng nghĩ rằng, mình sẽ phải đi xin giấy tờ
Và từ suy nghĩ “xin” một cách hiển nhiên như vậy, bạn sẽ đi làm các thủ tục hành chính đúng với tâm thế của một người đi “xin”, còn cơ quan nhà nước thì có thể cũng đáp lại bạn đúng với tư cách của một người “cho”.
Và mọi chuyện cứ thế diễn ra một cách đều đặn và thường xuyên như vậy, ai cũng cho rằng đó là chuyện bình thường hiển nhiên. Thỉnh thoảng lại thấy người “xin” kêu ca về người “cho” gây khó khăn, hạch sách để không “cho” người “xin”, và cũng thỉnh thoảng lại thấy thông tin một vài người “cho” bị kỷ luật, cách chức vì không chịu “cho” người xin.
Bạn thấy đấy, dường như với suy nghĩ “xin cho” thì cả người xin và người cho đều khá mệt mỏi và vất vả.
- Tham khảo thêm: Hãy chú ý bảng thông báo niêm yết ở UBND
Tôi không nhớ rõ từ “xin” có được dùng trong một văn bản pháp luật nào từ trước đến nay của Việt Nam không, mà cũng không cần quan tâm để nhớ làm gì. Tôi chỉ muốn nói với bạn rằng, bạn hãy nhanh chóng bỏ từ “xin” ra khỏi suy nghĩ của bạn mỗi khi bạn chuẩn bị đi làm các thủ tục hành chính, vì những lý do mà tôi sẽ phân tích dưới đây
Hãy bỏ suy nghĩ đi “xin” giấy tờ
1. Có thể bạn vẫn nghĩ rằng đi “xin” các giấy tờ và xác nhận là nghĩa vụ của bạn, đúng, đó là nghĩa vụ của bạn với cơ quan, tổ chức yêu cầu bạn đi “xin” các giấy tờ và xác nhận đó. Nhưng đó đồng thời là quyền của bạn đối với cơ quan, tổ chức mà bạn đến “xin”.
Bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu và đề nghị được cấp những loại giấy tờ hay xác nhận khi bạn đáp ứng đúng và đủ theo các quy định của pháp luật. Khi đó, cơ quan có thẩm quyền không có lý do gì để từ chối bạn và việc cấp giấy tờ cho bạn chính là nghĩa vụ của họ đối với bạn – một công dân của Việt Nam, mà hoàn toàn không phải đó là sự “ban ơn” như cách hiểu của từ “cho”. Thậm chí, có trường hợp họ còn phải mời bạn đến nhận giấy tờ nữa.
Quy định của pháp luật không hề gây khó khăn cho bạn, nếu bạn gặp khó khăn khi đã áp dụng đúng quy định, thì khó khăn đó chỉ có thể là do người thực hiện gây ra thôi.
2. Bạn nộp thuế để nuôi những người “cho” bạn, vậy mà bạn lại phải xin họ cái mà bạn có quyền được nhận khi bạn yêu cầu. Điều này thực sự là bất hợp lý.
3. Nhà nước Việt Nam và các phương tiện truyền thông vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động về hành vi, cách cư xử của cán bộ, công chức và còn ban hành cả bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện và phát triển cổng dịch vụ hành chính công, giúp người dân có thể làm thủ tục online, giảm tối đa việc đến trụ sở các cơ quan hành chính. Điều đó chứng tỏ rằng nhà nước cũng đang cố gắng để bỏ cơ chế xin cho đối với những thủ tục hành chính, hướng đến một bộ máy chính quyền phục vụ nhân dân chứ không phải là “ban ơn” cho nhân dân.
Nhưng nếu như nhà nước thì đang tìm mọi cách để cố gắng bỏ cơ chế xin cho, mà người dân lại vẫn mặc định suy nghĩ đi “xin”, thì việc cố gắng của nhà nước cũng chỉ mang lại kết quả về hình thức.
Do đó, bạn đừng chỉ đợi các giải pháp của nhà nước, đừng mong đợi sự thay đổi nhanh chóng từ phía cán bộ, công chức, bạn cũng không cần quan tâm họ có nghĩ là đang “cho” bạn hay không. Chỉ cần bạn bỏ được suy nghĩ “xin” đi thôi, thì bạn sẽ thấy việc làm các thủ tục hành chính không còn là vấn đề gì khó khăn đối với bạn nữa. Và như vậy là bạn đã góp phần giúp cho Nhà nước đỡ vất vả hơn trong việc tìm ra cách bỏ cơ chế xin cho rồi đấy.
Một vài giải pháp cho bạn
Khi đi lấy các giấy tờ hay xác nhận hay làm bất kỳ thủ tục hành chính nào tại các cơ quan nhà nước, điều đầu tiên bạn cần xác định là bạn có đủ hồ sơ và điều kiện theo quy định chưa. Vấn đề này rất rộng, chúng tôi sẽ không đề cập đến trong bài viết này. Tuy nhiên Luật NBS cũng đã có một số các bài viết liên quan như:
- Lưu ý khi xác nhận tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn)
- Xác nhận tình trạng hôn nhân – Khó hay dễ?
- Giải đáp thắc mắc thường gặp khi làm thủ tục công chứng
Nếu như bạn đã có đủ điều kiện và hồ sơ theo quy định khi làm thủ tục hành chính, mà cơ quan có thẩm quyền lại từ chối hoặc không cấp giấy tờ cho bạn mà không đưa ra được lý do theo quy định, khi đó bạn có thể lựa chọn các giải pháp sau:
Phương án 1. Yêu cầu trả lời bằng văn bản
Thông thường khi bạn yêu cầu cấp hoặc xác nhận giấy tờ nào đó, nếu như bị từ chối thì bộ phận 1 cửa sẽ trả lời bạn ngay lúc đó. Có thể có rất nhiều lý do để bạn bị từ chối, chẳng hạn như thiếu giấy tờ, không đủ điều kiện theo quy định, không đúng thẩm quyền ..v..v.. Với những lý do như vậy và cán bộ 1 cửa đã giải thích rõ ràng với bạn thì tất nhiên là bạn nên về và bổ sung hoặc khắc phục mà không cần trả lời bằng văn bản làm gì cho rắc rối.
Tuy nhiên có những trường hợp mà bạn có thể thấy việc từ chối của cán bộ 1 cửa là không rõ ràng hoặc không có căn cứ, mà giấy tờ hay xác nhận đó rất quan trọng với bạn, lúc đó bạn có thể đề nghị được trả lời bằng văn bản về căn cứ và lý do từ chối. Khi đó bộ phận 1 cửa sẽ có trách nhiệm chuyển yêu cầu của bạn đến các phòng chuyên môn có chức năng giải quyết để ra văn bản trả lời cho bạn. Căn cứ vào văn bản đó, bạn có thể biết được việc từ chối của họ là đúng hay chưa để làm các việc tiếp theo.
Phương án 2. Khiếu nại việc bị từ chối cấp giấy tờ hoặc xác nhận:
Trường hợp bạn đã yêu cầu trả lời bằng văn bản mà không được đáp ứng hoặc văn bản trả lời không có hoặc không đúng căn cứ theo quy định, thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại và thủ tục khiếu nại về hành vi hành chính / quyết định hành chính không cấp giấy tờ cho bạn.
Phương án khiếu nại đương nhiên là khá mất thời gian và phức tạp hơn nhiều so với phương án 1. Vì vậy đây là phương án mà chúng tôi cho rằng “cực chẳng đã” mới phải sử dụng thôi.
Đó là 2 giải pháp cơ bản và cũng khá hiệu quả theo quy định, còn nếu bạn có thể tìm được giải pháp nào đơn giản, hiệu quả lại đỡ mất thời gian hơn, và quan trọng là đúng quy định, thì đừng ngần ngại mà áp dụng nhé.
Bạn chỉ nên áp dụng các phương án nêu trên nếu bạn đã có đủ căn cứ theo quy định. Không phải lúc nào cơ quan nhà nước từ chối cấp giấy tờ cho bạn cũng là họ đang gây khó khăn đâu, có thể là họ có căn cứ quy định đấy. Vậy nên, bạn hãy lắng nghe giải thích của công chức làm thủ tục và hỏi một cách kỹ càng thông tin trước khi quyết định làm bất cứ phương án nào. |
Cuối cùng chúng tôi xin nhắc lại với bạn rằng: Hãy Nhanh chóng bỏ suy nghĩ “xin” khi đi làm các thủ tục hành chính. Bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu và đề nghị. Chúng tôi cũng đang dần bỏ thói quen dùng từ “xin” khi tư vấn cho các khách hàng làm thủ tục hành chính.
Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với Luật NBS để được tư vấn và giải đáp.
Nếu bạn yêu thích đọc sách, bạn có thể chia sẻ, bình luận những cuốn Sách Hay với chúng tôi tại ĐÂY
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Phan Phương
Tôi là một cán bộ cấp xã, tôi thống nhất cao ý kiến của bạn, công dân có quyền đề nghị và yêu cầu cơ quan nhà nước giải quyết cho mình những việc mà pháp luật quy định. Bản thân tôi từ khi công tác cũng chưa bao giờ sử dụng từ “xin-cho” trong các văn bản cá nhân và trong các văn bản của cơ quan mà mình ký.
Ngoc Blue
Cảm ơn bạn nhiều, người dân rất cần những cán bộ như bạn 🙂
Nguyễn Thị Hường
Cảm ơn tác giả về bài viết này !