Không phải cứ gặp bất cứ vấn đề nào liên quan đến pháp lý, bạn cũng cần nhờ đến luật sư và các chuyên gia tư vấn luật. Có những vấn đề mà bạn chỉ cần tìm văn bản pháp luật quy định và đọc nội dung là có thể tự giải quyết được nhanh chóng và dễ dàng
Luật NBS đã chia sẻ với bạn Kinh nghiệm tra cứu văn bản pháp luật. Bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn 6 điều cần lưu ý khi đọc văn bản pháp luật, để có thể hiểu và áp dụng một cách chính xác hơn
Trước khi tìm đọc điều luật có nội dung bạn đang quan tâm trong 1 văn bản pháp luật, thì bạn cần lưu ý những nội dung sau:
Lưu ý 1: Hiệu lực áp dụng
Khi bạn tìm được văn bản có nội dung mình cần, thì trước tiên bạn cần xác định: Văn bản đó có hiệu lực để áp dụng cho trường hợp của bạn không. Vấn đề hiệu lực để áp dụng sẽ có 2 trường hợp:
- Trường hợp 1: Văn bản đó bắt đầu có hiệu lực từ thời điểm nào?
Mục đích của việc này là để biết văn bản đó có còn áp dụng được vào vụ việc của bạn hay không. Nếu bạn sử dụng một văn bản đã hết hiệu lực để áp dụng vào vụ việc hiện tại, thì có thể bạn sẽ không đạt được kết quả chính xác.
Để biết hiệu lực của một văn bản thì rất đơn giản, vì nó nằm ngay trong nội dung văn bản, thường sẽ là một trong những Điều cuối cùng của Văn bản đó
Ví dụ 1: Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có 517 Điều thì Hiệu lực được quy định tại Điều 517
1. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, trừ các quy định sau đây của Bộ luật này có liên quan đến quy định của Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017: … (Đoạn trích dẫn chưa đầy đủ Điều luật)
Ví dụ 2: Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động có 115 Điều, thì Hiệu lực được quy định tại Điều 114
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2021. 2. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các Nghị định sau đây hết hiệu lực thi hành: … (Đoạn trích dẫn chưa đầy đủ Điều luật)
Như vậy, Điều khoản hiệu lực không chỉ cho bạn biết thông tin về ngày bắt đầu có hiệu lực để áp dụng, mà còn nhiều nội dung có ích khác như văn bản nào bị thay thế, hết hiệu lực, trường hợp đặc biệt của việc áp dụng hiệu lực ..v..v..
Ngày tháng năm bạn thấy ở phía bên phải trên đầu văn bản chỉ là ngày ban hành văn bản, không phải là ngày văn bản bắt đầu có hiệu lực. |
- Trường hợp 2: Văn bản đó có hiệu lực để áp dụng không?
Có những vụ việc tại thời điểm bạn tra cứu thì văn bản đã hết hiệu lực nhưng lại vẫn được dùng để áp dụng cho vụ việc của bạn. Vấn đề này liên quan đến thời điểm xảy ra vụ việc.
Việc xác định hiệu lực trong trường hợp này nhiều khi không đơn giản ngay đối với luật sư, thậm chí là thẩm phán. Vậy nên, chúng tôi chỉ có thể giải thích cơ bản cho bạn như thế này:
Ví dụ 3: Bạn có một vụ việc thừa kế, cần áp dụng Bộ luật dân sự nhưng vụ việc này xảy ra từ năm 2013. Thời điểm bạn tra cứu văn bản là năm 2022. Như vậy:
Bộ luật dân sự đang có hiệu lực tại thời điểm bạn tra cứu (2022) là Bộ luật dân sự 2015 (có hiệu lực từ 01/01/2017). Tuy nhiên có thể bạn sẽ phải áp dụng cả Bộ luật dân sự 2005 (có hiệu lực từ 01/01/2006 đến 31/12/2016)
Để biết một văn bản còn hiệu lực hay không, thì các trang tra cứu văn bản thường yêu cầu bạn phải trả phí dịch vụ. Tuy nhiên hiện tại có một trang tra cứu văn bản miễn phí hoàn toàn, đó là vanbanphapluat.co Bạn có thể tra cứu và xem hiệu lực văn bản tại đây mà không cần phải đăng ký tài khoản hay trả bất kỳ loại phí dịch vụ nào.
Lưu ý 2: Phạm vi diều chỉnh
Nội dung điều khoản về Phạm vi điều chỉnh sẽ giúp bạn biết được văn bản có áp dụng cho trường hợp của bạn không. Điều khoản này thường nằm ở những điều đầu tiên của một văn bản pháp luật
Ví dụ 4: Luật nhà ở 2014 có Phạm vi điều chỉnh quy định ngay tại Điều 1 như sau:
Luật này quy định về sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; giao dịch về nhà ở; quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam. Đối với giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản thì thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Ví dụ 5: Nghị định 99/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở
1. Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều, khoản về sở hữu nhà ở, phát triển nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam quy định tại Luật Nhà ở số65/2014/QH13(sau đây gọi là Luật Nhà ở). 2. Việc quy định chi tiết một số điều, khoản về phát triển nhà ở xã hội; quản lý, sử dụng nhà ở xã hội không thuộc sở hữu nhà nước; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở; giao dịch mua bán, thuê, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản; thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nhà ở được thực hiện theo các Nghị định khác của Chính phủ.
Như vậy, bạn nên đọc Điều khoản về Phạm vi điều chỉnh của mỗi văn bản pháp luật để tránh áp dụng nhầm và mất thời gian đọc văn bản.
Lưu ý 3: Đối tượng áp dụng
Điều khoản đối tượng áp dụng của mỗi văn bản pháp luật thường quy định về chủ thể. Đây cũng là một điều khoản quan trọng giúp bạn biết được mình có phải đối tượng áp dụng theo văn bản hay không.
Ví dụ 6: Tại Điều 2, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định như sau:
Ngoài tên gọi “Đối tượng áp dụng”, bạn có thể thấy một số văn bản có Điều khoản về: “Những trường hợp không áp dụng”, đó cũng là một điều khoản tương tự mà bạn cần phải lưu ý.
Lưu ý 4: Điều khoản chuyển tiếp
Không phải văn bản nào cũng có Điều khoản chuyển tiếp, nhưng khi đã có thì đó lại là một nội dung rất quan trọng của việc áp dụng. Một văn bản có Điều khoản chuyển tiếp thì bạn đọc Điều khoản về hiệu lực thôi là chưa đủ, mà buộc phải đọc thêm cả điều khoản chuyển tiếp nữa mới áp dụng chính xác được. Điều khoản này thường ở ngay trước hoặc ngay sau Điều khoản về hiệu lực.
Ví dụ 7: Điều khoản chuyển tiếp của Luật nhà ở 2014 (ở vị trí ngay sau Điều khoản hiệu lực)
1. Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thì không phải thực hiện phê duyệt lại theo quy định của Luật này, trừ trường hợp thuộc diện phải điều chỉnh lại nội dung của dự án do Nhà nước điều chỉnh lại quy hoạch đã phê duyệt hoặc trường hợp phải dành diện tích đất trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội hoặc phải dành diện tích nhà ở xã hội để cho thuê theo quy định của Luật này. Đối với dự án phát triển nhà ở xã hội không có trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương nhưng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thì được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật này. … (Đoạn trích dẫn chưa đầy đủ Điều luật)
Ví dụ 8: Điều khoản chuyển tiếp của Luật kinh doanh bất động sản 2014 (ở vị trí ngay trước Điều khoản hiệu lực)
1. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang hoạt động mà chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì phải bổ sung đủ các điều kiện trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. 2. Các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư, đã được giao đất, cho thuê đất, đã có văn bản cho phép chuyển nhượng dự án hoặc đã ký hợp đồng chuyển nhượng, bán, cho thuê, cho thuê mua trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì không phải làm lại thủ tục theo quy định của Luật này … (Đoạn trích dẫn chưa đầy đủ Điều luật)
Khi bạn tra cứu Điều luật theo mục lục, nếu bạn muốn nhớ đó là điều bao nhiêu, bạn có thể tra cứu và tìm theo số điều, mà không tìm theo số trang trong mục lục. |
Lưu ý 5: Nội dung liên quan đến Văn bản dẫn chiếu
Lưu ý này áp dụng khi bạn đọc nội dung điều luật, có những trường hợp nội dung điều luật của văn bản này dẫn chiếu đến một văn bản khác. Với những trường hợp như vậy, bạn nên đọc kỹ hơn để hiểu được văn bản dẫn chiếu là văn bản nào
Ví dụ 9: Điều 37 Luật kinh doanh bất động sản quy định:
1. Việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này. 2. Việc chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất phải tuân thủ các quy định của pháp luật đất đai về mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất và đăng ký đất đai.
Như vậy với ví dụ 9, bạn có thể sẽ phải đọc thêm Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai.
Nếu bạn thấy khó khăn vì văn bản quá dài, bạn hãy sử dụng tổ hợp phím tắt “Ctrl + F” của Microsoft Word & trình duyệt web hoặc chức năng “Tìm kiếm” của trình duyệt trên điện thoại để tra cứu nội dung mình cần theo từ khóa.
Lưu ý 6: Điều khoản giải thích từ ngữ
Không phải văn bản luật nào cũng có điều khoản giải thích từ ngữ. Nếu có thì Điều khoản giải thích từ ngữ thường ở vị trí của những điều đầu tiên.
Khi bạn đọc nội dung văn bản mà có một từ hay cụm từ nào đó mà bạn thấy chưa rõ, bạn có thể thử tìm ở Điều khoản Giải thích từ ngữ trong văn bản,
Ví dụ 10:Điều 3 Bộ luật Lao động 2012 quy định:
Trong Bộ luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. 2. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; nếu là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. …. (Đoạn trích dẫn chưa đầy đủ Điều luật)
Đó là 6 điều cần lưu ý theo kinh nghiệm của chúng tôi khi bạn muốn tự nghiên cứu, đọc hiểu và áp dụng văn bản pháp luật. Tất nhiên đó là 6 điều rất cơ bản, nhưng cũng có thể giúp bạn bước đầu tiếp cận văn bản pháp luật một cách dễ dàng hơn.
Nếu như bạn đã áp dụng 6 lưu ý trên nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề, lúc đó bạn hãy hỏi tư vấn từ luật sư và các chuyên gia về pháp luật.
Nếu có thắc mắc hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này hoặc liên hệ riêng với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp
Nếu bạn yêu thích đọc sách, bạn có thể chia sẻ, bình luận những cuốn Sách Hay với chúng tôi tại ĐÂY
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Thông tư 03/2022/TT-BYT
hướng dẫn thực hiện khoản 1 điều 8 thông tư này giúp mình
Bạn vui lòng nêu cụ thể những vấn đề còn thắc mắc liên quan đến điều luật, tôi sẽ giải đáp trong phạm vi khả năng cho phép. Việc hướng dẫn thực hiện 1 điều luật thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước bạn nhé.
xin giải thích thêm điều này:
Điều 55. Điều khoản chuyển tiếp
Nhà giáo dạy thực hành hoặc dạy tích hợp trình độ trung cấp, cao đẳng mà chưa đáp ứng chuẩn về kỹ năng nghề quy định tại Thông tư này, phải hoàn thiện để đáp ứng quy định của Thông tư này trước ngày 31 tháng 12 năm 2019.
Tôi thấy quy định này khá rõ ràng, không biết bạn muốn giải thích thêm điều gì? Có lẽ bạn nên đọc quy định này kết hợp với cả nội dung trong Thông tư thì sẽ dễ hiểu hơn, bởi không có điều luật nào có thể đặt riêng biệt được.
bồi thường chi phí đào tạo có khác hoàn trả chi phí đào tạo không
Khác nhau cách dùng từ trong luật thôi. VD: hoàn trả chi phí đào tạo trong một số trường hợp có thể hiểu là chi phí đào tạo bao nhiêu thì trả từng đó, còn bồi thường chi phí đào tạo thì có thể hiểu là số tiền phải trả tính theo công thức, thường áp dụng trong trường hợp đi đào tạo có cam kết thời gian làm việc. Ngoài ra, còn một số cách dùng từ khác như: bồi hoàn, đền bù… Trên thực tế thì cách hiểu là như nhau.
Bạn có thể tham khảo thêm 2 bài viết này:
– Khi nào bạn phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo
– Khi nào bạn phải bồi thường, hoàn trả chi phí đào tạo