Bạn được doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị..v..v..cho đi đào tạo Trước khi đi đào tạo, chắc chắn bạn sẽ được đề nghị ký một Văn bản cam kết hay thỏa thuận là sẽ làm việc cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị một số năm sau khi được đào tạo xong. Và phần lớn là ai cũng đồng ý. Nhưng, sau khi đi đào tạo về, vì một lý do nào đó, bạn không muốn làm việc cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đó nữa. Vậy câu hỏi đặt ra là, bạn có phải hoàn trả chi phí đào tạo hay không?
Một trong những câu hỏi tư vấn mà tôi nhận được khá nhiều, đó là việc bồi thường chi phí đào tạo khi thôi việc. Trước đây, tôi đã có loạt bài viết về các vấn đề nghỉ việc, cho thôi việc và sa thải, trong đó có nhắc đến các nội dung liên quan đến chi phí đào tạo.
- Xin nghỉ việc nhưng chưa được chấp nhận – Bạn nên làm gì?
- Khi nào công ty được quyền cho bạn nghỉ việc / thôi việc
- Nên làm gì khi sa thải hoặc bị sa thải
Tất cả những nội dung và tư vấn đó đều áp dụng được cho người lao động nói chung, theo quy định của Bộ luật Lao động. Tuy nhiên trong số những người quan tâm và yêu cầu tôi tư vấn về chi phí đào tạo chiếm một tỷ lệ lớn là viên chức và công chức. Với những đối tượng người lao động đặc thù này, lại có những văn bản chuyên ngành để điều chỉnh, và khi giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động với những đối tượng này, cần phải áp dụng các văn bản chuyên ngành để điều chỉnh.
Vì vậy bài viết hôm nay, ngoài đối tượng là người lao động, tôi sẽ đề cập riêng về nội dung bồi thường chi phí đào tạo đối với viên chức và công chức.
- Còn nếu bạn là người đi học theo học bổng nhà nước thì bạn có thể tham khảo bài viết: Khi nào bạn phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo
Trước tiên, vấn đề bồi thường chi phí đào tạo được đặt ra chỉ khi có…chi phí đào tạo, đào tạo ở đây, tuy luật không quy định chi tiết nhưng thực tế ai cũng hiểu đó là việc đào tạo dài hạn, không phải kiểu đi tập huấn 1,2 ngày hay 1 tuần, 1 tháng. Có thể đào tạo trong nước hay đi nước ngoài, công ty cho bạn đi học, cung cấp hoặc hỗ trợ về tài chính, trong thời gian đó bạn có thể phải nghỉ làm hoặc làm việc với thời gian ít hơn so với bình thường.
Vậy nên tình huống đặt ra là: Bạn được doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị..v..v..cho đi đào tạo Trước khi đi đào tạo, chắc chắn bạn sẽ được đề nghị ký một Văn bản cam kết hay thỏa thuận là sẽ làm việc cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị một số năm sau khi được đào tạo xong. Và phần lớn là ai cũng đồng ý. Nhưng, sau khi đi đào tạo về, vì một lý do nào đó, bạn không muốn làm việc cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đó nữa. Vậy câu hỏi đặt ra là, bạn có phải hoàn trả chi phí đào tạo hay không?
Để trả lời câu hỏi này, tôi sẽ chia thành 3 đối tượng:
1. Người lao động
Trong trường hợp này tôi muốn đề cập Đó là những người người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động và không phải cán bộ, công chức, viên chức
Những người lao động này được điều chình bởi Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Theo quy định của Bộ luật lao động thì Người lao động phải hoàn trả chi phí đào tạo trong trường hợp: Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật.
Để biết thế nào là Người lao động Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật, mời bạn tham khảo bài viết: Xin nghỉ việc nhưng chưa được chấp nhận – Bạn nên làm gì?
Chi phí đào tạo mà người lao động phải hoàn trả bao gồm:
– Các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành,
– Các chi phí khác hỗ trợ cho người học
– Tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học.
– Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm thêm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.
Quy định cũng tương đối đơn giản và rõ ràng đối với người lao động, nhưng đối với người sử dụng lao động, thì có một tình huống đặt ra, đó là: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, khi muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ, chỉ cần báo trước cho người sử dụng lao động 45 ngày (không cần lý do) là đã chấm dứt HĐLĐ một cách hợp pháp
Vậy nếu như người lao động đó được cử đi đào tạo, sau khi trở về một thời gian ngắn, chưa làm hết số thời gian cam kết cho công ty, doanh nghiệp nhưng chỉ cần báo trước cho người sử dụng lao động 45 ngày là sau đó có thể đương nhiên được nghỉ việc mà không cần phải hoàn trả chi phí đào tạo.
Đây có lẽ vẫn còn là vấn đề bất cập trong Bộ luật lao động Việt Nam từ trước đến nay, và làm đau đầu những chủ công ty, doanh nghiệp khi không may gặp phải trường hợp này. Nhưng mà Luật quy định rõ ràng vậy rồi, biết làm sao 😐 . Nếu như để tư vấn một giải pháp cho người sử dụng lao động, thì tôi cho rằng, khi ký HĐLĐ mới, lần đầu thì nên ký HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng và nếu có ý định thì nên đưa người lao động đi đào tạo trong thời hạn HĐLĐ đó còn hiệu lực.
Đối với người lao động, thì đơn giản là bạn chỉ cần đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng quy định là được. Mặc dù vậy tôi cũng không khẳng định chắc chắn 100% rằng trên thực tế khi có tranh chấp xảy ra thì Tòa án sẽ không bắt người lao động phải bồi thường, hoàn trả chi phí đào tạo. Bởi vì khi ra Tòa còn phải đánh giá rất nhiều yếu tố khác và tôi đã biết một số trường hợp tương tự trên thực tế, Tòa án vẫn phán quyết người lao động phải hoàn trả chi phí đào tạo.
2. Viên chức:
“Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”
Ví dụ Viên chức: Giáo viên, giảng viên các trường công lập, bác sỹ các bệnh viện công
Viên chức là một người lao động đặc thù, và việc được cử đi đào tạo là một việc thường xuyên, vì vậy viên chức có những quy định riêng để điều chỉnh liên quan đến chi phí đào tạo
Việc đền bù chi phí đào tạo đối viên chức được quy định tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 và Thông tư 15/2012/TT-BNV ngay 25/12/2012
Theo đó, Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp nếu có.
TT | Các trường hợp phải đền bù chi phí đào tạo | Số tiền phải đền bù |
1. |
Trong thời gian được cử đi đào tạo, viên chức tự ý bỏ học hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc |
Đền bù 100% chi phí đào tạo |
2. |
Viên chức hoàn thành khóa học nhưng không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp, chứng nhận kết quả học tập |
Đền bù 50% chi phí của khóa học |
3. |
Viên chức đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học từ trình độ trung cấp trở lên nhưng chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết quy định, đó là có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hải quan nghề nghiệp tại đơn vị sự nghiệp công lập sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo.
|
Tính theo công thức sau: S = (F / T1) x (T1 – T2) Trong đó: – S là chi phí đền bù; – F là tổng chi phí của khóa học; – T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn; – T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn. |
VD |
Bạn là viên chức, được cử đi đào tạo với thời gian 2 năm, tổng chi phí của khóa học là 100 triệu, bạn phải ký cam kết làm việc cho đơn vị 4 năm sau khi được cấp bằng tốt nghiệp khóa đào tạo. Khi làm được 1 năm, bạn nghỉ việc không có lý do theo quy định |
Chi phí đền bù là:
S = (100 triệu / 48) x (48-12) = 75 triệu |
Tuy nhiên, viên chức sẽ không phải đền bù chi phí đào tạo trong các trường hợp sau:
– Viên chức không hoàn thành khóa học do ốm đau phải điều trị, có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
– Viên chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết phải thuyên chuyển công tác được cơ quan có thẩm quyền đồng ý;
– Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với viên chức khi đơn vị buộc phải thu hẹp quy mô, không còn vị trí việc làm hoặc chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Nếu phải đền bù thì viên chức cần lưu ý quy định sau:
– Chậm nhất trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định về việc đền bù chi phí đào tạo của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải đền bù cho đơn vị sự nghiệp công lập.
– Trường hợp viên chức phải đền bù chi phí đào tạo không thực hiện trách nhiệm đền bù thì cơ quan, đơn vị ban hành quyết định đền bù không giải quyết các chế độ, chính sách và có quyền khởi kiện theo quy định pháp luật
3. Công chức:
Có hẳn một quy định riêng để xác định ai là công chức nhưng tôi thấy việc trích dẫn hay phân tích thêm về khái niệm này là không cần thiết, vì vậy tôi chỉ trích nguyên văn khái niệm về công chức tại Luật cán bộ, công chức 2008.
” Công chức là công dân Việt Nam, được [tuyển dụng, bổ nhiệm] vào [ngạch, chức vụ, chức danh] trong cơ quan của [Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập)], trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”
Ví dụ Công chức: Chuyên viên sở kế hoạch đầu tư, chuyên viên phòng LĐ-TB-XH…
Việc đền bù chi phí đào tạo đối công chức được quy định tại Nghị định 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 và Thông tư 03/2011/TT-BNV ngày 25/01/2011
Đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng áp dụng đối với các trường hợp công chức được cử đi bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch; bồi dưỡng ở nước ngoài và đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên. Các bạn có thể xem bảng tôi tổng hợp sau đây:
TT | Các trường hợp phải đền bù chi phí đào tạo | Số tiền phải đền bù |
1. |
Công chức tự ý không tham gia khóa học khi đã làm đầy đủ các thủ tục nhập học và đã được cơ quan cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng; hoặc công chức tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc thôi việc trong thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng |
Đền bù 100% chi phí đào tạo |
2. |
Công chức tham gia khóa học đầy đủ thời gian theo quy định (có xác nhận của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng) nhưng không được cấp văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đã hoàn thành khóa học do nguyên nhân chủ quan |
Đền bù 50% chi phí của khóa học |
3. |
Công chức đã hoàn thành khóa học và được cấp bằng tốt nghiệp (đối với các trường hợp công chức được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên) nhưng bỏ việc hoặc thôi việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại khoảng 4 Điều 20 Nghị định số 18/2010/NĐ-CP Có cam kết tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 03 lần thời gian đào tạo |
S = (F / T1) x (T1 – T2) Trong đó: – S là chi phí đền bù; – F là tổng chi phí của khóa học; – T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn; – T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn. |
VD |
Anh A được cơ quan cử đi đào tạo thạc sỹ 3 năm (= 36 tháng), chi phí hết 30 triệu đồng. Sau khi tốt nghiệp, anh A phục vụ cho cơ quan được 3 năm (= 36 tháng). Sau đó, anh A tự ý bỏ việc. |
Chi phí đào tạo mà anh A phải đền bù là: S = 30.000.000 đ/108 tháng x (108 tháng – 36 tháng) = 20.000.000 đồng |
Khác với viên chức thi công chức có thêm quy định về giảm chi phí đề bù. Việc tính giảm chi phí đền bù chỉ áp dụng cho các trường hợp công chức được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên:
– Mỗi năm công tác của công chức (không tính thời gian tập sự và thời gian công tác sau khi được đào tạo, bồi dưỡng) được giảm 1% chi phí đền bù.
– Công chức đạt danh hiệu từ Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên trong vòng 5 năm trở lại thì được tính giảm 1% chi phí đền bù cho mỗi danh hiệu.
Nếu phải đền bù thì Công chức cần lưu ý quy định sau:
– Chậm nhất trong thời hạn 45 (bốn mươi lăm) ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đền bù của cơ quan quản lý công chức, công chức bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải đền bù.
– Trường hợp công chức phải đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng không thực hiện nghĩa vụ đền bù thì cơ quan ban hành quyết định đền bù không giải quyết các chế độ, chính sách và có quyền khởi kiện theo quy định pháp luật.
Trên đây là những quy định về đền bù chi phí đào tạo đối với 3 đối tượng người lao động phổ biến và quan tâm nhiều đến vấn đề này.
Chắc hẳn đọc đến đây một số ít bạn sẽ có thắc mắc về cụm từ phổ biến “cán bộ, công chức”. Đúng vậy, cán bộ và công chức khác nhau, quy định áp dụng cũng có những nội dung khác nhau (các bạn có thể đọc khái niệm về cán bộ trong Luật cán bộ, công chức hoặc đơn giản chỉ cần Google là được) nhưng tôi không đề cập đến “cán bộ” vì những lý do sau:
– Thực tế quá trình hành nghề tôi chưa gặp trường hợp nào là cán bộ yêu cầu tư vấn về nội dung này, mà đa phần là người lao động và viên chức.
– Chính vì vậy nên tôi không tìm hiểu các văn bản liên quan và không rõ việc đền bù chi phí đào tạo với cán bộ có hay không và như thế nào.
– Tôi cũng tự thấy không cần thiết tìm hiểu sâu về nội dung này và hiện tại cũng chưa có ý định tìm hiểu.
– Những kiến thức không chắc chắn lại không có kinh nghiệm thực tế thì không nên tư vấn. Vì vậy bạn nào có quan tâm về đối tượng người lao động là “cán bộ” thì thông cảm và tìm hiểu ở nguồn khác nhé 😀 .
Cuối cùng, một vài điều muốn nói thêm: Ở đây tôi không có quyền đánh giá việc nghỉ ngay sau khi đào tạo là đúng hay sai, nhất là với những người lao động là công chức và viên chức. Có rất nhiều lý do mà người lao động muốn nghỉ việc sau khi đi đào tạo về có thể đồng cảm được. Tuy nhiên ý kiến cá nhân tôi cho rằng với người lao động, sau khi được đi đào tạo về thì không nên chỉ vì mỗi lý do là có chỗ làm tốt hơn, lương cao hơn để từ chối làm việc và cống hiến cho nơi đã đặt niềm tin và bỏ tiền cho mình đi đào tạo 🙂 .
Hy vọng bài viết này sẽ phần nào giúp ích cho những ai quan tâm. Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với chúng tôi để tư vấn.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Anh H vào làm việc cho công ty X từ năm 2010 với HĐLĐ không xác định thời hạn.Năm 2013, anh được công ty cử đi học ở Hàn Quốc thời hạn 1 năm (tổng chi phí là 30.000USD) với cam kết sau khi học xong sẽ làm việc cho công ty ít nhất 5 năm.Sau khi học xong trở về nước, anh tiếp tục làm việc cho công ty. Ngày 10/6/2015 anh gửi đơn thông báo cho công ty vs nội dung anh sẽ chấm dứt HĐLĐ vào ngày 10/8/2015. Mặc dù công ty ko đồng ý nhưng ngày 10/8/2015 anh vẫn chấm dứt HĐLĐ. Trước tình trạng đó công ty X muốn anh H phải bồi thường chi phí đào tạo.
Câu hỏi:
Bằng kiến thức đã được học, hãy thực hiện các bước để tư vấn cho anh H.
Soạn thảo thư tư vấn cho anh H
Thưa luật sư tôi có một bài tập tình huống như trên mong luật sư giúp tôi.
Bạn vui lòng đọc kỹ nhé, chúng tôi chỉ giải đáp câu hỏi thực tế, không trả lời bài tập hay tình huống lý thuyết.