Quyền nuôi con khi ly hôn là vấn đề rất quan trọng và luôn được các cặp vợ chồng ly hôn có con nhỏ dưới 18 tuổi quan tâm hàng đầu.
Trong quá trình tư vấn pháp luật, chúng tôi đã gặp những trường hợp vợ / chồng sẵn sàng từ bỏ mọi quyền tài sản, chấp nhận mọi điều kiện để có được quyền nuôi con khi ly hôn.
Vì vậy, bài viết hôm nay, luật sư sẽ tư vấn và hướng dẫn bạn các vấn đề pháp lý của việc giành quyền nuôi con khi ly hôn.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
- QUY ĐỊNH VÀ NGUYÊN TẮC CHUNG
- ĐIỀU KIỆN 1: ĐỘ TUỔI CỦA CON CHUNG
- ĐIỀU KIỆN 2: CHỖ Ở CỦA CHA / MẸ SAU KHI LY HÔN
- ĐIỀU KIỆN 3: THU NHẬP VÀ KHẢ NĂNG TÀI CHÍNH
- ĐIỀU KIỆN 4: THỜI GIAN VÀ ĐIỀU KIỆN CHĂM SÓC
- ĐIỀU KIỆN 5: TÌNH CẢM GẮN BÓ & ĐẠO ĐỨC
- ĐIỀU KIỆN 6: NGUYỆN VỌNG CỦA CON
- ĐIỀU KIỆN 7: SỐ LƯỢNG CON CHUNG
- NÊN LÀM GÌ ĐỂ CÓ QUYỀN NUÔI CON KHI LY HÔN?
- VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ
QUY ĐỊNH VÀ NGUYÊN TẮC CHUNG
Nếu như vấn đề chia tài sản khi ly hôn, có những nguyên tắc chung, tương đối cụ thể và rõ ràng để xác định, mà chúng tôi cũng đã tư vấn trong các bài viết:
Thì ngược lại, vấn đề Ai là người nuôi con sau khi ly hôn rất khó có thể được quy định một cách rõ ràng trong luật. Toàn bộ nguyên tắc cơ bản để xác định được gói gọn trong nội dung tại khoản 2, khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Với quy định như vậy, luật sư của chúng tôi thấy khá “đau đầu” khi tư vấn và trả lời những câu hỏi của khách hàng như: Làm thế nào tôi chắc chắn giành được quyền nuôi con? hoặc yêu cầu Luật sư phải giúp tôi thắng kiện để được nuôi con.
Tuy nhiên, “đau đầu” không có nghĩa là không giải quyết được, với kinh nghiệm tư vấn và tham gia khá nhiều vụ ly hôn, luật sư của Luật NBS sẽ tư vấn cho bạn những điều kiện cần để có ưu thế trong việc giành quyền nuôi con khi ly hôn
Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi khuyến khích các cặp vợ chồng “tranh giành” quyền nuôi con khi ly hôn. Quan điểm của luật sư Luật NBS trong tất cả các vụ việc ly hôn đó là “thỏa thuận là tốt nhất”. Khi tư vấn vụ việc ly hôn, chúng tôi luôn hướng khách hàng đến việc đạt được sự thỏa thuận, hạn chế tối đa việc “tranh giành” khi ly hôn. |
Do đó, bạn cũng có thể căn cứ vào bài viết này để xác định các ưu thế, bất lợi và các điều kiện của bản thân, từ đó có thể đạt được thỏa thuận về nuôi con cho phù hợp, mà không cần phải tranh chấp.
Các yếu tố mà chúng tôi nêu ra dưới đây không phải được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, mà sẽ được tòa án đánh giá đồng thời và cân bằng tất cả các yếu tố và điều kiện để đưa ra phán quyết.
ĐIỀU KIỆN 1: ĐỘ TUỔI CỦA CON CHUNG
Theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam thì điều kiện về độ tuổi của con được xác định theo các mức sau:
- Dưới 36 tháng tuổi: Sẽ được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
- Từ 36 tháng tuổi đến dưới 7 tuổi: Xác định căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con (Các quyền lợi về mọi mặt sẽ được chúng tôi phân tích dưới đây)
- Từ đủ 7 tuổi đến dưới 18 tuổi: Xác định căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con , nhưng có xem xét nguyện vọng của con. Bạn lưu ý là xem xét chứ không phải là quyết định theo nguyện vọng của con.
ĐIỀU KIỆN 2: CHỖ Ở CỦA CHA / MẸ SAU KHI LY HÔN
Chỗ ở cha mẹ được xác định theo các tiêu chí sau:
Tiêu chí 1: Tính hợp pháp của quyền sở hữu: Quyền sở hữu sẽ luôn là điều kiện được ưu tiên, có nghĩa là bạn có nhà thuộc quyền sở hữu của chính bạn. Điều này sẽ phải được chứng minh bằng một số giấy tờ như sau:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà (Sổ đỏ)
- Hợp đồng mua bán căn hộ với điều kiện căn hộ đã hình thành và ở được
- Các giấy tờ chứng minh nhà ở sẽ là của bạn mặc dù chưa có sổ đỏ
Tiêu chí 2: Tính hợp pháp của Quyền sử dụng: Khi bạn không có nhà ở thuộc sở hữu của bạn, thì bạn cần chứng minh là bạn đang có quyền sử dụng hợp pháp nhà ở. Điều này có thể được chứng minh bằng một số giấy tờ như sau:
- Hợp đồng thuê nhà với thời hạn càng dài càng tốt
- Chứng cứ chứng minh bạn đang ở nhà cùng cha / mẹ / ông / bà / người thân và Giấy tờ chứng mình quyền sở hữu nhà của cha / mẹ / ông / bà / người thân của bạn
![]() |
Tiêu chí 3: Đặc điểm và vị trí căn nhà ở sau khi ly hôn, xét đến một số điều kiện như:
- Diện tích và tiện nghi của căn nhà
- Vị trí của căn nhà, khoảng cách đến trường học của con bạn, khoảng cách đến các tiện ích thiết yếu, mức độ thuận tiện đi lại ..v..v..
![]() |
ĐIỀU KIỆN 3: THU NHẬP VÀ KHẢ NĂNG TÀI CHÍNH
Đây là một trong những điều kiện tương đối quan trọng để đánh giá ưu thế nuôi con. Với điều kiện này, bạn cần chứng minh bằng một số giấy tờ như:
- Bảng lương, xác nhận thu nhập có dấu của công ty
- Đăng ký kinh doanh, giấy tờ chứng minh doanh thu
- Xác nhận của địa phương nếu là lao động tự do
- Giấy tờ chứng mình nguồn tài sản khác ngoài lương hoặc thu nhập chính.
![]() |
ĐIỀU KIỆN 4: THỜI GIAN VÀ ĐIỀU KIỆN CHĂM SÓC
Với điều kiện này, tòa án sẽ đánh giá các yếu tố cơ bản như: Thời gian dành cho con, thời gian đưa đón con, chăm sóc, kèm cặp con; các điều kiện hỗ trợ việc chăm sóc con của mỗi bên
Quan điểm của tòa án cũng cho rằng: Con cái luôn cần sự quan tâm và gần gũi của cha mẹ, nếu như bạn giao con cho người giúp việc, kể cả giao cho ông / bà gần như toàn thời gian thì bạn sẽ không có ưu thế bằng người vợ / chồng là người làm trực tiếp các công việc chăm sóc con.
ĐIỀU KIỆN 5: TÌNH CẢM GẮN BÓ & ĐẠO ĐỨC
Điều kiện này sẽ bao gồm một số tiêu chí đánh giá như sau:
- Tình cảm gắn bó giữa cha / mẹ với con: Bất cứ đứa trẻ nào cũng yêu cả cha và mẹ đẻ của chúng, tuy nhiên có thể do điều kiện, công việc hoặc lý do nào đó mà cha hoặc mẹ không thể dành nhiều thời gian bên con bằng người còn lại. Đây là một yếu tố cũng được tòa án đánh giá để tạo sự ổn định và không làm xáo trộn cuộc sống của đứa trẻ.
- Mức độ hiểu con: Yếu tố này được đánh giá bằng cách bạn chăm sóc con trong cuộc sống hàng ngày, cách xử lý mỗi khi có những phát sinh trong cuộc sống (VD: con bị ốm, con đánh nhau…), các bệnh mãn tính hoặc dị ứng đồ ăn, đồ vật của con, mức độ hiểu về các sở thích, thói quen của con, các bạn bè của con. Mỗi khi có chuyện vui, buồn con hay tâm sự và kể chuyện với ai..v..v..
- Các hành vi bạo lực gia đình: Người vợ hoặc người chồng có bằng chứng xác thực của hành vi bạo lực trong gia đình thì chắc chắn sẽ đánh mất ưu thế của mình khi giành quyền nuôi con.
Hành vi bạo lực gia đình phải có chứng cứ chứng minh thì mới được công nhận
- Hành vi ngoại tình: Thực ra ngoại tình là ngôn ngữ đời thường, không phải ngôn ngữ pháp lý, nhưng vừa ngắn gọn lại vừa dễ hiểu. Đây cũng là một trong những yếu tố để tòa án đánh giá quyền nuôi con mà có lẽ chúng tôi không cần phải phân tích thêm.
Cũng như hành vi bạo lực gia đình, thì hành vi ngoại tình cũng cần phải có chứng cứ chứng minh thì mới được công nhận
ĐIỀU KIỆN 6: NGUYỆN VỌNG CỦA CON
Theo đúng quy định, tòa án sẽ hỏi ý kiến con chung từ đủ 7 tuổi, ý kiến của con sẽ được tòa án xem xét là một trong các yếu tố đánh giá quyền nuôi con.
Nhiều khách hàng của chúng tôi luôn cho rằng, ý kiến của con muốn ở với ai là quan trọng nhất, nhưng đối với pháp luật thì không phải như vậy. Điều luật quy định khá rõ ràng, khi chúng tôi giải thích cho khách hàng thì một số người khá thất vọng, nhưng bạn cần chấp nhận thực tế này để chuẩn bị thật tốt các phương án và điều kiện khác.
ĐIỀU KIỆN 7: SỐ LƯỢNG CON CHUNG
Đối với trường hợp vợ chồng có từ 2 con chung trở lên, nếu không thỏa thuận được người nuôi con mà điều kiện của vợ – chồng tương đương nhau, thì thông thường tòa án sẽ quyết định giao cho mỗi người nuôi ít nhất 1 con chung, hiếm có trường hợp nào 1 người được tòa án phán quyết nuôi tất cả các con chung. Tất nhiên là tòa án cũng sẽ đánh giá yếu tố những đứa trẻ là anh chị em ruột được ở cùng nhau sẽ có thể sẽ tốt hơn, nhưng thực tế đa phần tòa án sẽ “phân chia” như vậy.
NÊN LÀM GÌ ĐỂ CÓ QUYỀN NUÔI CON KHI LY HÔN?
Đây là câu hỏi mà bất kỳ vợ / chồng nào khi ly hôn cũng đều muốn biết. Nhưng không đơn giản để trả lời ngắn gọn chỉ trong phạm vi 1 bài viết này.
Những nội dung tư vấn dưới đây do luật sư Luật NBS đưa ra dựa trên quy định pháp luật cùng kinh nghiệm tư vấn và tham gia các vụ việc về ly hôn của riêng Luật sư Luật NBS. Vì vậy nó có thể sẽ khác với những quan điểm của một số luật sư khác.
Những tư vấn dưới đây là những tư vấn mà chúng tôi cho rằng bạn có thể áp dụng với đa phần những trường hợp cơ bản. Đối với những trường hợp có những tình tiết đặc biệt cần tư vấn chi tiết hơn thì bạn nên liên hệ với luật sư tư vấn.
Đây luôn là lời khuyên và tiêu chí hàng đầu của Luật NBS đối với bất kỳ tranh chấp nào, đặc biệt các tranh chấp khi ly hôn sẽ luôn là ưu tiên số 1 và là phương án tối ưu mà chúng tôi luôn tư vấn và định hướng cho khách hàng.
Thực tế mỗi khách hàng khi ly hôn thường nói với chúng tôi rằng: Không thể và không muốn nói chuyện với vợ/chồng nên sẽ không thỏa thuận được gì. Nhưng sau khi nghe luật sư tư vấn thì khách hàng đã thay đổi quyết định và tìm cách nói chuyện và thỏa thuận với người còn lại
Việc đạt được thỏa thuậnsẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho nhiều người, ngắn gọn là bạn sẽ tránh được xung đột mệt mỏi về tinh thần, tiết kiệm được rất nhiều chi phí và không ảnh hưởng đến tinh thần của các con.
Vì vậy chúng tôi khuyên mỗi cặp vợ chồng khi đã quyết định ly hôn thì hãy cố gắng gạt bỏ cái tôi, gạt bỏ mâu thuẫn và khúc mắc nếu có thể để đạt được thỏa thuận.
Trong bài viết này, chúng tôi đã cung cấp cho bạn các tiêu chí cơ bản của tòa án khi đánh giá điều kiện nuôi con, bạn hoàn toàn có thể tham khảo và tự áp dụng vì đó là các tiêu chí chúng tôi đưa ra dựa trên quy định của pháp luật, kinh nghiệm và thực tế của luật sư.
Khi bạn đã tự đánh giá được các điều kiện nuôi con của mình, thì bạn cần chuẩn bị các chứng cứ chứng minh theo 2 hướng:
- Chứng cứ để chứng minh và bổ sung điều kiện mà bạn bị thiếu hoặc yếu thế hơn
- Chứng cứ để củng cố thêm các điều kiện mà bạn chiếm ưu thế
Bạn hãy nhớ rằng, khi đã ra trước tòa án thì chứng cứ vững chắc là điều rất quan trọng để quyết định kết quả của vụ việc.
Bạn cần chuẩn bị những nội dung sẽ trình bày trước thẩm phán, những nội dung này cần ngắn gọn và đúng trọng tâm để chứng minh điều kiện nuôi con của bạn. Khi bạn đã nắm được nội dung trình bày, bạn có thể tập dượt việc nói những nội dung đó, như vậy bạn sẽ có tâm lý tốt hơn tại phiên tòa.
Bạn không nên và không được ủy quyền cho Luật sư trình bày hết toàn bộ nội dung để chứng minh điều kiện nuôi con, lý do tại sao chúng tôi sẽ giải thích cho bạn ở phần Vai trò của Luật sư dưới đây
Tại phiên tòa cũng như toàn bộ quá trình làm thủ tục tại tòa án, bạn cần phải lấy được thiện cảm của thẩm phán. Bạn nên kiềm chế cảm xúc và không nên có thái độ hoặc dùng từ ngữ công kích hay giận giữ đối với vợ / chồng của bạn và cũng không được phép có bất kỳ thái độ định kiến nào đối với tòa án.
Đối với một vụ việc ly hôn nói chung, các thẩm phán sẽ có quy trình xác minh vụ việc qua những người thân của vợ / chồng, tổ trưởng tổ dân phố, có thể là hàng xóm và những ý kiến này cũng là một yếu tố để Thẩm phán đánh giá và quyết định.
VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ
Quan điểm của chúng tôi luôn cho rằng vai trò của Luật sư luôn quan trọng và không thể thiếu đối với các tranh chấp hay vụ án. Tuy nhiên, riêng đối với tranh chấp về quyền nuôi con khi ly hôn thì Luật sư chỉ có thể (và chỉ nên) là người hỗ trợ mà không thể là người đại diện toàn bộ cho bạn.
Nếu bạn muốn nuôi con khi ly hôn, điều quan trọng nhất bạn cần làm là thuyết phục được thẩm phán xét xử rằng bạn là người có điều kiện và ưu thế hơn. Chúng tôi nhận định rằng một người thẩm phán sẽ đánh giá cao việc bạn chủ động tự trình bày quan điểm để bảo vệ quyền nuôi con của mình hơn là một người bố / người mẹ giao toàn bộ việc này cho luật sư.
Tại khoản 4, Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định về Người đại diện như sau:
Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.
Quy đinh trên không có nghĩa là cấm Luật sư đại diện trình bày thay bạn mọi vấn đề, nhưng chúng tôi cho rằng xu hướng của các nhà lập pháp Việt Nam khi đưa ra quy định này để khuyến cáo các đương sự trong việc ly hôn nên tự trình bày quan điểm của mình. Và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm đó.
Quan điểm và nguyên tắc làm các vụ tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn của Luật NBS chỉ đơn giản là: Luật sư của chúng tôi sẽ tư vấn, hỗ trợ và hướng dẫn bạn những nội dung cụ thể và cách thức đơn giản nhất để bạn có thể tự trình bày trước tòa án nhằm bảo vệ quyền nuôi con của mình.
Đây chỉ là quan điểm của riêng Luật NBS, mà không phải là quan điểm chung của tất cả các luật sư. Và bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn dịch vụ luật sư phù hợp với nhu cầu của bạn.
Như vậy, chúng tôi đã cung cấp cho bạn các nội dung tư vấn pháp lý và hướng dẫn bạn các vấn đề liên quan đến quyền nuôi con khi ly hôn.
Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
bài viết rất hữu ích, xin cám ơn luật sư.
Dear ms Ngọc,
Tôi có 1 trường hợp rất mong luật sư tư vấn giúp. Gia đình của tôi vừa thuận tình ly hôn. Chúng tôi tự thỏa thuận về tài sản. Chúng tôi có 1 con chung 3.5 tuổi, do tôi trực tiếp nuôi dưỡng, ba của bé không cấp dưỡng (có mức lương và công việc như tôi). Trong quá trình ly thân, ba của bé mỗi tuần đón bé về nhà nội (nơi ba bé sống) 2 ngày/ tuần (không có thỏa thuận này trong đơn ly hôn). Gần đây tôi cho bé đi nghỉ 2 tuần với ông bà ngoại thì khi ba bé biết và không đồng ý với lý do ảnh hưởng đến thời gian 2 ngày ở trên.Đe dọa tôi là sẽ đón bé và không ai được ngăn cản và nói rằng cho phép tôi nuôi con nhưng vẫn có quyền quyết định những việc khác của con. Tôi có thắc mắc là việc tôi cho bé đi đâu có phải thông báo và nhận được sự đồng ý của ba bé không? vì khi bé bắt đầu đi học hoặc tôi có kế hoạch đi chơi cùng con đều phải thông báo cho ba bé ? nhận được sự đồng ý của ba bé? ngoài ra tôi có quyền không cho phép bé ngủ lại nhà nội hay nhà của ba bé không? Tôi không ngăn cản việc ba bé thăm bé, có thể thăm bất cứ lúc nào miễn không ảnh hưởng đến việc học của con. Nếu tôi đi công tác có thể ủy quyền cho người khác chăm con hộ không? (người này đã chăm bé từ 6 tháng tuổi đến hiện tại).
Rất mong luật sư tư vấn giúp.
Cảm ơn ms Ngọc.
Bạn là người trực tiếp nuôi con thì đối với ba cháu bé bạn chỉ có nghĩa vụ không được cản trở ba cháu bé đến thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Các vấn đề còn lại, bạn không có nghĩa vụ phải thông báo và nhận được sự đồng ý của ba cháu bé.
Ngoài ra luật không quy định cụ thể từng hành vi (VD cho ngủ lại hay không) vậy nên nếu bạn và ba cháu bé không thỏa thuận được những việc này, đồng thời bạn thấy rằng ba cháu bé có hành vi lạm dụng việc thăm nom để gây ảnh hưởng xấu đến con thì bạn có thể yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom của ba cháu bé.
Bạn có thể nhờ người khác chăm sóc khi bạn đi công tác nhưng vẫn phải đảm bảo những điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp cho cháu bé.
Em chào chị. Vợ chồng em ly thân đã gần 2 tháng vì chồng cờ bạc gái gú. Con em vừa 20 tháng tuổi. Nhà chồng thì làm khó dễ em mỗi lần về thăm con. Em muốn ly hôn và giành quyền nuôi con vì hiện tại chồng em cũng bỏ nhà đi. Em mong được tư vấn ạ
Bạn có thể nói yêu cầu cụ thể không? Nếu như bạn muốn tư vấn về thủ tục thì tốt nhất bạn nên liên hệ với luật sư tại địa phương của bạn sẽ hiệu quả hơn nhé.