Khi tranh chấp quyền nuôi con, trường hợp các đương sự không thể thỏa thuận được về việc thi hành án, đồng thời cơ quan thi hành án cũng không thể thuyết phục được các đương sự và đối tượng thi hành án, liệu cơ quan thi hành án có thể coi đấy là trường hợp đương sự không tự nguyện thi hành án để tiến hành biện pháp cưỡng chế hay không?
* Đây là bài tác giả viết cho Bản tin Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế, với tư cách là luật sư thành viên của Đoàn. Nội dung vụ việc trong bài viết đã được thay đổi 1 số chi tiết để bảo mật thông tin cá nhân.
* (Tiêu đề gốc bài viết: Bàn về tranh chấp quyền nuôi con – Lý luận và Thực tiễn do Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế đặt)
Nội dung vụ việc
Anh A và chị B ly hôn năm 2013, khi ly hôn, hai bên thỏa thuận con chung của hai người sẽ do anh A nuôi dưỡng, do chị B chưa có đủ điều kiện, anh A không yêu cầu chị B cấp dưỡng. Tháng 5/2015, chị B thấy rằng mình đã đủ điều kiện nuôi con nên khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận X yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Sau hai lần hòa giải không thành, tháng 7/2015, Tòa án nhân dân quận X mở phiên tòa xét xử vụ án Hôn nhân và Gia đình “Về việc xin thay đổi nuôi con”. Tại phiên tòa, con trai của anh A và chị B là cháu C, 8 tuổi có nêu nguyện vọng muốn tiếp tục được ở với bố (là anh A – bị đơn). Phiên tòa được tiến hành theo đúng thủ tục quy định. Kết thúc phiên tòa, hội đồng xét xử quyết định chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là chị B, thay đổi quyền nuôi con từ anh A sang cho chị B. Không có ai kháng cáo, bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật theo quy định.
Sau khi bản án nêu trên có hiệu lực, do đợi một thời gian không thấy anh A đưa con đến, chị B đã tự mình đến để đón con về, khi chị B đến nhà anh A đón con, anh A không có hành vi ngăn cản hay phản đối mà để cho chị B đón con, tuy nhiên tình huống bất ngờ xảy ra là cháu C nhất quyết không chịu đi cùng với mẹ là chị B, cháu đã có những hành động phản đối quyết liệt. Anh A lúc đó không ngăn cản chị B, cũng không khuyên bảo cháu C phải đi theo mẹ, mà chỉ nói với cháu C đại ý là: Hôm nay đi với mẹ là về ở hẳn với mẹ luôn, không bao giờ được ở cùng bố nữa. Cháu C vẫn tiếp tục phản đối và không chịu đi cùng mẹ. Chị B thấy vậy đã đi về và không đón cháu C nữa. Sau hôm đó, chị B làm Đơn yêu cầu thi hành án và Cơ quan thi hành án đã thụ lý đơn của chị B.
Quan điểm và bình luận
Vụ việc nêu trên có lẽ là một trường hợp không phổ biến và hiếm gặp trên thực tế, không bàn đến quá trình xét xử hay phán quyết của Tòa án, vấn đề tôi muốn trao đổi ở đây là quá trình thi hành án đối với trường hợp này, cụ thể là:
Trường hợp các đương sự không thể thỏa thuận được về việc thi hành án, đồng thời cơ quan thi hành án cũng không thể thuyết phục được các đương sự và đối tượng thi hành án, liệu cơ quan thi hành án có thể coi đấy là trường hợp đương sự không tự nguyện thi hành án để tiến hành biện pháp cưỡng chế hay không?
Xin được trích dẫn quy định tạm coi là có liên quan đến trường hợp này đó là quy định tại Điều 120 Luật thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014)
Điều 120. Cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định
1. Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị – xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.
2. Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Không được cưỡng chế, bởi vì anh A đã tự nguyện và tạo điều kiện để chị B đến đón con, không có hành vi ngăn cản, cũng không có hành động giữ cháu ở lại. Như vậy cơ quan thi hành án không có đủ căn cứ để thực hiện việc cưỡng chế hay xử phạt.
Nếu theo quan điểm này, vấn đề đặt ra đó là, vậy với những quy định hiện hành, làm cách nào để cơ quan thi hành án thực hiện việc thi hành án trong trường hợp này?
Quan điểm thứ hai cho rằng: Có được cưỡng chế, bởi vì anh A tuy không ngăn cản bằng hành động, nhưng có hành vi ngăn cản bằng lời nói, tác động đến tâm lý của đứa trẻ, nên có thể coi là hành vi không tự nguyện thi hành án hoặc cản trở việc thi hành án bằng lời nói.
Với quan điểm thứ hai này, tôi cho rằng chưa đủ căn cứ và chưa thuyết phục theo quy định của pháp luật. Mặt khác, nếu thực hiện việc cưỡng chế, thì sẽ khó tìm ra phương pháp thực hiện với đối tượng đặc biệt như vậy. Thêm vào đó, theo quy định việc cưỡng chế chỉ được áp dụng với người phải thi hành án, mà không được áp dụng với đối tượng thi hành án, ở đây là người chưa thành niên
Quan điểm của tôi cho rằng: trường hợp này rất khó thi hành án, có thể nói gần như là không thể thi hành án nếu như không có sự chấp thuận và hợp tác của đối tượng thi hành án là đứa trẻ. Có thể thấy rằng, với trường hợp này quy định hiện hành về thi hành án chưa điều chỉnh được một cách triệt để. Do đối tượng thi hành án là con người, lại là người chưa thành niên, đây là đối tượng thi hành án đặc biệt nên thiết nghĩ cần có những quy định ngoài việc “có lý” thì cần “có tình” hơn so với đối tượng thi hành án là vật, tiền hay tài sản.
Theo quan điểm của tôi, để giải quyết vấn đề này, cần phải quay lại từ quá trình xét xử và quy định về tranh chấp quyền nuôi con trong Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành. Theo quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì:
Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
– Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
– Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
Theo quy định nêu trên thì nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên chỉ là yếu tố “phải xem xét” mà không phải là yếu tố quyết định chính đến phán quyết của Tòa án.
Thực tế cho thấy, có không ít trường hợp do tính đến các điều kiện khác nên phán quyết của Tòa án trái với nguyện vọng của đứa trẻ. Cũng nhiều trường hợp, đứa trẻ chỉ gửi văn bản nêu nguyện vọng cho Tòa án, mà không trực tiếp trình bày nguyện vọng trước mặt Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử. Tất nhiên không thể khẳng định quyết định của Tòa án trái với nguyện vọng của đứa trẻ là không hợp lý, tuy nhiên có thể thấy rằng, trong một số trường hợp tương tự phán quyết của Tòa án chưa “có tình” và phần nào gây khó cho cơ quan thi hành án.
Kiến nghị và Đề xuất
Theo tôi, đối với những vụ án về thay đổi quyền nuôi con nói riêng và tranh chấp quyền nuôi con nói chung, với con từ đủ 07 tuổi trở lên, và điều kiện của một bên (bố hoặc mẹ) không quá yếu so với bên còn lại thì không nhất thiết phải đưa đứa trẻ ra phiên tòa xét xử nhưng thẩm phán (hoặc có thể cả hội đồng xét xử vụ án) cần gặp trực tiếp đứa trẻ, giải thích và tìm hiểu nguyên nhân thực sự đứa trẻ muốn ở với ai, đôi khi chưa chắc đứa trẻ đã muốn ở với người có điều kiện hơn theo như Hội đồng xét xử đánh giá. Vì vậy cần tìm hiểu cụ thể lý do vì sao đứa trẻ lại muốn như vậy, liệu có sự ép buộc hay đe dọa nào hay không… Và nguyện vọng trực tiếp này của con nên được coi là một yếu tố quyết định chính đến việc phán quyết ai là người sẽ nuôi con của Tòa án. Ngoài ra, nếu người được nuôi con có điều kiện không bằng người còn lại thì cần giải thích cho người được nuôi con hiểu rõ về nghĩa vụ cấp dưỡng và quyền yêu cầu cấp dưỡng là cần thiết, bởi vì đôi khi chỉ do tự ái hoặc vì một lý do nào đó, người được nuôi con đã từ chối quyền yêu cầu rất quan trọng này.
Xem thêm:
Trên đây là bài viết bàn về việc thi hành án đối với quyền nuôi con. Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với Luật NBS để được tư vấn và giải đáp.
Nếu bạn yêu thích đọc sách, bạn có thể chia sẻ, bình luận những cuốn Sách Hay với chúng tôi tại ĐÂY
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
> Hãy cung cấp địa chỉ email chính xác
> Vui lòng bình luận / đặt câu hỏi bằng tiếng Việt có dấu
> Cố gắng tìm nội dung bạn cần trên Luật NBS trước khi đặt câu hỏi
* Mọi bình luận bằng tiếng Việt không dấu chúng tôi sẽ không phản hồi