Chứng minh tài sản riêng (TSR) vợ chồng là vấn đề tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế lại khá phức tạp và khó chứng minh. Vấn đề này phức tạp không phải do quy định của pháp luật, mà do việc các cặp vợ chồng không thỏa thuận và phân chia rõ ràng ngay từ khi tài sản được hình thành.
Nhưng nguyên nhân này cũng không phải do lỗi của các cặp vợ chồng, mà do văn hóa và tập quán quan hệ hôn nhân tại Việt Nam là như vậy. Khi hai vợ chồng đang yêu thương hòa thuận thì sẽ không ai nghĩ đến việc phân chia tài sản, thậm chí còn muốn dùng tài sản riêng của mình để cho người vợ / người chồng của mình cùng sở hữu để xây dựng gia đình.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tư vấn và hướng dẫn một số cách để bạn chứng minh tài sản riêng theo quy định của pháp luật
MỤC LỤC BÀI VIẾT
THẾ NÀO LÀ TÀI SẢN RIÊNG VỢ CHỒNG?
Theo quy định của pháp luật, tài sản riêng của vợ chồng là những loại tài sản sau:
Việc phân loại tài sản là do chúng tôi tự phân loại theo quy định để bạn tiện theo dõi, không phải là thứ tự ưu tiên của tài sản. |
♠ Tài sản mỗi người có trước khi kết hôn
♠ Tài sản được thừa kế riêng (bao gồm cả trong thời kỳ hôn nhân)
♠ Tài sản được tặng cho riêng (bao gồm cả trong thời kỳ hôn nhân)
♠ Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của mỗi người
♠ Tài sản có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng
♠ Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của mỗi người
♠ Tài sản được chia riêng theo Thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
♠ Tài sản được chia riêng theo Thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng trước khi kết hôn
Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực
Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của mình.
Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình.
Nếu không có thỏa thuận chia tài sản thì Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung
Tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng gồm:
♠ Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
♠ Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
♠ Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Đó là các quy định của pháp luật để xác định thế nào là tài sản riêng vợ chồng, tuy nhiên bạn cần lưu ý một điều quan trọng đó là:
Chỉ áp dụng các quy định nêu trên NẾU VỢ CHỒNG KHÔNG CÓ THỎA THUẬN HỢP PHÁP KHÁC |
Điều này có nghĩa là pháp luật dành sự ưu tiên và tôn trọng cao nhất đối với Thỏa thuận của vợ chồng. Nếu vợ chồng đã có thỏa thuận liên quan đến TSR thì sẽ được áp dụng thỏa thuận mà không bắt buộc xác định theo các quy định trên.
Tất nhiên, thỏa thuận này phải hợp pháp thì mới được chấp nhận.
CÁCH CHỨNG MINH TÀI SẢN RIÊNG VỢ CHỒNG
Bạn có thể chứng minh tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân bằng một số cách sau:
1. Thỏa thuận bằng văn bản
Nếu như trước đó vợ chồng bạn đã có thỏa thuận bằng văn bản về việc phân định TSR, thì bạn có thể xem và được quyền áp dụng thỏa thuận đó
Nếu như vợ chồng bạn chưa có thỏa thuận bằng văn bản, thì tùy vào tình hình thực tế, bạn có thể lập văn bản thỏa thuận mới.
Văn bản thỏa thuận này nên được công chứng nếu đủ điều kiện.
Vấn đề này đã được chúng tôi tư vấn cụ thể trong các bài viết sau:
2. Nguồn gốc tài sản và thời điểm
Nguồn gốc tài sản thường rất đa dạng, vậy nên để chứng minh được thì bạn cần bám sát quy định của pháp luật liên quan mà tôi đã nêu ở phần đầu bài viết.
Thông thường sẽ có 2 trường hợp như sau:
#1. Tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân: Đó là những tài sản mà bạn có được từ thời điểm bạn đăng ký kết hôn.
Với những loại tài sản này bạn cần có giấy tờ chứng minh.
Ví dụ 1: Tài sản bạn được cha mẹ tặng cho riêng thì cần có văn bản tặng cho hợp pháp; quyền tài sản có được từ các tác phẩm, sản phẩm do bạn sáng tác, tạo ra thì bạn cần có văn bản chứng nhận quyền của chủ sở hữu, quyền tác giả.
#2. Tài sản riêng ngoài thời kỳ hôn nhân: Đó là những tài sản mà bạn có được từ thời điểm bạn đang độc thân, sau khi ly hôn hoặc sau khi vợ / chồng mất và chưa đăng ký kết hôn với ai.
Với những loại tài sản ngày, bạn cần có thêm giấy tờ chứng minh thời điểm độc thân và thời điểm có tài sản. Ví dụ 2: Ngoài giấy tờ về tài sản có tên bạn, bạn cần có thêm Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, bản án/quyết định của tòa án, giấy chứng từ ..v..v..
Thời điểm bạn có tài sản thường được xác định bằng thời điểm ghi trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Ví dụ 3: Ngày cấp trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ), ngày cấp trên Giấy đăng ký xe, ngày cấp trên Sổ tiết kiệm ..v..v..
Tuy nhiên, đó có thể chỉ là ngày mà bạn làm thủ tục đăng ký tài sản, vậy nên nếu bạn có được các giấy tờ khác chứng minh đúng thời điểm bạn bắt đầu có tài sản, Ví dụ 4: Hợp đồng mua bán nhà đất hợp pháp, Hợp đồng mua bán xe, Sao kê ngân hàng hoặc giấy tờ chứng minh thời điểm chuyển tiền ..v..v.. thì bạn có thể sử dụng để chứng minh TSR
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung. |
NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT
Khi xác định tài sản riêng, bạn cần lưu ý một số quy định đặc biệt sau:
- Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.
- Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.
- Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
- Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.
- Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
- Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng.
Như vậy, bạn cần lưu ý các trường hợp trên để xác định chính xác hơn
GIẢI PHÁP PHÂN ĐỊNH TÀI SẢN RIÊNG KHÔNG TRANH CHẤP
Phần trên của bài viết, chúng tôi đã hướng dẫn bạn một số cách chứng minh tài sản riêng theo quy định của pháp luật. Thông thường khi bạn đã phải tính chuyện chứng minh TSR thì có thể là vợ chồng bạn đang có tranh chấp hoặc tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp.
Do đó, phần tiếp theo của bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn một số phương pháp để phân định tài sản riêng vợ chồng khi chưa phát sinh tranh chấp để bạn không cần phải “đau đầu” tìm cách chứng minh sau này.
Có 2 trường hợp cần phần định tài sản riêng như sau:
TRƯỜNG HỢP 1: Đang tồn tại quan hệ hôn nhân
Đối với các cặp vợ chồng đã đăng ký kết hôn, và chưa phát sinh tranh chấp thì có thể lập Văn bản thỏa thuận, có nhiều hình thức văn bản thỏa thuận khác nhau. Để bạn dễ hình dung, tôi sẽ đưa ra một tình huống thực tế dưới đây.
Tình huống: Ông A và Bà B là vợ chồng, trong thời kỳ hôn nhân có những tài sản sau:
- 01 Nhà đất đã có sổ đỏ đứng tên 2 vợ chồng A và B
- 01 căn hộ đứng tên A
- 01 thửa đất đứng tên B
- 01 Xe ô tô đứng tên A
- 01 Xe máy đứng tên B
- 01 Sổ cổ phần đứng tên A
- 01 Sổ tiết kiệm đứng tên B
Với số tài sản trên, nếu ông A và bà B muốn phân định tài sản riêng thì có thể lập văn bản theo 1 trong các hình thức sau:
Với hình thức này, tất cả các tài sản sẽ được thỏa thuận trong duy nhất 01 văn bản, trong đó có thể phân chia tùy theo thỏa thuận của vợ chồng, chẳng hạn: tài sản đang đứng tên của ai thì sẽ là tài sản riêng của người đó, đứng tên cả 2 người thì vẫn là tài sản chung.
- Ưu điểm: Chỉ cần lập 1 văn bản, tiết kiệm chi phí
- Nhược điểm: Bất tiện trong việc đi làm thủ tục khi mà chỉ cần làm thủ tục với 1 tài sản nhưng bạn sẽ phải mang văn bản có rất nhiều tài sản đến các cơ quan để xuất trình. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ mất nhiều thời gian hơn để kiểm tra được tài sản mà bạn cần làm thủ tục, có thể dẫn đến việc khó làm thủ tục sang tên tài sản
Xem chi tiết tại bài viết: Chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Với hình thức này, mỗi tài sản sẽ được lập thành 1 văn bản thỏa thuận. Chẳng hạn:
- 01 Văn bản thỏa thuận căn hộ hiện đang đứng tên A là tài sản riêng của A
- 01 Văn bản thỏa thuận thửa đất hiện đang đứng tên B là tài sản riêng của B
- 01 Văn bản thỏa thuận ô tô hiện đang đứng tên A là tài sản riêng của A
- Tương tự với các tài sản khác
Chúng tôi đánh giá hình thức này có những ưu điểm và nhược điểm sau:
- Ưu điểm: Thuận tiện để làm các thủ tục sang tên tài sản và các thủ tục khác có liên quan đến tài sản. Bạn chỉ cần mang theo một văn bản của tài sản đó để làm các thủ tục liên quan. Các cơ quan làm thủ tục cũng sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc xác định tài sản
- Nhược điểm: Tốn kém về chi phí và phải lưu giữ nhiều văn bản, giấy tờ
Bạn có thể kết hợp theo hình thức tùy thuộc loại tài sản để lập từng văn bản, và lập chung 1 văn bản cho một số tài sản khác.
Tùy thuộc vào hồ sơ và yêu cầu của khách hàng, Luật NBS sẽ tư vấn cho khách hàng các hình thức văn bản với tiêu chí mang lại hiệu quả cao, đơn giản và tiết kiệm chi phí.
Đối với những tài sản đứng tên cả 2 vợ chồng và phải đăng ký thì mặc dù vẫn có thể lập Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung, nhưng dựa trên kinh nghiệm thực tế thì quan điểm tư vấn của chúng tôi là nên lập Hợp đồng tặng cho để phân định tài sản riêng. Như vậy sẽ thuận tiện hơn cho việc làm thủ tục sang tên tài sản sau này. |
TRƯỜNG HỢP 2: Đang độc thân
Trường hợp này không chỉ áp dụng với việc bạn chưa từng kết hôn, mà còn áp dụng với trường hợp đã ly hôn, vợ / chồng đã mất và hiện tại chưa đăng ký kết hôn tiếp với ai.
Về nguyên tắc thì những tài sản mà bạn có được trong thời gian đang độc thân sẽ là tài sản riêng của bạn. Tuy nhiên, nếu như bạn muốn những tài sản mà bạn tự có được sau khi kết hôn vẫn là tài sản riêng của bạn, chẳng hạn như: nhà đất, sổ tiết kiệm bạn có được từ thu nhập của bạn, thì trước khi kết hôn, bạn có thể lập: Văn bản thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng trước khi kết hôn
Về văn bản này, chúng tôi đã có một bài viết riêng, bạn có thể xem tại ĐÂY
Có những tài sản mà bạn mua bằng tài sản riêng của bạn hoặc khi bạn đang độc thân, nhưng chưa thể đăng ký sang tên được ngay vì một số vấn đề về thủ tục (chẳng hạn như mua bán nhà đất viết tay), trường hợp này không thể công chứng được Văn bản thỏa thuận tài sản riêng. Đây là trường hợp đặc biệt dễ phát sinh tranh chấp và khó chứng minh tài sản riêng nếu như bạn không có thỏa thuận trước.
Trường hợp này chúng tôi sẽ có phương án giải quyết tùy theo từng hồ sơ và yêu cầu cụ thể của khách hàng. |
Như vậy, để hạn chế các tranh chấp về tài sản xảy ra khi vợ chồng mâu thuẫn, bạn có thể áp dụng các giải pháp mà chúng tôi nêu trên. Tuy nhiên, với văn hóa và tập quán của người Việt, chúng tôi cũng biết rằng để một cặp vợ chồng đang hòa thuận hay một cặp đôi đang chuẩn bị kết hôn lập được những văn bản xác định tài sản như vậy là không hề dễ dàng.
Nhưng nếu các cặp vợ chồng nghĩ theo chiều hướng tích cực hơn, thì việc lập những văn bản phân định tài sản như vậy sẽ mang những lợi ích như:
- Vợ, chồng chủ động và yên tâm hơn trong việc sử dụng tài sản của mình
- Tạo động lực để vợ chồng cùng lao động và phấn đấu tạo ra tài sản
- Khi cần làm thủ tục về tài sản chỉ cần 1 người là có thể làm được
- Hạn chế tối đa việc phát sinh các tranh chấp về tài sản
Cuối cùng, một điều quan trọng đó là các cặp vợ chồng có thể thay đổi thỏa thuận và chuyển tài sản riêng thành tài sản chung bất kỳ lúc nào họ muốn. Vậy nên bạn không cần phải băn khoăn về vấn đề nếu đã chia rồi thì mãi mãi sẽ phải để như vậy.
Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
> Hãy cung cấp địa chỉ email chính xác
> Vui lòng bình luận / đặt câu hỏi bằng tiếng Việt có dấu
> Cố gắng tìm nội dung bạn cần trên Luật NBS trước khi đặt câu hỏi
* Mọi bình luận bằng tiếng Việt không dấu chúng tôi sẽ không phản hồi