Thủ tục công chứng đang ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết trong xã hội hiện nay.
Ngoài những loại giao dịch, hợp đồng, văn bản mà luật quy định bắt buộc phải làm thủ tục công chứng, thì đối với các loại văn bản khác không bắt buộc, nhu cầu công chứng văn bản của người dân cũng ngày càng nhiều.
Việc làm thủ tục công chứng sẽ giúp cho các giao dịch được an toàn, chặt chẽ, đúng pháp luật và hạn chế rất nhiều rủi ro cũng như tranh chấp cho các bên.
Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn cho các khách hàng làm thủ tục công chứng, bài viết hôm nay chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn những thắc mắc thường gặp khi đi làm thủ tục công chứng
MỤC LỤC BÀI VIẾT
- 1. Tại sao sổ hộ khẩu ghi cha, mẹ, vợ, chồng, con rồi mà vẫn phải có đăng ký kết hôn hay giấy khai sinh?
- 2. Tại sao lại bắt tôi phải cung cấp những giấy tờ quá khó mà tôi thấy không cần thiết?
- 3. Tại sao từ chối nhận thừa kế rồi mà người từ chối vẫn phải ký văn bản công chứng?
- 4. Tại sao sổ đỏ chỉ có tên tôi, là tài sản riêng của tôi mà vẫn yêu cầu cả vợ/chồng tôi phải ký công chứng?
- 5. Tại sao phải lăn tay / điểm chỉ khi làm thủ tục công chứng?
- 6. Tại sao cùng 1 hồ sơ thủ tục công chứng mà các văn phòng công chứng khác nhau lại yêu cầu 1 số giấy tờ khác nhau?
- Hotline thủ tục nhà đất: 0862.819.799
1. Tại sao sổ hộ khẩu ghi cha, mẹ, vợ, chồng, con rồi mà vẫn phải có đăng ký kết hôn hay giấy khai sinh?
Đó là vì sổ hộ khẩu chỉ được coi là giấy tờ có căn cứ để chứng minh được duy nhất một điều: Địa chỉ thường trú của bạn ở đâu.
Khi bạn thay đổi địa chỉ thường trú, chuyển đi nơi khác, từ nơi khác đến hoặc nhà nước có thay đổi địa giới hành chính (từ phường này sang phường khác, tổ này sang tổ khác…) thì sẽ được cập nhật trong hộ khẩu của bạn.
Nhưng thực tế có những trường hợp sau:
Trường hợp 1 Ông A kết hôn và nhập hộ khẩu của vợ vào chung hộ khẩu của ông A, sau đó không may, ông A và vợ ly hôn, nhưng trên hộ khẩu vẫn sẽ ghi vợ, chồng nếu như ông A không tự mang hộ khẩu đi đính chính thông tin.
Trường hợp 2 Ông B và bà C là vợ chồng có chung hộ khẩu, hai ông bà không có con nên đã nhận nuôi chị D từ nhỏ (không đăng ký con nuôi, không có giấy khai sinh), ông bà đã nhập hộ khẩu cho chị D vào hộ khẩu nhà mình, trong hộ khẩu ghi mối quan hệ giữa chị D và chủ hộ là: con.
Một trường hợp khác cũng rất phổ biến hiện nay tại Hà Nội, đó là cho các cháu nhỏ là họ hàng nhập khẩu để đi học đúng tuyến ở trường điểm, trường hợp này, trong nhiều quyển hộ khẩu cũng ghi mối quan hệ với chủ hộ là: cháu, giống y như cháu nội, cháu ngoại ruột.
Đó là lý do tại sao có sổ hộ khẩu ghi đầy đủ thông tin rồi mà bạn vẫn phải cung cấp các giấy tờ khác.
* Hộ khẩu không thể thay thế cho Giấy đăng ký kết hôn hay Giấy khai sinh *
Tuy nhiên, bạn cũng biết rằng nhà nước ta sắp bỏ hộ khẩu giấy, thay bằng hộ khẩu điện tử. Các thông tin cá nhân sẽ có trong Căn cước công dân gắn chip. Vì vậy có thể trong tương lai gần bạn sẽ không phải mang theo nhiều giấy tờ để làm thủ tục công chứng nữa
2. Tại sao lại bắt tôi phải cung cấp những giấy tờ quá khó mà tôi thấy không cần thiết?
Bởi vì, có thể bạn cho rằng có những điều hiển nhiên không cần giấy tờ chứng minh. Nhưng đối với pháp luật thì không hiển nhiên như bạn nghĩ.
Tình huống này thường hay xảy ra khi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế.
Trường hợp 3 Ông A mất năm 75 tuổi để lại tài sản nhưng không để lại di chúc, vậy là tài sản đó phải chia theo pháp luật. Do đó hàng thừa kế thứ nhất của ông A sẽ có bố, mẹ đẻ, vợ, con đẻ của ông A. Bố mẹ đẻ của ông A đã mất nhưng không có giấy tờ chứng minh.
Vấn đề ở đây là công chứng viên không thể nào cũng hiển nhiên coi là như vậy. Họ không biết bạn là ai và pháp luật về thủ tục công chứng không cho phép họ xác nhận một người còn sống hay đã mất mà chỉ dựa vào lời nói của người thân của người đó.
Và nếu công chứng viên vì một lý do nào đó bỏ qua giấy tờ thì đây là hậu quả thực tế: Vụ án Con dâu khai tử bố mẹ chồng còn sống
Bạn nên hiểu và thông cảm rằng, việc yêu cầu các giấy tờ đầy đủ không phải để gây khó khăn cho bạn, mà để đảm bảo an toàn cho thủ tục công chứng và cho chính các bên trong giao dịch.
Thực tế những giấy tờ của những người đã mất từ khá lâu như giấy chứng tử rất khó để có thể xin cấp lại. Qua quá trình tư vấn và giải quyết các vụ việc cho khách hàng, chúng tôi đã có những giải pháp để thay thế những giấy tờ trên, giúp cho hồ sơ của khách hàng được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện và vẫn đúng quy định của pháp luật. Các khách hàng sử dụng dịch vụ của Luật NBS sẽ được tư vấn và hướng dẫn chi tiết về những giấy tờ thay thế. |
Tham khảo thêm:
3. Tại sao từ chối nhận thừa kế rồi mà người từ chối vẫn phải ký văn bản công chứng?
Có thể bạn cho rằng, từ chối thừa kế nghĩa là không ký vào văn bản thừa kế công chứng. Nhưng không phải như vậy. Theo quy định, người từ chối nhận thừa kế sẽ phải ký vào Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế để thể hiện ý chí của họ, văn bản này phải được công chứng theo quy định.
Nếu chỉ nói miệng từ chối mà không có văn bản thì không đủ căn cứ chứng minh họ đã từ chối, rất dễ xảy ra tranh chấp sau này. Và nếu không có Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế được công chứng thì cũng không thể làm thủ tục công chứng thừa kế được
Tham khảo thêm:
4. Tại sao sổ đỏ chỉ có tên tôi, là tài sản riêng của tôi mà vẫn yêu cầu cả vợ/chồng tôi phải ký công chứng?
Bởi vì pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định nội dung: Tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng. Thời ký hôn nhân được tính từ khi đăng ký hết hôn có hiệu lực.
Trường hợp sổ đỏ chỉ ghi tên một mình bạn và bạn muốn ký một mình khi làm thủ tục công chứng để định đoạt, mua bán, cho tặng nhà đất thì bạn phải lựa chọn 1 trong những phương án sau:
- Chứng minh nhà đất là tài sản riêng của bạn
- Có Hợp đồng ủy quyền của vợ / chồng bạn
- Có Văn bản cam kết tài sản riêng của vợ / chồng bạn
- Có xác nhận tình trạng hôn nhân độc thân vào thời điểm cấp sổ đỏ
5. Tại sao phải lăn tay / điểm chỉ khi làm thủ tục công chứng?
Thực ra điểm chỉ vào văn bản công chứng không phải là quy định bắt buộc. Nhưng việc gần như tất cả các văn phòng công chứng đều yêu cầu khách hàng điểm chỉ là hoàn toàn đúng đắn và có như vậy mới đảm bảo được quyền lợi cho các bên khi làm thủ tục công chứng.
Bởi vì thực tế là thời buổi bây giờ cái gì cũng có thể làm giả được, từ sổ đỏ, hộ khẩu, CMND cho đến phẫu thuật thẩm mỹ để làm lại khuôn mặt. Nhưng chỉ có dấu vân tay là không thể nào làm giả được, nếu có cũng sẽ cực kỳ tinh vi và tốn kém.
Vì vậy, cách xác thực tốt nhất để biết được có đúng là “người thật, việc thật” hay không chính là xác định bằng dấu vân tay.
6. Tại sao cùng 1 hồ sơ thủ tục công chứng mà các văn phòng công chứng khác nhau lại yêu cầu 1 số giấy tờ khác nhau?
Đây là thực tế rất phổ biến đối với các giao dịch công chứng. Khi bạn mang một bộ hồ sơ đến VPCC A thì họ yêu cầu bạn phải có các giấy tờ như thế này, nhưng khi bạn mang cùng bộ hồ sơ đó đến VPCC B, thì họ lại có thể thêm, bớt hoặc thay thế một số giấy tờ khác cho bạn.
Đố là bởi vì, pháp luật có quy định mở đối với một số loại giấy tờ, tức là nếu không có giấy tờ này thì bạn có thể thay thế bằng giấy tờ khác có giá trị tương đương. Việc thay thế như thế nào sẽ do công chứng viên quyết định dựa vào khả năng và quan điểm đánh giá rủi ro của công chứng viên đó
Chẳng hạn, pháp luật có quy định: giấy tờ chứng minh một người là đã chết, thì giấy tờ “chuẩn” nhất đó là Giấy chứng tử, nhưng không phải ai khi mất cũng có được giấy chứng tử, và cũng không phải ai cũng xin cấp lại hoặc cấp bản sao trích lục giấy chứng tử cho người đã mất.
Khi đó, có công chứng viên sẽ chấp nhận Đơn xin xác nhận có đóng dấu và xác nhận nội dung đơn của UBND cấp xã, có công chứng viên sẽ chấp nhận Lý lịch đảng
Việc yêu cầu bạn cung cấp hoặc thay thế giấy tờ nào sẽ phụ thuộc vào quan điểm và đánh giá của công chứng viên đối với hồ sơ, giấy tờ của bạn.
Sau khi làm thủ tục công chứng nhà đất, bạn còn cần phải làm thủ tục sang tên sổ đỏ tại cơ quan có thẩm quyền. Thực tế có thể mỗi quận / huyện lại có những yêu cầu về giấy tờ khác nhau. Khi sử dụng dịch vụ sang tên sổ đỏ của Luật NBS, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn các giấy tờ cần thiết hoặc có thể thay thế tùy theo việc bạn làm thủ tục sang tên sổ đỏ tại quận / huyện nào của Hà Nội. |
Hotline thủ tục nhà đất: 0862.819.799
Đó là một số câu hỏi và thắc mắc thường gặp khi bạn đi làm thủ tục công chứng. Nếu bạn có những câu hỏi hoặc thắc mắc khác, hãy gửi phản hồi ở dưới bài viết này hoặc liên hệ riêng với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Huỳnh Lê Minh Cường
Em chào luật sư, luật sư cho em hỏi là hiện tại mình đã định danh điện tử rồi. Vậy khi đi công chứng giấy tờ như: cccd, blx,…. Có cần phải đem giấy tờ gốc theo không ạ. Hay là xác thực qua ứng dụng vneid là được ạ.
Luật sư Ngọc Blue
Chào bạn, các văn phòng công chứng mà chúng tôi biết tại Hà Nội thì hiện tại vẫn yêu cầu mang các giấy tờ gốc để sao y bản chính, cũng như thực hiện việc công chứng các giao dịch như mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp … mà chưa chấp nhận việc xác thực qua ứng dụng vneid. Tương tự đối với việc sao y bản chính tại các UBND xã, phường cũng chưa chấp nhận việc này bạn nhé.
Phạm Quốc Hương
Gia đình muốn làm thủ tục cho tặng quyền sử dụng đất cho con, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 31/12/1997, đứng tên hộ gia đình; gia đình có 4 người, hiện tại có 1 người bị bệnh ko đi lại được. Vậy khi ra UBND xã làm thủ tục thì người bị bệnh không đi được, thì xử lý như thế nào
Bộ phận tư pháp xã có vào nhà để xử lý việc này không.
Ngoc Blue
Việc xử lý như thế nào sẽ tùy thuộc vào cán bộ thụ lý hồ sơ bạn nhé. UBND xã có quyền đến tận nhà bạn làm thủ tục nhưng không có nghĩa vụ buộc phải đến trong trường hợp này, mà họ có thể từ chối thụ lý hoặc xử lý theo phương án khác phù hợp với quy định bạn nhé