Trong số các thủ tục công chứng như chuyển nhượng, mua bán nhà đất, cho tặng, thế chấp tài sản…, thì thủ tục thừa kế nhà đất bao gồm khai nhận, phân chia di sản thừa kế, từ chối thừa kế khiến cho nhiều khách hàng của Luật NB luôn cảm thấy rắc rối và phức tạp nhiều nhất.
Vì vậy, bài viết hôm nay chúng tôi sẽ tổng hợp và giải đáp một số câu hỏi, thắc mắc thường gặp khi làm thủ tục thừa kế nhà đất, tài sản.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
- 1. Tại sao lại phải xác nhận bố mẹ của người để lại di sản đã chết?
- 2. Tại sao có trường hợp còn vợ / chồng / con nhưng anh, chị, em của người để lại di sản vẫn được thừa kế?
- 3. Tại sao có di chúc rồi vẫn phải xác nhận hàng thừa kế theo pháp luật?
- 4. Tại sao lại phải xác nhận tình trạng hôn nhân của người để lại di sản đã chết?
- 5. Tại sao có trường hợp con dâu lại được thừa kế tài sản của bố / mẹ chồng?
- 6. Tại sao có trường hợp cháu được hưởng mà con dâu / con rể không được hưởng tài sản?
- 7. Được từ chối thừa kế trong trường hợp nào và thời hạn bao lâu?
- 8. Con nuôi có được thừa kế tài sản của cha, mẹ nuôi ?
- 9. Con riêng có được thừa kế tài sản của bố dượng, mẹ kế?
- 10. Ly hôn lấy người khác rồi có được thừa kế tài sản của vợ / chồng cũ không?
BẠN CÓ BIẾT: Chúng tôi có thể làm Thủ tục thừa kế nhà đất cho bạn ngay cả khi bạn đang cách ly hoặc không muốn ra khỏi nhà! Đó là vì theo quy định, trước khi ký công chứng văn bản thừa kế, bạn phải làm thủ tục niêm yết Thông báo thừa kế tại UBND phường, xã trong 15 NGÀY. Đó cũng chính là số ngày an toàn theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) đối với việc phòng dịch Covid-19 (corona virus) Với Dịch vụ thủ tục nhà đất tại Hà Nội của Luật NB, chúng tôi có thể làm thủ tục thừa kế cho bạn ngay cả khi bạn đang ở nhà hoặc phải cách ly nhiều ngày. |
1. Tại sao lại phải xác nhận bố mẹ của người để lại di sản đã chết?
Bởi vì quy định sau đây:
Người thừa kế theo pháp luật
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”
Điều 651 Bộ luật dân sự (BLDS) 2015
Như vậy, cha đẻ, mẹ đẻ của người để lại di sản, nếu còn sống sẽ chắc chắn được hưởng thừa kế theo pháp luật từ di sản của con họ. Vì vậy, đương nhiên là khi khai nhận thừa kế phải xác định là bố, mẹ của người để lại di sản đã mất hay còn sống
Ví dụ 1 Ông A chết năm 70 tuổi không để lại di chúc, tài sản của ông A được chia thừa kế theo pháp luật. Bố, mẹ đẻ của ông A đã mất trước ông A.
2. Tại sao có trường hợp còn vợ / chồng / con nhưng anh, chị, em của người để lại di sản vẫn được thừa kế?
Bởi vì các quy định sau đây:
“Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.”
Điều 611 BLDS 2015
“Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”
Điều 613 BLDS 2015
Vì vậy thời điểm chết của người để lại di sản mới chính là thời điểm mở thừa kế và là căn cứ để xác định những người thừa kế hợp pháp có những ai. Không phải là thời điểm mà bạn đi đến văn phòng công chứng để làm thủ tục thừa kế
Ví dụ 2 Ông A chết năm 2016, tại thời điểm ông A chết (2016) thì bố, mẹ ông A vẫn còn sống. Đến năm 2021, vợ con ông A làm thủ tục thừa kế theo quy định nhưng bố, mẹ ông A đã mất vào năm 2018.
Đó chính là trường hợp, anh / chị / em ruột của người để lại di sản được thừa kế tài sản mặc dù hàng thừa kế thứ nhất (vợ / chồng / con) của người đó vẫn còn.
3. Tại sao có di chúc rồi vẫn phải xác nhận hàng thừa kế theo pháp luật?
Bởi vì quy định sau đây:
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Điều 644 BLDS 2015
Như vậy những người nên trên vẫn được hưởng một phần di sản kể cả khi di chúc không cho họ được hưởng.
Ví dụ 3 Ông A có vợ là bà B, 2 con đẻ là ông C, bà D đều đã thành niên, có khả năng lao động. Bố, mẹ đẻ ông A đều đã mất trước ông A. Ông A di chúc để lại toàn bộ tài sản cho bà D. Khi ông A chết, vợ và 2 con của ông A vẫn còn sống, di chúc được xác định là hợp pháp và có hiệu lực.
4. Tại sao lại phải xác nhận tình trạng hôn nhân của người để lại di sản đã chết?
Bởi vì quy định sau đây:
Người thừa kế theo pháp luật
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”
Điều 651 Bộ luật dân sự 2015
Ví dụ 4 Ông A có vợ hợp pháp là Bà B, năm 1990 bà B mất, ông A không kết hôn với ai, đến năm 2009, ông có tiền mua đất và được cấp sổ đỏ năm 2009. Sổ đỏ đứng tên một mình ông A nhưng không ghi rõ là tài sản riêng. Năm 2018, ông A mất không để lại di chúc.
Đó chính là xác nhận tình trạng hôn nhân của người để lại di sản đã chết. Trường hợp này thường gặp đối với tài sản đứng tên 1 người, mà người đó không có vợ / chồng vào thời điểm có quyền sở hữu tài sản
5. Tại sao có trường hợp con dâu lại được thừa kế tài sản của bố / mẹ chồng?
Bởi vì những quy định sau đây:
“Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.”
Điều 611 BLDS 2015
“Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”
Điều 613 BLDS 2015
Ví dụ 5Ông A chết năm 2016 không có di chúc. Ông A có con trai là ông B. Ông B mất năm 2018. Đến năm 2021, gia đình ông A bắt đầu làm thủ tục thừa kế tài sản của ông A
Trường hợp này cũng tương tự với các trường hợp, con rể được hưởng thừa kế từ tài sản của bố / mẹ vợ mặc dù con dâu và con rể không thuộc bất cứ hàng thừa kế nào theo quy định.
Với truyền thống văn hóa của người Việt, nếu người thân mới mất mà đã đi làm thủ tục thừa kế tài sản ngay thì dường như không “hợp đạo lý”. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi thì cũng không nên để muộn quá mới đi làm thủ tục thừa kế tài sản |
6. Tại sao có trường hợp cháu được hưởng mà con dâu / con rể không được hưởng tài sản?
Bởi vì quy định sau đây:
Thừa kế thế vị:
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Điều 652 – Bộ luật dân sự 2015
Ví dụ 6 Ông A chết năm 2020 không để lại di chúc, ông B là con ông A chết năm 2018. Năm 2021, vợ ông A làm thủ tục thừa kế tài sản của ông A.
7. Được từ chối thừa kế trong trường hợp nào và thời hạn bao lâu?
Người thừa kế có thể từ chối nhận di sản theo quy định sau:
Từ chối nhận di sản:
- Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
- Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
- Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Điều 620 BLDS 2015
Ví dụ 7 Ông B được hưởng thừa kế từ ông A, nhưng ông B đang là đối tượng phải thi hành án trả nợ bằng tài sản nhưng chưa đủ tài sản để thi hành án
Từ ngày 01/01/2017, người thừa kế có thể từ chối nhận di sản bất cứ lúc nào trước thời điểm phân chia di sản. |
8. Con nuôi có được thừa kế tài sản của cha, mẹ nuôi ?
Con nuôi được thừa kế tài sản của cha, mẹ nuôi, nhưng phải là con nuôi hợp pháp, có nghĩa là con nuôi phải có giấy tờ, văn bản của cơ quan có thẩm quyền công nhận là con nuôi.
Nếu nhận con nuôi mà không có giấy tờ để chứng minh, chỉ là quan hệ thực tế chưa được pháp luật công nhận thì không được thừa kế ngay mà phải có căn cứ chứng minh và được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
9. Con riêng có được thừa kế tài sản của bố dượng, mẹ kế?
Được, với điều kiện theo quy định sau:
Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế:
Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định về hàng thừa kế và thừa kế thế vị.
Điều 654 BLDS 2015
Quy định như vậy, nhưng thực tế chưa có hướng dẫn rõ ràng về việc như thế nào là: “có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con”. Vì vậy còn rất nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Theo quan điểm của chúng tôi, trường hợp này nên giải quyết theo các phương án sau:
- Nếu như tất cả những người thừa kế còn lại đồng ý rằng người con riêng này “có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con” và cùng thống nhất, không có tranh chấp về việc cho người con riêng hưởng di sản => Văn phòng công chứng nên giải quyết cho họ hưởng di sản
- Nếu như có tranh chấp hoặc mâu thuẫn giữa con riêng và những người thừa kế khác về việc hưởng di sản => Cần có phán quyết của tòa án
- Nếu như người con riêng từ chối nhận di sản => Giải quyết theo thủ tục thừa kế thông thường
(Lưu ý: Đây là quan điểm cá nhân của Luật sư)
Xem thêm:
- Hướng dẫn các bước làm thủ tục thừa kế nhà đất
-
Án lệ số 05/2016/AL – Tính công sức đóng góp khi chia thừa kế
10. Ly hôn lấy người khác rồi có được thừa kế tài sản của vợ / chồng cũ không?
Được thừa kế theo quy định sau:
Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, đang xin ly hôn, đã kết hôn với người khác
- Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
- Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
- Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.
Điều 655 BLDS 2015
Đó là một số câu hỏi và thắc mắc thường gặp khi bạn làm thủ tục thừa kế. Nếu bạn có những câu hỏi hoặc thắc mắc khác, hãy gửi phản hồi ở dưới bài viết này hoặc liên hệ riêng với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Việt
Chào luật sư cho em hỏi ông bà em có 5 người con trước khi ông em mất có viết di chúc để lại cho bố em 1 mảnh đất khi ông mất công bố di chúc thì 4 người đồng ý còn 1 người nói là không đồng ý. Vậy cho em hỏi? 1. Hai bên không thỏa thuận được thì theo luận bố em được thừa kế tài sản ý không ạ. Em cảm ơn luật sư ạ
Luật sư Ngọc Blue
Theo quy định khi có di chúc hợp pháp của ông bạn, đồng thời không có người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc thì bố bạn có thể tự làm thủ tục khai nhận thừa kế mà không cần hỏi ý kiến ai khác.
Trường hợp này trước tiên nhà bạn nên mang di chúc ra Văn phòng công chứng tại địa phương để công chứng viên đánh giá tính hợp pháp của di chúc trước, sau đó mới biết được bố bạn cần làm những gì để nhận thừa kế tài sản.
Bạn tham khảo cụ thể tại ĐÂY nhé
Nguyễn ngọc huân
Luật sư cho mình hỏi vs ạ. Bố mình mất năm 2020. Mà chưa viết di chúc.giờ còn mẹ mình vẫn đang khoẻ mạnh. Nhà mình có 2 ae trai. Giờ mẹ mình muốn viết di chúc cho e mình tất cả tài sản. Mẹ mình giờ có quyền cho e mình tất cả tài sản k ạ
Ngoc Blue
Nếu tài sản là tài sản chung của bố mẹ bạn thì mẹ bạn không có quyền cho tất cả mà chỉ được di chúc cho phần tài sản của mẹ bạn thôi nhé.
HUỲNH QUỐC BẢO
Cho mình hỏi:
Ông bà nội mình đã mất nay bố mình tiến hành làm lại sổ đỏ do sổ đỏ lúc trước đứng tên nội mình và đã rất lâu.bố mình được để lại di trúc mảnh đất của ông bà và trên di trúc chỉ có tên bố mình. Nay bố mình đang làm lại sổ mới đer chuyển sang tên bố mình.
Ông bà nội mình có 6 người con nếu trong quá trình làm sổ đỏ cần chữ ký xác nhận của anh chị em thì liệu nếu 1 người ko ký mà các người còn lại đều đồng ý ký để bố mình sang tên. Thì liệu có được ko. Nếu ko thì nên làm như thế nào
Ngoc Blue
1. Để xác định có cần sự đồng ý của anh chị em khi làm thủ tục thừa kế không thì cần xem cụ thể di chúc của ông bà bạn có hợp pháp hay không và để lại tài sản cho những ai.
2. Nếu như cần có sự đồng ý của các anh chị em mới có thể làm thủ tục thừa kế thì 1 người không đồng ý sẽ không làm được theo cách thông thường mà có thể phải khởi kiện để tòa án phân chia bạn nhé.