Nếu đây là vấn đề bạn quan tâm, thì bạn cũng biết Luật NB đã có nhiều bài viết về người lao động nghỉ việc đơn phương nhận được rất nhiều sự quan tâm. Sau đó có rất nhiều bạn hiện đang là viên chức (giảng viên trường công, bác sỹ bệnh viện công…) gửi câu hỏi về vấn đề viên chức nghỉ việc đơn phương. Số lượng câu hỏi khá nhiều và về cơ bản là chung một vấn đề. Vì vậy, bài viết này Luật NB dành cho nhưng ai đang là viên chức muốn nghỉ việc đơn phương.
Viên chức là những ai?
Trước tiên, mặc dù bạn đã biết nhưng tôi vẫn phải trích dẫn lại quy định pháp luật thế nào là viên chức:
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Điều kiện viên chức nghỉ việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cũng tương tự như người lao động quy định tại Bộ luật lao động 2012.
- Bạn là người lao động và đang muốn nghỉ việc đúng quy định, hãy tham khảo bài viết: Xin nghỉ việc nhưng chưa được chấp nhận – Bạn nên làm gì?
Bạn có thể thấy tại Khoản 4, 5 và 6 Điều 29 Luật Viên chức 2010 về Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc có quy định:
“4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.
5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:
a) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;
c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;
đ) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;
e) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
6. Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều này; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều này.”
Theo như tôi đánh giá, viên chức nếu nghỉ việc đơn phương, sau đó được cơ quan, đơn vị chấp nhận thì thủ tục còn dễ dàng và thuận lợi hơn người lao động thông thường khác do quy định về lương, chế độ bảo hiểm, về chi phí đào tạo cũng rõ ràng (có khung) hơn người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Trường hợp này, có lẽ bạn không cần luật sư tư vấn nữa.
Nhưng, nếu như cơ quan, đơn vị bạn không chấp nhận thì sao? Trường hợp này việc viên chức nghỉ việc đơn phương theo tôi đánh giá về pháp lý là rất khó khăn. Bản thân tôi cũng chưa tìm ra được giải pháp hiệu quả đối với những trường hợp này.
Lý do là bởi quy định sau: tại Khoản 2, Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/04/2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có quy định:
“Điều 38. Giải quyết thôi việc
2. Viên chức chưa được giải quyết thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Đang bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Chưa làm việc đủ thời gian cam kết với đơn vị sự nghiệp công lập khi được cử đi đào tạo hoặc khi được xét tuyển;
c) Chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của viên chức đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
d) Do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế.”
Bạn đọc quy định có nhận ra điều gì không?
Đọc quy định trên có thể thấy rằng với 3 lý do quy định tại điểm a, b, c Khoản 2 Điều 38 thì việc có căn cứ chứng minh là rất thuận lợi và rõ ràng, tuy nhiên với nội dung quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 38 còn quá chung chung và chưa rõ ràng, gây khó khăn cho cả viên chức và cơ quan quản lý viên chức khi áp dụng quy định này.
Với quy định như trên có thể thấy rằng kể cả khi viên chức có nguyện vọng thôi việc (đơn phương chấm dứt Hợp đồng làm việc) và có 1 trong các căn cứ quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 29 Luật Viên chức 2010 thì viên chức vẫn có thể chưa được giải quyết thôi việc nếu Cơ quan, đơn vị của viên chức đưa ra lý do tại điểm d Khoản 2 Điều 38 nêu trên.
Thực tế cho thấy, đây là lý do phổ biến và đơn giản nhất mà cơ quan, đơn vị đưa ra khi chưa muốn giải quyết thôi việc cho viên chức. Và quy định này dễ bị lợi dụng để cơ quan, đơn vị gây khó khăn cho viên chức muốn nghỉ việc đơn phương.
Vấn đề thứ 2 của quy định này làm cho tôi rất khó khăn khi tư vấn cho viên chức đó là không có Thông tư hay Văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Tại Khoản 3, Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/04/2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có quy định:
“3. Thủ tục giải quyết thôi việc
a) Viên chức có nguyện vọng thôi việc có văn bản gửi người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
b) Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc; nếu không đồng ý cho viên chức thôi việc thì trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định tại Khoản 2 Điều này.”
Với quy định trên, có thể thấy rằng, viên chức muốn thôi việc và gửi văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, nếu như sau 20 ngày làm việc, viên chức không được đồng ý cho thôi việc với lý do tại điểm d Khoản 2 Điều 38 nêu trên thì viên chức chỉ biết làm việc tiếp đợi đến khi nào yêu cầu công tác đã được đảm bảo và bố trí được người thay thế để cho đúng quy định.
Ngoài ra cũng không có quy định hướng dẫn cụ thể về việc như thế nào là “Do yêu cầu công tác” và nếu chưa bố trí được người thay thế thì thời hạn tối đa trong vòng bao nhiêu lâu thì đơn vị sự nghiệp công lập phải bố trí được người thay thế khiến cho việc chứng minh điều kiện nghỉ việc đơn phương của viên chức là rất khó khăn.
Với những quy định như vậy, viên chức khi muốn nghỉ việc đơn phương sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của viên chức đó. Với những người sau đó không làm viên chức thì phần khó khăn về pháp lý sẽ ít hơn. Nhưng với những bạn muốn tiếp tục làm viên chức mà chuyển sang làm tại cơ quan, đơn vị khác thì thực sự là khó khăn.
Với tư cách là luật sư, tôi cũng cảm thấy băn khoăn khi tư vấn cho các viên chức nghỉ việc. Giải pháp tạm thời mà tôi đưa ra trước tiên luôn luôn là cố gắng thương lượng với cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện. Nếu như chịu thiệt ở một mức độ chấp nhận được thì bạn có thể nhường để giải quyết công việc cho suôn sẻ.
Nếu đã cố gắng nhưng không thể thương lượng thì bạn hãy sử dụng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm làm việc của mình tại cơ quan, đơn vị để chứng minh rằng đã có người thay thế cho bạn và việc bạn nghỉ sẽ không ảnh hưởng đến công tác hay công việc tại cơ quan.
- Lưu ý mọi yêu cầu, đề nghị, nguyện vọng đều nên lập thành văn bản gửi cho đúng người có thẩm quyền.
Với những viên chức đang có ý định nghỉ việc đơn phương mà đọc được bài viết này, bạn hãy chuẩn bị kỹ càng các bước rồi mới nên tìm chỗ làm mới và nộp đơn nghỉ việc đơn phương. Tránh trường hợp đã thỏa thuận với chỗ làm mới rồi mà vẫn chưa thể hoàn thành thủ tục để nghỉ ở chỗ cũ.
Mong rằng một vài chia sẻ của tôi sẽ giúp ích cho bạn. Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng để được tư vấn.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Xin luật sư tư vấn giúp. Tôi là viên chức của BV X , tháng 7 năm 2017 BV X cử tôi đi học CKI và yêu cầu kí hợp đồng sau khi tốt nghiệp phải phục vụ gấp 3 lần thời gian học , nếu không phục vụ đủ thì phải đền chi phí đào tạo gấp 3 lần số tiền đã nhận ( căn cứ theo nghị định 29/2012 và thông tư 15/2012). Đến tháng 9/2017 chính phủ ban hành nghị định 101/2017. Hiện tại năm 2021 tôi xin nghỉ việc và Bv yêu cầu tôi đền bù gấp 3 lần chi phí đào tạo ( sau khi trừ thời gian đã công tác sau tốt nghiệp) theo như hợp đồng đã kí kết. Xin luật sư cho tôi hỏi BV yêu cầu đền bù gấp 3 lần như thế có đúng không? Tôi đang là viên chức thì có được áp dụng nghị định 101/2017 trong trường hợp này hay không? Nếu tôi khiếu nại thì có thể khiếu nại đến cơ quan nào. Xin chân thành cảm ơn luật sư.
Nghị định 101/2017 có hiệu lực từ 21/10/2017 vì vậy trường hợp của bạn vẫn áp dụng quy định tại Nghị định 29/2012 khi ký hợp đồng đào tạo. Có thể có một số nội dung chuyển tiếp hoặc các nội dung liên quan đến thủ tục thì áp dụng Nghị định 101/2017, nhưng việc này sẽ phụ thuộc vào nội dung cụ thể của hợp đồng và các văn bản bạn đã ký kết với BV
Liên quan đến chi phí đào tạo theo Nghị định 29/2012 thì bạn có thể tham khảo bài viết: Khi nào bạn phải bồi thường, hoàn trả chi phí đào tạo để biết cụ thể về mức bồi thường
Cho e hỏi là e là viên chức có ý định nghỉ việc, e đã nộp đơn đến nay là đc hơn 30 ngày rồi tuy nhiên cơ quan vẫn chưa có ý định giải quyết cho e. E cũng đc cơ quan cho đi đào tạo và chưa làm đủ thời gian đã cam kết. Vậy nếu sau 45 ngày mà cơ quan chưa giải quyết nhưng e vẫn cứ nghỉ thì có vi phạm gì ko ạ?
Tùy vào lý do và căn cứ mà cơ quan bạn đưa ra khi chưa cho bạn nghỉ thì mới xác định được bạn nhé.
c ơi cho e hỏi vì viên chức đang mang bầu thì theo quy định cơ quan chưa xử lý kỉ luật được, vậy thì mình phải đợi họ qua thời gian 12 tháng nuôi con mới ra quyết định xử lý kỉ luật được ạ
và các chế độ trong thời gian này của họ thì mình giải quyết thế nào ạ?
Đúng rồi bạn, chế độ vẫn giải quyết như bình thường bạn nhé.
cho em hỏi thêm
trường hợp viên chức nộp đơn xin đơn phương chấm dứt hợp đồng và cơ quan trả lời bằng văn bản là không giải quyết cho thôi việc vì chưa làm đủ thời gian cam kết và chưa bố trí được người thay thế nhưng sau 45 ngày thì viên chức vẫn nghỉ không đến làm việc nữa. Cơ quan nhiều lần gửi thông báo yêu cầu quay trở lại làm việc nhưng viên chức vẫn không quay lại
Trong trường hợp này, cơ quan phải xử lý thế nào ạ?
Như trường hợp này, cơ quan sẽ ra quyết định nghỉ việc cho viên chức vì đơn phương chấm dứt hợp đồng
Trường hợp này cách giải quyết thế nào sẽ tùy thuộc mục đích và chủ trương của cơ quan bạn. Lưu ý là phương án lựa chọn luôn phải phù hợp với quy định của pháp luật
Dạ, vậy như trường hợp cho nghỉ việc viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng sau khi nộp đơn nghỉ việc 45 ngày mình có cho họ nhận trợ cấp thất nghiệp hay không chị và căn cứ vào công văn nào vậy chị? Vì em đọc luật viên chức và nghị định 115 thấy nói rất chung chung ạ
Luật viên chức và các văn bản hướng dẫn có quy định rõ ràng, không chung chung bạn ạ, trong đó quy định rõ các chế độ tương ứng được hưởng với từng trường hợp chấm dứt hợp đồng, và quy định rõ cách tính như thế nào. Bạn đọc kỹ lại các văn bản sau:
– Luật Viên chức 2010;
– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật cán bộ, công chức và luật viên chức 2019;
– Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Trong nội dung các văn bản trên có thể có dẫn chiếu đến Bộ luật lao động hoặc các văn bản khác, bạn cần đọc toàn bộ nội dung liên quan (không phải chỉ 1, 2 điều trong 1 văn bản) để có được phương án phù hợp áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.