Nếu như bạn đang là người lao động bị công ty cho thôi việc và muốn biết mình được hưởng những quyền lợi nào hoặc bạn đang là chủ doanh nghiệp cần biết làm cách nào cho nhân viên nghỉ việc đúng quy định thì bài viết này sẽ hướng dẫn cho bạn.
Đây không phải là bài viết với mục đích hướng dẫn cách “lách luật” hay làm lợi hơn cho một bên nào đó, mà đây là bài viết chúng tôi sẽ hướng dẫn cho cả người lao động và chủ doanh nghiệp làm đúng quy định trong trường hợp công ty cho nhân viên thôi việc.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
- #1. Công ty đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động
- * Các trường hợp công ty không được cho người lao động nghỉ việc *
- * Thời hạn báo trước *
- #2. Công ty buộc phải cho người lao động thôi việc
- #3. Quyền lợi và Trách nhiệm khi cho nghỉ việc
- Cho nghỉ việc đúng pháp luật
- Cho nghỉ việc trái pháp luật
- Người lao động muốn trở lại làm việc
- Người lao động không muốn tiếp tục làm việc
- Công ty không muốn nhận lại và người lao động đồng ý
Trong các bài viết trước đây, Luật NBS đã hướng dẫn cho bạn :
Đó là các bài viết dành cho người lao động muốn xin nghỉ việc hoặc đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trước thời bạn với công ty.
Bài viết này chúng tôi sẽ tư vấn và hướng dẫn cho bạn một vấn đề ngược lại, đó là công ty muốn cho nhân viên nghỉ việc hoặc đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trước thời bạn với người lao động.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không đề cập đến trường hợp “sa thải” vì đây là trường hợp đặc biệt và có những quy định riêng. Nếu bạn quan tâm có thể tham khảo bài viết: Nên làm gì khi sa thải hoặc bị sa thải |
Theo quy định của Bộ luật lao động 2019 thì có 13 trường hợp chấm dứt Hợp đồng lao động. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ nói về 2 trường hợp mà người sử dụng lao động đơn phương cho người lao động nghỉ việc, đó là 2 trường hợp sau:
- TRƯỜNG HỢP 1: Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật lao động
- TRƯỜNG HỢP 2: Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật lao động.
Hai trường hợp trên về bản chất đều là công ty đơn phương cho người lao động nghỉ việc mà người lao động không mong muốn, chỉ khác nhau ở chỗ TRƯỜNG HỢP 1: đa phần là công ty chủ động mong muốn người lao động thôi việc; trong khi đó TRƯỜNG HỢP 2: có thể là dù không mong muốn nhưng công ty bắt buộc phải cho người lao động nghỉ việc.
#1. Công ty đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động
Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động
- Vấn đề này được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động.
- Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị theo thời gian như sau:
- 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn mà khả năng lao động chưa hồi phục.
- 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
- Quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
- Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
c) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc
d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, cụ thể:
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
đ) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
g) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động:
- Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, công ty cần lưu ý có những trường hợp đặc biệt mà bạn sẽ không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động, đó là:
* Các trường hợp công ty không được cho người lao động nghỉ việc *
- Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b nêu trên.
- Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
- Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Nếu người sử dụng lao động cho người lao động nghỉ việc trái với các quy định trên đây, thì đó được gọi là “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật”
- Tham khảo thêm: Chuyển người lao động làm việc khác cần lưu ý điều gì?
* Thời hạn báo trước *
Thời hạn công ty phải báo trước cho người lao động về việc đơn phương cho thôi việc sẽ phụ thuộc vào loại hợp đồng lao động và lý do đơn phương, cụ thể như sau:
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g nêu trên, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:
- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b nêu trên;
- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định tại ĐÂY
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm d và điểm e nêu trên thì người sử dụng lao động không phải báo trước cho người lao động.
#2. Công ty buộc phải cho người lao động thôi việc
Trong quá trình doanh nghiệp hoạt động, có những trường hợp dù không muốn nhưng công ty vẫn phải cho người lao động thôi việc, đó là những trường hợp sau:
1. Thay đổi cơ cấu, công nghệ, bao gồm:
- Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
- Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;
- Thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm.
2. Lý do kinh tế, bao gồm:
- Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế;
- Thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước khi cơ cấu lại nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.
3. Trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
#3. Quyền lợi và Trách nhiệm khi cho nghỉ việc
Khi công ty cho người lao động nghỉ việc, xét về mặt pháp lý sẽ có 2 tình huống xảy ra, một là cho nghỉ việc đúng pháp luật, hai là cho nghỉ việc trái pháp luật. Trong phần này, chúng tôi sẽ nói về quyền lợi và trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong 2 trường hợp nói trên.
Cho nghỉ việc đúng pháp luật
Khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng quy định thì có trách nhiệm sau:
Thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động;
- Tuân thủ thời hạn báo trước theo quy định;
- Trả trợ cấp thôi việc cho người lao động trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng;
- Trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động trong trường hợp buộc phải cho người lao động thôi việc
Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm đối với người lao động được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của người sử dụng lao động. |
- Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của người lao động, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
Quy định trên cũng được áp dụng đối với người lao động, kể cả khi họ là người bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp này |
- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Cho nghỉ việc trái pháp luật
Khi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, thì tùy thuộc mong muốn của người lao động để xem xét trách nhiệm của người sử dụng lao động, cụ thể như sau:
Người lao động muốn trở lại làm việc
Khi người lao động vẫn mong muốn tiếp tục làm việc tại công ty thì trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
- Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết;
- Phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc
- Phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
- Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
- Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động. |
Người lao động không muốn tiếp tục làm việc
Khi người lao động không muốn trở lại để làm việc tại công ty thì trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
- Phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc
- Phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
- Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
- Phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định.
Công ty không muốn nhận lại và người lao động đồng ý
Trong trường hợp công ty không muốn nhận lại người lao động và người lao động cũng đồng ý việc này, thì trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
- Phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc
- Phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
- Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
- Phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định.
- Bồi thường thêm cho người lao động ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động (có thể thỏa thuận mức bồi thường khác cao hơn)
Khi nói đến “đơn phương” tức là do ý chí của 1 bên, trường hợp này là phía người sử dụng lao động và sẽ không có sự đồng ý của người lao động. Tuy nhiên trong quá trình giải quyết vụ việc, nếu 2 bên có thể đạt được thỏa thuận hợp pháp thì hành vi “đơn phương” ban đầu dù đúng quy định hay không sẽ không còn quan trọng nữa, mà quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ được thực hiện theo sự thỏa thuận mới này.
Bộ luật Lao động 2019 đã có những quy định rõ ràng và chi tiết hơn so với những quy định cũ. Vì vậy dù bạn là chủ doanh nghiệp hay người lao động thì cũng có thể áp dụng một cách dễ dàng, để việc công ty cho người lao động nghỉ cũng được thực hiện một cách đúng quy định, đảm bảo được quyền lợi của cả 2 bên.
Quy định pháp luật áp dụng:
Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho những ai quan tâm. Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với Luật NBS để được tư vấn và giải đáp.
Nếu bạn yêu thích đọc sách, bạn có thể chia sẻ, bình luận những cuốn Sách Hay với chúng tôi tại ĐÂY
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Trần thị ánh mai
Chào chị cho e hỏi ạ
Em viết đơn thôi việc từ ngày 26/4 đến 26/5 nhưng cty bắt e nghỉ việc từ ngày 30/4
Vậy công ty có phải trả trợ cấp cho e hay bồi thường gì k ạ,e cám ơn
Ngoc Blue
Thời điểm nghỉ việc do 2 bên thỏa thuận thôi bạn nhé. Còn thời gian mà bạn nói là thời hạn báo trước theo quy định. Khi bạn xin nghỉ việc thì công ty có thể đồng ý cho bạn nghỉ ngay hoặc hết thời hạn báo trước mới được nghỉ. Không có quy định khi người lao động xin nghỉ việc thì phải hết thời hạn báo trước công ty mới được cho nghỉ bạn nhé
Chu Phong Quang
Thân gửi : Bạn
nếu như nhân viên ký hợp đồng không xác định thời hạn ( vô thời hạn ) nộp đơn xin nghỉ việc , thì theo luật là 45 ngày . nhưng doanh nghiệp có quyền giải quyết ngay , không cần bàn giao hay không
xin cho ý kiến
Ngoc Blue
Có bạn nhé, doanh nghiệp có thể thỏa thuận với người lao động để giải quyết ngay. Việc bàn giao sẽ theo quy định của doanh nghiệp bạn nhé.
trần tuấn dũng
Tôi bị buộc thôi việc vì vi phạm nội qui của công ty, là ngủ ở khu vực không dành cho nhân viên. Sau đó công ty yêu cầu tôi ra về ngay trong giờ làm việc, và phải viết bản kiểm điểm nộp cho giám đốc công ty. Tôi đã chấp hành đầy đủ yêu cầu từ phía công ty đưa ra. Sau đó 2 ngày tôi nhận được thông báo từ phòng hcns của công ty để lên làm thủ tục nghỉ việc. ( trong khi tôi vẫn còn thời gian làm việc trong hợp đồng lao động kí với công ty, và công ty không thông báo trước về quyết định nghỉ việc). Tôi xin hỏi công ty làm như vậy là đúng hay sai. Và nếu tôi bị nghỉ việc chiếu theo luật công ty đưa ra mà không căn cứ theo bộ luật lao động như vậy có đúng hay không. Tôi xin cảm ơn luật sư.
Ngoc Blue
Trường hợp công ty đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động với bạn cần phải có căn cứ theo Bộ luật lao động như tôi đã viết trong bài viết trên. Nếu như vi phạm thì đó là trường hợp công ty đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật và bạn có quyền yêu cầu công ty thực hiện đúng quy định và bảo vệ quyền lợi của bạn.
Le Phuc
Mình vừa bị sa thải bởi lí do ko đâu vào đâu(xài điện thoại bị ông sếp thấy mà đó là lệnh cấm từ cty)mà trc giờ tôi chưa bị lập biên bản lần nào,nay bị vi phạm lần đầu nên đã bị sa thải,tôi làm cũng gần 4năm cho resort Phú Hải mà tôi mới kí kại hợp đồng mới 1năm,giờ tôi phải làm gì đây thưa luật sư?Xin tư vấn giúp tôi cảm ơn
Ngoc Blue
Trước tiên bạn hãy đọc bài viết: Nên làm gì khi sa thải hoặc bị sa thải, trong đó tôi đã nêu rõ quy trình để sa thải một người lao động, bạn xem công ty đã làm đúng quy định chưa. Nếu công ty chưa làm đúng quy định bạn có thể thực hiện theo một số phương án tôi nói trong bài viết đó.
Sau khi đọc bài viết, có vấn đề gì cần hỏi thêm bạn có thể tiếp tục đặt câu hỏi, tôi sẽ giải đáp nhé