Bài viết này dành cho những người đang là viên chức muốn đơn phương nghỉ việc nhưng cơ quan, đơn vị chưa đồng ý. Đây có thể nói là bài viết tư vấn để cho bạn tham khảo, còn thực tế thì chúng tôi cũng chưa có được giải pháp tối ưu cho trường hợp viên chức nghỉ việc đơn phương như vậy.
Trên trang web Luật NBS, chúng tôi đã có những nội dung tư vấn về người lao động nghỉ việc đơn phương. Trong quá trình tư vấn, chúng tôi cũng gặp những khách hàng là viên chức muốn nghỉ việc đơn phương nhưng chưa được cơ quan đồng ý và gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục thôi việc.
Viên chức có thể nói là một người lao động đặc biệt, và đặc biệt khó đơn phương nghỉ việc nếu như không được cơ quan đồng ý. Khó khăn này một phần do các quy định hiện hành mà chúng tôi sẽ phân tích dưới đây.
* Viên chức là ai? *
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. |
#1. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của viên chức
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của viên chức được xác định dựa trên loại hợp đồng làm việc mà họ đã ký với cơ quan.
Có 2 loại Hợp đồng mà viên chức sẽ ký kết với cơ quan của họ, đó là:
Loại 1: Hợp đồng không xác định thời hạn
Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
|
Với Hợp đồng không xác định thời hạn, theo quy định viên chức có quyền đơn phương nghỉ việc, chỉ cần đáp ứng thời hạn báo trước như sau:
- Trường hợp thông thường: Thông báo trước ít nhất 45 ngày
- Trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục: Thông báo trước ít nhất 03 ngày
Loại 2: Hợp đồng xác định thời hạn
Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ trường hợp:
|
Với Hợp đồng xác định thời hạn, theo quy định viên chức có quyền đơn phương nghỉ việc trong các trường hợp sau:
Các trường hợp | Thời hạn báo trước ít nhất |
a) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc; | 03 ngày |
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc; | 03 ngày |
c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động; | 03 ngày |
d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng; | 30 ngày |
đ) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh; | 03 ngày |
e) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục. | 03 ngày |
* Lưu ý cho tất cả các trường hợp *
Viên chức phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập |
#2. Viên chức không được giải quyết thôi việc
Nếu như quy định chỉ như trên thì không có gì đáng nói, bởi vì cách giải quyết sẽ tương tự như những người lao động khác theo quy định của Bộ luật lao động. Nhưng viên chức còn bị ràng buộc bởi một quy định khác đặc biệt hơn những người lao động thông thường, đó là:
Viên chức chưa được giải quyết thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- a) Đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử;
- b) Chưa làm việc đủ thời gian cam kết với đơn vị sự nghiệp công lập khi được cử đi đào tạo;
- c) Chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của viên chức đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
- d) Do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế.
(Trích dẫn Khoản 2 Điều 57 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức)
Đối với 3 trường hợp a, b, c nêu trên thì nội dung khá rõ ràng và dễ xác định. Tuy nhiên với trường hợp d: Do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế thì phải nói là rất khó để xác định do không có hướng dẫn cụ thể hơn, chẳng hạn như:
- Thế nào là do yêu cầu công tác?
- Cơ quan, đơn vị có thời hạn tối đa là bao lâu để bố trí người thay thế?
Với nội dung quy định mang tính khái quát chung như vậy nên các cơ quan đơn vị khi không / chưa muốn cho viên chức nghỉ việc đa phần thường lấy lý do nêu trên để không giải quyết thủ tục thôi việc của viên chức.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của viên chức, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức theo quy định. Trường hợp không đồng ý cho viên chức thôi việc thì phải trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định. |
Còn đối với viên chức nào nhận được văn bản trả lời với lý do như vậy thì cũng chỉ biết đợi đến khi nào yêu cầu công tác đã được đảm bảo và bố trí được người thay thế để được giải quyết thôi việc
Với những quy định hiện hành, viên chức khi muốn nghỉ việc đơn phương sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào cơ quan, đơn vị của viên chức đó. Với tư cách là luật sư tư vấn cho viên chức, chúng tôi cũng thấy rất khó để đưa ra một giải pháp thật sự hiệu quả cho họ. Phương án ưu tiên luôn là đàm phán, thương lượng với cơ quan, đơn vị để có một kết quả suôn sẻ nhất có thể.
Nếu bạn đang ở trong trường hợp này thì có thể cân nhắc quyết định dựa trên các yếu tố sau:
- Công việc sắp tới bạn sẽ làm;
- Mức độ ảnh hưởng của vấn đề đơn phương nghỉ việc đối với công việc sắp tới;
- Mức độ thiện chí của cơ quan, đơn vị bạn đang làm;
- Dùng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm làm việc của bạn tại cơ quan, đơn vị để tìm cách chứng minh rằng đã có người làm việc thay thế cho bạn và việc bạn nghỉ sẽ không ảnh hưởng đến công tác hay công việc tại cơ quan;
- Cố gắng hạn chế tối đa trường hợp bạn đã đạt được thỏa thuận với chỗ làm mới rồi mà vẫn chưa thể hoàn thành thủ tục để thôi việc ở chỗ cũ.
Đó là những khó khăn của viên chức nghỉ việc đơn phương. Cũng hy vọng trong thời gian tới, pháp luật sẽ có những quy định rõ ràng hơn, giống như người lao động thông thường kể từ khi quy định của Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực đã tháo gỡ nhiều vướng mắc của Bộ luật lao động trước đó về vấn đề nghỉ việc đơn phương, đồng thời giúp cho việc áp dụng pháp luật được thuận lợi và dễ dàng hơn.
Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này hoặc liên hệ riêng để được tư vấn và giải đáp.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email hoặc chia sẻ những cuốn sách hay với chúng tôi tại Đây
Nhờ chị tư vấn giúp trường hợp của em, em làm ở phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện, có viên chức làm việc bên em có hợp đồng không xác định thời hạn, đã nộp đơn xin thôi việc từ ngày 1/3/2021 nhưng Bệnh viện đã thông báo vào ngày 9/3/2021 không đồng ý cho viên chức thôi vì Bệnh viện chưa bố trí được người thay thế. Sau đó, viên chức này vẫn đi làm bình thường, đến ngày 19/4/2021 thì nghỉ việc mà không báo rõ lý do. Ngày 20, 23, 26/4/2021 khoa có báo cáo lần 1, lần 2 và lần 3 về việc viên chức nghỉ việc không lý do. Ngày 28/4/2021 Bệnh viện có thông báo về việc viên chức này phải giải trình vì sao nghỉ không lương thì viên chức này có đơn xin giải trình là sau 45 ngày gửi đơn xin thôi việc (19/4/2021) để giải quyết công việc gia đình. Vậy em phải ra quyết định về trường hợp nghỉ việc này như thế nào ạ? (Viên chức này xin nghỉ việc vì chuyển đến tỉnh khác sinh sống với gia đình. Và chưa phục vụ công tác đủ số năm đã cam kết với Bệnh viện sau khi được cử đi đào tạo).
Vấn đề bây giờ là chủ trương của bệnh viện và mục đích mà bệnh viện muốn đạt được là gì:
1. Nếu đồng ý cho viên chức đó nghỉ thì làm theo thủ tục cho chấm dứt Hợp đồng.
2. Nếu không đồng ý cho viên chức đó nghỉ thì làm theo quy định về kỷ luật lao động hoặc sa thải (nếu đã đủ điều kiện theo quy định)
Bạn lưu ý phía bệnh viện nếu chọn phương án 2 thì cũng cần có đầy đủ căn cứ sau để tránh tranh chấp, kiện cáo:
1. Căn cứ về việc chưa bố trí được người thay thế.
2. Căn cứ để kỷ luật lao động hoặc sa thải viên chức
Về chi phí đào tạo thì dù bệnh viện đồng ý cho nghỉ hay không đồng ý thì viên chức vẫn phải thực hiện theo Cam kết đào tạo đã ký. Bạn xem lại nội dung cam kết đào tạo để yêu cầu hoàn trả / bồi thường (nếu có)
Sở Y tế đã đồng ý cho viên chức này nghỉ việc nhưng giao lại cho Bệnh viện ra quyết định nghỉ việc thì em sẽ ra quyết định bao gồm cả điều khoản bồi hoàn chi phí đào tạo luôn hay sao ạ? Chị tư vấn giúp em.
Về chi phí đào tạo thì bạn cần xem trong các văn bản, chính sách, quy chế đào tạo của bệnh viện hoặc của sở y tế chỗ bạn (tùy theo chương trình đào tạo mà viên chức tham gia là của đơn vị nào), cam kết đào tạo đã ký giữa viên chức và bệnh viện. Lúc đó bạn mới có thể biết được cụ thể nên đưa yêu cầu bồi hoàn chi phí đào tạo vào đâu và ghi như thế nào.
Theo cách giải quyết thông thường, nếu thuộc trường hợp phải bồi hoàn chi phí đào tạo thì viên chức phải hoàn thành nghĩa vụ trước rồi mới được giải quyết các chế độ.
Nhờ chị tư vấn giúp trường hợp của em ạ:
Em là viên chức của 1 bv công, đầu thánh 3 em có nộp đơn xin nghỉ việc và đã được bệnh viện đồng ý và gửi đơn nghỉ việc của em lên sở y tế để giải quyết tiếp ạ. Từ ngày nộp đơn đến nay đã 45 ngày nhưng bên sở y tế vẫn chưa giải quyết cho em vì lý do dịch bận, ban lãnh đạo ko có mặt để ký duyệt. Và khi em hỏi em sẽ phải đợi trong bao lâu nữa thì mới có thể duyệt đơn nghỉ cho em thì họ bảo ko nói trước được. Trong thời gian này em vẫn phải đi làm. Vậy cho em hỏi em sẽ phải tiếp tục đợi trong bao lâu? Và cách làm việc như vậy có đúng luật không ạ?
Rất tiếc là riêng với viên chức đơn phương nghỉ việc, ngoài phương án thương lượng ra thì thực sự bên mình vẫn chưa có giải pháp phù hợp, đảm bảo quyền lợi, hạn chế tranh chấp cho viên chức bạn ạ.
Kính chào Luật sư!
Cho tôi hỏi: Trường hợp viên chức đã gửi đơn xin thôi việc nhưng sau 20 ngày làm việc kể từ ngày viên chức nộp đơn xin thôi việc vẫn chưa có văn bản đồng ý hoặc không đồng ý từ người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thì viên chức đó có được đơn phương thôi việc không? Và có được hưởng các chế độ thôi việc theo quy định không ạ?
Chưa được tự nghỉ việc bạn nhé, còn quyền đơn phương chấm dứt HĐ thì lúc nào cũng có theo quy định. Trường hợp này, bạn cần yêu cầu cơ quan, đơn vị phải ban hành văn bản trả lời theo đúng quy định
Kình chào Luật sư!
Cho tôi được hỏi thời gian chi trả chế độ cho viên chức thôi việc theo Nghị định 108 và 113 của CP (tình giản biên chế) là bao nhiêu ngày kể từ khi viên chức nhận Quyết định cho thôi việc của cơ quan có thẩm quyền .
Trân trọng cảm ơn!
Viên chức thôi việc do tinh giản biên chế có nhiều hình thức khác nhau tương ứng với các chế độ khác nhau bạn ạ. Mỗi hình thức và chế độ cũng sẽ có quy định riêng về thời hạn. Ngoài ra việc chi trả còn phụ thuộc vào thời gian cấp kinh phí của các cơ quan nhà nước nữa.
Xin chào
Mình đã viết đơn xin nghỉ nhưng cơ quan không giải quyết vì chưa hoàn thành xong thời gian cam kết trc khi đào tạo, vậy sau 45 ngày mình được quyền đơn phương nghỉ không?
Bạn có thể phải bồi thường/hoàn trả phí đào tạo trước khi chấm dứt HĐ nhé. Bạn không nên nghỉ đơn phương mà nên giải quyết xong vấn đề này.
chào chị!
vấn đề này chị đưa ra rất hay. đúng là theo luật viên chức vấn đề nghỉ việc này rất khó khi không có sự đồng ý của cơ quan chủ quản
– Tuy nhiên theo điều 41 bộ luật lao động: đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. và điều 43 luật lao động: nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. nếu mình đã thực hiện nghĩa vụ theo điều 43 luật này : bồi thường, k nhận trợ cấp …thì có được giải quyết thôi việc không và có được chốt xổ bhxh không ạ
rất cảm ơn luật sư
Nếu đã là viên chức thì quan hệ lao động sẽ áp dụng theo luật chuyên ngành về viên chức bạn nhé.
Riêng về việc chấm dứt HĐ thì dù bạn có chấm dứt trái pháp luật, bạn vẫn sẽ được giải quyết thôi việc và chốt sổ BHXH, chỉ có lâu hay nhanh thôi.