Đây là nội dung nằm trong phần 2 của Chương II của đề tài SV NCKH năm 2007: Án lệ và Khả năng áp dụng Án lệ ở Việt Nam.
Phần trước: Án lệ trong thực tiễn xét xử ở Việt Nam
2. Sự cần thiết của việc chính thức áp dụng án lệ ở Việt Nam
Như đã phân tích, án lệ là sản phẩm của toà án, thường là toà án cấp cao, là những phán quyết của các vị thẩm phán của toà án này. Tại Việt Nam, toà án là cơ quan tư pháp với vai trò quan trọng là bảo vệ pháp luật, duy trì công lý.
Hoạt động xét xử của toà án đóng một vai trò hết sức quan trọng, thông qua hoạt động xét xử toà án đã mở rộng việc áp dụng luật ra ngoài phạm vi hoặc ý định ban đầu của các nhà lập pháp, chuẩn bị trước những điều kiện cho việc sửa đổi bổ sung các quy phạm pháp luật trong tương lai.
Luật thành văn dù có được xây dựng cẩn thận và kỹ lưỡng đến đâu thì cũng không thể dự đoán được hết những tình huống sẽ xảy ra trong tương lai. Hơn thế nữa xã hội ngày nay phát triển rất nhanh, con người cũng vậy, ngày càng có nhiều hành vi vi phạm pháp luật rất tinh vi, nhiều tình huống, tranh chấp mà các nhà làm luật không lường hết được. Khi xuất hiện những hành vi vi phạm pháp luật hay tình huống mới thì việc đương nhiên phải làm là sửa đổi, bổ sung các quy phạm pháp luật thành văn để kịp thời điều chỉnh những tình huống này. Tuy nhiên, việc sửa đổi các quy phạm này phải qua một trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật và sẽ mất một khoảng thời gian nhất định, như vậy thì pháp luật lúc nào cũng phải chạy theo thực tiễn còn toà án thì không có cách nào xét xử khi chưa có luật thành văn và đương nhiên là sẽ bỏ lọt tội phạm. Ngoài ra trong một số tường hợp luật thành văn cũng không rõ ràng và khó hiểu nếu như thiếu các văn bản hướng dẫn. Nếu trao cho thẩm phán quyền được ra phán quyết ngay cả khi chưa có luật điều chỉnh, tức là tạo ra quy phạm luật mà có thể trở thành án lệ sau này thì sẽ hạn chế được tình huống trên…Và như vậy án lệ đã bổ sung giúp cho luật thành văn trở nên gắn liền với thực tiễn hơn bao giờ hết.
- Có thể bạn quan tâm: [Ebook] Tài liệu nghiên cứu Án lệ
Án lệ cũng giúp tạo ra sự an toàn pháp lý cho công dân và sự ổn định cho xã hội khi mọi hành vi của các thành viên trong xã hội đều được thực hiện trong khuôn khổ ứng xử đã được xác lập như một tiền lệ pháp. Khi xảy ra tranh chấp, các toà án có cơ sở để xét xử dựa trên một khuôn khổ đã có, những khuôn khổ này nếu không được sử dụng trong phán quyết thì cũng là một nguồn tài liệu tham khảo rất có ích.
Khi xây dựng án lệ, toà án góp phần vào việc hoạch định đường hướng phát triển tương lai của luật thành văn. Do việc giải thích luật được thực hiện tại từng thời điểm khác nhau, khi các điều kiện kinh tế xã hội đã chuyển biến nhiều so với lúc ban hành luật nên việc áp dụng luật để xét xử một vụ án mới không bị đóng khung trong bối cảnh cũ mà lại trở thành hoạt động mang tính sáng tạo, khác hẳn với công việc thụ động của các thẩm phán hiện tại, cụ thể là khi xét xử một vụ án, họ tìm và đối chiếu với những quy phạm pháp luật thành văn được quy định trong các bộ luật, các văn bản dưới luật rồi đưa ra phán quyết, sau đó khi gặp một vụ án, vụ việc khác với những tình tiết tương tự thì họ lại tiến hành quá trình như trên và cũng sẽ cho ra một phán quyết có thể sẽ tương tự với phán quyết của vụ án đã xét xử trước đó, mà nếu như được phép sử dụng án lệ họ chỉ việc trích dẫn bản án trước mà không cần phải mất công làm lại cả một quá trình phức tạp như vậy. Án lệ cũng giúp cho các thẩm phán dễ dàng hơn trong việc giải quyết các vụ án vì họ sẽ không phải tự tìm giải pháp cho từng vụ một. Đó là một cách hữu hiệu để tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức của các thẩm phán, các đương sự và những người có liên quan. Hơn thế nữa các phán quyết mà có sử dụng án lệ sẽ khó có thể bị sửa chữa bởi thủ tục phúc thẩm bởi vì có thể án lệ được sử dụng chính là một bản án đã có hiệu lực thi hành của toà phúc thẩm trước đó.
Việc áp dụng án lệ còn thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thẩm phán và những người làm công tác xét xử, tăng tính thống nhất giữa các cấp toà án bởi vì đó chính là sự tôn trọng quyết định của một thẩm phán khác và cũng là biểu lộ mong muốn được giải quyết các vụ việc trong một trật tự thống nhất.
Sử dụng án lệ còn làm tăng uy tín của thẩm phán và toà án các cấp, tăng sự tôn nghiêm của một bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành, thúc đẩy sự công bằng của thẩm phán. Thử hỏi những người phải thi hành phán quyết và những người dân sẽ nghĩ gì khi mà với hai vụ án với những tình tiết tương tự nhau, hoặc thậm chí giống nhau, xảy ra tại cùng một thời điểm có hiệu lực của các quy phạm pháp luật giống nhau mà lại dẫn tới hai kết quả pháp lý khác hẳn nhau được ban hành bởi hai toà án khác nhau hay thậm chí là cùng một toà án? Chắc chắn điều này sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự công bằng của toà án, của pháp luật và có thể sẽ dẫn đến những tiêu cực như việc hối lộ, chạy án, án oan… Thêm vào đó tâm lý của một thẩm phán khi xét xử bao giờ cũng muốn đem lại sự công bằng cho các đương sự, như người ta vẫn thường nói là làm cho các đương sự phải “tâm phục khẩu phục” bởi quyết định của mình, các thẩm phán cũng luôn mong muốn quyết định của mình là quyết định cuối cùng không thể bị sửa đổi vì vậy họ sẽ yên tâm hơn khi sử dụng án lệ vì biết rằng nếu đương sự có kháng cáo thì phán quyết của họ cũng khó có thể bị sửa đổi hoặc là bị một ai đó thắc mắc về tính hợp pháp của phán quyết.
Án lệ cũng sẽ làm cho quá trình tranh tụng tại toà án trở nên có hiệu quả và hấp dẫn hơn. Hiện nay vấn đề tranh tụng tại toà án đang rất được quan tâm không chỉ đối với những người trong ngành luật mà ngay cả với những người dân. Nhiều người vẫn nói rằng hiện nay nhiều bản án của Việt Nam là “án bỏ túi” tức là trước khi xét xử đã có một bản án dành sẵn dành cho các bị cáo, quá trình tranh tụng vẫn diễn ra đúng thủ tục mà pháp luật quy định nhưng dường như không có tác dụng. Thực tế cũng cho thấy nhiều khi những lập luận của luật sư rất hợp lý và xác đáng, tuy nhiên kết luận của toà án cũng không có gì thay đổi. Việc sử dụng án lệ sẽ hạn chế và giảm bớt thực trạng này bởi vì lúc đó toà án phải thận trọng hơn khi ra phán quyết để không trái với những gì mình đã tuyên trong quá khứ.
Sử dụng án lệ cũng sẽ đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam vì ba lý do sau:
– Thứ nhất, trong những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, chính sách của nhà nước là mở cửa, tăng cường hợp tác với các quốc gia trên thế giới về mọi lĩnh vực; hơn thế nữa tình hình chính trị của Việt Nam rất ổn định nên ngày càng có nhiều quốc gia có nhu cầu hợp tác với Việt Nam. Khi tham gia vào các quan hệ với các quốc gia trên thế giới nhất là các quan hệ về thương mại thì một vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều vụ kiện liên quan đến thương mại, nhất là từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, hàng loạt các vụ kiện bán phá giá mà Việt Nam là bị đơn đã được khởi kiện lên cơ quan giải quyết tranh chấp của tổ chức này. Khi đó việc hiểu biết về hệ thống pháp luật quốc tế sẽ giúp chúng ta tự tin hơn trong tranh tụng. Như đã đề cập ở trên thì chính các nước theo hệ thống pháp luật thành văn cũng ngày càng coi trọng án lệ nhưng một điều đáng nói hơn đó là án lệ cũng được sử dụng trong pháp luật quốc tế, tuy án lệ chỉ là nguồn bổ trợ nhưng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế nói chung. Vì vậy nếu sử dụng án lệ thì các nhà làm luật Việt Nam sẽ dễ dàng nắm bắt được nguyên tắc áp dụng án lệ trong pháp luật quốc tế, từ đó có thể hy vọng vào phần thắng của Việt Nam trong các vụ kiện trong tương lai.
– Thứ hai, ngay cả khi Việt Nam không vướng vào những vụ kiện tại các cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế thì các cá nhân, tổ chức của Việt Nam cũng hoàn toàn có thể là nguyên đơn hay bị đơn trong các vụ kiên tại toà án của các quốc gia khác, khi đó chúng ta bắt buộc phải nắm được pháp luật của quốc gia đó. Chẳng hạn khi một cá nhân hoặc tổ chức của Việt Nam tham gia vào một vụ kiện tại Anh hay Mỹ, nếu như thuê luật sư Việt Nam bào chữa thì việc luật sư này phải tìm hiểu kỹ về án lệ là việc đương nhiên phải làm còn nếu không thì đương sự đành phải thuê luật sư nước ngoài và chắc chắn chi phí bỏ ra sẽ cao hơn nhiều. Có thể nêu ra một ví dụ, gần đây có một vụ kiện mà có lẽ rất nhiều người Việt Nam quan tâm và ủng hộ đó là việc các nạn nhân chất độc màu da cam tại Việt Nam kiện 37 công ty hoá chất của Mỹ về việc bồi thường thiệt hại do chất độc này gây ra trong chiến tranh. Vì hệ thống pháp luật Mỹ là hệ thống luật án lệ nên khi tìm hiểu thì thấy rằng đã có một tiền lệ là các cựu chiến binh Mỹ kiện các công ty sản xuất hoá chất đã được chấp nhận xét xử và các luật sư đã dựa vào tiền lệ này để yêu cầu toà án chấp nhận đơn kiện. Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng đây chưa phải là một án lệ vì vụ án này đã kết thúc bằng việc thoả thuận ngoài toà án, do đó chưa có phán quyết nào của toà án để có một án lệ.(15) Nếu có phán quyết được đưa ra trong vụ kiện của Việt Nam thì đây sẽ là án lệ đầu tiên của Mỹ về vụ việc này. Nói như vậy để thấy rằng nếu Việt Nam đã áp dụng án lệ thì việc tiếp cận án lệ của Anh hay Mỹ sẽ trở nên dễ dàng hơn, việc tìm hiểu cũng đỡ mất thời gian hơn.
– Thứ ba, như đã phân tích ở trên, ngay cả các quốc gia theo truyền thống luật thành văn cũng ngày càng coi trọng án lệ và thực tế là án lệ đã chứng tỏ được vai trò quan trọng trong pháp luật của các quốc gia này nên Việt Nam cũng nên xem xét để đưa án lệ vào pháp luật của nước mình.
Các báo cáo tổng kết mà Toà án Nhân dân tối cao đưa ra hàng năm nhằm mục đích hướng dẫn hoạt động xét xử của toà án nhân dân các cấp có thể coi là sự hiện thân của án lệ tại Việt Nam nhưng như vậy là chưa đủ bởi vì báo cáo tổng kết đương nhiên là không có đầy đủ các dấu hiệu của án lệ. Nó không chuyển tải được toàn bộ nhận định và phân tích pháp lý của các phán quyết về từng vấn đề pháp lý của mỗi vụ án và vụ kiện. Trên thực tế có nhiều trường hợp những hướng dẫn còn tối nghĩa hơn cả quy phạm pháp luật gốc gây ra nhiều tranh cãi và khó khăn trong việc xét xử theo báo cáo đó và do vậy mà sau đó người ta lại phải ban hành các báo cáo tổng kết khác để hướng dẫn lại. Tuy vậy cũng có nhiều hướng dẫn đã phát huy hiệu quả trên thực tế, khiến công tác xét xử sau đó trở nên thuận lợi và rõ ràng hơn. Vì vậy nếu phát triển những báo cáo của Toà án Nhân dân tối cao trở thành án lệ thì nó sẽ còn hiệu quả hơn và cũng giúp cho các báo cáo được hoàn thiện hơn trên thực tế. Vì vậy, theo chúng tôi đã đến lúc phải có những đánh giá xứng đáng về hiệu quả của án lệ và nên thừa nhận vai trò của nó trong pháp luật Việt Nam.
Chú thích:
(15)Xem: http://www11.dantri.com.vn/Sukien/2005/7/70869.vip
Phần tiếp theo: Khả năng áp dụng án lệ ở Việt Nam
Nguyễn Thị Thu Hằng
Xin Luật sư cho biết: “ý nghĩa và vai trò của án lệ, sự cần thiêt của việc áp dụng án lệ để hoàn thiện pháp luật Việt nam”
Ngoc Blue
Vấn đề này tôi đã viết trong đề tài nghiên cứu khoa học rồi bạn nhé.
Linh
Dạ cho e hỏi để nâng cao hiệu quả sử dụng án lệ tại việt nam thì mình làm thế nào ạ
Minh Khanh
chăc cần có nhiều án lệ quá, hihi
Ngoc Blue
Chuẩn luôn :))
Ngoc Blue
Bạn tham khảo bài viết Đề xuất nâng cao khả năng áp dụng án lệ ở Việt Nam nhé.
Ngoài ra theo mình thì việc nâng cao vị trí của án lệ ngang bằng với luật thành văn và nâng cao trình độ, khả năng giải thích và áp dụng án lệ một cách linh hoạt của thẩm phán cũng là 2 yếu tố góp phần cho việc sử dụng án lệ ở Việt Nam hiệu quả hơn 🙂