Trong quá trình vận hành doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp hoặc người quản lý có thể sẽ gặp tình huống phải thực hiện việc xử lý kỷ luật lao động đối với những người lao động.
Việc xử lý kỷ luật lao động cần trải qua một số trình tự thủ tục theo quy định. Bài viết này, Luật NBS sẽ cung cấp cho bạn các bước xử lý kỷ luật lao động theo đúng quy định.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
#1. Các hình thức kỷ luật lao động
Kỷ luật lao động (KLLĐ) là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định. |
Các hình thức xử lý kỷ luật lao động gồm có:
- 1. Khiển trách.
- 2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
- 3. Cách chức.
- 4. Sa thải.
- Tham khảo thêm: Công ty cho nghỉ việc thế nào là đúng quy định?
Doanh nghiệp, công ty muốn kỷ luật lao động nhân viên thì chỉ được áp dụng 4 hình thức nêu trên, ngoài 4 hình thức đó thì bất kỳ hình thức nào khác cũng sẽ không được coi là KLLĐ theo đúng quy định. |
Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động:
- Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
- Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý KLLĐ.
- Xử lý KLLĐ đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
#2. Thẩm quyền xử lý KLLĐ
Không phải tất cả những người có chức danh lãnh đạo, quản lý công ty đều có quyền xử lý KLLĐ, theo quy định của pháp luật, những người sau có thẩm quyền xử lý KLLĐ:
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
- Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động;
- Người được quy định cụ thể trong nội quy lao động.
#3. Nguyên tắc xử lý KLLĐ
Việc xử lý kỷ luật cần tuân theo các nguyên tắc quy định của pháp luật như sau:
- Phải có nội quy lao động hợp pháp;
- Phải chứng minh được lỗi của người lao động;
- Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;
- Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;
- Việc xử lý KLLĐ phải được ghi thành biên bản;
- Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý KLLĐ đối với một hành vi vi phạm KLĐ;
- Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.
Đó là những nguyên tắc mà các doanh nghiệp, công ty cần ghi nhớ và thực hiện đúng khi xử lý KLLĐ
#4. Các trường hợp không được xử lý KLLĐ
Không phải mọi người lao động vi phạm nội quy đều bị xử lý KLLĐ, có những trường hợp tuy việc vi phạm đã đến mức để KLLĐ nhưng doanh nghiệp vẫn không được xử lý KLLĐ, đó là các trường hợp sau:
a) Người lao động đang nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
b) Người lao động đang bị tạm giữ, tạm giam;
c) Người lao động đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm sau:
- Hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
- Hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
d) Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
e) Người lao động vi phạm KLLĐ trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
#5. Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động
Công ty sẽ phải xử lý KLLĐ trong thời gian quy định, nếu quá hoặc hết thời gian mà pháp luật quy định thì công ty sẽ không có quyền xử lý KLLĐ đối với người lao động nữa. Quy định về thời gian đó như sau:
1. Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp hành vi vi phạm liên quan trực tiếp đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý KLLĐ là 12 tháng.
2. Khi hết thời gian quy định đối với các trường hợp a, b, c, d nêu trên, nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu để xử lý KLLĐ nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.
Người sử dụng lao động phải ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động trong thời hạn nêu trên |
#6. Trình tự thủ tục xử lý kỷ luật lao động
Trình tự thủ tục xử lý KLLĐ được thực hiện theo các bước như sau:
Khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, người sử dụng lao động tiến hành lập biên bản vi phạm và thông báo đến:
- Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên.
- Người đại diện theo pháp luật của người lao động chưa đủ 15 tuổi.
Trường hợp người sử dụng lao động phát hiện hành vi vi phạm KLLĐ sau thời điểm hành vi vi phạm đã xảy ra thì thực hiện thu thập chứng cứ chứng minh lỗi của người lao động.
Trong trường hợp người lao động bị lập biên bản ngay tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, người sử dụng lao động cũng cần thu thập và lưu giữ các chứng cứ chứng minh lỗi của người lao động.
Việc họp xử lý KLLĐ gồm các bước cơ bản sau:
Bước 1: Gửi thông báo họp
Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tiến hành họp xử lý KLLĐ, người sử dụng lao động thông báo các vấn đề sau đến các thành phần phải tham dự họp theo quy định:
- Nội dung cuộc họp
- Thời gian họp
- Địa điểm họp
- Họ tên người bị xử lý KLLĐ
- Hành vi vi phạm bị xử lý KLLĐ
Các thành phần phải tham dự họp bao gồm:
- Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;
- Người lao động;
- Luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động (nếu người lao động nhờ bào chữa)
- Người đại diện theo pháp luật của người lao động chưa đủ 15 tuổi;
Người sử dụng lao động phải bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp. |
Bước 2: Xác nhận tham dự họp
Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp theo quy định phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động.
Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp.
Bước 3: Tổ chức họp
Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động theo thời gian, địa điểm đã thông báo theo quy định.
Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động.
Nội dung cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp theo quy định, trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.
Bước 4: Ban hành quyết định xử lý KLLĐ
Trong thời hiệu xử lý KLLĐ, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động và gửi đến các thành phần phải tham dự quy định.
Như vậy, doanh nghiệp dù đã tiến hành họp xử lý KLLĐ đúng thời hiệu nhưng cũng không được để quá lâu mới ban hành quyết định xử lý KLLĐ.
Việc ban hành quyết định xử lý KLLĐ vẫn phải được thực hiện trong thời hiệu xử lý KLLĐ,
Đó là 4 bước cơ bản để thực hiện việc xử lý KLLĐ, đối với một doanh nghiệp có bộ phận, phòng ban thì chúng tôi cho rằng việc thực hiện đúng trình tự thủ tục xử lý KLLĐ là khá đơn giản, không có vấn đề gì khó khăn.
#7. Xóa kỷ luật, giảm thời hạn chấp hành kỷ luật lao động
Trừ sa thải thì các hình thức KLLĐ còn lại thường sẽ có thời hạn. Do đó pháp luật về lao động cũng có quy định về việc xóa kỷ luật và giảm thời hạn chấp hành KLLĐ, quy định như sau:
1. Người lao động bị khiển trách sau 03 tháng hoặc bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau 06 tháng hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức sau 03 năm kể từ ngày bị xử lý, nếu không tiếp tục vi phạm kỷ luật lao động thì đương nhiên được xóa kỷ luật.
2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau khi chấp hành được một nửa thời hạn nếu sửa chữa tiến bộ thì có thể được người sử dụng lao động xét giảm thời hạn.
* Khiếu nại về kỷ luật lao động* Nếu người lao động cho rằng việc xử lý KLLĐ là chưa đúng quy định thì họ có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định. Chúng tôi sẽ tư vấn về nội dung khiếu nại này trong một bài viết khác trên trang web Luật NBS |
Như chúng tôi đã đề cập ở phần trên, trình tự thủ tục xử lý KLLĐ là khá đơn giản đối với các công ty, doanh nghiệp. Tuy nhiên điều này là không đơn giản đối với cá nhân người lao động. Người lao động cũng cần biết rằng bản thân họ đã bị xử lý KLLĐ đúng quy định hay chưa.
Vì vậy, chúng tôi mong rằng bài viết này không chỉ giúp ích cho các công ty, doanh nghiệp mà còn giúp cho những người lao động có thể đảm bảo được quyền lợi của họ theo đúng quy định khi không may bị xử lý KLLĐ.
Quy định pháp luật áp dụng:
Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với Luật NBS để được tư vấn và giải đáp.
Nếu bạn yêu thích đọc sách, bạn có thể chia sẻ, bình luận những cuốn Sách Hay với chúng tôi tại ĐÂY
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
> Hãy cung cấp địa chỉ email chính xác
> Vui lòng bình luận / đặt câu hỏi bằng tiếng Việt có dấu
> Cố gắng tìm nội dung bạn cần trên Luật NBS trước khi đặt câu hỏi
* Mọi bình luận bằng tiếng Việt không dấu chúng tôi sẽ không phản hồi