Có lẽ đây là trường hợp không hiếm gặp ở các doanh nghiệp, đó là trường hợp người lao động đang làm việc ở một vị trí trong công ty nhưng vì một lý do nào đó cần phải chuyển sang vị trí hoặc công việc khác. Việc này tuy có vẻ đơn giản nhưng thực tế thì không phải doanh nghiệp nào cũng đã làm đúng quy định, nhiều người lao động khi bị chuyển vị trí công việc cũng không rõ công ty mình đã làm đúng hay chưa. Vậy nếu bạn quan tâm hãy tham khảo bài viết này.
Trường hợp chuyển vị trí công việc nêu trên trong luật gọi là Chuyển người lao động làm công việc khác so với Hợp đồng lao động
Như thế nào là công việc khác so với Hợp đồng lao động (HĐLĐ)?
Để xác định điều này, có 1 cách đơn giản là xem lại HĐLĐ đang có hiệu lực giữa 2 bên, ngoài ra xem nội quy hoặc hoặc thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp (nếu có)
Nếu HĐLĐ không nói rõ hoặc bạn cũng ko xác định được (có thể do HĐLĐ làm theo mẫu nên khá chung chung và sơ sài dẫn đến việc có thể hiểu theo nhiều cách) thì lúc đó bạn cần căn cứ vào tính chất công việc của mình và của doanh nghiệp để xác định. Nếu như doanh nghiệp chuyển người lao động sang bộ phận khác mà vẫn đúng công việc như HĐLĐ thì không phải trường hợp này.
Xem thêm:
Sau khi đã xác định được đúng là công việc khác so với HĐLĐ rồi thì lúc đó mới có thể áp dụng quy định về Chuyển người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ tôi đã nêu trên, cụ thể như sau:
Các trường hợp Doanh nghiệp được tạm thời chuyển Người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ, đó là:
- Thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh;
- Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Sự cố điện, nước;
- Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Lý do phổ biến của các công ty, doanh nghiệp là Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Đó là lý do dễ dàng nhất, vì lý do này thực tế rất đa dạng và đặc thù từng doanh nghiệp nên luật lao động không quy định cụ thể hơn, tuy nhiên nếu có ra Tòa thì Tòa án cũng sẽ căn cứ theo những lý do hợp lý và đúng là nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời luật lao động cũng quy định là: “Công ty phải quy định cụ thể trong nội quy của doanh nghiệp trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ.”
Như vậy việc quy định cụ thể trong nội quy lao động là bắt buộc, do đó bạn có thể xem lại nội quy lao động của công ty để biết chi tiết hơn về lý do này.
Về thời gian tạm thời chuyển theo quy định:
Như bạn cũng đọc thấy trong quy định có từ “tạm thời”, như vậy việc điều chuyển này sẽ có một thời hạn nhất định chứ không được chuyển vĩnh viễn và thời hạn đó là không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động
Nếu như doanh nghiệp đã chuyển người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ đủ 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, nếu tiếp tục muốn chuyển thì phải được sự đồng ý của người lao động bằng văn bản.
Nếu như muốn người lao động làm việc luôn tại vị trí mới đó, thì doanh nghiệp nên thanh lý HĐLĐ cũ và ký lại HĐLĐ mới với người lao động. Tất nhiên phải có sự đồng ý của người lao động.
Tất nhiên, doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương án khác như: văn bản đồng ý của người lao động, ký phụ lục HĐLĐ… Tuy nhiên phương án tôi khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nếu như muốn chuyển hẳn người lao động sang vị trí mới vẫn là ký lại HĐLĐ.
Về thời gian báo trước cho người lao động về việc chuyển:
Là ít nhất 03 ngày làm việc và phải thông báo rõ thời hạn làm tạm thời là trong bao lâu và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.
Tất cả nội dung này nên có trong cùng 1 thông báo hoặc quyết định chuyển việc gửi cho người lao động, cố gắng hạn chế làm thành nhiều văn bản khác nhau.
Về tiền lương:
Doanh nghiệp được trả lương theo công việc mới nhưng nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Về thẩm quyền:
Người có quyền chuyển việc người lao động là đại diện hợp pháp của doanh nghiệp hoặc người ủy quyền hợp pháp bằng văn bản (có thể là Giấy ủy quyền, Quyết định hoặc quy định trong nội quy, văn bản hợp pháp do doanh nghiệp ban hành). Đó có thể chính là người ký HĐLĐ với người lao động hoặc người được ủy quyền. Vấn đề này phải tùy từng doanh nghiệp để xác định cụ thể
Và phải đúng thẩm quyền thì việc chuyển người lao động mới có hiệu lực pháp lý.
Trường hợp đặc biệt:
Sau thời hạn 60 ngày nêu trên nếu người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với HĐLĐ mà phải ngừng việc thì cty phải trả lương ngừng việc theo quy định. Tiền lương ngừng việc được quy định như sau:
- Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;
- Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
- Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Những nội dung tôi nêu trên nằm trong các điều luật sau:
- Điều 31, Điều 98 Bộ luật lao động 2012 (hiệu lực từ 01/5/2013)
- Điều 8 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ban hành ngày 12/01/2015 (hiệu lực từ 01/3/2015)
Nếu bạn cần đọc nguyên văn quy định có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng 😉
Như vậy, bạn có thể thấy rằng việc chuyển người lao động làm một công việc khác, vị trí khác trong doanh nghiệp cũng phải thực hiện theo những quy trình, thủ tục nhất định. Tuy nhiên những quy trình, thủ tục này không hề phức tạp hay khó khăn, chỉ cần để ý một chút thôi thì bạn sẽ thấy rất dễ dàng nhận biết và thực hiện. Việc thực hiện đúng sẽ giúp cả 2 bên hạn chế tối đa tranh chấp và những rủi ro khác sau này.
Lời khuyên cuối cùng dành cho bạn là những vấn đề, thỏa thuận quan trọng thì dù pháp luật không bắt buộc cũng nên lập thành văn bản mà không nên chỉ nói bằng lời với nhau. Điều đó cũng sẽ góp phần hạn chế tối đa các tranh chấp và rủi ro cho tất cả các bên.
Lưu ý là những quy định trên đây không áp dụng với việc thuyên chuyển, điều động cán bộ, công chức và viên chức. Những đối tượng này sẽ có các quy định đặc thù riêng.
Hy vọng bài viết này sẽ phần nào giúp ích cho những ai quan tâm. Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với chúng tôi để được tư vấn.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Xin chào luật sư! Mong luật sư cho hỏi, mình hiên đang là tài xế trong 1 ngân hàng, hôpp đồng không thời hạn, nay giám đốc cn nơi mình công tác ra quyết định điều chuyển mình ra làm bảo vệ tại nơi mình công tác, mà trong quyết định lại không có thời hạn, luật sư cho hỏi quyết định đó có đúng luật k
Nếu trong quyết định không có thời hạn thì áp dụng theo quy định pháp luật là “60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm” bạn nhé.
Cty tôi làm có 3 chi nhánh hiện tôi đang làm chi nhánh2 nhưng do cty hết hợp đồng thuê mặt bằng và tôi phải điều chuyển sang chi nhánh 3 , mức lương cơ bản hiện tại của tôi là 5trieu4 khi qua đó sẽ theo mức lương cơ bản bên đó là 3tr8 vậy đúng hay sai?.và tháng lương 13 của tôi vẫn được hưởng đúng không?
Bạn đọc bài viết chưa nhỉ: “Doanh nghiệp được trả lương theo công việc mới nhưng nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”
Các chế độ khác của người lao động bạn vẫn được hưởng theo quy định của pháp luật và của công ty nhé.
Xin chào luật sư!
Rất mong nhận được sự giúp đỡ.
Tôi làm tại doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật. Thời gian khoảng 6 tháng trở lại đây. Tôi bị doanh nghiệp ép nghỉ việc bằng cách: Cụ thể là đã hai lần tôi bị chuyển vị trí làm việc khác với hợp đồng lao động. Cụ thể là từ vị trí nhân viên gián tiếp khối nghiệp vụ sang làm công nhân sản xuất trực tiếp thuộc khối sản xuất.
Lần 1. Họ ra quyết định kỷ luật sau khi tôi chuyển thông tin bằng email liên quan đến việc tôn trọng quyền lợi người lao động. Nhưng sau đó được sự can thiệp của Ban Quản lý doanh nghiệp cùng với công đoàn cấp trên can thiệp nên họ rút lại quyết định.
Lần 2. Khoảng 6 tháng sau. Họ lấy lý do thay đổi cơ cấu tổ chức. Căn cứ theo điều 44 và 46 bộ luật lao động để điều chuyển tôi.
Tôi không đồng ý với quyết định này. Vậy xin hỏi luật sư. Làm thế nào để tôi bảo vệ quyền lợi của mình. Cũng như phương án giải quyết tốt nhất cho NLĐ trong trường hợp này?
Trân trọng!
Thực ra lý do thay đổi cơ cấu tổ chức là lý do khá phổ biến của doanh nghiệp và khó cho người lao động để bảo vệ quyền lợi của mình, vì phải căn cứ vào nhiều yếu tố mà người lao động khó có thể có đủ thông tin để làm được việc này. Tuy nhiên thì bạn cũng có thể lưu ý 1 số nội dung sau:
1. Chứng minh doanh nghiệp không thay đổi cơ cấu tổ chức thật sự
2. Chứng minh doanh nghiệp có thay đổi cơ cấu nhưng bạn vẫn là người lao động phù hợp, có vị trí làm việc mà không phải trường hợp buộc phải nghỉ việc.
3. Khi thay đổi cơ cấu tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động và có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở –> Bạn có thể căn cứ vào quy định này để kết hợp với đại diện tập thể lao động bảo vệ quyền lợi của mình từ giai đoạn này.
Xin chào chị! Em có câu hỏi này muốn nhờ chị tư vấn ạ. Công ty em đang làm là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là 1 doanh nghiệp Trung Quốc. Sau nhiều lần đổi tên, công ty cũng hoạt động đến thời điểm hiện tại là 4 năm, đến thời điểm này công ty lấy lý do quá khó khăn về kinh tế nên tuyên bố giải thể. chỉ giữ lại số lượng ít nhân sự. em được nhân sự báo có 2 sự lựa chọn: 1 là từ chuyên môn kế toán chuyển qua làm bán hàng,2 là phải nghỉ việc. Trong trường hợp công ty giải thể hoặc phá sản (em thôi việc) thì người lao động như chúng em được đền bù như thế nào? quy định pháp luật trường hợp này thế nào mong được tư vấn. Em xin chân thành cảm ơn ạ
Chào bạn,
Trường hợp công ty giải thể thì phải thanh toán hết các khoản nợ, bao gồm tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm cho người lao động
Trường hợp công ty phá sản thì sẽ căn cứ vào tài sản còn lại của công ty để thanh toán theo thứ tự ưu tiên, trong đó người lao động cũng được ưu tiên thanh toán bạn nhé.
E chào chị.Em hiện tại đang là giáo viên hợp đồng 1 năm với trường tư thục.Nhưng e muốn xin nghỉ việc để thi công chức nhà nước,và lấy lý do là tiếp tục học lên cấp bậc cao hơn,để tìm cơ hội phát triển. Em đã nộp đơn 30 ngày và chấp nhận bồi thường nhưng trường tư đó vẫn k giati quyết cho em nghỉ.Trong trường hợp này của em,thì em có quyền được tham gia kỳ thi công chức nhà nước không ạ?và hết thời hạn 30 ngày e nghỉ việc thì có sao không ạ
Chào bạn, tôi không rõ quy định về kỳ thi công chức nhà nước, tuy nhiên thì có 1 cách đơn giản là bạn xem các giấy tờ quy định phải nộp để được thi công chức gồm những giấy tờ gì, nếu như bạn đã có đầy đủ mà ko cần thêm giấy tờ gì từ phía trường tư thì bạn có thể nộp hồ sơ thi bình thường. Song song với việc đó và trong lúc đợi thi bạn tiến hành các thủ tục đơn phương chấm dứt HĐ với trường tư.
Các quy định về đơn phương chấm dứt HĐLĐ, bạn tham khảo bài viết: Xin nghỉ việc nhưng chưa được chấp nhận – Bạn nên làm gì?