Bài viết dưới đây có nội dung về thủ tục để công nhận một người là mất năng lực hành vi dân sự để các bạn có thể tham khảo và áp dụng khi cần thiết.
Lần trước tôi đã có bài phân tích về Người mất năng lực hành vi dân sự, trong đó quan điểm của tôi là để được pháp luật công nhận là người mất năng lực hành vi dân sự thì không cần phải qua Tòa án mà chỉ cần thông qua một tổ chức giám định tâm thần hợp pháp và quan điểm của tôi về người hạn chế năng lực hành vi cũng vậy.
Tuy nhiên có nhiều ý kiến chuyên môn không đồng tình với quan điểm của tôi và giải thích bằng những lập luận và quan điểm khác nhau, nhưng tôi thấy rằng những lập luận đó tuy có phần hợp lý nhưng vẫn chưa đủ thuyết phục vì vậy hiện tại tôi vẫn giữ quan điểm của mình.
Mặc dù vậy thì Bộ luật dân sự 2015 sẽ có hiệu lực vào 01/01/2017 vẫn giữ nguyên quy định phải thông qua Tòa án đối với người mất năng lực hành vi dân sự, vậy nên là một công dân chúng ta vẫn cứ phải chấp hành quy định thôi ?. Và cũng có nhiều bạn quan tâm đến vấn đề này nên bài viết dưới đây có nội dung về thủ tục để công nhận một người là mất năng lực hành vi dân sự để các bạn có thể tham khảo và áp dụng khi cần thiết.
Các quy định tôi trích dẫn và phân tích dưới đây sẽ theo Bộ luật dân sự 2015 sẽ có hiệu lực vào 01/01/2017 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã có hiệu lực vào 01/7/2016.
Nói đến “mất năng lực hành vi dân sự” thì chắc hẳn ai cũng hiểu cơ bản là như thế nào, nhưng pháp luật thì không đơn giản như thế. Vậy nên cũng cần phân biệt 3 loại liên quan đến năng lực hành vi sau đây để tránh nhầm lẫn:
Phân biệt | Mất năng lực hành vi dân sự | Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi | Hạn chế năng lực hành vi dân sự |
Là như thế nào | Người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi
|
Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự | Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình |
Ai yêu cầu | Người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan, | Tự bản thân người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan, | Người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan
|
Thẩm quyền và căn cứ | Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự
Trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. |
Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, |
Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
|
Ai thay thế | Đại diện theo pháp luật. | Tòa án chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. | Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật và phạm vi đại diện. |
(Nội dung quy định tại Điều 22 – 24 Bộ luật dân sự 2015)
Khi đã xác định được người đó thuộc trường hợp nào rồi thì bạn đã có thể tiến hành bước tiếp theo, đó là yêu cầu Tòa án công nhận người đó là mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Mà thực ra nếu bạn không thể xác định chính xác hay chắc chắn thuộc vào trường hợp nào thì cũng đừng băn khoăn, bạn có thể xác định một cách tương đối tình trạng của người đó và phán quyết cuối cùng sẽ thuộc về Tòa án.
Nhưng có lẽ chẳng ai tự nhiên lại nghĩ đến việc yêu cầu Tòa án tuyên bố một người bị như vậy, chắc chắn phải có lý do liên quan đến pháp luật, mà phổ biến nhất là để thực hiện các giao dịch có liên quan đến người đó.
Vậy nếu như bạn đang quan tâm muốn thực hiện thì có thể tham khảo các bước sau:
-
Bước 1: Chuẩn bị đơn yêu cầu và các chứng cứ gửi cho Tòa án cấp huyện nơi người đó cư trú
Trong tố tụng dân sự sẽ chia làm 2 hình thức: 1 là vụ án dân sự (thường hiểu nôm na là kiện cáo nhau, có sự tranh chấp) 2 là việc dân sự. Trường hợp này chính là việc dân sự. Thủ tục sẽ đơn giản và thời gian cũng ngắn hơn giải quyết vụ án dân sự.
Về đơn, bạn có thể đến Tòa án xin mẫu đơn hoặc hướng dẫn cách viết đơn, về chứng cứ thì ban đầu có thể là giấy xác nhận của cơ sở y tế tại địa phương là người đó có biểu hiện không bình thường về tinh thần hoặc có giấy khám chữa bệnh về tâm thần, kết quả giám định (nếu có)
Nếu như mọi việc thuận lợi, không bị trả lại đơn thì thời gian để thụ lý yêu cầu kể từ ngày nhận đơn là như sau
TT | Giai đoạn | Thời gian |
1. | Phân công thẩm phán | 03 ngày |
2. | Sửa đổi, bổ sung đơn (nếu có) | 07 ngày (có thể có hoặc không) |
3. | Thông báo và nộp lệ phí | 05 ngày |
4. | Thông báo thụ lý đơn yêu cầu | 03 ngày |
Tổng cộng | 11 – 18 ngày |
-
Bước 2: Khi Tòa án đã thụ lý đơn thì đợi đến ngày Tòa án thông báo mở phiên họp giải quyết việc dân sự
Nếu mọi việc thuận lợi thì Thời gian kể từ ngày bạn nhận được thông báo thụ lý đơn đến lúc mở phiên họp giải quyết việc dân sự như sau:
TT | Giai đoạn | Thời gian |
1. | Chuẩn bị xét đơn yêu cầu | 01 tháng |
2. | Theo đề nghị của người yêu cầu hoặc thấy cần thiết Tòa án có thể trưng cầu giám định sức khoẻ, bệnh tật hoặc giám định pháp y tâm thần.
Nếu hết thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu mà chưa có kết quả giám định, thì thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu được kéo dài |
01 tháng (có thể có hoặc không) |
3. | Ra quyết định và gửi quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự và hồ sơ việc dân sự cho Viện kiểm sát cùng cấp để nghiên cứu. | 07 ngày |
4. | Mở phiên họp | 15 ngày |
Tổng cộng | 52 – 82 ngày |
(Nội dung quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015)
Như vậy tổng thời gian để bạn nhận được quyết định tuyên bố một người là mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định là khoảng từ 63-100 ngày. Đó có thể coi là số ngày tối đa theo quy định nếu mọi chuyện thuận lợi. Nếu thuận lợi và may mắn hơn nữa thì thời gian có thể ngắn hơn, điều đó còn tùy thuộc vào người nộp đơn và nội dung vụ việc nữa.
Sau khi có quyết định của Tòa án, bạn có thể yên tâm thực hiện các giao dịch có liên quan theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên không phải sau khi có quyết định của Tòa án thì những người mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự cứ mãi mãi như vậy, đến một ngày nào đó may mắn họ khỏi bệnh, thoát khỏi tình trạng này và đủ năng lực hành vi dân sự, đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của bản thân thì chính người đó hoặc người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định đã tuyên.
-
Lưu ý cuối cùng là các bạn đừng nhầm chưa đủ năng lực hành vi và chưa đủ tuổi nhé, đó là như này:
Người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên và người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Còn người chưa thành niên không phải là người thuộc 3 trường hợp năng lực hành vi dân sự tôi nêu ở đầu bài viết đâu nhé, mà được quy định như sau:
TT | Độ tuổi | Giao dịch dân sự |
1. | Chưa đủ 6 tuổi | Sẽ do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện |
2. | Từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi | Khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. |
3. | Từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi | Tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. |
(Nội dung quy định tại Bộ luật dân sự 2015)
Cũng nói thêm rằng, mặc dù tôi ủng hộ quan điểm không cần thông qua Tòa án để xác định năng lực hành vi dân sự của một người nhưng có nhiều nước tiên tiến trên thế giới cũng quy định phải thông qua Tòa án, nên tôi nghĩ rằng chắc hẳn phải có những lý do hợp lý để quy định như vậy, mà với trình độ và khả năng hiểu biết của tôi thì chưa hiểu được hết. Vậy nên cứ chấp hành trước đã và hy vọng tương lai sẽ có những thay đổi thuận lợi hơn cho người dân.
Hy vọng bài viết này sẽ phần nào giúp ích cho những ai quan tâm. Nếu có ý kiến hay câu hỏi liên quan, các bạn có thể gửi phản hồi ở dưới bài viết này, hoặc liên hệ riêng với chúng tôi.
Bạn cũng có thể ấn nút “Theo dõi” để cập nhật các thông báo về bài viết mới nhất của chúng tôi qua email.
Chị ơi cho em hỏi, ông A bị mất nhận thức năm 2007, đến 8/2/ 2009 thì ông A và vợ là bà B giao dịch chuyển nhượng đất( chưa hỏi ý kiến các con) mãi đến 28/8/2009 thì tòa án tuyên ông A bị mất năng lực, vậy trong trường hợp này hợp đồng có hiệu lực hay vô hiệu ạ
Tài sản chỉ của 2 vợ chồng thì không cần hỏi ý kiến các con bạn nhé.
Thời điểm ông A mất năng lực hành vi dân sự là thời điểm theo quyết định của tòa án, còn trước đó ông A chưa được coi là người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định.
Nếu như chứng minh được tại thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng, ông A không đủ khả năng nhận thức thì Hợp đồng có thể bị vô hiệu
Bổ sung chi tiết cho bạn nắm bắt rõ ràng hơn về các trường hợp khi bố, mẹ tham gia giao dịch chuyển nhượng tài sản là bất động sản (ở đây cụ thể là giao dịch chuyển nhượng đất) . Trường hợp nào không cần hỏi ý kiến của con, trường hợp nào phải hỏi ý kiến các con.
Trả lời:
KHI NÀO CÁC CON CÓ CHUNG QUYỀN VỚI BỐ, MẸ (CHA, MẸ)
Người sử dụng là đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất gồm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp.
Trong đó, người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Sổ đỏ) phổ biến nhất là hộ gia đình, cá nhân.
Theo khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Như vậy, con cái có chung quyền sử dụng đất với cha mẹ nếu:
1. Có quan hệ huyết thống (con đẻ), nuôi dưỡng (con nuôi);
2. Đang sống chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
3. Có quyền sử dụng đất chung bằng các hình thức như: Cùng nhau đóng góp, tạo lập để có quyền sử dụng đất chung hoặc được tặng cho, thừa kế chung,…
Vì có chung quyền sử dụng nên sẽ có đầy đủ các quyền như chuyển nhượng, chuyển đổi, tặng cho quyền sử dụng đất.
Cha mẹ bán đất phải được sự đồng ý của con cái?
Theo khoản 1 Điều 64 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Sổ đỏ hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên. Cụ thể:
Theo khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, người có tên trên Sổ đỏ hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, trong hồ sơ khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất (thủ tục sang tên Sổ đỏ) thì phải có văn bản của các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình đã được công chứng hoặc chứng thực.
Từ những quy định trên cho thấy, khi cha mẹ chuyển nhượng quyền sử dụng đất là đất của hộ gia đình thì phải có sự đồng ý của con dưới hình thức văn bản được công chứng hoặc chứng thực nếu con có chung quyền sử dụng đất.
Kết luận:
1/. Con cái chung quyền sử dụng đất với cha mẹ nếu là con đẻ hoặc con nuôi và đang sống chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất và cùng nhau đóng góp, cùng nhau tạo lập nên quyền sử dụng đất.
Hoặc có thể hiểu đơn giản là trong Sổ đỏ ghi là cấp cho “Hộ gia đình” thì các thành viên trong gia đình có chung quyền sử dụng đất với điều kiện sống chung và có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng tại thời điểm Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất (sinh ra sau thời điểm này thì không có quyền sử dụng đất chung).
2/. Cha mẹ khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được sự đồng ý của con bằng văn bản được công chứng hoặc chứng thực nếu con cái có chung quyền sử dụng đất.
Hay nói cách khác, con cái có quyền ngăn cản cha mẹ chuyển nhượng quyền sử dụng đất nếu có chung quyền sử dụng đất với bất kỳ lý do gì miễn là không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự hoặc là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
KHÔNG CẦN SỰ ĐỒNG Ý CỦA CON CÁI
Gồm 02 trường hợp sau:
TH1: Quyền sử dụng đất là tài sản chung của cả hai vợ chồng:
Tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 ghi nhận về cách xác định tài sản chung của vợ chồng như sau:
“Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”
Tiếp theo, căn cứ Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đất với tài sản chung như sau:
“Các tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà phải đăng ký quyền sở hữu thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
======> Theo đó, khi vợ chồng cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản thì khi xác lập các giao dịch dân sự thì phải có sự đồng ý, xác lập, thực hiện giao dịch dân sự của cả hai vợ chồng, trường hợp vợ hoặc chồng không thể cùng xác lập giao dịch dân sự đó thì có thể ủy quyền cho bên còn lại thực hiện giao dịch dân sự. Xong, trong trường hợp này đương nhiên không cần xem xét ý chí của con cái.
Lưu ý: Đối với trường hợp tài chung của vợ chồng mà chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng nhưng khi xem xét nguồn gốc có được tài sản thì do vợ, chồng cùng tham gia giao dịch dân sự, cùng lấy tài sản chung của vợ chồng để có được tài sản thì tài sản đó được xác định là tài sản chung của vợ chồng).
TH2: Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của vợ, chồng
Trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng thì đương nhiên quyền định đoạt hoàn toàn thuộc về riêng người vợ/chồng đó. Do vậy, khi thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản riêng thì chỉ cần có sự đồng ý và chữ ký của một bên vợ chồng mà không cần sự đồng ý của con cái.
trường hợp A đã có kết luận giám định trong 1 vụ án khác (hình sự) KL A khó khăn trong nhận thức, hạn chế NLHVDS. vậy khi vợ của A muốn ly hôn thì có cần thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố A bị hanh chế NLHVDS ko? có cần giám định lại ko? Thân ái
Kết luận giám định khác với quyết định của tòa án bạn nhé. Vấn đề còn lại bạn hỏi nếu là thực tế thì sẽ còn phụ thuộc hồ sơ cụ thể. Còn nếu là bài tập thì bạn vui lòng xem lại giáo trình nhé.
Bạn ơi cho mình hỏi: Năm 2004 chồng mình có mua miếng đất của hai vợ chồng cô em gái nhưng chưa tách sổ sang tên ( do là VK). Miếng đất này nằm chung với miếng đất lớn do 2 vợ chồng cô em gái đứng tên. Nay chồng mình muốn mình làm thủ tục sang tên mình nhưng chồng cô em gái bị tai biến. Nghe hiểu nhận thức mọi chuyện nhưng không nói đc, không viết được sức khoẻ yếu.
Cho mình hỏi nếu làm thủ tục chồng cô ấy bị mất hành vi năng lực. Có phải cô em gái là người vợ được làm người giám hộ cho chồng và ký giấy tờ mua bán phải không? Khi toà mở phiên họp giải quyết thì có cần phải có mặt của các con cô ấy không? Và họ có quyền và trách nhiệm gì không?
( Cô em có 1 người con trai nợ tiền cá độ thua đề nên muốn chiếm luôn miếng đất, làm khó cô em gái). Mong bạn trả lời dùm mình nhé. Cám ơn rất nhiều.
Tình trạng như chồng em gái bạn chưa chắc đã thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, nếu đúng là chồng em bạn vẫn nghe hiểu nhận thức được thì bạn có thể mời công chứng viên đến để xác định xem có thể ký công chứng được hay không, nếu được sẽ tốn ít thời gian và thủ tục đỡ phức tạp hơn.
Còn nếu như không được, em gái bạn có thể nộp đơn lên tòa, việc các con em gái bạn cần có mặt hay không sẽ do tòa án xem xét và quyết định phụ thuộc vào thực tế và tình trạng của chồng em bạn. Sổ đỏ đứng tên 2 vợ chồng thì các con sẽ không có quyền quyết định.
Nếu như tòa tuyên chồng em bạn mất năng lực hành vi dân sự, và em gái bạn đủ điều kiện thì sẽ được làm giám hộ và được quyền chuyển nhượng đất vì lợi ích của người chồng (tức là người được giám hộ)
Bạn ơi cho mình hỏi một người bi tai biến nghe được hiểu được nhưng không nói được và viết được. Vậy gia đình tự đưa đến bệnh viện đa khoa của tỉnh để khám và giám định thì có được không. Nếu bác sĩ kết luận không tốt thì mình mang kết quả đó đến tòa án họ có chấp nhận kết quả đó không?
Nếu nghe được và hiểu được thì chưa chắc đã thuộc trường hợp không đủ khả năng nhận thức theo quy định. Tuy nhiên, năng lực hành vi dân sự của một người như thế nào sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của tòa án. Trong quá trình xem xét, tòa án có thể căn cứ vào kết quả giám định của bệnh viện hoặc trưng cầu giám định hay chấp nhận giám định như thế nào thì đó là nhận định, quan điểm của tòa án khi xem xét vụ việc và kết quả giám định cụ thể bạn nhé.
Việc tuyên bố ai đó mất năng lực hành vi dân sự là 1 việc hết sức nghiêm trọng, vì nó liên quan đến việc định đoạt tài sản của người đó, có khi có giá trị rất lớn. Vì vậy chỉ có toà án mới nên được giao quyền định đoạt việc này. Còn các tổ chức giám định khác thì chỉ nên quyết định về mặt chuyên môn mà thôi.
Đồng ý với bạn, dường như đấy cũng là quan điểm của hầu hết những nhà làm luật trên thế giới 🙂